Cuộc du hành từ văn tới sử

Thứ Ba, 31/07/2007, 16:38
Để hoàn thành 4 tập sách Truyện Danh nhân Việt Nam, nhà văn Ngô Văn Phú đã bỏ ra tới hai chục năm ròng nghiên cứu nhiều nguồn sử sách kết hợp với các chuyện kể lưu truyền trong dân gian.

Không hẹn mà gặp - trong khi lão nhà văn Tô Hoài đã hoàn tất bộ sách “100 truyện cổ tích Việt Nam” thì nhà văn Ngô Văn Phú cũng đã thực hiện xong bộ “Truyện danh nhân Việt Nam”. Điều đáng nói là cả hai bộ sách quy mô này đều được thực hiện bởi 2 tác giả có số lượng đầu sách xuất bản đứng vị trí nhất- nhì Việt Nam hiện nay.

Theo nhà văn Ngô Văn Phú tiết lộ thì để hoàn thành bộ sách (Nhà xuất bản Công an nhân dân in thành 4 tập, với cả thảy 153 truyện ngắn, ngót nghét 1.500 trang in), tác giả đã bỏ ra tới hai chục năm ròng nghiên cứu nhiều nguồn sử sách kết hợp với các chuyện kể lưu truyền trong dân gian.

Bộ truyện được sắp xếp theo trình tự thời gian. Tập 1 tác giả dành để đề cập tới các danh nhân lịch sử xuất hiện từ “thời dựng nước và tự chủ” tới thời Lý- Trần. Tập 2: thời Trần- Lê. Tập 3: thời Lê- Tây Sơn. Và tập 4 là thời Nguyễn.

Có thể nói, hầu như tất cả những nhân vật kì vĩ, tiêu biểu nhất của thời kỳ cổ- cận đại Việt Nam, các danh nhân ở hầu khắp mọi lĩnh vực, đều đã trở thành đối tượng để tác giả nghiền ngẫm phân tích và... nắn nót tô vẽ trong bộ sách này.

Đó là An Dương Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám v.v và v.v. Cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến vài trăm người. Điều này cho thấy vốn tri thức văn hóa xã hội và khả năng thu thập, xử lý tư liệu của tác giả thật đáng nể trọng.

Trong năm 2006 vừa rồi, dư luận từng rộ lên phản ứng  việc cuốn tiểu thuyết “Tây Sơn bi hùng truyện” của một tác giả có những tình tiết “hư cấu”, hạ thấp hình tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân. Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả cho vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân đầu hàng Nguyễn Ánh để bảo toàn tính mạng những người thân trong gia đình.

Đọc bộ sách “Truyện danh nhân Việt Nam”, ta thấy cách hành xử của Ngô Văn Phú khác hẳn. Quan điểm của ông là dù tung tẩy, “sáng tạo” đến mấy cũng không được làm biến dạng cái nền hiện thực. Tất nhiên, hiện thực có thể được phản ánh trong chính sử, hoặc qua dã sử, nhưng phải có căn cứ và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người dân.

Ví như, với trường hợp nữ tướng Bùi Thị Xuân, dù ông có vẽ vời tâm lý, thêm thắt tình tiết đến đâu chăng nữa, thì việc vị nữ tướng anh hùng đến phút chót cuộc đời vẫn bình tĩnh, dũng cảm đối mặt với cái chết, với cuộc hành quyết tàn bạo của đối phương (ở đây là quan quân của Gia Long Nguyễn Ánh) là thực tế không thể đảo ngược (xem truyện “Oai nữ trước pháp trường”, in trong tập 3 bộ sách).

Một trong những điểm khó, dễ vấp nhất của các tác giả viết truyện lịch sử, ấy là ngôn ngữ nhân vật. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong truyện ngắn “Đào kép mới” sáng tác năm 1936, chẳng đã giễu cợt một tác giả tuồng khi cho nhân vật đóng vai anh lính thời xa xửa xa xưa ấy cấp báo lên nhà vua: “Dạ, thậm cấp, thậm cấp, chí nguy, chí nguy! Quân nước Phiên đã kéo đến Lâm Truy, cách kinh kỳ có ba ki lô mét”.

Chỉ một cách dùng từ không hợp... thời (ki lô mét) đã đủ trở thành một tình tiết...gây cười. Trong bộ sách đồ sộ này, không ai dám khẳng định như đinh đóng cột rằng tác giả Ngô Văn Phú trong cách dùng từ hết thảy đều chuẩn mực, không để xảy những “hớ hênh” này khác. Song một điều chắc chắn là ông rất ý thức tránh cho các nhân vật lịch sử của mình đối thoại với nhau bằng những lời lẽ quá...hiện đại, gây phản cảm nơi người đọc.

Với cách dẫn chuyện linh hoạt, có chỗ lướt nhanh, có chỗ nhấn sâu, điểm kỹ, nhà văn Ngô Văn Phú đã dẫn người đọc vào một cuộc hành trình xa xăm và kỳ thú, giúp người đọc nâng cao hiểu biết, nhận thức về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung và về các danh nhân nói riêng.

Cách viết của ông kết hợp cả hai loại hình văn chương và báo chí, mà cái đích hướng tới là những vấn đề liên quan tới lịch sử, tới các nhân vật lịch sử.

Cho nên, có thể coi việc tiếp cận với bộ sách “Truyện danh nhân Việt Nam” của ông là một cuộc du hành từ văn tới... sử. ở đây, văn chương đã giữ vai trò lưu giữ những dấu ấn lịch sử và làm cho nó thăng hoa trở lại trong mắt các thế hệ hậu sinh.

Sinh thời, Bác Hồ từng làm thơ căn dặn đồng bào: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bộ “Truyện danh nhân Việt Nam” của nhà văn Ngô Văn Phú rõ ràng không chỉ là bộ sách dành cho một đối tượng độc giả...

Nhà thơ Vương Tâm: “Các nhà nghiên cứu lịch sử không “bẻ” ông được

- Được biết, trước khi in thành bộ, các truyện ngắn về đề tài lịch sử của nhà văn Ngô Văn Phú đã được giới thiệu với mật độ khá dày trên tờ Hà Nội Mới cuối tuần do ông làm Trưởng ban. Đó là chủ trương của tòa soạn hay chỉ là ý thích của cá nhân ông?

+ Đúng là có một thời gian, dễ đến cả chục năm, báo Hà Nội Mới cuối tuần thường xuyên đăng tải truyện ngắn lịch sử của Ngô Văn Phú. Trung bình cứ khoảng hai tháng một cái. Tất cả là vì truyện của ông hội tụ được nhiều yếu tố: Định hướng trong sáng, rõ rệt. Tác giả viết về lịch sử nhưng không “táy máy” đi vào những vấn đề uẩn khúc, khó hiểu. Cấu trúc truyện chặt chẽ, văn phong giản dị, dễ tiếp nhận. Chưa kể tên tác giả cũng là một sự đảm bảo. Nói chung, in truyện của Ngô Văn Phú, chúng tôi yên tâm vì ít nhất nó cũng thuộc diện “sạch nước cản”, người đọc có thể thích hay không thích nhưng khó có thể phàn nàn, kêu ca.

- Thế còn ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử thì sao?

+ Ấy, “bố” này tuy viết nhiều nhưng “chắc” lắm. Cái “khôn” của “bố” là cứ bám chắc vào những sự kiện lịch sử có thật, những sự cố từng xảy ra, từ đó ông hư cấu thêm một số tình tiết xung quanh để làm rõ, làm sinh động vấn đề hơn lên. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử không “bẻ” ông được. Công bằng mà nói, Ngô Văn Phú có tài dựng chân dung, hồn cốt nhân vật. Ông rất chú trọng đến diễn biến tâm lý nhân vật. Ông giỏi chữ Hán, nên đã “cài cắm” được vào từng truyện ngôn ngữ thời đại. Đọc rất có không khí...

- Viết về hàng ngàn năm lịch sử, thậm chí có những giai đoạn đầy kịch tính, song các truyện ngắn của Ngô Văn Phú có đặc điểm là khá gọn ghẽ. Liệu có phải vì ông “đặt hàng” nên nhà văn cũng chỉ viết ngắn vậy thôi?

+ Không. Không ai “đặt hàng” cả. Ông Phú là người làm báo chí văn nghệ lâu năm, hẳn ông sẽ tạo cho mình một tư duy linh hoạt, uyển chuyển. Có thể vì một đôi lần, do dung lượng không hợp khuôn khổ tờ báo, mình có động bút cắt. “Bố” thấy mình cắt, thế là lần sau “bố” kinh nghiệm, gửi bản thảo vừa đủ số chữ (vào tầm 2000- 2500 chữ). Lúc ấy mình có muốn cũng không cắt được. Nhưng đùa vậy, Ngô Văn Phú là người văn phong mạch lạc, sáng sủa. Anh em biên tập in truyện của ông cũng không phải vất vả.

- Nhưng viết nhiều, hóa thân vào nhiều nhân vật như thế, hẳn cũng có lúc Ngô Văn Phú gây cho người đọc một cảm giác nhàm chán?

+ Cũng có người cho là truyện của ông bình bình, “dễ in”, nhưng cứ đọc kỹ của ông mà xem, cũng đáng nể đấy chứ. Đến Hoàng Quốc Hải còn phải khen ông viết hóm, viết có duyên kia mà. Tất nhiên, những người viết truyện lịch sử nhưng nghiêng về yếu tố luận đề hơn là yếu tố truyện như Nguyễn Huy Thiệp có thể sẽ không thích cách viết của ông. Nhưng viết nhiều như ông, mà để không bị nhàm chán cũng không phải là một điều đơn giản. 

Thượng tá Nguyễn Thụ (Trưởng ban biên tập sách Chính trị - Nghiệp vụ- NXB Công an nhân dân): “Những cuốn như cuốn sách này, càng phổ biến rộng càng tốt”.

- Từ đâu ông có nguồn bản thảo này? Do tác giả đến “chào hàng” hay do  biên tập viên phát hiện ra?

+ Nhà văn Ngô Văn Phú là cộng tác viên “truyền thống” của NXB CAND. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ông đóng góp từ 2 tới 3 đầu sách. Thật ra, bộ sách nhắc tới trên cũng đã được ông đưa in lẻ ở một vài NXB khác. Chúng tôi chỉ có sáng kiến là tập hợp vào thành bộ. Phải nói đây là bộ sách đồ sộ. Dày tới 4 tập, hơn ngàn trang in. Mặc dù trước đây NXB CAND từng in nhiều truyện danh nhân Việt Nam và thế giới, nhưng đây quả thật là một bộ sách quý, giúp cho các đối tượng bạn đọc hiểu thêm về lịch sử nước nhà.

- Làm sách dày trang, giá thành đội lên nhiều, NXB có thực hiện liên kết xuất bản với một đơn vị nào?

+ Ngay khi mới ở dạng bản thảo, cuốn sách đã được một số đơn vị, trung tâm, nhà sách đến đặt mua và xin liên kết xuất bản. Song nhận thấy đây là một bản thảo hay, chất lượng tốt, nên đồng chí Giám đốc kiêm Tổng biên tập quyết định NXB tự in và phát hành. Sách in ra được dư luận bạn đọc trong và ngoài ngành chú ý. Đã có nhiều báo đăng bài giới thiệu cuốn sách. Đó cũng là lý do để lãnh đạo đơn vị tính nhuận bút cho tác giả ở mức 12%, vốn là cao so với mặt bằng hiện nay.

- Bộ sách đề cập tới nhiều nhân vật lịch sử, của nhiều thời kỳ, vậy trong quá trình xử lý bản thảo, các ông có tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn?

+ Chúng tôi có tham khảo ý kiến của một số bậc thức giả. Như có cuốn chúng tôi nhờ GS Phong Lê đọc, có cuốn nhờ bên Viện Bảo tàng Lịch sử đọc. Nói chung, ý kiến phản hồi cho thấy nhà văn Ngô Văn Phú đã xử lý tư liệu khá tốt, có trách nhiệm.

- Nghe nói, NXB Trẻ cũng đang chuẩn bị cho ấn hành bộ sách này, nhưng chia làm nhiều tập mỏng. Ông nghĩ gì về việc làm này?

+ In theo khuôn khổ đó hợp với đối tượng trẻ tuổi. Theo quan điểm của tôi, những cuốn sách như thế này càng phổ biến rộng càng tốt.

Phạm Khải
.
.