“Cuộc đổ bộ” ngoạn mục của các nhà văn Công an

Thứ Sáu, 26/01/2007, 10:30
Cuộc thi Truyện ngắn Văn Nghệ Quân đội là cuộc thi văn học có uy tín, mang tính truyền thống. Trong cuộc thi này, các nhà văn Công an đã làm một cuộc đổ bộ ngoạn mục với đội ngũ tác giả trẻ sung sức: Vũ Xuân Tửu, Phan Đình Minh, Nguyễn Xuân Hải, Dương Bình Nguyên, Bạch Lê Vân Nguyên…

Cuộc thi Truyện ngắn Văn Nghệ Quân đội đã đi hết chặng đường 2 năm (2005 - 2006). Đây là cuộc thi văn học có uy tín, mang tính truyền thống và nằm trong chương trình hành động tiến tới kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (Tháng 1/1957  - Tháng 1/2007)

Trong cuộc thi này, các nhà văn Công an đã làm một cuộc đổ bộ ngoạn mục với đội ngũ tác giả trẻ sung sức: Vũ Xuân Tửu, Phan Đình Minh, Nguyễn Xuân Hải, Dương Bình Nguyên, Bạch Lê Vân Nguyên…

Vũ Xuân Tửu đem đến cuộc thi 5 truyện. Đa số các truyện ngắn của anh đều ngắn, gọn, không cầu kỳ về kỹ thuật. Văn của Vũ Xuân Tửu nhẹ nhàng nhưng thấm sâu. Truyện có nhiều khoảng trống dành cho liên tưởng. Anh đã tạo cho người đọc cảm nhận được sự giản dị trong suy nghĩ, hành động của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc.

Tất cả những điều đó rất rõ hình, rõ nét trong truyện ngắn “Người ở bản Piát”. ở cái bản người Tày ấy trai gái lớn lên biết so dây tính tẩu, biết hát loàn, biết đến những phiên chợ để đàn, để hát, để chơi và để… “kết tồng” rồi để cùng “sống tết, chết giỗ”. ở cái nơi tưởng chừng như hoang sơ, lạnh lẽo ấy, tình người lại ấm áp vô cùng.

Những con người không nỡ giết cả những con thú phá nương. Họ sống để yêu nhau và yêu thiên nhiên. Nhưng cũng chính những con người ấy lại sẵn sàng cầm súng và hy sinh khi cần. Câu chuyện là một chuỗi những ký ức đẹp và buồn.

Chiến tranh khúc xạ qua một bản vùng cao nên mức độ khốc liệt bi thương đã giảm thiểu, chỉ còn kết tủa ở những hình ảnh ám ảnh nhất. Thời gian cứ trôi. Mọi thứ tưởng đã lùi xa rồi mà vẫn thấy hiển hiện đâu đây qua cảnh vật và con người Piát. Vũ Xuân Tửu xứng đáng bước lên bục để nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi này.

Cây viết Công an đạt giải tư trong cuộc thi này là Phan Đình Minh, một người lính… kỹ thuật. Văn Phan Đình Minh đậm đặc chất quê của đồng bằng Bắc bộ. Nếu ví văn của Vũ Xuân Tửu là tiếng đàn tính tẩu, tiếng hát loàn thì văn của Phan Đình Minh là tiếng chim gáy thổ đồng.

Tuy giải thưởng được trao cho truyện ngắn: “Mùa hoa liễu quế hương” nhưng cái chất truyện của Phan Đình Minh được thể hiện rõ nhất lại là ở truyện ngắn “Gió đắng sân chùa”.

Đọc xong truyện ngắn “Gió đắng sân chùa” của Phan Đình Minh thấy một mảng ký ức của làng quê xưa dội về, thân thương quá và da diết nhớ, nhớ cả những yêu ghét buồn vui. Truyện viết khéo với lối đồng hiện, thâm trầm như người già kể về thăng trầm cổ tích làng. Đọc văn thấy tác giả ngồn ngộn vốn sống.

Trong số các tác giả Công an dự thi truyện ngắn lần này còn có…nhà thơ Nguyễn Xuân Hải. Không biết có phải thơ vốn cô đọng, hàm súc nên không thể chuyển tải được những gì anh muốn giãi bày tâm sự, hay do là biên tập của tờ Văn nghệ Công an, phải đọc nhiều nên nó nhiễm vào người cái máu… văn xuôi.

Cũng có thể do một ngày… đẹp trời nào đó, anh thấy hình như mình cũng viết văn xuôi được. Truyện ngắn “Câu hát ngày xưa” của anh mang đậm chất thơ và có phần ảo dị. Tôi thích tính ảo dị trong văn anh. Những gì xảy ra ở cái chợ quê ấy, dưới gốc đa ấy nó cứ như một bức tranh Đông Hồ vậy. Đẹp, thanh bình và man mác buồn.

Cây viết Công an trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi này là Dương Bình Nguyên. Đọc “Hạt cải lạc loài” nhiều người vui mừng nhận thấy đây là một bước chuyển biến về chất trong truyện ngắn của anh.

Truyện của Nguyên nhiều chi tiết, tầng tầng, lớp lớp. Nhưng cũng chính cái sự ôm đồm, “tham” chi tiết của anh đã làm cho truyện đôi khi rườm rà, rối. Tôi tin kể từ cuộc thi truyện ngắn  này anh đã bắt đầu bước vào một chặng viết mới.

Từ miền Trung nắng gió, Bạch Lê Vân Nguyên cũng gửi truyện dự thi. Đọc “Diều ơi bay lên” của anh sao mà thấy thương, đắng đót cho phận người. Chị bước từ chiến trường ra, còn anh thì bị chiến tranh làm cho ngớ ngẩn.

Nhưng bằng chính tình yêu thương, cảm thông, hạnh phúc đã mỉm cười với họ. Nhưng cũng chính giây phút tình yêu kết trái thì chị lại phải vĩnh viễn ra đi. Một mầm sống mới, một niềm ước mơ hãy bay lên cùng cánh diều thanh bình. Giọng văn của anh giản dị, ấm áp đầy tình thương yêu con người.

Đội ngũ nhà văn Công an đang rất dồi dào và sung sức. Nhưng có lẽ vì quá  bận rộn với công việc nên một số tác giả xuất hiện ở cuộc thi trước lần này không tham gia được. Tuy vậy, chỉ với 5 người, họ đã tạo được một ấn tượng đẹp...

Nguyến Thế Hùng
.
.