Sau danh hiệu "Phim hay nhất" dành cho "Argo":

Cuộc "chiến đấu" vẫn còn tiếp diễn

Thứ Bảy, 06/04/2013, 08:00

Như chúng tôi đã phản ảnh trên Báo VNCA số ra ngày 4/3/2013, sau khi bộ phim "Argo" của đạo diễn trẻ người Mỹ Ben Afleck giành được Tượng Vàng Oscar cho danh hiệu "Phim hay nhất" tại Lễ trao giải Oscar vừa qua, chính quyền Iran đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc trao giải thưởng cho bộ phim này, một bộ phim mà họ cho là có nhiều tình tiết xuyên tạc lịch sử. Trước đó, ngay khi bộ phim được công chiếu, chính quyền Iran cũng đã ra lệnh cấm lưu hành bộ phim tại Iran.

=> Phim "Argo" đoạt giải Oscar cho danh hiệu "Phim hay nhất"

Cho đến trung tuần tháng ba này, sự việc càng trở nên rắc rối và có xu hướng ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo tin từ Hãng AP, hiện chính phủ Iran đang có kế hoạch khởi kiện Hollywood và nhà sản xuất "Argo" với cáo buộc bộ phim đã "miêu tả không chân thực" về tình hình đất nước của họ và thực tế cũng đã có một luật sư người Pháp là bà Isabelle Coutant - Peyre đang ở Iran để thảo luận với giới chức nước này về việc sẽ khởi kiện ở đâu và bằng cách nào.

Ý định khởi kiện được đưa ra sau khi các quan chức văn hóa Iran được xem một suất chiếu hạn chế bộ phim tại một rạp hát ở thủ đô Tehran vào tối 11/3 và tất cả đều tỏ ra "bất bình" về những gì thể hiện trong phim.

Mặc dù các nhà sản xuất "Argo" từng "rào trước" rằng đây không phải là một bộ phim lịch sử (xen kẽ trong đó là nhiều tình tiết hư cấu), song điều đó không ngăn trở nhiều ý kiến phản ứng với những chuyện mà họ cho là "không có thật" của bộ phim. Không chỉ là chuyện phản ứng từ phía chính quyền Iran, gần đây, Quốc hội New Zealand cũng lên tiếng phản đối về những chi tiết được cho là "không chính xác" trong phim. Ông Winston Peters, thủ lĩnh đảng New Zealand First, hiện là Ngoại trưởng New Zealand đã tỏ ra không "hài lòng" với việc các nhà làm phim thể hiện các chính trị gia New Zealand đã thờ ơ, bỏ mặc những nhà ngoại giao Mỹ gặp nạn tại Iran hồi năm 1979. Ông Winston Peters khẳng định đó là một "sai lầm nghiêm trọng" của các nhà làm phim bởi trên thực tế, một nhà ngoại giao New Zealand đã tham gia vào quá trình giúp những người Mỹ này trốn khỏi thủ đô Tehran. Người này đã lái xe đưa những người người Mỹ tới sân bay ở Tehran để từ đó họ có thể bay sang Thụy Sĩ. "Những nhà ngoại giao New Zealand đã can đảm giúp đỡ cho các con tin người Mỹ. Hành động của họ đáng được ghi vào sử sách. Vậy mà rất tiếc, nó đã bị làm sai lệch" - Ông Winston Peters khẳng định. Trong cuộc họp mới đây, các nghị sĩ của Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu nhất trí hỗ trợ việc Ngoại trưởng Winston Peters đứng lên lên án nội dung của bộ phim "Argo".

Mặc dù cựu Tổng thống Jimmy Carter - một nhân vật bị chế giễu một cách đầy hài hước trong bộ phim - lên tiếng nhận xét các tác giả bộ phim đã "hoàn thành một bi kịch vĩ đại", rằng bộ phim hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar, song ở khía cạnh khác, ông cũng khẳng định rằng bộ phim chỉ đúng được độ 70 đến 80% những gì xảy ra trong thực tế.

Lại nhớ, khi "Argo" được công chiếu tại Liên hoan phim Toronto, cũng đã có một số quan chức Canada lên tiếng nhắc nhở nhà sản xuất phim đã không đề cập đúng mức những đóng góp của Đại sứ quán Canada trong cuộc giải cứu con tin năm đó. Lời trách móc này "nặng đô" tới mức bản thân đạo diễn Ben Affleck cũng đã phải đồng ý chỉnh sửa lại một số chi tiết trong phim để khẳng định công lao của Đại sứ quán Canada.

Riêng chính phủ Anh thì với "Argo" đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Tiếng là một đồng minh "sống chết" của Mỹ, song qua những gì bộ phim này phản ảnh, họ không thể không xấu hổ khi thấy, họ đã làm lơ không hề có động thái gì giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin tại Iran năm ấy

Trần Định
.
.