Tản văn

Cụ Rùa và lũ tai đỏ

Thứ Ba, 24/05/2011, 08:03
Nghe tin cụ Rùa Hồ Gươm đã được đưa vào "bệnh viện thông minh" để chữa trị, nhiều người dân hỉ hả vui mừng. Tôi cũng thế, không có điều kiện ra Bờ Hồ xem trực tiếp cảnh đưa cụ vào nơi điều trị nhưng đọc trên mạng, biết tin cũng thở phào nhẹ nhõm...

Có điều gì đó không nói ra hết, không giãi bày đầy đủ được về tình cảm của chúng ta đối với cụ. Dù, như ai đó đã viết trên một trang web đại ý rằng: rùa Hồ Gươm cũng chỉ là một sinh vật thôi, cũng sinh lão bệnh tử như mọi sinh vật khác, vì thế chuyện ốm yếu của nó nên xem bình thường. Đúng, rất đúng nếu nhìn bằng con mắt trần tục, nhưng ngẫm kỹ thì chưa phải nếu không muốn nói là hồ đồ, thô thiển.

Này nhé, đứng trước tượng đài một vị anh hùng hay danh nhân của dân tộc, không ai nghĩ rằng mình đang đứng trước một vật vô tri, vô hồn, vô nghĩa cả. Ít ai ngạo mạn nghĩ rằng: Có gì đâu, đó cũng chỉ là khối bê tông hay kim loại đúc nên mà thôi. Sau tượng đài Trần Hưng Đạo là âm vang "Hịch tướng sĩ" từ thế kỷ XIII với những lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hung bạo. Cũng thế, ngắm tượng đài Nguyễn Trãi ta không thể quên "Bình Ngô đại cáo" của Người cũng như ngậm ngùi xót xa nghĩ tới oan án Lệ Chi Viên hơn sáu trăm năm về trước. Tượng Nguyễn Du đấy, là hồn vía của một đại thi hào viết nên "Truyện Kiều" bất hủ từ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" của nhân gian, của những kiếp phận long đong chứ đâu chỉ là khối bê tông đúc thành… Tám vệt mây trắng hiện trên bầu trời Đền Đô cũng gợi nhắc tới cuộc vân du của tám vị vua thời Lý lừng lẫy. Ẩn sâu trong cảm xúc ấy là tâm linh, những điều khó giải thích được tới ngọn ngành, thấu triệt bằng kiến thức đương đại. Mà cũng đừng lý giải làm gì, đó là phần sâu nhất, khuất nhất và cũng kỳ diệu nhất của con người, của thế giới này.

Cụ Rùa, dân Việt gọi như vậy, cảm nhận như vậy, tôn vinh như vậy bởi "sinh vật" ấy gắn liền với câu chuyện mượn - trả kiếm của người Anh hùng Lê Lợi với Thần Kim Quy. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Gươm được coi là nơi hội tụ khí thiêng của nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, của dải non sông mang dáng Rồng bay này. Đó chính là bóng dáng của lịch sử còn lưu lại hôm nay, thực ảo quyện hòa nhau trong tâm thức dân tộc, đồng bào.

Có thể sau này, cụ Rùa không còn nữa nhưng ánh hào quang lịch sử ấy vẫn thấp thoáng Hồ Gươm như sự linh thiêng không bao giờ tắt lịm. Một linh vật gắn bó với Hồ Hoàn Kiếm hằng mấy thế kỷ như vậy đã vượt qua khái niệm một thực thể bình thường rồi. Hiện tại và mai sau, đó vẫn là sự thiêng liêng mà dân tộc Việt này tôn vinh kính trọng. Nhân dân ta nhìn cụ bằng tấm lòng, bằng trái tim chứ không phải là bằng đôi mắt trần trụi, bằng bộ óc sặc chữ.

Bao nhiêu người lo lắng khi cụ ốm. Không thể không đau xót khi thấy cụ chìm nổi ngoi ngóp trong lòng hồ bị ô nhiễm, mai móng bị tấy đỏ bấy bớt do nước bẩn và bị lũ rùa tai đỏ gặm nhấm. Lũ rùa tai đỏ là sinh vật ô tạp, tham lam, phàm ăn tục uống. Nó đáng bị lên án, bị xử lý, bị trừng trị đích đáng như những tên phá hoại, xâm lăng. Lũ tai đỏ đã len lách mọi nơi trên đất nước này và chúng đã có mặt ở Hồ Gươm, lặng lẽ tấn công gặm mòn linh vật của ta!

Nhìn cái thứ sinh vật ngoại lai này tràn ngập muôn nơi và bơi lội trong Hồ Gươm, lại trách kẻ mông muội "rước" cái lũ tai đỏ về đất Việt mình, về Hồ Gươm mà không tính được lợi hại trước sau. Trước đây đã khốn khổ vì bè lũ ốc bươu vàng nay lại mệt mỏi vì bầy rùa tai đỏ. May mà, ta phát hiện kịp để còn nghĩ cách trừng trị, loại bỏ cái lũ sinh vật xâm lăng vô cùng nham hiểm này.

Tôi tin, cụ Rùa sẽ thoát bệnh, Hồ Gươm trở lại trong lành. Khí vận vằng vặc dạt dào. Nước thịnh. Dân an. Lũ tai đỏ chỉ còn là câu chuyện cổ tích của dân chúng, rằng: Những năm đầu thế kỷ XXI, ở Hồ Gươm có một loài vật tặc… định "chén" cụ Rùa… nhưng… cuối cùng bị tiêu diệt sạch sành sanh…                               

Đồng Xa, ngày 4/4/2011

Nguyễn Hữu Quý
.
.