Công trình mới về người khởi đầu Thơ mới

Thứ Năm, 13/03/2008, 11:00
Vào tháng 12 vừa qua, NXB Giáo dục tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn "Thế Lữ - về tác gia và tác phẩm". Đây là một việc làm hết sức cần thiết bởi vào thời điểm đó, giới văn nghệ nước nhà đang có các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà nghệ sĩ đa tài Thế Lữ,

Bộ sách tham khảo "Về tác gia và tác phẩm" được NXB Giáo dục tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay nhằm giới thiệu với bạn đọc một cách có hệ thống các tác giả tiêu biểu của lịch sử văn học Việt Nam.

Sau khi đã ấn hành nhiều cuốn dành cho các đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính…, vào tháng 12 vừa qua, NXB Giáo dục tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn "Thế Lữ - về tác gia và tác phẩm".

Đây là một việc làm hết sức cần thiết không chỉ bởi vào thời điểm đó, giới văn nghệ nước nhà đang có các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà nghệ sĩ đa tài Thế Lữ, mà còn bởi  so với các bậc tài danh nhắc tới trên, đáng lý ra cuốn sách phải được xuất hiện sớm hơn. Không chỉ là chuyện so sánh tài năng, Thế Lữ còn đứng ở một vị trí hết sức đặc biệt.

Nói như nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ: "Về nhiều mặt hoạt động văn nghệ, ông vừa là người khai phá đầu tiên, vừa có những đóng góp xuất sắc", trong đó có việc sáng lập nên phong trào Thơ Mới.

Nhưng dẫu sao, như người đời vẫn nói: "muộn còn hơn không".

Cuốn sách dày trên 500 trang, tập hợp các bài phê bình, nghiên cứu, hồi ức… của trên năm chục tác giả, chủ yếu xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp văn học nghệ thuật của Thế Lữ.

Sách do nhà thơ Phạm Đình Ân sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Bài tiểu luận dài hơn ba mươi trang khổ lớn (16x24cm) với tên gọi "Thế Lữ với những đóng góp vào tiến trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật Việt Nam" in ở phần mở đầu cuốn sách là một bài nghiên cứu tương đối công phu và quy mô của Phạm Đình Ân về Thế Lữ.

Phần "Tiểu sử Thế Lữ" do ông soạn thảo cũng khá chi tiết và cập nhật, giúp bạn đọc thấy được những nét cơ bản trong cuộc đời hoạt động ngỡ như bình lặng mà thực ra là rất sôi nổi, có nhiều khúc ngoặt của người nghệ sĩ đa tài này.

Về cấu trúc, cuốn sách được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất: "Văn nghiệp và cuộc đời". Phần hai: "Thơ và văn xuôi nghệ thuật". Phần ba: "Thế Lữ và nghệ thuật biểu diễn sân khấu kịch nói".

Đây là một cách sắp xếp khá hợp lý, nó xâu chuỗi được các bài viết đơn lẻ vào một hệ thống nhằm làm nổi bật những mảng miếng trong đời sống và sáng tác của Thế Lữ, giúp độc giả tiếp cận được với ông ở từng chủ đề riêng biệt, đồng thời cũng tạo cho người đọc, nhất là những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về Thế Lữ một sự so sánh, đối chiếu cần thiết, để rồi qua ý kiến của từng tác giả, họ đúc rút cho riêng mình một cách nhìn nhận chuẩn mực hơn.

Đặc biệt, ở từng phần, người biên soạn đã chọn lựa và cung cấp cho độc giả những bài viết vừa có tầm  học thuật vừa có hàm lượng thông tin cao. Không chỉ các đại biểu của phong trào Thơ Mới (như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Vỹ…), các nhà thơ nổi tiếng lớp sau (Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Anh Ngọc…), các nhà phê bình nghiên cứu cự phách (Hoài Thanh,Vũ Ngọc Phan, Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Nguyễn Hoành Khung…)  có bài in trong tập mà những người thân trong gia đình Thế Lữ (như nghệ sĩ Song Kim - phu nhân của ông, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - con trai ông…) cũng được "vời" đến. Điều này không chỉ cho thấy sự công phu của người làm sách mà còn cho thấy sức hút của Thế Lữ đối với giới văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam.   

Tất nhiên, là một nhà thơ, cách tuyển chọn, biên soạn của Phạm Đình Ân cũng mang đậm dấu ấn của nhà thơ, nghĩa là nó hơi nghiêng về văn học, nhất là mảng thơ ca. ấy là căn cứ trên những gì phơi trải trong cuốn sách. Bởi biết đâu, sự nhiều ít của từng mảng bài còn bị chi phối bởi yêu cầu dày mỏng của nhà xuất bản

Nhà thơ Phạm Đình Ân: "Đọc thơ ông, tôi rất thương ông..."

-  Thưa nhà thơ Phạm Đình Ân, từ đâu ông nảy ý định nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Thế Lữ? Do sức hút của thơ, hay vì giữa Thế Lữ và Phạm Đình Ân có những ân tình riêng?

+ Mình chưa hề được gặp ông Thế Lữ lần nào. Về huyết thống, cũng chẳng có dây mơ rễ má gì. Nhưng qua sách báo, thơ văn, giai thoại,  mình rất ngưỡng mộ và rất quan tâm đến người mở đầu phong trào Thơ Mới này. Thế rồi, nhân khi chọn đề tài khoa học về một tác giả của văn học lãng mạn thời kỳ 1932 - 1945, mình đề xuất làm về nhà thơ Thế Lữ và được các giáo sư, các bậc đàn anh rất ủng hộ. Cũng có ý riêng là, đề tài về Thế Lữ chưa có mấy người thật chuyên sâu.

- Theo tôi khảo sát thì đến nay, Thế Lữ vẫn là một cái tên mà khi nhắc tới, còn nhiều người biết…

+ Quá nổi tiếng là khác. Chùm thơ 7 bài của ông trong "Thi nhân Việt Nam" được người ta nhắc đi nhắc lại. Song qua tìm hiểu, mình có cảm giác là, công lao của Thế Lữ ai cũng biết, ai cũng thừa nhận, nhưng đi vào nghiên cứu cụ thể tác phẩm của ông thì nhiều người… tránh. Không biết là do ý thích, sở trường hay vì người ta nghĩ ông đã được bình giá, sắp xếp phân loại rồi. Bởi vậy mà thành ra lại chưa có công trình nào nghiên cứu thật sâu, thật  đầy đủ và toàn diện về sự nghiệp của ông.

- Bộ sách này được ông thực hiện trong bao lâu? Và việc tìm kiếm tư liệu có nhiều khó khăn?

+ Tính từ khi có ý đồ thì vào khoảng 7 năm, còn ráo riết thực hiện thì độ 5 năm. Khó khăn chính là tài liệu về Thế Lữ tản mạn khắp mọi nơi mọi chốn, vì ông sáng tác và hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đã có năm, như tết 2003, mình ăn bánh mì lang thang trên các hiệu sách cũ ở Sài Gòn để lùng tìm tài liệu. Mình cũng nhiều lần vào Thư viện Quốc gia tìm đọc báo Ngày nay. Nói tóm lại, để sưu tầm, biên soạn cuốn sách này, mình cũng đã "nhặt nhạnh" trong khoảng… 500 cuốn.

- Với lượng in rất hạn chế, chỉ 500 bản, hẳn ít nhiều ông cũng bị "lõm" khi đầu tư làm cuốn sách?

+ Có lẽ đấy cũng là lý do khiến các nhà nghiên cứu ngại không dám làm những cuốn như thế này, mặc dù mình biết có những người giỏi hơn mình. Lại nhớ có lần, cách đây chừng 3 năm, ở một hiệu photocopy, khi mình đang loay hoay sao chụp tài liệu thì bị kẻ gian bẻ khóa, lấy béng đi cái xe đạp Nhật.

Cái xe này là xe cũ, mình mua lại của người ta trên đường Bà Triệu, lúc ấy khoảng triệu hai. Tất nhiên, kể vậy chứ mình không tính cái sự rủi ro này vào "giá thành" làm sách (cười). Do mình sơ sểnh thì phải chịu thôi. Còn nếu nói hạch toán kinh tế, từ xăng xe đi lại, thời gian, tiền thuê đánh máy, phôtô tài liệu thì nói thực là cũng… lõm.

- Được biết, có khá nhiều bài trong tập sách ông phải đặt lại tiêu đề. Đó là do NXB yêu cầu hay vì ông nhận thấy những cái tên ấy chưa được ưng ý?

+ Hoàn toàn do mình tự giác làm việc đó. Những bài có nhan đề không hay, dài dòng, không trúng, hoặc thô quá, mình đặt lại cho súc tích, ngắn gọn. Sự sắp xếp, cấu trúc cuốn sách mình thực hiện cũng kỳ công. Thật ra, cuốn này đáng ra phải dày nữa. Trong máy tính của mình còn 1/3 số trang tạm gác lại. Chẳng qua là NXB sợ sách dày, giá nó đội lên, khó bán.

- Những đánh giá, nhận xét về thơ Thế Lữ khá nhiều. Theo ông, ý kiến nào là xác đáng hơn cả? Phải chăng vẫn là những ý kiến của "vua phê bình" Hoài Thanh trong "Thi nhân Việt Nam"?

+ Không hẳn! Hoài Thanh rất tài giỏi, tinh tế, nhưng không phải chỗ nào Hoài Thanh cũng đúng hoàn toàn và… hay hết. Ngay như phát biểu về Thế Lữ, Hoài Thanh cũng có ý kiến sai.

Như khi ông viết: "Có hồi Thế Lữ đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều, nên thi nhân tưởng quê mình là "tiên giới" và quên rằng đặc sắc của người chính là ở chỗ tả những vẻ đẹp thực của trần gian!". Chỗ này, nhận định của Hoài Thanh chưa tinh tế.

Thực ra, quê hương của Thế Lữ là… trên giời đấy chứ. Đấy là "quê hương sáng tác" của ông ấy. Đừng nhầm với quê hương thực và đừng nhập chúng làm một. Đôi khi, trong những không gian nhất định, tâm thế nhất định, đấy lại là "quê hương" của những người làm thơ.

Cũng như tôi - Phạm Đình Ân - có nhiều đêm tôi mơ về một quê hương nào đấy, không có thật. Đấy chính là "quê hương sáng tạo", mộng tưởng của tôi, chứ đâu phải chúng ta chỉ có một quê hương của ông bà tổ tiên…

- Vậy còn ý kiến của cá nhân ông. Với tư cách một nhà thơ, ông có phát hiện thêm gì trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thơ Thế Lữ?

+ Khi nghiên cứu Thế Lữ, mình thấy ý kiến của mình té ra trước đây đa phần là theo người khác. Thật ra, Thế Lữ không chỉ mơ màng, du dương, mây gió thôi đâu, mà ngay từ khi rất trẻ, ông đã rất nặng lòng với cuộc sống.

Ông là nhà văn hiếm hoi thời ấy đã nhấn mạnh cuộc đấu tranh của nhân cách với cái xấu xa của lòng người. Không hiểu sao bấy lâu nay người ta không để ý khía cạnh này của Thế Lữ. Thế Lữ, ngoài một cái tôi bay bổng, lâng lâng, còn một cái tôi căm ghét sự tráo trở của người đời.

Thơ Thế Lữ vì thế có nhiều hình ảnh bộc lộ sự day dứt, giận hờn… "Cuộc đời khó sống quá"- trong nhật ký ông đã ghi như thế. Và trong thơ ông cũng bộc lộ ra như thế. Đọc thơ ông, tôi rất thương ông. Một vài bài ở miền Nam trước đây cũng có nhắc tới đặc điểm trên, nhưng chỉ là nhắc qua…

- Hy vọng bạn đọc sẽ được "bù đắp" khi cuốn chuyên luận riêng của ông về Thế Lữ được in ra…

+ Có lẽ đến 2009, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Thế Lữ, tôi sẽ cho xuất bản tập sách. Hiện còn nhiều chỗ tôi cần hoàn chỉnh thêm. Nếu in thành sách riêng, nó cũng phải tới 300 - 400 trang. Khi đưa vào bộ sách ta đang nhắc tới đây (tức cuốn "Thế Lữ - về tác gia và tác phẩm"), tôi phải rút ngắn nhiều. Nhưng theo anh em trong NXB nhận xét thì như thế là quá được ưu ái rồi. Thường thì những bài tiểu luận in trong loạt sêri sách này chỉ được chừng mươi trang, chứ không phải tới trên ba chục trang như bài viết của tôi.

- Xin cảm ơn nhà thơ Phạm Đình Ân

Hà khải Hưng (thực hiện)
.
.