Con lợn cương thi

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:00
Vừa ra Tết, người Việt đã có chuyện để gây tranh cãi với nhau với một không khí ồn ào, hừng hực khí thế như thể muốn ăn tươi nuốt sống lẫn nhau vậy. Và trớ trêu hơn nữa, điều mà họ mang ra để cãi nhau như mổ bò trên các diễn đàn xã hội lại xoay quanh chuyện đàn ông - đàn bà, bình quyền giới giữa hai phía khi mà Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa trôi qua chưa lâu, ngày mà các đấng mày râu đã từng hân hoan chọn mua quà, mua hoa cho vợ để tỏ rõ sự ga lăng của mình.

Chung quy cũng chỉ từ một bài viết mang quan điểm cá nhân của một nữ nhà văn - Trang Hạ - với một câu khá "nặng" là "đàn ông mà về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn".

Phải thừa nhận, dù không thể tách một câu văn khỏi ngữ cảnh của nó mà mổ xẻ độc lập để từ đó quy chụp quan điểm của tác giả đi nữa thì những điều Trang Hạ viết cũng khá hằn học đối với đàn ông. Người Á Đông khác với người phương Tây ở chỗ họ coi việc bị ví với con vật là một xúc phạm nặng nề. Trong khi đó, ở phương Tây, nhất là thời hiện đại này, khi con người ta yêu động vật hơn, coi động vật như bạn bè, chuyện bị so sánh với chú ỉn hay chú tuất với họ chẳng nặng nề gì. Người phương Tây chỉ ghét mỗi một thứ: bị gọi là "loser", tức là kẻ thất bại.

Nhưng chuyện thái độ hơi có chút hằn học của Trang Hạ hay cái nhìn quá chủ quan, đánh giá đàn ông lịch lãm chỉ qua chuyện có biết giúp vợ làm việc nhà hay không cũng chỉ là quan điểm cá nhân của nữ văn sĩ ấy mà thôi. Và phàm đụng đến quan điểm, một tranh luận xã hội văn minh phải là một tranh luận cởi mở mà mọi người phải biết chấp nhận những khác biệt quan điểm với mình thay vì hằn học lại với chúng và từ đó, hằn học luôn với chính người đưa ra những quan điểm khác biệt ấy. Và các tranh cãi của mọi giới ở Việt Nam vừa rồi xoay quanh chuyện Trang Hạ phát ngôn như thế đã không đủ tầm tranh luận ở chỗ đó. Rất nhiều người trong số họ, có cả những người đàn ông vốn dĩ được coi là lịch sự xưa nay, đã không tìm cách phản bác quan điểm của Trang Hạ bằng một quan điểm có lập luận đàng hoàng mà họ tìm cách thóa mạ cô, đặc biệt là khi đưa ra những nhận xét về ngoại hình của cô, điều tối kỵ trong cách tranh luận ở một xã hội dân chủ và văn minh.

Tất cả những hằn học với Trang Hạ ấy, thực chất, cốt lõi, chung quy cũng chỉ vì các "quý ông" đã không thể kiềm chế nổi cơn tam bành vặt vãnh của mình, hay nói cách khác là máu nóng dồn lên não quá nhanh, khi tự kỷ ám thị cho rằng "Trang Hạ là ai mà dám bảo tôi là con lợn".

Tự nhiên, thèm được cấp tiến như phương Tây. Giá như đàn ông Việt nghĩ rằng chuyện con lợn có khi cũng chỉ là một con thú cưng xinh xắn thì hay biết bao. Lúc ấy họ sẽ quan tâm hơn đến chuyện họ đã thành công (ở mức độ mà họ đặt ra) trong cuộc sống hay chưa thay vì bàn chuyện ăn - ngủ - tắm vv... như cái phần "CON" nhiều hơn là cái phần "NGƯỜI".

Nhưng điều ước ấy xa xỉ quá. Chỉ cần họ thấu cảm rằng lợn chẳng có gì xấu cả, thậm chí còn được tôn lên làm Ông Ỉ (ở làng Ném Thượng chẳng hạn) thì họ sẽ thấy cái chuyện so sánh ấy chẳng có gì là mạ lỵ hay xúc phạm quá đáng. Tất nhiên, có người sẽ nói "làm ông Ỉ thì cũng bị chém" nhưng ai mà chả phải chết. Chết mà còn được người ta gọi bằng ông còn hơn là sống mà bị gọi bằng thằng.

Câu chuyện nhỏ ấy thực tế chỉ ra một vấn đề cực lớn của xã hội Việt. Ấy là chúng ta quá dễ bốc đồng, cảm tính, nóng nảy và nói thẳng là dễ bị cuốn vào một câu chuyện vớ vẩn và lãng nhách trong khi thực chất ngoài đời sống, còn quá nhiều điều quan trọng mà ta bỏ quên chưa làm chỉ vì lười. Hóa ra, người ta không sợ thất bại bằng sợ bị ví von với con vật cũng bởi thế.

Để kết lại câu chuyện mới mà rất cũ này, chỉ xin nhắc lại một chi tiết cực quan trọng. Vụ tranh luận đàn ông - con lợn này thực ra là một chiêu PR cách đây hơn hai năm, được dựng lên với hai nhân vật đối lập nhau ở hai chiến tuyến là Trang Hạ và đạo diễn Lê Hoàng. Bây giờ, tự nhiên một trang báo mạng nào đó moi móc lại nó, đúng vào dịp này, thế là thành chuyện. Những gì chết rồi bỗng sống dậy, xưa nay người ta hay gọi là cương thi và câu chuyện con lợn của Trang Hạ thực tế chỉ là câu chuyện cương thi mà thôi.

Nhưng, giật mình đi nhé, chúng ta, những người lao vào cái cương thi ấy mà "lên đồng tập thể" cũng chỉ là cương thi mà thôi. Đơn giản, cương thi không hề có chút nào gọi là lý trí.

Hà Đan Anh
.
.