Còn gì là "Hương Thầm"!

Thứ Hai, 15/06/2009, 08:30
Chẳng cần nói, hẳn nhiều người cũng biết rằng hiện tại, ở nước ta, các hàng quán karaoke đang thi nhau mọc lên, nhiều như nấm. Và chẳng cần tìm hiểu nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng đoán được các băng hình  mà ông chủ bà chủ của những hàng quán đó  sử dụng có nội dung gì, xấu tốt như thế nào. Chỉ cần nhìn hình ảnh nam ca sĩ mặc quần áo rằn ri kiểu lính ngụy mà cất tiếng hát thật thống thiết:

Ôi, thôi nhớ mong chi
Cô em đã ra đi
Khi quân giặc kéo về

là ta có thể hiểu ngay chữ "giặc" ở đây là muốn chỉ ai. Nhưng thôi, phần đó xin nhường các nhà quản lý văn hóa làm việc, tôi chỉ xin nêu một hiện tượng gần đây tôi được chứng kiến, qua đó có thể thấy các nhà "sản xuất" băng hình kia đã không từ một thủ thuật nào để hạ thấp giá trị của một số tác phẩm vốn được xem là lành mạnh.

Gần đây, tôi có dịp ghé qua chơi Sầm Sơn. Buổi tối, sau khi đi dạo loanh quanh bờ biển, tôi ghé vào một quán nước giải khát và xem thiên hạ hát karaoke. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong đống băng hỗn độn ấy có xen vào một băng gồm những bài chúng tôi vẫn thường hát thuở còn là học sinh, sinh viên.

Băng đó được đặt tên là băng "nhạc đỏ" với những bài như "Hương thầm" (phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn), "Mặt trời bé thơ", “Tạm biệt chim én" (nhạc và lời của Trần Tiến), "Huế - tình yêu của tôi" (nhạc và lời Trương Tuyết Mai)... Điều ngạc nhiên nhất là nội dung bài hát thì thế, nhưng hình ảnh "minh họa" lại hoàn toàn trái ngược. Thì ra, nào có ai "minh họa" gì đâu.

Các nhà làm băng cho đánh vi tính những dòng chữ (lời bài hát) lên trên nền hình vốn ghi cảnh sinh hoạt nhảy múa của những ông tây bà đầm rửng mỡ. Thành thử, bài "Huế- tình yêu của tôi" lời ca nồng nàn với quê hương như thế, nhưng trên màn hình người ta lại thấy một đôi tình nhân ngoại quốc ôm nhau nhảy tít trong tư thế rất hở hang. Bài "Hương thầm" mở đầu bằng hai câu:

Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.

Người xem chẳng thấy "cửa sổ không khép" mà chỉ thấy vòm ngực của cô gái cứ phập phồng lên xuống, chẳng có tấm áo nào khép lại cả. Cô gái trong bài hát thì thầm kín "nhờ hương thơm nói hộ tình yêu", còn cô gái trên màn hình lúc ấy thì cứ nằm đuỗn ra, phơi tấm thân chỉ che bằng một  mảnh vải nhỏ. Khi tôi kể câu chuyện mắt thấy tai nghe này với tác giả của bài thơ - nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, thì chị Nhàn cười đau khổ:

- Như thế thì còn gì là "Hương thầm" nữa hả giời.

Tường Duy
.
.