Còn đây "sợi nhớ, sợi thương"

Thứ Năm, 23/09/2010, 11:02

Thế là nữ thi sĩ "Sợi nhớ, sợi thương" -  Thúy Bắc đi vào cát bụi đã được gần 15 năm! Vẫn biết quy luật vô thường mà khắc nghiệt, song thâm tâm tôi mỗi khi nghĩ tới chị Thúy Bắc, lòng lại bộn rộn, trở trăn những nỗi niềm về chị - một nhà thơ nữ không ít cá tính.

Bấy giờ tôi còn là chiến sĩ Công an trẻ. Đất nước chưa thống nhất, tôi và các anh Nguyễn Hồng Vy, Lê Đức Tuân - cán bộ Phòng Tuyên truyền của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), ngoài công tác chuyên ngành, còn được cử phối hợp với Xưởng phim đèn chiếu Trung ương (tại số 5 phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm phim đèn chiếu chủ đề trật tự an toàn giao thông, phát hành rộng rãi trong nhân dân nhằm góp phần tăng cường giáo dục luật pháp và ý thức phòng ngừa tai nạn. Bởi thế, chúng tôi có nhiều cơ hội được gặp, làm việc, cộng tác với chị Thúy Bắc.

Thời ấy, đời sống còn nhiều mặt khó khăn…Lĩnh vực phim điện ảnh (phim nhựa) đâu sản xuất được nhiều. Mỗi năm, Xưởng phim truyện Trung ương cũng chỉ sản xuất, phát hành được mươi bộ là cùng, mỗi bộ 1 tập, ít bộ có 2 tập. Các rạp chiếu phim ở thủ đô, thứ bảy hay chủ nhật mới bán vé xem phim, mà chủ yếu chiếu phim Tây, người xem cũng lèo tèo. Vùng nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, phim điện ảnh quả khan hiếm, thậm chí xa lạ với đồng bào dân tộc vùng cao. Sách báo thì thiếu thốn kinh khủng. Bởi vậy lĩnh vực "Phim đèn chiếu" cơ hội có đất sống được, len lỏi vào các cơ quan, xí nghiệp, trường học, thôn, phường, bản làng…. phục vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Ưu việt của thể loại phim đèn chiếu là thông tin, tuyên truyền một vấn đề chỉ mất 15-20 phút chiếu và đọc lời thuyết minh...

Hợp đồng được ký với Xưởng phim mỗi năm Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an hợp tác sản xuất, phát hành toàn miền Bắc (kể cả sau ngày miền Nam giải phóng) 15-20 bộ phim đèn chiếu có nội dung tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nói chung và trật tự an toàn giao thông nói riêng. Phòng biên tập Xưởng phim một mặt chủ động sáng tác kịch bản theo yêu cầu đặt hàng; mặt khác, hướng dẫn, dìu dắt 3 anh em chúng tôi viết kịch bản. Chị Thúy Bắc là cán bộ biên tập của Phòng Sáng tác được phân công trực tiếp hướng dẫn cách viết và biên tập kịch bản của chúng tôi. Bấy giờ tôi mới biết về chị.

Trong 4 năm cộng tác, tôi có gần 20 bộ phim đèn chiếu về đề tài an toàn giao thông, trong đó bộ phim "Cháu hiểu ra rồi" đoạt giải B2 trong cuộc thi phim đèn chiếu toàn quốc (không có phim đoạt giải A). Trước khi đến với phim đèn chiếu, tôi có hơn chục bài thơ được đăng trên các báo trong và ngoài ngành Công an, nên "xâm nhập môn nghệ thuật" này cũng thuận lợi. Tuy vậy, hoàn thành được sản phẩm "đầu tay", chị Thúy Bắc và cả anh Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Biên tập (sau này là Giám đốc Xưởng phim) đã giúp tôi rất đáng kể cách cấu trúc cốt truyện.

Ở Hà Nội, tôi và chị Thúy Bắc "gần nhà xa ngõ"; tôi ở 75 Trần Hưng Đạo; còn chị ở tầng 2 số 9 xóm Hạ Hồi - phía sau nhà tôi. Từ khi biết chị, tôi thường qua lại. Tình chị em dần thân thiết như gia đình, nhiều lần chị mời tôi dùng cơm. Chị khác với những phụ nữ mà tôi tiếp xúc. Trong nhà, chị treo bức ảnh chân dung và trưng một tượng bán thân trong tủ kính thời chị còn rất trẻ. Điều đó có thể hiểu rằng chị cũng "vô thần", vì người trẻ tuổi thường kiêng kỵ dữ lắm việc trưng treo ảnh, tượng kiểu chân dung... Còn trà, thuốc lá vẫn là thứ xa lạ với phái nữ miền Bắc thì chị nghiện cả hai. Những lần làm việc, chị uống trà rồi vô tư phì phèo thuốc lá. Tắt điếu này, châm điếu khác. Kẽ đầu hai ngón tay phải chị vàng xuộm. Nét môi ngoài như không còn tươi hồng nữa. Hàm răng to đều, hơi hô của chị cũng ngả màu. Khuôn mặt chữ "điền". Tóc phidê kiểu ngắn. Áo quần kiểu Hồng Công. Tất cả như toát lên sự bộc trực. Tính cách chị như con trai (và chị cũng thường nói vậy), sống sởi lởi, cởi mở, tốt tính với mọi người. Chất giọng Huế khàn khàn dễ thương chứ không phải giọng Nghệ, dù chị gốc Nghệ. Trao đổi công việc, chị thường nói oang oang, mà dễ mến, dễ gần. Cũng qua chị, tôi được gặp, biết thêm những người bạn thân của chị trong giới văn nghệ sĩ như các nhà văn, nhà thơ: Huy Cận, Trinh Đường, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Vũ Thị Thường...

Có một lần, tôi tới thăm đúng lúc chị mới công tác thực tế vào Huế và Quảng Trị về. Chị khoe rồi giở sổ tay đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ vừa được sáng tác còn "nóng hôi hổi", trong đó có bài "Sợi nhớ, sợi thương". Chị chia sẻ với tôi từng bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh nào. Đó là lần chị đi thực tế vào miền Trung, trời đang mùa mưa. Trường Sơn bên mưa, bên nắng và ngược lại là chuyện thường tình. Chiến trường như chưa nguội từng quang cảnh! Kẽm gai, lưới B40 còn bao quanh các công sở, các khu phi quân sự của chế độ cũ. Đó đây còn hố đạn, hố bom…Chiếc xe tăng của Mỹ còn nằm chềnh ềnh, nòng pháo gục bên đường 9. Cảm nhận, thấu hiểu đời người lính chiến với B dài, B ngắn, với "cơm Bắc giặc Nam"….lãnh đủ gian khổ, hy sinh...Khi đó, chồng chị là chuyên viên cao cấp của Bộ Giao thông - Vận tải cũng chi viện, công tác ở Lào - bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ cả chục năm. Nghĩ về tình cảm vợ chồng cách trở, khôn nguôi thương nhớ, cảm hứng sáng tác dâng trào…Thế là chị hoàn thành bài thơ "Sợi nhớ, sợi thương" trong chốc lát, cấu tứ từng đôi 3 tiếng cứ dồn dập, âm điệu như tiếng lòng thổn thức...

Vừa nhâm nhi trà Thái, vừa thuốc lá phì phèo, vừa tiếng Huế dìu dịu, chị cứ say sưa đọc toàn bài cho tôi nghe một cách vô tư, không hề thấy rằng có lúc tôi nhíu mày vì khói thuốc cứ cuộn tròn đặc quánh trước mặt. Tôi không lấy đó làm buồn. Mà thật sự cảm nhận và xúc động ở đôi tay chị cứ vô tư huơ huơ biểu cảm từng nỗi niềm, từng ý thơ. Khi chị đọc một hơi dài các câu: "Rút sợi thương/ Chằm mái lợp/ Rút sợi nhớ/ Đan vòm xanh/ Nghiêng sườn đông/ Che mưa anh/ Nghiêng sườn Tây/ Xòa bóng mát…/Rợp trời thương/Màu xanh suốt/ Em nghiêng hết/ Về phương anh" thì thấy ánh mắt chị rưng rưng khiến tôi cũng ngùi ngùi trong dạ. Rồi chị kể về hoàn cảnh gia đình trong chiến tranh, anh chị phải xa nhau hàng chục năm trời, hai cháu nhỏ Tố Na và Đức Trung một tay chị đảm đang nuôi dạy nên người…Sau này, khi lớn, cháu Tố Na được sang Liên Xô học, cháu viết thư về kể, mỗi khi nhớ mẹ lại tụ tập những người bạn thân thiết để cùng hát bài "Sợi nhớ, sợi thương" mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc…để tự hun đúc chí bền nơi đất khách và vợi đi nỗi nhớ quê nhà, nhớ mẹ, nhớ cha….Bây giờ chắc hai cháu đã đuề huề quế hòe thê tử?

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: "Sông bằng nước phẳng". Thực tế đâu có con sông nào bằng? Với cuộc đời - sự nghiệp của chị, tôi làng màng hiểu ra không mấy phẳng phiu. Thuở thiếu thời chị đắm say văn chương mà nhịp sống tự nhiên đưa đẩy chị học chuyên ngành Mỹ thuật, rồi học đạo diễn điện ảnh… Cũng dăm ba lần chị thử sức làm diễn viên điện ảnh nhưng không có cơ duyên. Tốt nghiệp các khóa học với chứng chỉ khá - giỏi, chị nhận công tác ở Xưởng phim truyện Trung ương, làm biên tập… Rồi không biết sự kiện nội bộ thế nào, chị đột ngột chuyển nhận công tác ở Xưởng phim đèn chiếu Trung ương - một cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, tiếp tục làm biên tập và sáng tác một thời gian dài. Khi Xưởng phim đèn chiếu không còn phù hợp xu thế, chuẩn bị giải thể, chị chuyển về công tác ở Trường Viết văn Nguyễn Du (trong khu Trường Đại học Văn hóa ngày nay) - khi đó mới thành lập, tất cả đều còn sơ khai, vật chất thiếu thốn, có đâu đuỳnh huỳnh như ngày nay ngang qua ta vẫn thấy!

Cần mẫn như "con ong thợ", có thời gian vẻn vẹn chưa đầy chục năm (từ 1988 đến 1996), chị cho xuất bản một lượng sách có thể nói là khá "đồ sộ": Thơ 3 tập: "Nỗi đau không lành"; "Đau cùng ngọn lửa"; "Một niềm yêu" (trước đó đã có các tập: "Tiếng thầm", "Người ươm hạt", "Hoa trắng"); tiểu thuyết 5 tập: "Nơi có giàn hoa tím"; "Trước ngôi nhà hộ mệnh"; "Gió phía rặng Bồ đề"; "Lỗi đạo"; "Hôn lễ trắng" (trước đó có 2 tập truyện cho thiếu nhi: "Bản thông cáo trên cây" và "Chuyện riêng chú chim yến"). Điều bất ngờ ít ai để ý là bìa các tập thơ, tiểu thuyết này đều một tay chị sáng tác, trình bày - bởi chị đã từng học trường Mỹ thuật Hà Nội.

Có lần uống càphê, nhà thơ Thúy Bắc bộc bạch với tôi: Nam nhi các cậu thì ham hố quyền bính! Bởi có giữ vai trò lãnh đạo thì ý chí cách mạng tích cực của mình mới dễ bề được thực hiện. Ông Nguyễn Công Trứ cũng từng nói: "Chí làm trai sống trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Tớ thì không ! Cóc cần ! Ấy chị nói vậy, riêng tôi hiểu là, có thời kỳ chị cũng trải nghiệm điều này… nhưng tế nhị quá nên chị từ bỏ ý định. Chị tập trung thời gian chăm chút cho  thơ, cho văn, với bao nỗi niềm trăn trở!…Rồi như có gì ứng báo, tháng 6/1996 chị viết: "Em không lường phía ấy sẽ là sông/ Mênh mang gió và mênh mang nắng/ Mênh mang đường mình - số phận" thì đến rạng sáng ngày 12 tháng 9 năm ấy, chị bất ngờ ngã quị trong nhà tắm rồi ra đi nhanh chóng, khiến "sợi nhớ, sợi thương" chị thành nỗi niềm trong tôi từ khi biết chị đến nay

Khánh By
.
.