Giải thưởng Cánh diều Vàng 2015:

Có thêm hy vọng

Thứ Bảy, 26/03/2016, 07:55
Đến hẹn lại lên, giải thưởng Cánh diều Vàng 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho Lễ trao giải. Dù kết quả giải thưởng vẫn đang ở phía trước nhưng sự đa dạng của nhiều dòng phim và những nhân tố nổi trội nơi phòng vé đã cho chúng ta những tín hiệu về một vụ điện ảnh mùa khởi sắc và nhiều hy vọng.


1.Điểm mới nhất ở giải thưởng Cánh diều năm nay là thay vì tổ chức vào ngày 15 - 3 (Ngày Điện ảnh Việt Nam) như thông lệ thì sẽ được rời lịch sang trung tuần tháng 4. Phía Hội Điện ảnh Việt Nam - chủ nhân giải thưởng cho biết sở dĩ có sự  thay đổi này vì hội muốn có thêm thời gian để Ban giám khảo làm việc, đặc biệt khi chấm các bộ phim truyền hình dài tập.

Năm nay, các đơn vị sản xuất phim gửi dự giải muộn hơn so với mọi năm; nhất là ở hạng mục phim truyền hình. Số lượng của dòng phim này lên tới hơn 400 tập nên Ban giám khảo cần nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, việc lùi thời gian tổ chức cũng tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất phim Tết có thể tham gia tranh giải mà không phải đợi tới sang năm như thông thường. Điều này cũng phù hợp với mong muốn có một mùa giải phong phú hơn về thể loại và số lượng.

Hơn nữa, việc này cũng giúp cho các đoàn phim vừa tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 vào cuối năm 2015 có thêm thời gian, đỡ cập rập trong khâu chuẩn bị. Được biết, Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam cũng thống nhất, lễ trao giải Cánh diều từ năm nay trở về sau sẽ được tổ chức vào tháng 4.

Những năm gần đây giải thưởng Cánh diều vàng tôn vinh khá nhiều những gương mặt trẻ.

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, tổ chức với mục đích tổng kết hoạt động sáng tác phim điện ảnh và phim truyền hình trong vòng 1 năm, khen thưởng các tác phẩm, tác giả xuất sắc, qua đó kịp thời động viên, khích lệ lao động nghệ thuật của những người công tác trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình trên cả nước nên Cánh diều được ví như giải thưởng của giới nhà nghề.

Năm nay, Ban Tổ chức chính thức nhận phim đăng ký tham gia giải thưởng từ tháng 1- 2016. Cho tới thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được 19 phim truyện điện ảnh, 48 phim tài liệu, 23 phim truyền hình và 7 công trình nghiên cứu. Căn cứ trên số lượng phim tham gia thì Cánh diều năm nay đã phong phú hơn so với năm 2015. Đại diện Ban Tổ chức cho biết, giải Cánh diều sẽ không triển khai việc tuyển chọn phim như kỳ Liên hoan phim mà tất cả các phim gửi đến từ nhà sản xuất đều được chọn tham gia.

Tại các kỳ liên hoan phim hay trao giải thì lĩnh vực phim truyện điện ảnh luôn được quan tâm hàng đầu. Con số 19 phim truyện điện ảnh của năm nay không phải là con số nhỏ và đó mới chỉ là một nửa số phim truyện nhựa được sản xuất trong năm 2015. Các nhà chuyên môn đều cho rằng số lượng phim năm nay phong phú về đề tài trong đó có nhiều bộ phim nghệ thuật từng được giải ở LHP lần thứ 19 như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Người trở về", "Chuyện của Yến"...

Danh sách phim của các hãng phim tư nhân cũng ước tính chiếm 2/3 số lượng phim, tiêu biểu như "Quyên", "Gái già lắm chiêu", "Trúng số"... Điều này thực sự là một tín hiệu mừng vì lâu nay, không ít nhà sản xuất phim quan niệm rằng Cánh diều là giải thưởng nghiêng về dòng phim nghệ thuật nên nhiều nhà sản xuất phim tư nhân hay làm phim giải trí không thật sự mặn mà.

Rõ ràng, năm nay, để chọn được phim đứng ở ngôi vị cao nhất sẽ không là điều dễ dàng cho Ban giám khảo bởi những ứng cử viên ở top đầu tương đối đồng đều. Chưa kể, mỗi phim lại có một thế mạnh riêng. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" có được doanh thu cao, được cả khán giả và người làm nghề yêu thích trong khi "Người trở về" lại tạo được hiệu ứng đặc biệt của khán giả và dư luận về sức hấp dẫn của phim "cúng cụ" trong khi "Cuộc đời của Yến" gặt hái được không ít giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 19 vừa qua. Nhưng cũng không thể bỏ qua "Taxi em tên gì?" - một bộ phim vừa ra mắt đã có được doanh thu đáng mơ ước, chắc chắn cũng sẽ là một đối thủ đáng gờm.

2. Nếu nhìn ở góc độ phòng vé, năm 2015 cũng được coi như một năm khởi sắc của Điện ảnh Việt Nam. Những cái tên như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh" và gần đây nhất là "Taxi em tên gì?" đã tạo những cơn sốt tại các rạp chiếu. Doanh số khổng lồ mà những nhà sản xuất phim này thu được đã chứng minh rằng khán giả chưa bao giờ quay lưng lại với những bộ phim nếu đánh trúng thị hiếu khán giả và ra rạp đúng thời điểm.

Tuy nhiên, một bộ phim làm khuynh đảo phòng vé những tháng đầu năm 2016 với doanh thu gần 100 tỷ đồng sau một tháng công chiếu là "Em là bà nội của anh" sẽ không có mặt trong danh sách 19 phim điện ảnh tranh giải Cánh diều.

Phía Ban Tổ chức cho rằng, dù được giới làm nghề và công chúng đánh giá cao nhưng "Em là bà nội của anh" là bộ phim có kịch bản Hàn Quốc mà Cánh diều là Giải thưởng tôn vinh những tác phẩm điện ảnh thuần Việt nên không hợp lệ. Dù vẫn biết quyết định của Ban Tổ chức là hợp lý tuy nhiên, không tránh khỏi sự tiếc nuối cho bộ phim này.

Nhìn vào danh sách 19 bộ phim truyện điện ảnh bao gồm: "Trên đỉnh bình yên", "49 ngày", "Bộ ba rắc rối", "Ngày nảy ngày nay", "Trúng số", "Trót yêu", "Nhà tiên tri", "Bảo mẫu siêu quậy", "Cầu vồng không sắc", "Mỹ nhân", "Đường xuyên rừng"... sẽ thấy số lượng phim của nhà nước chiếm rất ít. Điều này phản ánh đúng thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay chủ yếu là các nhà sản xuất phim tư nhân vẫn đang giữ vai trò chủ lực.

Những ứng cử viên sáng giá tại Cánh diều Vàng 2015.

Đặc biệt, năm 2015 được ví như năm của những nhà làm phim độc lập nhưng không có ứng cử viên nào tham gia vào giải thưởng Cánh diều năm nay. Những dự án phim độc lập thời gian qua rất phong phú và gặt hái được thành công ở những Liên hoan phim quốc tế như "Cha, con và..." (đạo diễn Phan Đăng Di), "Một thành phố khác" (Phạm Ngọc Lân)... vắng bóng tại Cánh diều. Điều đặc biệt này cũng không có gì khó hiểu bởi lâu nay, những nhà làm phim độc lập thường không hào hứng với các LHP trong nước vì biết chắc sự khác nhau về tiêu chí nên có tham gia cũng chưa chắc đã được giải.

Một thực tế là các bộ phim của các nhà làm phim độc lập thường có cách làm khác lạ nên hợp với các giải thưởng quốc tế hơn là các giải thưởng trong nước. Chính vì thế những bộ phim này có thể tưng bừng giải thưởng ở ngoài nước nhưng vẫn trắng tay ở sân chơi quê nhà cũng là điều hết sức bình thường. Chưa kể, các nhà làm phim độc lập ít tham gia các sân chơi trong nước còn bởi bài toán kinh tế.

Dù vẫn biết việc tham gia hay không là quyền chủ động của các nhà sản xuất phim, nhưng một giải thưởng được ví như "Oscar của Việt Nam" nhưng thiếu vắng dòng phim đã góp phần đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới khiến cho giải thưởng chưa thật sự trọn vẹn, đủ đầy.

Một điều khiến người yêu điện ảnh luôn băn khoăn trước lễ trao giải Cánh diều là khâu tổ chức. Dù là ngày hội của những người làm phim và được tổ chức thường niên nhưng những sự kiện tại Cánh diều thường nhạt nhòa, kém hấp dẫn. Phần lớn vẫn chỉ là màn trao giải thưởng nhàm chán, ít có điểm nhấn và kém chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, dù là giải thưởng của những người làm điện ảnh nhưng khâu tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp thực chất cho ngành chưa thực sự đậm nét.

Ở một vài lần, sự xuất hiện của quá nhiều hotgirl, siêu mẫu... khiến người trong nghề thấy chạnh lòng vì hình như đã biến tướng thành ngày hội khoe váy áo, hàng hiệu. Một trong những vấn đề mà Ban Tổ chức thường kêu than là kinh phí eo hẹp có. Tuy nhiên một sự kiện ấm cúng, chuyên nghiệp không nhất thiết phải được tổ chức tốn kém.

Dường như điều quan trọng nhất là Hội Điện ảnh vẫn chưa biết cách thu hút được sự quan tâm của người trong nhà để tranh thủ tận dụng được chất xám của những đạo diễn tên tuổi. Năm nay, ngoài Ban Tổ chức là Hội điện ảnh, giải thưởng Cánh diều còn có sự phối hợp của một vài đơn vị truyền thông trong việc bảo trợ thông tin hy vọng có được sự kiện chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn. 

Thảo Duyên
.
.