Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nhà văn Tp HCM

Có quên những nhà văn tiêu biểu?

Thứ Năm, 29/12/2011, 08:00
Ngày 15/12 vừa qua, Hội nhà văn Tp HCM đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Hội. Trong lễ kỷ niệm, 5 nhà văn đã được UBND Tp HCM trao tặng bằng khen. Đó là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Trần Thanh Giao và cố nhà thơ Chim Trắng...

Có một số ý kiến cho rằng Hội nhà văn Tp HCM đã bỏ quên nhiều tên tuổi xứng đáng được vinh danh trong suốt chặng đường văn học 30 năm đã qua của Hội. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của một số nhà văn xung quanh vấn đề này.

- Thưa nhà thơ Lê Quang Trang, quanh sự kiện Hội Nhà văn Tp HCM đề nghị UBND Tp HCM trao bằng khen cho 5 nhà văn tiêu biểu nhân lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội ngày 15/12 vừa qua, có một số ý kiến không đồng tình, cho rằng Hội đã bỏ sót nhiều người xứng đáng, trong đó có nhà văn Sơn Nam và một số nhà văn trưởng thành sau 1975. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố, ông có thể cho biết tiêu chí lựa chọn danh sách nhà văn tiêu biểu nhận bằng khen của UBND Thành phố là gì?

+ Tôi có theo dõi ý kiến dư luận qua báo chí quanh sự kiện này. Ở đây phải nói rõ là có một sự hiểu nhầm. Chúng tôi đề nghị UBND Thành phố tặng bằng khen cho 5 nhà văn: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao và cố nhà thơ Chim Trắng vì đây là những người có uy tín về mặt tác phẩm và lại có những đóng góp đáng kể cho công tác Hội. Các anh Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo đều là những người đã gắn bó 3-4 nhiệm kỳ của Hội, đã trải qua nhiều vị trí công tác của Hội, có nhiều cống hiến cho công tác Hội. Còn nếu chỉ xét về mặt uy tín tác phẩm chúng ta thấy là có nhiều nhà văn tên tuổi khác như Sơn Nam, Trang Thế Hy…rất xứng đáng, nhưng các anh lại không tham gia công tác Hội nhiều. Chúng tôi đã làm việc kỹ lưỡng để lựa chọn những người xứng đáng nhất. Tất nhiên là với con số 5 tác giả  thì không thể khái quát tuyệt đối những đóng góp lớn lao của các nhà văn cho văn chương thành phố và cho Hội Nhà văn Thành phố trong 30 năm qua.

Lãnh đạo UBND Tp HCM trao cờ truyền thống cho lãnh đạo Hội Nhà văn Thành phố tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội.

- Có ý kiến cho rằng kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà văn Thành phố mà không vinh danh tác giả nào thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975 là chưa quan tâm đến nền văn học trẻ, ông nghĩ sao về điều này?

+ Cá nhân tôi là một người rất quan tâm và ủng hộ các nhà văn trẻ. Các nhà văn trưởng thành sau 1975 được bạn đọc cả nước chú ý có thể kể ra nhiều, như: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Phạm Sỹ Sáu, Lý Lan, Trương Nam Hương…Đóng góp nhiệt tình cho công tác Hội như nhà văn Phạm Sĩ Sáu, Trần Văn Tuấn cũng rất đáng ghi nhận. Ban đầu chúng tôi định đưa vào danh sách tên nhà văn Phạm Sĩ Sáu, nhưng rồi chính anh Sáu cũng đề nghị "nhường" cho các nhà văn xứng đáng lớp trước, trong đó có người đã mất như nhà thơ Chim Trắng.

- Như vậy, kỷ niệm 30 năm thành lập Hội chính là "cái cớ" để vinh danh các nhà văn tên tuổi có công với Hội, chứ không phải vinh danh 30 năm văn học của Thành phố, tính từ khi thành lập Hội, thưa ông?

+ Tôi nghĩ, các giải thưởng, bằng khen nên hiểu ở ý nghĩa tượng trưng thì tốt hơn. Trong rất nhiều nhà văn tên tuổi, có đóng góp dù ít dù nhiều cho Hội, lựa chọn ai cũng là vấn đề khó khăn của Ban chấp hành. Không tránh khỏi việc có người bị thiệt thòi, nếu xét đi xét lại. Nhưng chúng ta hãy vì cái chung, vì nền văn học của Thành phố, chứ đừng nghĩ về vấn đề cá nhân quá nhiều. Chúng tôi sẽ có công văn gửi các cơ quan báo chí về vấn đề này, tránh sự hiểu nhầm không đáng có

-           Xin cảm ơn nhà thơ Lê Quang Trang.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Đừng quên các nhà văn trưởng thành sau 1975”

- Trong thư mời gửi các Hội viên của Hội nhà văn Thành phố có ghi rõ chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Hội sẽ trao tặng thưởng cho các nhà văn tiêu biểu của thành phố. Bây giờ nếu nói thêm là các nhà văn đó phải có công đóng góp cho Hội nữa, theo tôi, là cách nói lấp liếm. Nghĩa là Hội tung hỏa mù, không rõ ràng về tiêu chí lựa chọn ngay từ đầu. Sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà văn Tp HCM là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nó đánh dấu một chặng đường phát triển của văn học thành phố cả về đội ngũ nhà văn và chất lượng văn học.

Phải nói rằng Tp HCM là địa phương có nhiều nhà văn tên tuổi từ sau giải phóng đến nay, ở nhiều thể loại và với nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau. Đây cũng là địa phương phát triển về văn học bậc nhất trong cả nước. 30 năm phải là dấu ấn của những người đồng hành với Hội trên quãng đường dài đó. Các nhà văn được chọn để trao tặng thưởng vừa rồi đều là các nhà văn đã thành danh từ trước 1975. Tên tuổi của họ được khẳng định phần lớn là trong thời kỳ chiến tranh, trước giải phóng. Chúng ta vinh danh họ mà không vinh danh những người mà tên tuổi gắn liền với văn học sau 1975 là một thiếu sót không thể chấp nhận. Các nhà văn trưởng thành sau giải phóng, theo tôi nghĩ, không cần đến một sự xoa đầu miễn cưỡng, và có thể cũng không cần giải thưởng. Nhưng họ cần được đánh giá đúng và được ghi nhận đúng.

Vinh danh các nhà văn tiêu biểu trong 30 năm qua mà chỉ là các nhà văn cao tuổi thì người ta dễ hiểu lầm là 30 năm qua văn học Tp HCM không có gì đặc biệt. Như thế là đánh giá không đúng thực trạng văn học thành phố, là không công bằng. Tôi cho rằng Hội Nhà văn Thành phố đã chọn một phương án an toàn khi đề xuất danh sách 5 nhà văn lão thành đại diện cho 30 năm văn học thành phố mà bỏ sót các nhà văn trẻ tiêu biểu không chỉ của Thành phố mà của cả nước.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: “Vinh danh một thời kỳ văn học hay vinh danh nhà quản lý?”

- Đối với tôi, việc trao tặng thưởng cho 5 nhà văn: Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Trần Thanh Giao, Chim Trắng trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà văn Tp HCM vừa qua là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những người làm công tác quản lý Hội, cho một tổ chức do nhà nước thành lập, chứ không phải là tuyên dương một nền văn học phát triển của thành phố trong 30 năm qua. Tp HCM là một địa phương hội tụ đội ngũ nhà văn đông đảo, rất phong phú về số lượng tác phẩm và nhiều tên tuổi được bạn đọc cả nước yêu mến. Chúng ta nói về văn học một thời kỳ mà vinh danh những tên tuổi thuộc thời kỳ trước đó, hay vinh danh những nhà quản lý văn học thì có hợp lý không? Câu hỏi đó mỗi người cầm bút có lẽ đều trả lời được.

Vũ Quỳnh
.
.