Có nên vội vã cho trẻ em thi rap

Thứ Sáu, 11/12/2020, 10:26
Vài tháng trở lại đây, sau một vài gameshow nhạc rap được phát sóng trên truyền hình, loại nhạc này trở nên "hot" hơn bao giờ hết, đặc biệt với khán giả trẻ. Trước trào lưu này, có nhà sản xuất đã bắt tay vào thực hiện chương trình tìm kiếm tài năng rap với phiên bản dành cho thiếu nhi.


Tuy nhiên, ngay từ khi xuất hiện, cuộc thi đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều từ khán giả, phụ huynh...

Theo giới chuyên môn, Rap là thể loại nhạc giao thoa giữa nói và hát, được hiểu là việc đọc và nói câu từ có giai điệu. Rap bao gồm nội dung là những thứ sẽ được nói ra, nhịp điệu và sự truyền tải. Khởi đầu của thể loại nhạc này từ những khu ở của cộng đồng người Mỹ da màu tại New York (Mỹ). 

Nhạc rap được biết đến rộng rãi trên thế giới vào thập niên 1970. Rap xuất hiện trong đời sống âm nhạc Việt Nam đã hơn 20 năm, tuy nhiên nhiều năm qua, dòng nhạc này chỉ cháy âm ỉ trong lòng những người trẻ. Sự xuất hiện của các show truyền hình về nhạc rap như một cơn gió thổi bùng ngọn lửa yêu nhạc rap lâu nay. 

Sở dĩ khán giả trẻ cuồng rap vì dòng nhạc này đáp ứng được nhu cầu của họ trong bối cảnh giao lưu văn hóa ngày càng rộng rãi, đa dạng. Khán giả trẻ thích những tiết tấu nhanh, có sự bứt phá. Ngôn ngữ của rap cũng dễ hiểu, đậm chất đời sống. Không thể phủ nhận, thành công của những show nhạc rap vừa qua khiến rap, hip - hop trở nên đại chúng hơn trong thị trường âm nhạc xứ ta.

Những rapper đang “làm mưa làm gió” trên các sân khấu ca nhạc dành cho giới trẻ hiện nay.

Tại Việt Nam, giống như hiện tượng từng xảy ra với dòng nhạc Bolero trước đó. Làn sóng Hip - Hop, Rap đang làm mưa làm gió trong đời sống âm nhạc sau khi một số gameshow truyền hình như "Rap Việt", "King of Rap" phát sóng. Các chương trình này đều nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, đặc biệt công chúng ở lứa tuổi trẻ. 

Thuộc làu làu tên các rapper hay nhún nhảy theo những bài rap nổi tiếng của loại nhạc này là chuyện dễ thấy ở khắp các sân khấu ca nhạc dành cho giới trẻ. Không thể phủ nhận, chương trình "Rap Việt" đã mang đến cho khán giả yêu nhạc những màn sáng tạo "cực chất" của một loạt sao nhạc rap được yêu thích như Justa Tee, Rthymastic, Wowy, Binz, Suboi, Karik... Hay "King of Rap" cũng không thua kém với những tên tuổi có tiếng như Lil'Shady, LK, BigDaddy, Đạt Maniac... Cuối cùng, Rapper Dế choắt đã đạt ngôi vị cao nhất tại "Rap Việt" và IDC đã giành ngôi vị quán quân ở "King of Rap". 

Vượt lên trên những cuộc thi ca nhạc thông thường, những chương trình này đã khiến nhạc rap sống dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, những nhà sản xuất gameshow truyền hình luôn cho thấy sự nhanh nhạy số 1 của mình. Chỉ ngay sau những chương trình dành cho người lớn kết thúc, họ đã kịp đưa ra phiên bản dành cho thiếu nhi. 

Điều này cũng không có gì lạ. Trước đây, một loạt gameshow dành cho trẻ em cũng đã ra đời như  "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí"... ngay sau khi các chương trình dành cho người lớn.

Sau sự thành công của những show rap dành cho người lớn, nhà sản xuất "Rap Kids" (cuộc thi rap dành cho trẻ em từ 5 - 15 tuổi) bắt đầu vào cuộc. Theo ban tổ chức, show hiện đã kết thúc vòng tuyển sinh từ cuối tháng 11 và sẽ lên sóng truyền hình trong tháng 12. 

Tuy nhiên, ngay từ khi thông tin về cuộc thi vừa đăng tải đã vấp phải sự tranh cãi từ phía khán giả. Trên fanpage "Rap Kid 2020" có khá nhiều ý kiến phản đối ngay sau khi nhà sản xuất đăng tải những hình ảnh và đoạn clip đầu tiên của các thí sinh. 

Dễ dàng bắt gặp trên các trang báo mạng hay trang web cuộc thi những ý kiến cho thấy sự không đồng tình như "Rap là văn hóa đi lên từ underground, câu từ của nó đi cùng với cuộc sống đường phố. Các chương trình hiện nay đang cố gắng bắt theo xu hướng nhưng đừng vì thế mà khiến trẻ em phải tiếp cận với cuộc sống đường phố quá sớm. Hãy để các cháu có trải nghiệm đúng với độ tuổi của mình. Đừng bắt trẻ chín ép".

 Hay: "Rap cũng đáng xem nhưng không phù hợp để trẻ con thi thố", "Trẻ em nên học để có nhận thức chuẩn về cái hay, cái đẹp một cách tròn trịa, thuần khiết, đơn thuần trước đã. Sau này, khi có trải nghiệm, các em sẽ tự khắc tìm thấy, thưởng thức, sáng tác cái hay cái đẹp một cách gai góc qua rap nhưng vẫn phải giữ được văn minh, văn hóa"...

Nhiều thí sinh nhỏ tuổi hào hứng với Rap.

Chuyện khán giả, phụ huynh phản đối không phải là không có lý. Hình ảnh các thí sinh nhí trang điểm đậm với trang phục hip hop xuất hiện trong buổi casting vừa qua cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ cộng đồng mạng. 

Tiêu biểu nhất là trong một tiết mục của một bé trai dự thi có tên "Anh em tao" có những câu như "Anh em tao/ Có nhiều tiền là/ không thằng nào là/ Người nổi tiếng". Rõ ràng, những câu chữ như vậy không được khuyến khích trong đời sống chứ chưa muốn nói là ngôn từ trong bài hát. 

Nhiều người lo ngại, tổ chức cuộc thi rap cho các em sẽ vô hình chung góp phần khiến ngôn ngữ tục tĩu, chửi bới xuất hiện. Trong tình trạng học sinh nói bậy đang là vấn nạn gây đau đầu nhà trường và các bậc phụ huynh hiện nay thì điều này rất cần lưu tâm.

Ngoài ra, khác với những cuộc thi ca nhạc khác là trẻ em có sẵn ca khúc hát, rap là cuộc chơi đòi hỏi ở trẻ nhiều yếu tố: Tự viết lời, sáng tạo nhịp với đòi hỏi về ngôn ngữ, sự trải nghiệm cũng như kiến thức âm nhạc nói chung và rap nói riêng. Liệu có bao nhiêu bài rap đáp ứng đủ tiêu chí phù hợp lứa tuổi mà vẫn độc đáo, ấn tượng. 

Khi tham gia cuộc thi, ngoài thời gian học tập của các em có thể bị ảnh hưởng thì những mặt trái của rap như những trận tranh cãi nảy lửa, những xích mích cũng có thể khiến trẻ bị tổn thương. Những ý kiến đồng tình thì cho rằng rap đang là xu hướng của giới trẻ nên việc tổ chức tìm kiếm tài năng ở lĩnh vực này là điều bình thường. Nếu có được những bài rap hay về gia đình, trường lớp, thầy cô bạn bè, mơ ước hay những suy nghĩ về cuộc sống là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay...

Phát biểu trên báo chí, ông Hồng Minh, đại diện nhà sản xuất cho rằng chương trình sẽ vẫn tổ chức bình thường như dự kiến. Ông lý giải, trong điều kiện nhạc rap đang thịnh hành như hiện nay thì việc trẻ em tiếp xúc là điều không thể tránh khỏi. Việc Ban tổ chức tạo ra sân chơi âm nhạc cũng nhằm mục địch giúp các bé thỏa sức khám phá và thưởng thức những tác phẩm của mình. Ông cũng khẳng định nghệ thuật không giới hạn độ tuổi. Rap đặc thù của người lớn nhưng không vì thế mà trẻ em không có quyền tham gia.

Về phía chuyên môn, những ý kiến phản đối việc tổ chức một cuộc thi rap cho trẻ em vì nhạc rap có xuất phát từ đường phố, nội dung thường nói lên những vấn đề thời sự, nhức nhối của xã hội, thường là những câu nói của chính tác giả. Người chơi rap phải tự sáng tác bài nhạc của mình. Chính vì vậy, với vốn ngôn ngữ còn ít, bị cuốn vào vòng xoáy thi thố, điều này có thể vượt quá khả năng của các em. 

Ngoài ra, trong rap có các dòng về ca từ như raplife (rap về cuộc sống), raplove (rap về tình yêu) rapdiss (rap chỉ trích nhau). Như vậy có tới 2 mảng đề tài trong rap không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Bản chất của rap là nói lên suy nghĩ, quan điểm cá nhân một cách thẳng thắn, gai góc về các vấn đề như tình yêu, vấn nạn xã hội, bộc lộ khá nhiều những góc khuất của cuộc sống. 

Như vậy, rõ ràng những chủ đề của nhạc rap sẽ không phù hợp với đối tượng là các em nhỏ còn thơ ngây, trong sáng, thiếu sự trải nghiệm. Chưa kể tới việc nhạc rap lâu nay thường gắn với hình ảnh gai góc, ngông nghênh, ngôn từ phóng khoáng, thậm chí hơi dung tục, bạo lực. Những khái niệm chỉ rượu bia, chuyện chăn gối... của người trưởng thành xuất hiện khá nhiều trong các bài rap...

Phía đại diện chương trình thì cho biết sẽ có ê kíp chuyên môn để kiểm tra các bài hát từ ý tưởng nội dung đến giai điệu nhằm đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Các bài có lyrics không phù hợp sẽ bị thay thế. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, rap mới chỉ thực sự nóng lên trong vài tháng nay, việc các em được học để hiểu về nhạc rap chưa được thực hiện như ở nền âm nhạc phương Tây. Việc vội vã tổ chức một cuộc thi rap dành cho trẻ em có phải là cách nhà sản xuất lợi dụng độ hot của thể loại nhạc này và tài năng của các bé để kiếm lời vẫn là câu hỏi mà công chúng hoàn toàn có thể đặt ra.

Khánh Thảo
.
.