Có một “ông Sông Quê” qua sông, đắm mình… nhặt bóng

Thứ Bảy, 20/02/2016, 08:00
Không biết trước đây đã bao giờ Lê Huy Mậu nghĩ một ngày nào đó mình có thêm tên ông Sông Quê dễ thương, trìu mến đến vậy? Chắc là không. Ngay cả khi đặt dấu chấm than cuối cùng cho trường ca “Thời gian khắc khoải” cũng không. Rồi khi “bứt” chương “Khúc hát sông quê” ra để gửi nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, khi lời thơ được những nốt nhạc của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chắp cánh bay lên đã khiến bao người nghe khắc khoải, cảm giác khúc sông Lam của người phổ nhạc lẫn người sáng tác thơ cũng là khúc sông quê mình. 


Khúc sông ấy được cất lên ở mọi nơi. Đám cưới có. Liên hoan gặp mặt đồng hương có. Quán karaoke có. Miền đất xa xôi nào đó ngoài biên giới cũng có... Không chỉ “Khúc hát sông quê” phiên bản gốc mà còn nhiều phiên bản “sáng tạo” táo bạo khác nữa. Và người ta nhớ người tạo “bột – thơ” để Nguyễn Trọng Tạo gột nên “hồ - ca – khúc” là nhà thơ Lê Huy Mậu. Người ta gọi ông là ông Sông Quê.

Gặp ông Sông Quê, dễ thường cảm nhận ban đầu là… thất vọng. Ông Sông Quê theo đúng nghĩa… quê. Chẳng thơ chút nào. Lê Huy Mậu sở hữu ngoại hình và điệu bộ, tính cách của một người ở đâu đó phía trong cánh cổng làng. Có người ra khỏi cổng làng là khác, mang màu sắc xứ người, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách cử chỉ. Tôi gọi đấy là thay đổi “kiểu hình”, vẻ bề ngoài, để thích ứng. Người ấy đi ra bằng nước sơn.

Có người đi Đông đi Tây ăn mòn bát mòn đũa thiên hạ vẫn nguyên vẹn cái nét chân chất nơi cắt rốn chôn nhau, chỉ khác là họ ý thức việc dung nạp, trang bị, bồi đắp tri thức để hòa mình mà không bị tan lẫn. Tôi gọi đấy là thay đổi “kiểu - gene - tri - thức”, nhận thức bên trong, để thích nghi. Ở đây không bàn ưu khuyết của mỗi kiểu. Tôi muốn nói, hình như Lê Huy Mậu thuộc trường hợp sau?!

Nhà thơ Lê Huy Mậu

Trông Lê Huy Mậu chẳng thơ chút nào. Nhưng Lê Huy Mậu chạy trời vẫn không thoát thơ. Là cán bộ trẻ ngành hải quan, đi bộ đội, sau năm 1975 tiếp tục học đại học, xong lại về hải quan, rồi chuyển ngành thành cán bộ Tuyên giáo, cuối cùng vẫn đáp xuống sân thơ với cương vị Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tự nhiên tôi muốn “chế” câu quen thuộc: "lưới thơ lồng lộng, thưa nhưng khó thoát" với Lê Huy Mậu.

Chàng trai Lê Huy Mậu, con trai áp út của một gia đình ở làng quê Thanh Chương, Nghệ An. Ở chiến trường 5 năm, nhưng Lê Huy Mậu chỉ là anh lính cậu. Đi hết chiến tranh với hai lần nổ súng. Lần thứ nhất bắn cầu âu vô tình trúng gà rừng. Đồng đội tưởng Lê Huy Mậu bắn gà cải thiện đời sống nên phục sát đất. Lần thứ hai, đơn vị có đàn gà tính thịt một con nấu cháo. Tin vào cái duyên từng có với gà rừng, Lê Huy Mậu bóp cò ở khoảng cách 3 mét.

Đòm! Đạn ra khỏi nòng. Đàn gà tán loạn chạy, chẳng con nào chết, vương lại vài cọng lông măng. Rồi tình cờ được thủ trưởng phát hiện khả năng kẻ, vẽ, viết… Thế là về tổ đồ bản của quân đoàn. Bởi vậy nên, dẫu chưa một lần đánh trận nhưng Lê Huy Mậu thuộc nằm lòng từng mảnh đất, từng chiến dịch ở mặt trận Tây Nguyên. Ra khỏi chiến tranh, thủ trưởng hỏi có muốn ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội không? Nếu ở lại sẽ cho đi học nước ngoài.

Nghe tiếng nước ngoài, mắt Lê Huy Mậu sáng lên, nghĩ có khi mình có số đi Tây. Nhưng thủ trưởng nói học công nhân kĩ thuật ở Đức. Tưởng gì chứ công nhân thì không. Chẳng công nhân kĩ thuật, Lê Huy Mậu thích nhà thơ hơn!

Lê Huy Mậu từ chối ở lại quân đội vì muốn học đại học. Ra quân, thi vào đại học Tổng hợp. Nếu không có vụ án lựu đạn nổ trước ngày tốt nghiệp ở ký túc xá, chắc Lê Huy Mậu đã trở thành giảng viên môn Triết, rồi tiến sĩ Triết không chừng. Chuyện Lê Huy Mậu dính líu đến vụ ném lựu đạn ở ký túc xá là câu chuyện hết sức bi hài, nó làm thay đổi, tạo ra bước ngoặt biến ông lẽ ra có thể là giảng viên đại học  thành nhà thơ. Vụ án lựu đạn này được đưa lên báo Công an Thành phố.

Hơn 5 năm sau, khi Lê Huy Mậu đã yên ổn ở Vũng Tàu, thì vụ án được xử, lúc này Lê Huy Mậu mới gọi là vô can. Nhưng thời điểm ấy, trắng đen chưa rõ, khiến tân cử nhân Lê Huy Mậu lao đao. Không thể ở lại trường, dù thầy hướng dẫn muốn giữ để truyền bí kíp. Các trường khác cũng từ chối lắc đầu. Cuối cùng Lê Huy Mậu về lại nghề hải quan, như trước ngày nhập ngũ, khác là hải quan Vũng Tàu chứ không phải hải quan Hà Nội. Chẳng biết tiến sĩ Triết với nhà thơ thì cái nào Lê Huy Mậu thích hơn? Hình như vẫn là nhà thơ!

Từ cán bộ hải quan, Lê Huy Mậu chuyển qua làm cán bộ Tuyên giáo. Ở cơ quan có chức năng định hướng và tuyên truyền này, dường như tính cách Xứ Nghệ của ông phải chịu những va đập nhất định. Trong công việc và trong cách nghĩ. Đã có thời điểm Lê Huy Mậu nghĩ đến chuyện nghỉ việc để làm kinh tế. Nhưng hỡi ôi! Nhà thơ và kinh tế xưa nay chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Rất nhiều người muốn nỗ lực chứng minh điều ngược lại, và đa số đều… nửa hồn thương đau.

Lê Huy Mậu không nằm ngoài logic ấy. Thời ấy, ông xin được đất của lâm nghiệp ở một huyện xa, tính trồng cây công nghiệp. Nhà thơ nhẩm tính, trồng bao nhiêu gốc điều, bao nhiêu gốc tiêu, chi phí nhân công chăm sóc, rồi phân bón, rồi bảo vệ, rồi rung đùi thấy lời lãi hiện ra trước mắt. Hóa ra không đơn giản thế. Lấy ngắn nuôi dài. Trồng dưa hấu, đến mùa thu hoạch mới tá hỏa, thứ đã trồng không phải dưa hấu mà là… dưa lấy hạt.

“Ngắn” thất bại. Còn “dài”? Dài là trông tiêu và điều thì thành… "tiêu điều". Đành trả đất lại cho lâm nghiệp. Ngày ấy thành công có khi giờ Lê Huy Mậu là đại gia "Tiêu - Điều" không chừng. Thế là giữa đại gia và nhà thơ, Lê Huy Mậu lại đành phải thuận theo số phận!

Từ khi có “Khúc hát sông quê”, Lê Huy Mậu tiếp bạn yêu thơ mệt nghỉ. Qua điện thoại đã mệt. Gặp trực tiếp còn mệt hơn. Tính nhiệt tình, cả nể nhiều khi làm hại ông. Dạ dày ông quá bé so với rượu bia của bạn bè yêu mến. Nhưng Lê Huy Mậu “chịu trận” một cách tích cực. Nghĩa là phải bắt được sóng, được tần số của nhau, thì mới “chịu”. Bằng không, cảm giác lệch tông, khác kênh, kiểu gì ông cũng tìm cách tránh. Ngồi với ông, người tinh ý sẽ nhặt nhạnh được nhiều thứ.

Lê Huy Mậu chịu khó quan sát, chịu khó chiêm nghiệm, chịu khó tự khái quát. Để từ đấy lẩy ra những nhận định hay hình ảnh liên tưởng không đụng hàng với ai. Kiểu đang nhậu mà ông mơ màng, tự nhiên hướng mắt ra bể cá, nghi vấn: cá kèo hình như thở bằng phổi chứ không phải bằng mang, cứ thấy chúng tranh nhau ngước đầu lên trên mặt nước? - là chuyện rất đỗi bình thường và dễ thương.

Vài năm gần đây, như thể bước qua cái dớp đi trời Tây hụt trước khi xuất ngũ, bằng uy tín cá nhân, duyên văn chương, bạn bè văn chương, chứ không phải từ ngân sách nhà nước, Lê Huy Mậu đã đích thân mang “sông quê” ra ngoài biên giới. Ông Sông Quê đến Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ba Lan, Trung Quốc…

Chẳng biết có phải đi một ngày đàng học thêm được vài sàng khôn không, mà thơ Lê Huy Mậu bỗng nhiên bật lên, khác hẳn. Nếu như 7 tập thơ và 1 tập trường ca trước, cái đọng lại vẫn là chất trữ tình, cái tình chân chất của tác giả với quê hương, ở đấy là dáng mẹ, là con sông, là cánh cò, là lũy tre…; những thứ hiển nhiên như: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi. Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”, và “từng vị heo may trên má em hồng” ở “Khúc hát sông quê”, là đại diện tiêu biểu; thì đến tập thơ “Từ muôn đến một”, mới đây đã tái bản thêm lần nữa, lại là những chiêm nghiệm rộng hơn, lớn hơn. Lác đác trong các tập thơ trước, đã thấy tư duy người học Triết trong thơ Lê Huy Mậu, nhưng đến “Từ muôn đến một” mới định hình hơn, rõ ràng hơn. Cảm giác Lê Huy Mậu đã vượt thoát khỏi khúc sông quê của mình...

Sinh năm 1949, ở độ tuổi Lê Huy Mậu, bạn bè ông giờ sống với quá khứ, với cái bóng của mình, của ngày xưa nhiều hơn. Nhưng Lê Huy Mậu thì không. Ông chưa cho não bộ của mình nghỉ hưu. Ông tham gia các trang mạng xã hội chẳng thua gì các bạn trẻ. Ông sáng tác thơ đều đều. Nếu như truyền hình có chương trình Mỗi ngày một cuốn sách, thì có giai đoạn Lê Huy Mậu viết mỗi ngày một bài thơ, đưa lên facebook nóng hôi hổi.

Ông tâm niệm: Hay dở tính sau, viết được cứ viết đã, cho xúc cảm chảy ra đã. Điều này khiến tôi nhớ đến màn đáp lời của thi sĩ Xuân Diệu với Trần Đăng Khoa khi nhà thơ thần đồng có ý nói thi sĩ làm tuyển tập có phần ẩu, tham số lượng, rằng: “Nhà đang cháy thì cái thúng, cái mẹt, cái váy đụp gì cũng cứ vứt ra, rồi sau sẽ nhặt nhạnh, chọn lọc lại, cái gì dùng được thì giữ, cái gì không dùng được thì vứt đi. Mà thời gian nó sẽ vứt hộ. Nhà cậu đang cháy mà cậu còn ngồi chọn lọc của nả à”.

Lê Huy Mậu không “cháy nhà”, nhưng ông cháy với những suy nghĩ, trăn trở của mình, nên ông quăng ra. Mà không chỉ thơ, cả chân dung văn nghệ sĩ nữa. Lâu lâu Lê Huy Mậu lại hầu bạn đọc một chân dung văn học với những góc nhìn, điểm huyệt sắc sảo, lôi cuốn. Ông đang tổ chức bản thảo để xuất bản cuốn chân dung văn học trong thời gian tới đây, với tựa là “Qua sông nhặt bóng”.

Qua sông nhặt bóng. Phải! Lê Huy Mậu đến với thơ, dường như, để làm mỗi việc nhặt lại bóng của chính mình với tuổi thơ và làng quê mình. Miệt mài và mê mải. Dẫu Lê Huy Mậu có bước đến chân trời nào đi nữa, đến sông Seine, sông Hằng, sông Danube, sông Mississippi, sông Volga… thì cũng chỉ để nhìn, thấu thị và thương về quê mình, về con sông Lam của mình rõ hơn mà thôi. Nếu không phải vậy chắc chắn chẳng phải Lê Huy Mậu. Và bởi vậy, nên Lê Huy Mậu mới nhận được nhiều tình cảm trân quý từ bè bạn như bấy nay. 

Văn Thành Lê
.
.