Có một Nguyễn Thị Minh Thái trong “Tị nạn chiều”

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:41
Một phó giáo sư văn học và một tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn, sắc sảo trong các chương trình truyền hình, đấy là điều ai cũng biết. Một Nguyễn Thị Minh Thái không ngại di chuyển, không ngại lao vào các điểm nóng, và luôn "cháy hết mình" trong các cuộc vui giữa chốn đông người, đấy cũng là điều không khó nhận ra... 


Nhưng một Nguyễn Thị Minh Thái làm thơ, một Nguyễn Thị Minh Thái trong những chuyển động tế vi của "Tị nạn chiều" (tên tập thơ lần đầu xuất bản của chị) lại là điều có lẽ không nhiều người chú ý. Nhưng thực ra, ở chính cái địa lý của "tị nạn chiều", ở chính cái thế giới của những mắt chữ thơ ấy, ta lại nhận ra một Minh Thái đúng là Minh Thái hơn bất cứ địa lý nào...

Trong sâu thẳm những câu thơ của Nguyễn Thị Minh Thái là hình tượng một phụ nữ mạnh mẽ, đầy khát vọng sống, khát vọng yêu nhưng cũng thật đơn côi, thật bơ vơ. Tôi biết chị đã viết bài thơ "Tỵ nạn chiều" sau một cuộc tình tan vỡ. Là người đàn bà sống hết mình cho tình yêu nên chị đã bỏ hết mọi thứ, bươn theo một cuộc tình vào tận thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chị vốn ở Hà Nội và yêu Hà Nội như máu thịt của mình. Nhưng cuộc tình ấy không trọn vẹn, vì lẽ họ chỉ có duyên mà không có phận với nhau. Người đàn bà yêu ấy đã phải chia tay cuộc tình và đau đớn hơn là phải bước ra đường như một kẻ không nhà…

Minh Thái đã nói về bài thơ chị viết trong sự tuyệt vọng ấy, rằng, khi  tất - cả -cánh-cửa-người đều đã khép, thì "chỉ còn chiều với một tôi/ Chỉ còn tôi với cả một chiều". Và chị đã từng độc thoại đau xót: "Tôi không tị nạn vào chiều thì tị nạn vào đâu?". Tị nạn xác thân đã là đau đớn nhưng tị nạn linh hồn còn đau hơn, và tị nạn vào một buổi chiều hư vô thì thật là điều tuyệt vọng chưa từng...

PGS - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái.

Người đàn bà trong thơ Nguyễn Thị Minh Thái dường như còn đau khổ hơn cả người đàn bà trong thơ Xuân Quỳnh, vì người đàn bà thơ Xuân Quỳnh còn có nơi chốn để quay về, còn người đàn bà thơ của Minh Thái thì không. Không còn nơi để quay về trong buổi chiều ấy. Đành đoạn tị nạn vào chiều. Thật giống câu thơ của nhà thơ đời Đường - Trần Tử Ngang trong một chiều đứng ở ngã ba đường. Đã hơn nghìn năm trôi qua trên những câu thơ ấy mà sao hôm nay đọc lại lòng vẫn rưng rưng:

Trước ta ai đến đây
Sau ta ai sẽ đến.
Ngẫm trời đất vô cùng
Mà mang mang dòng lệ

Trong cuộc đời ai cũng sẽ có những lúc đứng ở những ngã ba đường mà không biết mình sẽ đi đâu?

Thực ra Minh Thái không ngã vào chiều mà đã ngã vào thơ. Và chính thơ đã không chỉ đem lại sự bình yên cho trái tim và tâm hồn chị, mà đã cứu chị như chị đã nói: "Thơ là thần hộ mệnh của đời tôi". Vì thế khi đọc thơ của người đàn bà này, đằng sau những đau khổ, giày vò, nghĩ ngợi, chúng ta, người đọc thơ, lại có thể tìm thấy sự bình yên.

Với Minh Thái, thơ là mái nhà yên ấm, là nơi chở che cuối cùng cho tâm hồn bị tổn thương. Đấy là chỗ đáng quý, đáng nâng niu của thơ chị. Sau những vật vã của cuộc đời, người đọc có thể đọc những bài thơ chị như những đứa con lang thang tìm về, nằm trong khu vườn yên tĩnh, dưới mái nhà mình lắng nghe ngọn gió thổi ngang trời mà mỉm cười an lạc.

Khi đọc bài thơ "Tị nạn chiều", không hiểu sao tôi nhớ đến bức tranh của một hoạ sĩ siêu thực phương Tây cũng tên là "Chiều". Bức tranh vẽ một khung cửa sổ mở rộng, bên ngoài là cả bầu trời chiều xanh ngăn ngắt đến vô tận và trên đó là những đám mây trắng trôi qua rất êm đềm. Ở chính giữa bức tranh là hình tượng một người đàn bà mầu hồng nằm thư thả và trôi giữa những đám mây. Gương mặt người đàn bà rất bình yên và dường như đang mỉm cười. Trong thơ của mình, Minh Thái như đã vẽ lại bức tranh ấy:

Gió cuối hạ thổi ngập trời Hà Nội
Biền biệt mây trắng trôi…

Tôi khăn gói ngược về tôi

……………………………

Cái gì cũng đã chia ở thời quá khứ
Cái gì cũng đã qua và đã từng

Tôi không biết tôi là ai
Giọt máu rớt trên cỏ?
Đứa bé bị bỏ quên ngoài chợ?
Hòn sỏi lẻ bên bờ biển hoang?
Giọt rượu chót cuối li rượu?
Mảnh của chiếc cốc vỡ?
Tôi chỉ còn nơi bấu víu là chiều
Chỉ còn nơi tị nạn là chiều

Để sớm mai tôi sẽ lại
Lên đường từ số không và mảnh vỡ     

Và đặc biệt là trong bài "Chiều":

Chiều chẳng đong đầy
Tôi
Lặng lẽ tôi
Tràn ngập
Tự trôi chầm chậm
Không chớp mắt
Nhìn chiều lướt qua

Sau những đau khổ tan vỡ ấy có một người đàn bà đã đứng lên, tự dựng lại cuộc đời mình. Có một nhân vật nữ nghệ sĩ trong tiểu thuyết nổi tiếng của Pearll Buck đã nói về mình rằng; đôi khi cô đã rất đau khổ và đã khóc về đêm nhưng sáng dậy cô lại tự lau khô nước mắt, lại tiếp tục mỉm cười, tiếp tục sống và sáng tạo. Nguyễn Thị Minh Thái là như thế.

Đọc thơ chị chúng ta thấy một người đàn bà thật mạnh mẽ nhưng không phải là người có trái tim bằng thép, mà là một người bình thường, cũng mềm yếu cũng đau đớn đến tận cùng. Chỉ có điều khác là sau mỗi đau đớn, chị lại gượng dậy, đứng lên và làm lại tất cả từ những số không và mảnh vỡ.  Đây là thơ của một người phụ nữ đầy nghị lực.

Như cái kính vạn hoa vốn được ghép lại từ những màu sắc rực rỡ của các mảnh vỡ, cuộc đời luôn tồn tại những mảnh vỡ mà nếu khéo ghép có thể thành bức tranh đẹp. Tập thơ của Minh Thái là cái kính vạn hoa ấy. Có những bài thơ nhỏ xinh như bài haiku (một thể thơ ngắn của Nhật) mà khi đọc ta có thể mỉm cười như tình cờ nhìn thấy một đóa hoa vàng trên cỏ, một cánh bướm nhỏ chấp chới trong ngọn gió mùa xuân. Nhỏ xinh thôi nhưng thật sâu sắc:

Hoa bìm
Nở bùng tím nhạt
Chi chít trùm lên bờ giậu
Hoa ta những muốn
Nở theo

Nhưng
Ta biết
Bờ giậu ta từ lâu đã đổ                                                                                                         

Cạn
Sông Lô chiều hoang vắng
Không đôi bờ lau trắng
Không gió thổi cuồng điên
Không một niềm quạnh vắng

Dòng sông đã cạn lòng
Mưa xuân rơi thầm lắng… 

Có một lần tôi được vinh dự trò chuyện với một nhà thơ nổi tiếng. Tôi hỏi ông sợ nhất điều gì? Ông nói ông sợ nhất là khi "lòng đã chết như "sỏi đá", y như "dòng sông đã cạn lòng". Trong câu thơ này của Minh Thái, dù dòng sông đã cạn lòng nhưng mùa xuân vẫn đến, mưa xuân vẫn rơi nhẹ nhàng và thầm lắng.

Cái hay của thơ Minh Thái là dù  viết về những đau đớn, chia biệt, gãy đổ đấy nhưng thơ chị vẫn đầy hy vọng, y như câu chuyện thần thoại Hy Lạp rằng, sau khi nhân loại trải qua mọi đau khổ vì những kiếp nạn trên trái đất, thì may sao, vẫn còn sót lại một hạt mầm trong cái hộp tai ương mà Thượng đế đã cho loài người, đó là hạt hy vọng mà mỗi một con người và cả nhân loại, đã bám vào đó để vượt qua đau khổ, để tồn tại và để sống. Vì thế đọc thơ Minh Thái tôi hình dung chị y như thuở thiếu nữ - sinh viên ngày nào của khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã mặc cho mình "Chiếc - áo - nỗi - buồn".

Chiếc áo nỗi buồn
Cả gió
Phồng lên, phồng lên
Thành cánh buồm đỏ thắm

(Cánh buồm đỏ thắm)

 "Cánh buồm đỏ thắm" đó là câu chuyện tuyệt vời của nhà văn Nga Aleksand Grin mà cả hai chúng tôi cùng mê đắm trong thời sinh viên ngày xưa, năm chúng tôi mười bảy tuổi. Đó là chuyện về một cô bé vì tin vào câu chuyện cổ tích của một người thuỷ thủ già mà cứ chiều chiều ra bờ biển để ngóng đợi con thuyền có cánh buồm đỏ thắm cập bờ mang đến cho nàng một chàng hoàng tử.

Cả làng chài ai cũng cười nàng. Nhưng cuối cùng có một con thuyền với những cánh buồm đỏ thắm cập bờ thật và nàng đã lên tàu cùng với chàng hoàng tử trong giấc mơ ấy. Thế hệ tôi, một thế hệ sinh viên gian khổ sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ai cũng mang trong tim mình một cánh buồm đỏ thắm, như một ám tượng, một giấc mơ kỳ diệu về hạnh phúc.

Và chắc chắn con thuyền với cánh buồm đỏ thắm ấy sẽ đến với "người thơ" Minh Thái, cũng như với tất thảy những ai dù đi qua tột cùng đau đớn nhưng vẫn không nguôi niềm tin, không nguôi hy vọng - có phải thế không?

Đoàn Hương
.
.