Có một Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh
- Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận nhiều hiện vật quý
- Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều hiện vật quý giá về Bác Hồ
Dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận xác lập Kỷ lục “Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, truyền hình về thời hậu chiến tranh tại Việt Nam nhiều nhất” cho nhà văn Minh Chuyên...
Từ tác phẩm về đề tài hậu chiến
Tôi gặp nhà văn Minh Chuyên cách đây hơn 20 năm ở Quảng Ninh. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bút ký “Người lang thang không cô đơn” (Báo Văn nghệ số ra ngày 25/7/1992) và vở kịch “Người không cô đơn” (nghệ sĩ Lê Hùng dàn dựng cho Đoàn Kịch nói Thái Bình, phát sóng truyền hình năm 1993). Vở kịch “Người không cô đơn” đã làm chấn động sân khấu kịch và truyền hình, đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp - 1993.
Kể từ khi vở diễn ra mắt công chúng cách đây 25 năm, năm 2017 vở kịch phát trên VTV1 vẫn vẹn nguyên trong tôi niềm xúc động. Những diễn viên đã từng tham gia vở diễn lần đầu đã trở lại vở diễn “Người không cô đơn” phiên bản 2017.
Kể từ ngày đó, anh em tôi có nhiều cơ hội gặp nhau: cùng định cư ở Hà Nội, cùng là hội viên Hội Nhà văn và Điện ảnh; cùng công tác ở lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Cũng có lần chúng tôi đã “đụng nhau” trong công việc. Nhưng mọi điều đều được hóa giải bởi thiện chí, nhân tâm.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình dự Lễ khánh thành Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. |
Gần 44 năm chiến tranh đi qua, hậu quả chiến tranh vẫn hiện hữu. Hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh. Những vùng đất bị nhiễm độc, sót lại bom mìn và cái chết vẫn rình rập. Người dân Việt Nam vẫn đang phải gồng sức vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Những di chứng để lại hết sức thảm khốc, nặng nề… Văn học không được phép thờ ơ trước những tổn thất mang tính bi kịch.
Với trách nhiệm của một nhà văn từng mặc áo lính, Minh Chuyên tự dấn thân với đề tài hậu chiến. Sau 10 năm chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, năm 1976, Minh Chuyên trở về quê hương. Hơn 20 năm sau (1997), anh lại “xê dịch” về Đài Truyền hình Việt Nam. Chính ở môi trường này đã giúp nhà văn phát huy tốt nhất thế mạnh viết về đề tài hậu chiến.
Việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã được quan tâm giải quyết. Song nhiều nỗi đau vẫn còn đó. Với trách nhiệm của người cầm bút, nhà văn Minh Chuyên đồng cảm, chia sẻ nỗi đau, di họa chiến tranh đang hiện hữu.
Sự kết hợp “ba trong một” (văn học, báo chí, điện ảnh) giúp Minh Chuyên vừa có tư chất của một nhà văn tài hoa; phẩm chất nhà báo nhanh nhạy, tác chiến và một nghệ sĩ trực tiếp dàn dựng, đạo diễn nhiều bộ phim. Biết những khó khăn phải đối mặt, anh không ngại khó, ngại “đụng chạm”, lại càng không tránh né sự thật… để tìm hiểu sự khuất lấp.
Minh Chuyên tự đặt cược, định vị ngòi bút của mình ở đề tài hậu chiến. Anh xác tín một nghiệp, tự đi trên con đường riêng. Thậm chí nhà văn đã từng gặp, vướng vào “sự cố rắc rối”, phiền hà, phải điều trần, giải trình…
Minh Chuyên là tác giả của hơn 300 tác phẩm (gần 30 cuốn sách bút ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học; 255 tập phim tài liệu…). Minh Chuyên viết nhiều thể loại, nhưng thể ký mới là thế mạnh của anh.
Khởi đầu từ bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” xôn xao dư luận cả nước, Minh Chuyên khẳng định hướng đi riêng với hàng loạt bút ký nổi tiếng, như: "Người lang thang không cô đơn", "Di họa chiến tranh", "Những linh hồn da cam", "Người liệt sỹ có nửa linh hồn", "Mười lần sinh tử", "Không được thành người", "Vết thương không mảnh đạn"…
Bút ký của anh là tư liệu sống, tố cáo tội ác chiến tranh với những di họa trong những người đang sống. “Đứa con màu da thú” là bút ký đầu tiên viết về nạn nhân chất độc da cam. Từ bút ký trên, Minh Chuyên viết kịch bản, đạo diễn bộ phim tài liệu “Cha con người lính”…
Chính từ những bài viết chân thực đó đã góp phần tác động tích cực tới các chính sách người có công, thương binh, liệt sỹ, chính sách nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Thêm nữa, những nạn nhân chịu chất độc da cam có thêm cứ liệu đầy sức thuyết phục khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ gây hậu quả trong chiến tranh Việt Nam.
Sự thành thực với lao động sáng tạo đã giúp anh công bố tác phẩm, tạo hiệu ứng xã hội, lan tỏa cái Đẹp. Sau tác phẩm “Người lang thang không cô đơn”, Chính phủ đã quyết định thành lập quỹ mang tên “Quỹ Người không cô đơn” (quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”). Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được được duy trì đến ngày nay, được nhân dân cả nước hưởng ứng, nhiệt tình ủng hộ hoạt động thấm đẫm tính nhân văn. Anh thương binh Nguyễn Đình Thúc đã tìm được quê hương, đoàn tụ với gia đình.
Trần Quyết Định sau 10 năm (1979-1989) hoàn tất “thủ tục” để được công nhận là người sống; gần 20 năm (1998-2007) sau kể từ khi bài ký đăng Báo Văn nghệ mới được nhận Sổ Thương binh. Những tác phẩm của Minh Chuyên đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đến với Trường Đại học Harvard và Thư viện Quốc Hội Mỹ... Từ “Người lang thang không cô đơn”, Minh Chuyên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1993).
Ghi nhận hơn 40 năm lao động sáng tạo, Minh Chuyên đã đoạt hơn 60 giải thưởng trong nước, quốc tế. Ngày 24/2/2009, Minh Chuyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tác phẩm của Minh Chuyên đã được công chúng ghi nhận: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Di họa chiến tranh - 1998); giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Những cột mốc người); bộ phim “Linh hồn Việt Cộng” đoạt 3 giải thưởng quốc gia; Giải Bạc Liên hoan phim tài liệu quốc tế EBS-EIDF Seoul Hàn Quốc (2005); “Cha con người lính” đoạt Cúp vàng Quốc tế trong Liên hoan phim quốc tế lần thứ X tổ chức tại Triều Tiên (2006) và hơn 10 năm sau (2017), tác phẩm “Cha con người lính” nằm trong cụm tác phẩm Minh Chuyên nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật...
Đến Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên
Với ý thức lưu giữ thành quả lao động sáng tạo, năm 2012, gia đình nhà văn đã khởi tâm xây dựng Bảo tàng tác phẩm Minh Chuyên tại quê nhà. Bảo tàng rộng 60m2 được chia làm 5 khu. Từ khi Bảo tàng đi vào hoạt động, hàng trăm đoàn khách và những người mến mộ đã đến thăm.
Song Bảo tàng có tính chất tư nhân, nên ngoài cái tâm, ý thức lưu giữ lao động sáng tạo thì việc thiếu kiến thức chuyên môn, kinh phí, nhân lực, hướng dẫn…là những khó khăn của Bảo tàng. Đây là tình trạng chung của những bảo tàng ngoài công lập ra đời sau Luật Di sản văn hóa. Bảo tàng ngoài công lập được đầu tư xây dựng bởi tấm lòng. Vận hành cũng bởi... tấm lòng.
Thấu hiểu điều đó, ngành Văn hóa Thái Bình đã vào cuộc. Sau Thông báo số 344-TB/TU ngày 28/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 8/9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3432/UBND hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mở rộng nhà Bảo tàng lưu giữ tác phẩm văn học nghệ thuật của nhà văn Minh Chuyên…
Việc triển khai công trình đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước. Bảo tàng tỉnh tích cực tư vấn về chuyên môn. Các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tài trợ kinh phí xuất bản...
Ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, Bảo tàng đã nhận được kinh phí xã hội hóa của Tập đoàn Geleximco và những nhà hảo tâm. Đến nay, công trình đã nâng cấp từ diện tích 60m2 lên diện tích trên 250m2, gồm nhà trưng bày lưu giữ bảo tồn tác phẩm, đền thờ liệt sỹ và một số công trình văn hóa phụ trợ. Hiện tại Bảo tàng đã được trưng bày lưu giữ gần 600 tư liệu, hình ảnh, hiện vật…
Từ mô hình khởi tâm của Thái Bình có một Tượng đài “Bến không chồng”; Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên là việc làm kịp thời, giàu ý nghĩa nhân văn của Thái Bình thể hiện sự tôn vinh đối với văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật. Khởi tâm của Thái Bình là một kinh nghiệm, gợi ý quý báu cho nhiều địa phương tri ân với lao động sáng tạo. Việc Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động này cùng đóng góp xã hội hóa là một việc làm cần thiết.