Lập Hội bảo vệ bản quyền điện ảnh, phim truyền hình

Có giải quyết được vấn đề nóng, bức xúc?

Thứ Năm, 28/11/2019, 08:30
Phim Việt bị xâm phạm bản quyền như chuyện thường ngày, đặc biệt phim càng hot càng bị xài chùa. Đáng nói hơn, hành vi xâm phạm bản quyền gần như được mặc nhiên thừa nhận...


Nhà sản xuất phim "Gạo nếp gạo tẻ" - Công ty Truyền thông DID TV (DID) từng đâm đơn kiện một công ty viễn thông lớn đã xâm phạm bản quyền... "Cô Ba Sài Gòn", "Em chưa 18", "Em là bà nội của anh", "Tấm Cám: Chuyện chưa kể"... đều bị phát tán, trong đó, nhà sản xuất "Cô Ba Sài Gòn" từng chịu tổn thất 250 triệu đồng khi một nam thanh niên livestream phim hơn 30 phút với hơn 50 nghìn lượt xem.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan lĩnh vực điện ảnh, truyền hình đang diễn biến phức tạp, tăng chóng mặt, gây tổn thất lớn nhưng chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời, đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho các chủ sở hữu tác phẩm. Việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và các quyền liên quan vì thế ngày càng trở nên cấp thiết.

Trước tình hình trên, một nhóm những người hoạt động điện ảnh và truyền hình đã nhận lãnh trách nhiệm đứng ra vận động thành lập Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình. Đồng thời, đã trình Đề án tới các cơ quan có thẩm quyền xin thành lập hội. Ngày 16-8-2019, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 653/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

Non trẻ nhưng phải đương đầu gian nan

Tại Hà Nội vừa diễn ra Đại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nhiệm kỳ 2019- 2024. Ban Chấp hành Hội đã được bầu với 15 thành viên, Ban Thường vụ Hội gồm 7 thành viên. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam được bầu làm Tổng thư ký  Hội.

Việc thành lập Hội được kỳ vọng là một tín hiệu khả quan, "tuyên chiến" và đẩy lùi vấn nạn này. NSND  Đặng Xuân Hải cho rằng, sáng tác, sản xuất, phổ biến phim điện ảnh và truyền hình những năm qua phát triển mạnh mẽ nhờ chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh và truyền hình của Nhà nước.

Phim "Gạo nếp gạo tẻ" bị xâm phạm bản quyền.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhiều nguồn vốn từ xã hội và cả từ nước ngoài đã tham gia vào hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình với các phương thức liên doanh, liên kết, hợp tác đa dạng. Sản lượng phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam tăng mạnh, tạo điều kiện cho công chúng khán giả thưởng thức nguồn sản phẩm nghe - nhìn hết sức phong phú về hình thức cũng như về xuất xứ chủ sở hữu tác phẩm.

Theo ông Hải, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được thành lập nhằm góp phần bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, bảo đảm môi trường lành mạnh cho hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của điện ảnh - truyền hình Việt Nam.

Hội cũng đặt ra nhiệm vụ tiến hành các biện pháp quản lý, khai thác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình. Đại hội đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ I, giai đoạn 2019- 2024. Dự kiến trong nhiệm kỳ I, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam sẽ kết nạp 200 - 300 hội viên.

Tân Phó Chủ tịch, nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh chia sẻ: "Khó, nhưng không sao, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dù còn non trẻ nhưng sẽ nỗ lực tìm đường đi hiệu quả để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ. Đoạn đường phía trước còn gian nan hơn nhiều những gì mà chúng tôi đã trải qua.

Thậm chí, các thành viên còn phải tự bỏ tiền túi cho những hoạt động của Hội với mong muốn bước đầu đây sẽ là điểm tựa tinh thần cho các tác giả. Chúng tôi đều xác định, điện ảnh, truyền hình là ngôi nhà của mình, có sự kiện hay dự án gì thì phải xông vào làm".

Nghệ sĩ Quyền Linh nhận định, bản quyền là vấn đề nhạy cảm mà rất nhiều nghệ sĩ quan tâm và "đau đầu", nhiều trường hợp không biết phải giải quyết như thế nào. "Không chỉ có các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình mà nhiều nghệ sĩ làm phim ngắn hoặc web drama (phim chiếu mạng), chỉ mới đăng trên mạng xã hội, Facebook hoặc Youtube đã bị đánh cắp. Thực tế là có đăng ký tác quyền nhưng vẫn bị xâm phạm, các nghệ sĩ kêu than, bức xúc nhưng ai bảo vệ cho họ, tiền tác quyền lấy ở đâu?".

Câu hỏi đau đầu

Tuy nhiên, hoạt động của Hội nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, đến thời điểm này vẫn đang là câu hỏi "đau đầu" cho những người đảm nhận trọng trách ngồi "ghế nóng" của tổ chức mới tinh này. Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần khẳng định sự cần thiết ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Song ông cũng băn khoăn, hoạt động của Hội thời gian tới không biết sẽ như thế nào.

"Tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, hội họa, nhiếp ảnh... thường thuộc sở hữu của một tác giả, nhưng điện ảnh thì có đặc thù khác. Không mấy ai tự bỏ tiền làm phim. Vì vậy, chủ sở hữu tác phẩm thường là một hãng phim hay đài truyền hình chứ không phải là một cá nhân. Xưa nay tôi đã làm nhiều phim nhưng chưa bao giờ có một tác quyền nào. Thậm chí, mượn phim của mình làm để chiếu cho học sinh xem cũng không được. Như vậy, vai trò của từng tác giả sẽ được bảo vệ tác quyền như thế nào...", đạo diễn phim  "Em còn nhớ hay em đã quên" bày tỏ

Ông còn kể, ngoài những phim Nhà nước đặt hàng, ông có làm phim thời "mì ăn liền" và bộ phim được đánh giá thành công cả yếu tố thị trường và nghệ thuật là "Em còn nhớ hay em đã quên".

"Ngày ấy, việc "chiến đấu" để không bị mất bản quyền với các đơn vị chiếu phim rất kinh khủng. Nhưng cuối cùng cũng bị mất bản quyền phim và không có cách gì đòi được. Dù có đăng ký bản quyền nhưng ai điều tra, ai kiện?", NSND Nguyễn Hữu Phần nói.

Đạo diễn này cũng chia sẻ, trong quá trình ông từng hợp tác làm phim cho nước ngoài nhận thấy rằng, họ có hợp đồng rất rõ ràng về quyền lợi tác giả. Người sáng tạo được gì sau 2 năm, 5 năm, 10 năm đều rõ. NSND Nguyễn Hữu Phần bày tỏ: "Vì thế, tôi cũng đang băn khoăn rằng sau khi có hình hài, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình sẽ hoạt động như thế nào, đòi quyền lợi ra sao cho các tác giả. Tôi cũng rất kỳ vọng Hội sẽ đảm bảo hoạt động đúng luật, bảo vệ được vấn đề bản quyền cho các hội viên, các tác giả làm phim điện ảnh, truyền hình".

Theo Quyền Linh, ban vận động phải chuẩn bị 6-7 năm trời cho việc thành lập Hội. Hơn 6 năm qua, NSND Đặng Xuân Hải đã kết nối các nghệ sĩ từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Hội. Cuộc ra mắt của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình quả thật là kết quả của một hành trình rất đỗi gian nan.

Vấn đề của nhiều quốc gia

"Đây là vấn đề đang được nhiều quốc gia, bao gồm cả những cường quốc điện ảnh đặc biệt quan tâm, nhiều nước đã xác định bảo vệ tác quyền là vấn đề của Nhà nước và Chính phủ. Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển, câu chuyện tác quyền luôn luôn đặt ra những bài toán khó.

"Pháp có những tổ chức lớn về vấn đề bảo vệ bản quyền cho mọi lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí, họ có cả đội ngũ để đến các địa chỉ, vào cả các nhà thờ xem những bản nhạc được sử dụng tại đó có đáp ứng vấn đề bản quyền không. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dùng chế tài pháp luật phạt rất nặng. Chúng ta cũng phải như vậy, cần phải có hệ thống để phát hiện ra việc xâm phạm bản quyền, từ đó bảo vệ bản quyền cho các tác giả, các tổ chức. Hình thức xử phạt cũng phải rất nghiêm khắc mới có thể giải quyết được vấn đề", đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL, sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm đối với việc bảo vệ quyền lợi của giới nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất phim Việt Nam nói riêng cũng như công tác bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan nói chung.

Để Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo tôn chỉ, mục đích của Hội, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh, trước mắt, Hội cần tập trung vào một số hoạt động trọng tâm. Trong đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, phát triển hội viên và nâng cao nhận thức của hội viên về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; về điều lệ, chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích của Hội; quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp của các hội viên...

Văn Hùng - H.Ngân
.
.