Cô gái Nhật giữ gìn và tôn vinh sơn mài Việt

Thứ Ba, 22/08/2006, 09:00

Cô đã trải tấm lòng mình để cảm nhận những vẻ đẹp của đời sống, con người Việt, sống hết mình với những mạch ngầm li ti của nó, yêu, hy vọng và xót xa cho những giá trị truyền thống đang bị mai một trong nỗi ơ hờ của chính những người Việt.

Sơn mài là một sản phẩm truyền thống lâu đời của các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam... Thế nhưng, sử dụng sơn mài như một chất liệu của hội họa hiện đại thì chỉ có ở Việt Nam, và cũng là loại hình có không nhiều họa sĩ theo đuổi do sự phức tạp và kỳ công của kỹ thuật.

Tranh sơn mài Việt Nam, vốn rất được người nước ngoài ưa chuộng. Thế nhưng trong xu hướng thương mại hóa nghệ thuật, ngày nay những giá trị của tranh sơn mài Việt đang bị mai một và lẫn lộn. Trong khi ngay cả những người làm sơn mài trong nước cũng không có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị của sơn mài truyền thống, thì có một họa sĩ Nhật Bản, đang cần mẫn và lặng lẽ lao động, để tôn vinh nghệ thuật sơn mài Việt. Đó là Saeko Ando.

Sinh ra để vẽ

Sinh năm 1968 tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, từ lúc chập chững biết đi, Saeko đã cầm cọ vẽ. Người mẹ dạy con gái vẽ, dù bà không phải là họa sĩ. Bà dạy con những cảm nhận tinh tế về tâm hồn, đường nét, màu sắc  trang trí trên những vật dụng bình thường trong nhà, bà dạy con những điều từ cuốn sách do chính bà viết và vẽ lấy…

Người Nhật sống chan hòa trong thiên nhiên, nghệ thuật hiện diện khắp nơi trong cuộc sống của họ, trên những nét trang trí quần áo, trên những bức vách ngăn nhà, trên bàn ghế, sàn nhà, vườn tược cây cối v.v… Người cậu làm thiết kế computer mê hội họa và thường vẽ tranh đã truyền cho Saeko những hiểu biết về hội họa. Cô bé vẽ tranh mà không nghĩ đó là một nghề, với cô nó là một phần của cuộc sống, giản dị như không khí để thở, như nước để uống, thức ăn để ăn. Cô vẽ bằng nhiều chất liệu, vẽ những cái gì có thể. Trong ngôn ngữ của màu sắc và đường nét, cô thấy mình được nguyên vẹn là mình, được thấu hiểu, được sẻ chia.

... và một tác phẩm tranh sơn mài của cô.

Sau này vào học Khoa Triết học tại Đại học Văn hóa Nhật Bản, một trường thuộc Đại học Waseda nổi tiếng, cô càng hiểu vai trò của mỹ thuật trong đời sống người Á Đông. Cô có ý hướng nghiên cứu mỹ thuật Á Đông, nhưng thiên hướng từ ngày bé vẫn luôn thôi thúc cô theo con đường sáng tạo. Những năm sau đó, vào làm tiếp viên cho Japan Airlines, đi khắp thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, cảm xúc và đam mê trong cô càng có dịp bùng cháy. Nhưng công việc cuốn cô đi, và cô chưa kịp đầu tư cho đam mê của mình khi còn ở trên đất nước Mặt trời mọc.

Những mối duyên tình trên đất Việt

Đầu tiên là với sơn mài.

Tháng 10/1995 lần đầu tiên Saeko đến Việt Nam trong một chuyến du lịch. Ở Hà Nội, cô ngạc nhiên thấy tranh và đồ mỹ nghệ sơn mài được bày bán trong các quầy hàng lưu niệm. Sơn mài là một kỹ nghệ lâu đời ở Nhật Bản, được sử dụng trong nghệ thuật trang trí. Vậy nhưng ở Việt Nam, sơn mài đã trở thành một loại hình của hội họa hiện đại.

Tìm hiểu kỹ, cô thấy Việt Nam cũng có truyền thống sơn mài rất độc đáo, nhưng tiếc thay những đồ sơn mài bày bán ở ngoài phố đã không làm theo kỹ thuật truyền thống và chất lượng nghệ thuật kém. Tranh nghệ thuật sơn mài bày trong các gallery cũng vậy, chủ yếu sử dụng sơn công nghiệp và được làm bằng máy móc. Có cái gì khác giữa kỹ thuật sơn mài của Việt Nam và Nhật Bản? Cô quyết định ở lại để tìm hiểu điều này.

Thật là khó khăn, cô không chuẩn bị gì để thay đổi cuộc sống cả, phải thôi việc ở Japan Airlines, xin thêm visa, và khó nhất là phải thuyết phục gia đình để cô ở lại Việt Nam. Bắt đầu một cuộc sống mới, thuê nhà ở Hà Nội, chỉ sống bằng tiền tiết kiệm, tìm thầy học tiếng Việt và học sơn mài. May mắn, họa sĩ Trịnh Tuân, và sau đó là họa sĩ Doãn Chí Trung, những người chuyên chú cho sơn mài lâu năm, nhận hướng dẫn cô. Cô cần mẫn học lấy những kỹ thuật kỳ công và khó nhọc của nghề sơn mài.

Càng học, cô càng thấu hiểu, sơn mài Việt chứa đầy những khả năng sáng tạo ở trong chất liệu và trong kỹ thuật. Ban đầu, tưởng chỉ trong một năm thôi là có thể biết được hết về kỹ thuật sơn mài Việt Nam, nhưng như người đi cuối dòng sông mới biết sông không cùng, bởi phía trước là một trời biển, Saeko đã bước vào thế giới rộng lớn của nghệ thuật sơn mài, vẻ đẹp tinh tế và nhẫn nại của nó đã quyến rũ cô. Một năm. Và bây giờ đã mười năm. Cô đã học được những kỹ thuật tinh vi nhất, cũng tự mình tìm tòi được những bí quyết hay, và trở thành một trong những họa sĩ sơn mài có kỹ thuật tốt nhất hiện nay.

Quá trình cần mẫn với sơn mài, cô nhận ra sơn truyền thống Việt Nam có thịt hơn, trong và mềm hơn sơn truyền thống Nhật Bản, do đó tạo cho người họa sĩ nhiều khả năng để làm nổi bật những màu sắc và chất liệu bên dưới. Những lớp màu và những lớp đường nét sau khi mài và phủ sơn trở nên nổi bật và lạ lùng hơn bất cứ một cách thức sơn mài nào cô từng biết.

Tranh của cô, cô thường tự làm từ A đến Z, từ chọn sơn, đến bồi, vẽ, mài, ủ… Cô không sử dụng sơn công nghiệp như nhiều họa sĩ trong nước, kể cả những họa sĩ rất nổi tiếng. Cô phải tìm mua sơn của một thợ sơn già làm nghề truyền thống, tự mài thủ công, nỗ lực để làm nổi bật những khả năng mà chất liệu, kỹ thuật sơn mài Việt Nam có được. Đến nay, cô đã tổ chức 6 triển lãm ở Hà Nội và Sài Gòn, tổ chức triển lãm tranh sơn mài Việt Nam ở Nhật Bản và đang tìm kiếm cơ hội để đưa tranh triển lãm ở các nước khác.--PageBreak--

Cô đã trải tấm lòng mình để cảm nhận những vẻ đẹp của đời sống, con người Việt, sống hết mình với những mạch ngầm li ti của nó, yêu, hy vọng và xót xa cho những giá trị truyền thống đang bị mai một trong nỗi ơ hờ của chính những người Việt. Rồi có lẽ để đền đáp tấm lòng cô với xứ sở này, trời đất đã mang lại cho cô mối duyên tình khác ngoài hội họa. Cô gặp và yêu chàng trai người Anh Borwell Mark. Bây giờ thì cô đã có 2 con trai. Việt Nam, không phải là một nơi chốn dừng chân trên đường đời mê mỏi, đây đã là quê hương của cô. Và mỗi ngày ở đây, cô đang nỗ lực để lưu giữ và quảng bá cho tinh túy của sơn mài Việt.

Và Cây Sơn, nơi lưu giữ hồn sơn mài Việt

Nằm thấp dưới mặt đê sông Hồng, trên đường Nghi Tàm, từ hơn 1 năm nay, quán Cây Sơn (The Lacquer Tree) lặng lẽ trở thành một không gian văn hóa, nơi hội tụ của những người làm sơn mài và yêu sơn mài Việt Nam.

Gọi là quán cũng không hẳn, dù có bar-café. Nó cũng như một xưởng vẽ, vì các họa sĩ mỗi ngày đều cần mẫn vẽ tranh ở đây. Nó cũng là một lớp học, học trò rải rác quanh năm, có thời gian rất đông. Cũng là một gallery thu hút những người mê tranh, nhất là những người nước ngoài. Đúng hơn, đó là một không gian, mà mỗi đường nét, bối cảnh đều toát lên sự hòa trộn của văn hóa Nhật – Việt. Saeko viết: Where tradition and imagination meet – Nơi gặp gỡ của truyền thống và trí tưởng.

Saeko tiếp chúng tôi ở đây. Cô cởi mở và đáng mến bởi sự nền nã và sâu sắc. Tôi đã lo lắng khó lòng trò chuyện được với cô bằng tiếng Việt, nhưng cô đã làm tôi ngạc nhiên vì cô dùng tiếng Việt quá giỏi. Cô đang sắp xếp lại gallery sau khi những tranh gửi triển lãm ở Nhật được trả về và đang vẽ một bức tranh quá lớn so với sức vóc mảnh mai của cô. Cô giới thiệu cho tôi những chất liệu của sơn mài truyền thống được trưng bày ở khắp trong không gian của cô.

Làm việc với cô ở đây có các họa sĩ trẻ Việt Nam: Nguyễn Huy Hoàn, Nguyễn Quốc Cường, Phạm Huy Thông. Họ vẽ, bày tranh ở đây, và dạy về kỹ thuật sơn mài. Họ cũng không từ chối những người đến tham vấn về tranh, vì họ mong muốn nâng cao hơn trình độ của người thưởng thức nghệ thuật. Có nhiều khách du lịch đến đây học để vẽ được một bức tranh mang về làm kỷ niệm. Nhưng có nhiều bạn trẻ đến đây để mong thành chuyên nghiệp.

“Những người làm nghề thường hay giữ những bí quyết riêng. Chị không giữ những bí quyết riêng để làm nghề?” – tôi hỏi. Saeko cười rất tươi: “Biết mà giữ một mình thì ki bo lắm!” – cô dùng đúng từ ki bo theo cách người Việt. Nhưng các bạn trẻ ngày nay ít nhẫn nại lắm, nhiều người đã bỏ ngang vì không chịu được sự cực nhọc của người làm sơn mài. Còn lại những người có đức tin thì đang ở đây, tiếp tục một cách âm thầm, cùng với Saeko gìn giữ và tôn vinh một giá trị văn hóa.

Song, sự thiếu nhẫn nại ấy còn dễ tha thứ hơn sự thiếu trung thực trong nghệ thuật. Là người làm nghề, Saeko rất xót xa vì hiện tại nhiều họa sĩ Việt Nam, vì để vẽ được nhiều tranh, bán được nhiều và với giá thành hạ (dùng sơn mài ta giá thành tranh rất đắt, vì chất liệu đắt và kỳ công), đã sử dụng sơn công nghiệp và những chất liệu kém chất lượng khác, song vẫn giả mạo là sơn mài “ta”, khiến công chúng bị nhầm lẫn. Các họa sĩ cũng không tự mình làm hoàn chỉnh một bức tranh, nhưng vẫn ký tên mình trên tác phẩm. Và do sự thiếu trung thực ấy của họa sĩ, nhiều người nước ngoài đã mua tranh có chất lượng kém, sau một thời gian những bức tranh đắt tiền bị bong, hỏng, họ đã có một cái nhìn không tốt về tranh sơn mài Việt Nam. Ngần ấy năm sống với nghề sơn mài, hơn ai hết Saeko hiểu rõ, người Việt Nam đang tự đánh mất đi giá trị độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt.

Chính vì thế mà mỗi ngày ở Cây Sơn này, dù là vẽ tranh, dạy học hay những buổi tham vấn cho khách, Saeko Ando đang nỗ lực để lưu giữ hồn của sơn mài Việt

Trần Thanh Hà
.
.