Công bố danh sách hồ sơ được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016

Có "bỏ quên" những tác giả xứng tầm?

Thứ Năm, 05/05/2016, 16:12
Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công bố danh sách hồ sơ được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016. Danh sách này gồm những cá nhân văn nghệ sĩ đã được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực bầu chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín. 


Theo quy định, danh sách các hồ sơ được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 25-4 đến hết ngày 10-5 trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã được trao 4 đợt và đây là đợt xét tặng lần thứ 5 dành cho 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc. Được xét 5 năm một lần, các đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật từ năm 1996 đến nay luôn thu hút sự quan tâm và trở thành tâm điểm của những người theo đuổi sáng tác cũng như công chúng yêu văn học nghệ thuật.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên (tháng 5-2012).

Theo ghi nhận của phóng viên, cũng giống như các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vẫn luôn xảy ra những "lùm xùm" thì cũng chưa có một đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật nào không có những "điều tiếng", thậm chí những tranh chấp, kiện tụng xảy ra. Đợt công bố công khai danh sách hồ sơ được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 cũng là để lắng nghe ý kiến, giải quyết những khiếu nại trước khi trình Hội đồng Nhà nước - hội đồng xét tặng cuối cùng quyết định ai sẽ là người được vinh danh ở một giải thưởng danh giá bậc nhất dành cho người sáng tác này.

Theo danh sách được công bố, đợt xét tặng này, lĩnh vực âm nhạc có số hồ sơ được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nhiều nhất: 8 hồ sơ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 29 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước.

8 hồ sơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này gồm có: Nhạc sĩ Chu Minh với cụm tác phẩm: hòa tấu thính phòng: Trio cho Piano, violon và violoncelle, khí nhạc Concerto "Tuổi trẻ" cho Piano và dàn nhạc giao hưởng; các ca khúc "Tên người đẹp mãi Bến Tre", "Non nước tên Người" và "Ngày ấy người đi dặm dài thế kỷ"; nhạc sĩ Hoàng Hà với cụm tác phẩm: giao hưởng hợp xướng "Côn Đảo", các ca khúc "Tiếng rừng dương", "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn", "Cùng hành quân giữa mùa xuân", "Đất nước trọn niềm vui"; nhạc sĩ Thuận Yến với các ca khúc "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Con gái mẹ đã thành chiến sĩ", "Vầng trăng Ba Đình", "Người về thăm quê", "Tình yêu không lời", "Em tôi", "Chia tay hoàng hôn"; nhạc sĩ Trọng Bằng với cụm tác phẩm: giao hưởng thơ "Người về đem tới niềm vui", Khởi nhạc phóng tác "Chào thiên niên kỷ mới", Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ", nhạc phim "Cù Chính Lan - người chiến sĩ trẻ"; nhạc sĩ Doãn Nho với cụm tác phẩm: thanh xướng kịch "Trẩy hội đền Hùng" và "Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô", giao hưởng "Khúc tưởng niệm", liên khúc giao hưởng 3 chương "Chiến thắng", nhạc cho kịch múa "Một thời và mãi mãi"; nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với cụm tác phẩm: Hòa tấu Piano và dàn nhạc "Bất khuất", chùm ca khúc "Tiếng sáo", "Sao biển", "Khúc ca đảo Yến", "Lối nhỏ vào đời", "Phía sau nụ cười", "Bà mẹ Gạc Ma", "Khát vọng", "Con đường chúng ta đi", "Cháu vô mẫu giáo"; nhạc sĩ Văn Ký với các ca khúc "Ru con", "Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh", "Hà Nội mùa xuân", "Hồ Chí Minh thành phố mặt trời", "Bay lên Việt Nam"; nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên với cụm tác phẩm nhạc nghi lễ, khí nhạc "Xuân chiến thắng" và "Vọng khác tiền tiêu miền duyên hải", các ca khúc "Phủ Thông chiến thắng" và "Hải cảng về ta". Trong số 29 hồ sơ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm nay, đã có nhiều nhạc sĩ được công chúng yêu thích qua ca khúc có tên như cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa, các nhạc sĩ Thế Song, Hồ Hữu Thới, Cao Việt Bách, Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Đoàn Bổng, Lê Mây...

Ở lĩnh vực văn học, với Giải thưởng Hồ Chí Minh, hiện có 4 tác giả lọt vào "vòng trong", đó là: nhà văn Nguyễn Xuân Thiều với truyện thiếu nhi "Khúc hát mở đầu" và tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ"; nữ thi sĩ Xuân Quỳnh với tập thơ "Lời ru trên mặt đất" và tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng"; nhà văn Thu Bồn với 2 tiểu thuyết "Chớp trắng" và "Vùng pháo sáng", tập truyện ngắn "Dưới tro"; nhà văn Hữu Mai với hai tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh" và "Người lữ hành lặng lẽ".

29 hồ sơ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực văn học có tên của các nhà văn: Hoàng Quốc Hải, Lò Ngân Sủn, Nguyễn Xuân Khánh, Ông Văn Tùng, Tạ Hữu Yên, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đình Lạp... Lĩnh vực sân khấu, danh sách được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này có các kịch tác gia: Trần Đình Ngôn với các kịch bản sân khấu "Duyên nợ ba sinh", "Nàng ong chúa", "Những vần thơ thép"; Giáo sư Trần Bảng với tác phẩm "Trần Bảng - Đạo diễn chèo"; nhà nghiên cứu Mịch Quang với các cuốn sách "Đặc trưng nghệ thuật Tuồng" và "Khơi nguồn mỹ học dân tộc". 11 tác giả khác có tên trong danh mục được xét tặng Giải thưởng Nhà nước có các tên tuổi như Chu Văn Thơm, Trần Trí Trắc, Chu Hồng Phi, Nguyễn Đăng Chương...

Điều đáng ngạc nhiên là lĩnh vực múa cũng có tới 6 hồ sơ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (gồm có 5 NSND là Ứng Duy Thịnh, Chu Thúy Quỳnh, Lê Ngọc Canh, Nguyễn Thị Hiển, Vũ Việt Cường và NSƯT Đặng Hùng) nhưng lại chỉ có 5 hồ sơ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Có 4 lĩnh vực đề xuất 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh trong năm 2016 là: Nhiếp ảnh (tác giả Lương Nghĩa Dũng với các tác phẩm "Lửa vây máy bay Mỹ", "Nữ pháo binh Ngư Thủy", "Đưa xe tăng vào trận", "Xốc tới", "Đánh chiếm cứ điểm 365"); Mỹ thuật (tác giả Tạ Quang Bạo với tượng đài "Chiến thắng Quế Sơn" và tượng đài "Chiến thắng Sông Lô"), Điện ảnh: tác giả Vũ Thị Lệ Mỹ với 2 phim khoa học "Cánh kiến đỏ", "Giảm thiểu bất hạnh" và hai phim tài liệu "Vì cuộc sống bình yên", "Nơi chiến tranh đã đi qua"; Văn nghệ dân gian: tác giả Ninh Viết Giao với 9 tập sách "Kho tàng hò vè xứ Nghệ".

Danh mục đề nghị xét giải của lĩnh vực Kiến trúc ngắn gọn nhất với 3 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước và là lĩnh vực duy nhất không có đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm có: Lê Thành Vinh với công trình "Khu Thái học, di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội" và công trình "Tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội"; Lưu Hướng Dương với công trình "Nhà ga hành khách cảng hàng không Liên Khương, Đức Trọng, Lâm Đồng" và tác giả Trần Hùng với các sách nghiên cứu về kiến trúc.

Khi bản danh sách này được công bố, cũng giống như nhiều kỳ xét giải trước đây, dư luận bắt đầu râm ran những ý kiến về chuyện "người xứng đáng", "tác phẩm xứng tầm" và chuyện có hay không việc những "người xứng đáng", "tác phẩm xứng tầm" bị bỏ quên. Theo ghi nhận của phóng viên, ý kiến đáng chú ý nhất phải kể đến - đó chính là nỗi ngậm ngùi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam khi tên ông bị Hội đồng chuyên ngành gạch ra khỏi danh sách những người được "đi tiếp" vào "vòng trong" của đợt xét giải.

Trên trang facebook cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã viết những dòng đầy tâm sự: "Cả cuộc đời dành trọn cho thể loại nhạc không lời, nên tôi không còn thời gian để viết ca khúc, phải chăng vì vậy, đối với chuyên môn ở Việt Nam, đó là thiếu sót của tôi? Sửa sai này tôi không còn cơ hội, vì quỹ thời gian của tôi không cho phép. Cũng không phải vì không được xét mà tôi dừng viết, tôi vẫn tiếp tục sáng tác vì cả đời gian nan theo nghiệp. Mặc dù sức khỏe rất kém, nhưng tôi vừa hoàn thành hợp xướng "Nam quốc sơn hà", tôi đang cố gắng hoàn tất giao hưởng số 10 "Những ngôi mộ không tôi" để dành tặng những chiến sĩ vô danh, đồng đội của tôi, cha tôi... Vì tôi xuất thân từ người lính".

Tương tự trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, nhạc sĩ Vĩnh Cát cho biết: "Tôi quá buồn chán không còn muốn nhắc đến giải thưởng này nữa!". Đại diện gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước (tác giả Quốc huy Việt Nam), chị Bùi Ninh Thủy cho hay, đợt xét tặng này chị không được Hội Mỹ thuật Việt Nam thông tin để làm hồ sơ xét giải. Có lẽ, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã "lãng quên" trường hợp của cố họa sĩ Bùi Trang Chước...

Nguyệt Hà
.
.