Trao giải cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20:

Cơ bản là... mừng!

Thứ Năm, 18/09/2014, 08:00
Sáng 28/8, lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ 5 đã diễn ra tại hội trường tòa soạn Báo Tuổi Trẻ. Bản nhận xét của ông Dương Thanh Truyền, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ về cuộc thi với những lối tóm lược hóm hỉnh như "cơ bản là mừng", "nhìn chung là vui" và "tổng thể là tốt" khiến không khí buổi lễ trở nên thân mật, thoải mái.

20 năm thương hiệu văn học trẻ

Giải thưởng Văn học tuổi 20 do Báo Tuổi trẻ, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ và Hội Nhà văn TP HCM phối hợp tổ chức đã tròn 20 năm. Đã có hàng ngàn tác phẩm văn xuôi dự thi, hàng trăm tác phẩm đã in, 45 tác phẩm của 41 tác giả đoạt giải. Giải thưởng Văn học tuổi 20 đã thực sự trở thành "tấm hộ chiếu" bước vào làng văn một cách đĩnh đạc cho các cây bút từng một thời "rất trẻ" như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Phan Việt, Võ Diệu Thanh, v.v...

Lần đầu tiên trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5, tác phẩm dự thi được chấm với tên người viết công khai. Và cũng lần đầu tiên, trong 4 năm diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức và NXB Trẻ đã tổ chức 3 đợt sơ kết chặng và phát hành 18 tác phẩm dự thi được đánh giá tốt.

Có một lưu ý, trong đề xuất của mình, ông Nguyễn Thành Thi, đại diện Hội đồng chung khảo cho rằng ở các lần sau, Ban tổ chức nên mở rộng thêm về thể loại tác phẩm dự thi, ví dụ thể tản văn, vì đây là thể loại được giới trẻ những năm qua rất yêu chuộng.

Mùa thứ 5: chững chạc với truyện dài

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 5 diễn ra từ ngày 14/9/2012 đến ngày 24/3/2014 thu hút các tác giả từ 12 đến 63 tuổi, với 147 truyện dài, 179 tập truyện ngắn dự thi. Ít hơn về số lượng dự thi nhưng lọt vào chung khảo và đoạt các giải thưởng, truyện dài lại áp đảo. Với độ dài quy định của tác phẩm dự thi không quá 300 trang in, có vẻ như tiểu thuyết hay truyện dài dễ tạo tâm lý hoàn chỉnh hơn trong một bố cục.

Nhà văn Lê Văn Thảo cho biết, ông chỉ đọc duy nhất cuốn truyện dài "Cơ bản là buồn" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, cũng là tác giả ngày trước được ông chấm giải nhất cho tác phẩm "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" ở cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần trước. Dù chỉ đọc một cuốn thôi, nhưng với sự thích thú sau khi đọc, ông bày tỏ niềm tin vào sự thành công và uy tín của Giải thưởng Văn học tuổi 20.

Nhà văn trẻ Nhật Phi (trái, giải nhất Văn học tuổi 20) giao lưu tại lễ trao giải.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ niềm vui với tác giả Phạm Bá Diệp cùng tác phẩm "Urem - người đang mơ" vừa đoạt giải khuyến khích. Nhà văn thừa nhận, ông phải mất cả tuần để đọc xong tác phẩm dày 550 trang của tác giả trẻ. Ông nói: "Đây đúng là một tác phẩm văn học fantasy và chỉ riêng việc viết được tác phẩm dày chừng ấy trang thôi đã khiến em xứng đáng được trao giải rồi".

Còn với "Người ngủ thuê", truyện vừa đoạt giải nhất cuộc thi năm nay của Nhật Phi (tên thật là Đỗ Minh Quân), Ban giám khảo đã dành những lời nhận xét rất đặc biệt như: "Đây là một câu chuyện kỳ lạ về những con người đang gồng mình tồn tại với những bi kịch, giữa thực tế và ảo mộng, tất cả đều xoay quanh một công việc đặc biệt là ngủ thuê. Một tác giả rất trẻ, tình tiết hư cấu tài tình, hình ảnh ẩn dụ thông minh, thông điệp sống ý nghĩa, một tác phẩm đầy thú vị".

Ban tổ chức đánh giá: phần lớn các truyện dài đều kết cấu theo các chương, khúc và chủ yếu sử dụng lối kể tự thuật. Cách phân đoạn như thế tạo cảm giác rành mạch, gọn, rõ, nhưng đôi khi lại trở nên rời rạc theo kiểu "già tản văn non truyện ngắn". Những tác giả trẻ, với vốn sống đa phần còn rất khiêm tốn, lối kể tự thuật gần với tự truyện, có thể tạo thuận lợi bước đầu, nhưng về lâu dài, đó có thể dẫn tới nguy cơ "tự ăn mình", như ông Dương Thanh Truyền cảnh báo.

Một tín hiệu vui là ngay trong buổi lễ trao thưởng, Ban tổ chức thông báo đã có hơn nửa số tác phẩm đã in trong 3 đợt sơ kết vừa được tái bản.

Lượm lặt tại một cuộc vui

Các tác giả tham dự cuộc thi lần này rất có ý thức chọn bút danh. Cả khán phòng đã cười ồ khi tác giả có tên "Dê" (D.) được mời lên nhận giải khuyến khích. Theo Dương Liên Trang Nhã (tên thật), vì thấy tên mình quá dài, tác giả muốn gọi tắt nên lấy chữ cái đầu của họ. Thêm nữa, trong nhiều nghĩa của chữ "Dương" có một nghĩa là "Dê", và Trang Nhã thấy trên Facebook người ta cứ thích chọn các con vật dễ thương để gọi nhau, trong khi con dê có tội tình gì mà chẳng ai chọn. Nói tóm lại "Tôi thích tên D. vì nó khiến tôi không lẫn với ai"!

Có một Đoàn Phương Nam, cái tên mà nếu 10 người đọc, phải tới 10 người rưỡi nghĩ đó là con trai, kỳ thực lại là một cô gái. Tên thật và cũng là bút danh này rất phù hợp với câu chuyện một cô gái giả trai trong tác phẩm "Lý hàng khơi" của Đoàn Phương Nam, cô gái người Cà Mau. Phương Nam cũng là tác giả được xem là đã gây một chút sốc "không hề nhẹ" với phát ngôn nghe… hết hồn: "Em rất thích các cuộc thi vì tính em ham chơi, cuộc thi giúp em hoàn thành việc muốn làm. Không quan trọng giải cao hay thấp, miễn có giải là em vui rồi!".

Nhà văn Lê Văn Thảo (trái) và nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần (giải nhì Văn học tuổi 20) tại lễ trao giải.

Minh Moon vốn là bút danh tương đối quen thuộc của tác giả Trần Nguyệt Minh, hiện là phóng viên, biên tập viên Tạp chí "Golf và cuộc sống" tại TP Hồ Chí Minh. Chọn bút danh rất teen, Minh Moon thể hiện rõ nhóm độc giả hướng tới của chị là những người trẻ thích đọc tác phẩm văn học nhẹ nhàng, lãng mạn và có phần "hơi sến" (theo lời chị chia sẻ tại lễ trao giải).

Danh sách những bút danh vui vẻ và trẻ trung trong bảng xếp hạng vẫn còn nối dài với những Lanka, Phương Rong, Đường, Nhật Phi….

Có mặt tại lễ trao giải cuộc thi, mẹ của Phạm Bá Diệp, tác giả "Urem - người đang mơ" cho biết chị đã từng tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20 trước đó nhưng không được giải. Chị bảo: "Chuyện tôi thi trượt cả nhà ai cũng biết, vậy nên việc Bá Diệp được giải khuyến khích lần này không chỉ là vinh dự của riêng cháu, mà còn là của cả gia đình tôi".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi được đề nghị "nói gì đó" về 2 tác phẩm đoạt giải 3 là "Gia tộc ăn đất" của Lê Minh Nhựt và "Hạt hòa bình" của Minh Moon, đã trả lời: "Giám khảo tuần nào cũng uống cà phê với thí sinh".

Tác giả Lê Minh Nhựt hiện là biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Tuần nào Nguyễn Ngọc Tư và người bạn văn Lê Minh Nhựt cũng có dịp ngồi trò chuyện với nhau.  Văn chương của Nhựt cũng gần gũi với chất riêng Cà Mau trong văn Nguyễn Ngọc Tư nên chị dễ có sự đồng cảm. Có lẽ không mấy người như nhà văn nữ này dám chia sẻ về mối quan hệ bạn bè thân thiết ngoài đời trong hoàn cảnh hết sức tế nhị: người bạn đó là thí sinh còn chị là giám khảo! Tuy nhiên, chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại là người khi chấm đã đề xuất giải khuyến khích chứ không phải giải 3 cho tác phẩm "Gia tộc ăn đất" của Lê Minh Nhựt. Thế mới biết Nguyễn Ngọc Tư thẳng thắn và cũng rất rành mạch công - tư.

Một chút băn khoăn: việc giữ kín thông tin kết quả một cuộc thi tới phút chót là điều cần thiết, song trong trường hợp cụ thể này, Ban tổ chức cũng nên cân nhắc việc hỗ trợ phần nào đó kinh phí đi lại với những tác giả ở xa. Còn nếu không thể, nên chăng chọn một cách thông báo khéo léo hơn để người nhận tin đủ tinh tế để biết nên ứng xử thế nào. Bởi lẽ, chi phí đi lại tham dự lễ trao giải, các tác giả phải tự lo. Trong khi đó, phải đến lúc xướng danh trong lễ trao giải họ mới biết tên mình có nằm trong danh sách đoạt giải hay không.

Ngay trong việc tổ chức in trước một số tác phẩm chọn lọc từ các đợt sơ khảo và sau đó, cũng chính những tác phẩm này được vào chung khảo đã tạo tâm lý hơi lấn cấn với phần đông tác giả dự thi. Người ta dễ nghĩ rằng khi bản thảo đã được in, chắc chắn đã có thêm sự gia công hoàn thiện của biên tập viên. Và nếu thế, sẽ là không công bằng nếu so những tác phẩm đã in với bản thảo còn "ở dạng thô" của những người gửi tới về sau.

Tác giả - tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 5:

- Giải Nhất - Người ngủ thuê của Nhật Phi
- Giải Nhì - Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần
- Giải Ba - Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt và Hạt hòa bình của Minh Moon
- 5 Giải Khuyến khích: Urem - người đang mơ của Phạm Bá Diệp, Mất hút bên kia đồi của D. (Dương Liên Trang Nhã), Lý Hàng Khơi của Đoàn Phương Nam, Nhiệt đới buồn của Phương Rong, Charao mùa trăng của Nguyễn Thị Khánh Liên.

Lâm Phong
.
.