Cỏ Màn Trầu

Thứ Sáu, 14/02/2020, 07:52
Với tôi, có một loại cỏ tôi xem như một cố nhân. Đặc biệt như một ân nhân. Cố nhân và ân nhân ấy là cỏ Màn Trầu...

Trong muôn loài cây có cỏ. Phần nhiều là thơm thảo cỏ hiền. Cỏ hiền thường thân thiết với người, nhất là màu xanh non của nó mỗi độ xuân về. Cũng không phải vì thế mà ta không thấy cảm phục cỏ lúc đang vào đông. Cỏ khi ấy có vẻ già nua nhưng ai cũng biết trong cái sắc cũ kĩ, có vẻ chịu đựng kia của cỏ là đang ẩn chứa và nuôi dưỡng một màu non mởn, tươi trẻ sắp đến khi đông giá không còn. Nhiều người coi cỏ ấm áp như một tri âm, tri kỷ, không vô tri, vô giác trong mỗi tâm tình…

Với tôi, có một loại cỏ tôi xem như một cố nhân. Đặc biệt như một ân nhân. Cố nhân và ân nhân ấy là cỏ Màn Trầu, loại cỏ tôi biết có ở đây ở đó trong lắm vùng miền nhưng nhớ nhất là có ở quê mình, nhớ mãi trong mình hồi mình còn thơ bé. Và đến mãi sau này nó vẫn xanh đằm ký ức, chẳng thế nguôi phai về một loại cỏ có tên là Màn Trầu…

Trong trường ca “Vầng nguyệt thảo” tôi có viết những câu thơ như thế này về loài cỏ ấy của quê hương:

Đa tạ Màn Trầu
Màn Trầu của mẹ
Cỏ Màn Trầu
Loài cây từ bi
Cỏ thuốc thang ngày ta chửa biết gì
Cỏ từng trải khi ta còn trứng nước
Cỏ tâm phúc như lòng trời lòng đất
Cỏ nhân từ như lòng mẹ thương con
Mặt trời
Nghiên mực son
Tả thanh thiên linh tự
Đa tạ Màn Trầu
Màn Trầu và Mẹ
Phổ màu xanh lá xuống đời con…

Cỏ Màn Trầu. Cỏ Màn Trầu là thứ tên loại cây thân mềm quê tôi hay gọi. Có nơi còn gọi cỏ là Mần Trầu, Màng Trầu. Cũng có sách đặt tên chữ để gọi cho cỏ nữa là Thanh Tâm Thảo. Tôi thì cứ thân yêu gọi theo tiếng quê mình đã gọi là cỏ Màn Trầu.

Cỏ Màn Trầu họ lúa, lá xòe như muốn vươn lên lại như muốn che chở cho mặt đất. Một loài cây dại trời cho làm phận cỏ trợ giúp con người những khi ốm đau bệnh tật. Cây ân nghĩa ấy đã từng giúp tôi chữa bệnh.

Thuở ấy tôi đang tuổi chín mười phải theo mẹ tản cư chạy giặc vây càn làng xóm hồi Chín năm Kháng chiến chống thực dân xâm lược rồi vì lo sợ quá mà tôi lên cơn sốt nóng của thứ bệnh các thầy lang quê gọi là kinh giật. Mẹ theo lời người già mách bảo đã lần tìm đến xin cỏ, giã nhỏ lá Màn Trầu lấy nước mát vắt từ loại thảo dược dân gian cho con uống. Tuổi thơ nhiều sợ hãi của tôi đã được nhấp từng ngụm nước dịu mát của cỏ Màn Trầu giúp phần chạy chữa. Cỏ quê làm xanh lối xóm lại là vị thuốc an thần cứu độ. Mẹ bảo, đận ốm đau ấy của tôi khiến mẹ nhiều lo sợ. Nhưng cỏ Màn Trầu loài cây dân dã gần gũi với đời sống người quê đã giúp mẹ tôi có thêm thuốc chữa bệnh cho con.

Tôi đã qua cơn kinh giật hiểm nghèo từ những ngày ấu thơ chạy giặc xa xưa ấy bằng sự góp vào của những ngụm thuốc mát cỏ Màn Trầu. Ngụm nước linh nghiệm ấy cất lên từ cây cỏ của đồng đất Quê Hương và tấm lòng Mẹ!

Tôi giờ tuổi đã cao, thỉnh thoảng vẫn phải đi bệnh viện khám bệnh bác sĩ để xin các loại thuốc chữa bệnh. Nào là thuốc Tây, thuốc Ta đủ loại đã giúp tôi trị bệnh và khỏi bệnh. Tuy thế tôi vẫn hay nghĩ, hay nhớ về cỏ Màn Trầu, một trong những thứ cỏ của loài cây quê tình nghĩa đã làm thành một loại thuốc dân gian đôn hậu và hiệu nghiệm góp phần giúp tôi qua cơn hiểm nghèo thuở trẻ thơ chạy giặc ngày binh lửa.

Ngược nguồn về với những kỷ niệm đẹp xửa xưa là thói quen của tôi thường có hôm nay mỗi lần ngẫm nghĩ. Nó là vị thuốc tinh thần giúp cho tâm thế mình có nhiều thanh thản sau những lo toan...

Đa tạ Màn Trầu
Màm Trầu và Mẹ
Phổ màu xanh lá xuống đời con!

Phan Quế
.
.