Chuyện xưa như trái đất
Ở sân giữa là cuộc trình diễn của các nhà thơ được coi là "lớp trước". Các diễn viên trong trang phục thôn nữ xưa hoặc quân phục xanh, mũ tai bèo vừa hát vừa múa phụ họa những ca khúc được phổ nhạc từ thơ. Xen giữa những bài hát, các nhà thơ lên đọc thơ của mình, nét mặt trang trọng, giọng trầm bổng, có người còn hét to như đang diễn thuyết.
Sân trong đáng tò mò hơn. Người ta mặc áo gấm lam, đội khăn xếp đọc thơ. Người ta mặc áo nâu tứ thân, ngồi bệt trên sân khấu gõ thanh tre hát thơ bằng điệu sẩm chợ. Người ta mang ra những cuộn giấy vệ sinh, chậm rãi quấn quanh người và làm những động tác như trong kịch câm.
Người ta dựng các pa-nô giới thiệu mình và giới thiệu thơ mình bằng những lời lẽ ấn tượng nhất. Rất nhiều ki-ốt thơ nho nhỏ. Nét mặt những người bán thơ (phần nhiều là bạn các nhà thơ) căng thẳng chờ đợi. Tiền thu về từ bán thơ không phải là quan trọng nhất, cái cần là thơ có người đọc. Chỉ cần bạn tâm đắc một vài bài thôi, tác giả sẵn lòng ký tặng cả tập. Thôi thì đủ các giọng điệu, các thử nghiệm.
Chấm phá đôi nét một sân chơi thơ ở Hà Nội dịp đầu xuân năm nay như ở trên chẳng qua là để chia sẻ một nhận xét rằng hình như đang có nỗi lo lắng hơi quá về tình trạng thơ đang mất người đọc, đang trở nên lỗi thời nếu không có cách giữ chân công chúng ở lại với mình.
Đúng là bạn đọc của thơ đang ít dần so với vài chục năm trước. Thời của thông tin, các nguồn tin đến như thác lũ, chỉ tiếp nhận đã đủ mệt, chưa nói gì đến phân tích, xử lý. Thời của nghe nhìn, ti-vi, rạp phim, rạp hát, băng đĩa, Internet, trò chơi điện tử… chỉ để giải trí thôi đã được phục vụ đến mức quá tải.
Còn thơ? Nếu để thỏa mãn những cảm giác mạnh thì thơ thật vô duyên. Nếu để "xả xú páp" thì thơ còn vô duyên hơn nữa. Thưởng thức thơ là một quá trình lao động, một quá trình sáng tạo lại như người ta vẫn nói, không thể lười biếng, không thể xốc nổi mì ăn liền. Thưởng thức thơ cũng không phải là môn thể thao tốc độ của trí tuệ. Thơ nào cũng vậy, đều cần những khoảng lặng, những nhấn nhá đôi khi rề rà.
Những đặc điểm riêng này khiến không chỉ thời nay mà cả xưa, thơ luôn kén chọn công chúng và công chúng thơ bao giờ cũng đứng về phe thiểu số so với công chúng của các môn nghệ thuật khác cùng lấy chữ làm đồ nghề.
Công chúng có cần cho thơ không? Suy cho đến tận cùng thì công chúng quyết định số phận của thơ và của cả nhà thơ. Nhà phê bình Viên Mai đời Thanh có nói với một nhà thơ trẻ đại ý là: Nếu hôm nay người đời không nhớ thơ anh thì ba trăm năm nữa, ai còn biết thơ anh mà rằng hay với dở?
Thơ còn hay không còn là ở trong lòng công chúng. Nhưng công chúng cũng có ba bảy đường. Có nhà thơ gần như suốt đời sống trên dàn kèn đồng của những lời xưng tụng nhưng rồi cùng với những đổi thay, tên tuổi mờ nhạt rất nhanh. Có nhà thơ bốn mươi năm bị xem thường là thơ nhà quê từ tập thơ đầu tay, bị hắt hủi trong chân biên tập viên quèn, cán bộ văn hóa tỉnh lẻ, nghèo khổ cho đến chết nhưng thời gian càng lâu thì thơ ông càng tỏa sáng.
Thơ rất cần công chúng nhưng là công chúng của muôn đời, không phải công chúng của một thời. Công chúng của một thời đẻ ra những nhà thơ một thời. Công chúng muôn đời đẻ ra những nhà thơ của muôn đời.
Vậy thì cái cần nhất đối với nhà thơ là thơ chứ không phải công chúng. Thơ hay, công chúng sẽ tìm đến. Thơ dở, có đi tìm thì cũng không thấy công chúng. Các cụ ngày xưa làm thơ, chép lại cho con cháu, sách vở thất truyền, có khi không có cả bản chép tay như Hồ Xuân Hương, như Bà Huyện Thanh Quan mà vị thế thi hào vẫn lừng lững. Trên thế giới không chỉ ngày nay mà cả từ ngày xưa, chưa thi sĩ nào sống được bằng việc in thơ, chưa có thi sĩ nào nói rằng thơ là nghề dễ sống. Thơ vẫn không bán được nhưng thơ vẫn là niềm tự hào của loài người.
Thơ là thế. Vậy nếu còn duyên nợ với thơ thì đừng mất nhiều thời gian đi tìm người đọc nữa, hãy tìm một nghề để sống và hãy... làm thơ