“Gửi Việt Nam, tình yêu của tôi”:

Chuyện về mối nhân duyên của một nhà giáo Mỹ

Thứ Năm, 05/12/2019, 18:03
“Ấn tượng đầu tiên của tôi về Việt Nam hình thành khi tôi vẫn đang là một thiếu niên ở Mỹ, và khi ấy Việt Nam vẫn đang còn chiến tranh...”, nhà giáo Diana Dudzik, tác giả cuốn sách “Những đỉnh núi bên kia đỉnh núi: Hồi ký về Việt Nam, Bệnh ung thư và Những việc làm ý nghĩa” đã mở đầu buổi phỏng vấn cùng tôi bằng những chia sẻ mộc mạc như thế...

Để rồi trong suốt bài phỏng vấn, bóng dáng của Việt Nam quyện với những kỉ niệm của bà trên mảnh đất hình chữ S cứ ngân nga như một bản hòa ca dịu dàng về một nhà giáo Mỹ đã vượt qua căn bệnh ung thư của mình để thương mến Việt Nam.

Sự khởi đầu gói gọn trong một chữ “duyên”

Mặc dù biết đến Việt Nam từ thuở thiếu niên, nhưng những hình ảnh về dải đất hình chữ S trong hình dung của bà Diana khi ấy vẫn còn mờ nhạt. Phải đến khi bà bắt đầu giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL) ở một trường trung học tại thành phố Minnesota – quê hương bà - vào đầu thập niên 90, hai tiếng Việt Nam mới dần được khắc họa sâu trong ký ức.

Song, cái duyên với Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu kể từ sau khi chồng bà tham gia một chuyến khảo sát cùng một tổ chức phi chính phủ tới Việt Nam năm 1992. Ông trở về Mỹ với vô vàn những câu chuyện về vùng đất này, chuyện về những lớp học tiếng Anh đông nghịt học viên, những thư viện gần như trống không không có sách, và cả những câu chuyện về vẻ đẹp của đồng bằng sông Cửu Long hay những chuyến đi thuyền dạo trên sông Hương.

“Có thể chúng ta sẽ giúp được họ”, ông nói, với ánh mắt tràn đầy niềm tin rằng việc dạy tiếng Anh của bà sẽ giúp ích được người dân nơi đây. Và hai vợ chồng bà Dinana đã biến điều “có thể” thành hiện thực.

Năm 1994, cùng chồng mình, bà Diana đáp máy bay đến Việt Nam, chuyến bay đầu tiên đến vùng đất lạ, trong một chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam khởi xướng, nhằm tìm hiểu cơ hội dạy tiếng Anh cho người dân. “Tại sao chúng tôi lại tới Việt Nam? Lý do nằm ở việc, chúng tôi ý thức rất rõ về bình đẳng và công lý và ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng bị thôi thúc bởi tình yêu và niềm tin dành cho Đức Chúa”, nhà giáo Diana chia sẻ.

Vợ chồng bà Diana Dudzik và những người bạn Việt Nam.

Kể từ sau lần đầu tiên ấy, bà cùng chồng đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần, với những công việc và dự án nhau. Có lẽ, đến Việt Nam là cái duyên, nhưng quay trở lại Việt Nam và ở lại đây là sự lựa chọn, như chính bà Diana tỏ lòng: “Những người bạn và các đồng nghiệp Việt Nam tuyệt vời của chúng tôi, và những công việc đầy ý nghĩa, mà đối với tôi là giảng dạy tiếng Anh, còn đối với chồng tôi là công việc của tổ chức NGO, đã đưa chúng tôi trở lại với Việt Nam hết lần này tới lần khác”.

Khi chữ “duyên” hóa thành “số phận”

“Trong năm đầu tiên đến Việt Nam, tôi cùng chồng giảng dạy tiếng Anh cho các cán bộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đó là một trải nghiệm học hỏi kinh nghiệm tuyệt vời, nhưng ở những chương tiếp theo của cuộc đời, tôi mới thực sự bắt tay vào nghiên cứu. Chúng tôi cùng nghiên cứu phương pháp giảng dạy ngoại ngữ lấy người học làm trung tâm cùng khoảng 50 giáo viên trẻ mới ra trường trong suốt 3 năm ở Đại học Hà Nội. Quá trình đó khiến tôi tin rằng giáo viên chính là chìa khóa dẫn đến những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục”, bà kể lại.

Hơn 2 thập kỷ gắn bó đã biến những bỡ ngỡ nhà giáo Diana trở thành sự am hiểu sâu sắc nền giáo dục Việt Nam. “Từ quá trình làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng, điều quan trọng là lớp học phải là nơi an toàn để sinh viên có thể thực hành những kiến thức kỹ năng ngôn ngữ họ mới tiếp thu, nơi mà trong khi giao tiếp họ không bị chặn đứng lại bởi cách chữa lỗi quá nghiêm khắc”, nhà giáo Diana bày tỏ. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, bà đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2013 và Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp giáo dục, một trong những phần thưởng cao quý dành cho những đóng góp cho ngành Giáo dục năm 2017.

Nhưng Việt Nam trong trái tim của nhà giáo Diana không chỉ gắn liền với tiếng Anh, mà còn với những khoảng trời ký ức khác. Trong cuộc trò chuyện với tôi, bà có nhắc đến kỷ niệm về chuyến thăm Vịnh Hạ Long năm 1994, khi bà vừa đến Việt Nam: Ngày nay từ Hà Nội đi vịnh Hạ Long thật dễ dàng thuận tiện, nhưng vào năm 1994 con đường đến đó vẫn đang được xây dựng. Chuyến đi ấy tuy vất vả nhưng xứng đáng đến từng phút một. Cũng trong chuyến đi ấy, bà đến thăm gia đình một học sinh bà từng dạy tiếng Anh ở Minesota.

“Khi tôi nói với Hùng, cậu học sinh người Việt của tôi, rằng tôi sẽ đến thăm Việt Nam, cậu bé chỉ trên tấm bản đồ ngôi làng của cậu nằm ven bờ vịnh Hạ Long. Không biết bằng cách nào chúng tôi đã tìm được đến ngôi làng và gặp được mẹ cậu! Tại ngôi nhà nhỏ, một người họ hàng mang đến mấy lon Coca, một khoản thết đãi hào phóng tới không tưởng vào thời điểm đó”, bà Diana kể lại, ghi nhớ tới từng chi tiết của cuộc gặp mặt đầy duyên số này. Có lẽ, mối nhân duyên với ngôn ngữ, với miền đất Việt, đã giúp nhà giáo Diana biến cái lạ thành quen, và biến sự thân quen trở thành số phận, một số phận được gọi tên là “Việt Nam”.

Nơi số phận trở thành tình yêu

Dù đã đến Việt Nam hơn hai thập kỷ, nhưng phần lớn thời gian, bà Diana cùng chồng đều sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Trong ký ức của bà Diana, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến đến thăm đầu tiên của bà 25 năm về trước: “Xe đạp, xe bò kéo và những chiếc xe tải Liên Xô khổng lồ đã được thay thế bởi vô vàn những chiếc Honda Dream, và sau này là các loại ôtô và SUV hiện đại. Hà Nội là một nơi thật thú vị đối với những người ngoại quốc với vô số các nhà hàng, khách sạn, nhưng điều mà chúng tôi yêu thích nhất lại một thú vui đơn giản, là được đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm mà thôi”.

Tôi khẽ nói với bà rằng, phải yêu Hà Nội nhiều lắm mới tìm thấy những điều dung dị mà đáng nhớ như thế. Không hề phủ nhận, bà cười rồi nhấn nhá: “Hai vợ chồng tôi đã sống ở Việt Nam hơn 8 năm trong suốt giai đoạn 25 năm qua. Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, đó là lý do chúng tôi đầu tiên đã chọn Hà Nội làm nơi sống và làm việc. Nhưng giờ đây, thành phố này là nơi hầu hết những người bạn của chúng tôi đang sống, và tôi cảm thấy Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình”.

Và quả thật là, tình yêu với việc giảng dạy tiếng Anh đã nối nhịp để nhà giáo Diana đến gần hơn với Việt Nam, để rồi sau 25 năm đến đây, bà đã gửi lại nơi này một phần cuộc đời mình, gói ghém đầy yêu thương trong cuốn sách “Những đỉnh núi bên kia đỉnh núi: Hồi ký về Việt Nam, Bệnh ung thư và Những việc làm ý nghĩa”. Lời đề tựa của cuốn sách, dẫu chỉ vỏn vẹn vài chữ, nhưng khiến ai đọc được cũng sẽ thấy ấm lòng: “Gửi tới Việt Nam với tất cả tình yêu của tôi”.

Mấy ai biết được rằng, chỉ vài tuần trước khi có kế hoạch quay lại Việt Nam, cuộc sống, công việc và cuộc hôn nhân của bà Diana bỗng trở nên mất kiểm soát. Cú điện thoại báo tin dữ về căn bệnh ung thư đã khiến bà phải tự đặt câu hỏi: Liệu mình có còn sống sót có còn làm việc được nữa không? Và đặc biệt là liệu mình có bao giờ được quay lại Việt Nam?

Giữa những trăn trở và nỗi lo vô hình về căn bệnh hiểm nghèo, bà Diana đã lựa chọn cách viết ra tất cả, viết về chính hành trình của bà để chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư nghiệt ngã, những quyết tâm vượt qua vô vàn ngọn núi thử thách của cuộc đời, để trở thành một nhà giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.

Cuốn sách là minh chứng cho một tình yêu bền bỉ và sâu đậm, khởi nguồn bởi mối nhân duyên giữa một nhà giáo Mỹ, với dải đất chữ S mang tên Việt Nam, như chính Giáo sư Martha Bigelow, Đại học Minnesota từng nhận định: “Đây không chỉ là một cuốn hồi ký, mà còn là một bằng chứng về sự tận tụy và tình yêu dành cho Việt Nam, cho gia đình và cuộc sống…”.

Cuốn hồi ký cũng ấp ủ tình yêu và nghị lực của chính nhà giáo Diana, được giãi bày ngắn gọn trong những phút cuối của buổi phỏng vấn với tôi, rằng: “Cuộc đời có thể ném chúng ta vào những hoàn cảnh khủng khiếp, nhưng chúng ta không nhất thiết phải đi qua hành trình đó một cách đơn độc. Hãy luôn mang theo hi vọng!”.

Huyền Chi-An Nhiên
.
.