Chuyện từ tổ “tam tam” năm ấy

Thứ Tư, 25/05/2005, 10:38

Chỉ có ba người, một biên kịch phim truyện, một biên kịch phim tài liệu và một quay phim, tổ “tam tam” điện ảnh CAND thuộc Phòng Tuyên truyền, Cục Công tác chính trị đã thể hiện được vai trò của điện ảnh trong việc phục vụ xây dựng lực lượng và phong trào bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội qua bộ phim tài liệu đầu tay sinh động và một bộ phim truyện khá hấp dẫn.

Từ nòng cốt là tổ “tam tam” ấy tháng 3/1970, điện ảnh CAND chính thức ra đời.

Những vầng hào quang trong quá khứ

Người có công lập ra tổ “tam tam” điện ảnh là ông Nguyễn Doãn Quế. Vốn là cán bộ phiên dịch, nhưng do đam mê điện ảnh, Doãn Quế đã thử sức bằng việc dựng một đề cương kịch bản phim truyện mang tên “Tiếng pháo đêm giao thừa”. Vào thời điểm năm 1963, biên kịch trong lực lượng CAND chưa có ai, thì người dám viết phim về Công an thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, ngoài sự đam mê, chất lượng đề cương kịch bản của Doãn Quế mới chính là “chứng chỉ” để ông được lãnh đạo cấp trên chọn đi học Khoá 1 Trường Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) do các đạo diễn bậc thầy Liên Xô (cũ) giảng dạy.

Sau 4 năm, Doãn Quế không chỉ hoàn thành việc học tập mà còn dành nhiều tâm huyết xây dựng kế hoạch xây dựng Điện ảnh Công an nhân dân. Nhưng phải đợi đến năm 1967, lứa sinh viên Khóa 3 của Trường ĐAVN tốt nghiệp, Doãn Quế mới xin thêm được 2 cộng sự: Nguyễn Anh Sinh (biên kịch) và Châu Huế (quay phim) để lập tổ “tam tam”.

Nhiệm vụ đầu tiên của tổ “tam tam” là quay phim tư liệu. Nhưng những năm tháng ấy, đơn vị của họ vẫn: chưa có máy quay, chưa có một mét phim nào và cả chưa có… tiền! Anh em trong tổ phải tỏa đi gõ cửa nhờ các đơn vị điện ảnh bạn. May sao, Xưởng Phim truyện Hà Nội đã nhận giúp đỡ: cho thuê máy quay, cho “vay” phim và in tráng, hậu kỳ … với hình thức ký nợ dài ngày! Và rồi, tổ “tam tam” đã hoàn thành bằng được bộ phim tài liệu đầu tiên mang tên “Lên đường”, tái hiện cảnh hàng trăm cán bộ công an tập leo núi, mang balô gạch, chống gậy hành quân đêm… chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam. “Lên đường” chỉ chiếu trong nội bộ nhưng đã được cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CAND đón nhận và rất hoan nghênh…Và đó cũng là một cách “lên đường” của điện ảnh CAND vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Thành công của bộ phim tài liệu đầu tiên đã nâng cánh ước mơ cho các nhà điện ảnh CAND. Tổ “tam tam” nghĩ đến việc sản xuất một bộ phim nhựa đầu tay. Để ước mơ ấy thành hiện thực, tổ “tam tam” lại phải nhờ cậy Xưởng Phim truyện Hà Nội. Nhưng lần này là sự nhờ cậy theo phương thức: hợp tác sản xuất giữa điện ảnh Nhà nước với điện ảnh cơ sở. Điện ảnh CAND chuẩn bị kịch bản, cố vấn nghiệp vụ và lo một nửa kinh phí sản xuất. Xưởng Phim truyện Hà Nội chịu trách nhiệm lo đạo diễn, diễn viên và toàn bộ  hậu kỳ phim.

Là một người có nhiều tình cảm yêu mến nền điện ảnh nước nhà, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm đến công việc làm phim của những người mặc sắc phục Công an. Cố Bộ trưởng đã dành thời gian đọc kịch bản “Tiếng pháo đêm giao thừa” của Doãn Quế và đổi tên phim thành “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”.

ít lâu sau bộ phim đầu tay của điện ảnh CAND và cũng là bộ phim phản gián đầu tiên của Việt Nam mang tên “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” được trình chiếu. Phim không chỉ thu hút đông đảo khán giả cả nước mà còn được mang đi chiếu rộng rãi ở một số nước: Trung Quốc, Cuba, Lào…

Cùng với tiếng vang của phim tài liệu “Lên đường”, thành công của bộ phim phản gián “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” đã củng cố niềm tin trên con đường sáng tạo nghệ thuật phục vụ chính trị của đội ngũ những người làm công tác điện ảnh Công an. Từ ấy đến nay, Điện ảnh CAND đã có một kho tàng nghệ thuật rất có giá trị với hơn chục vạn mét phim tư liệu quý hiếm, gần 300 phim tài liệu, giáo khoa, nghiệp vụ và phim truyện với 18 tác phẩm xuất sắc đã đoạt giải thưởng. Những người chép sử bằng hình ảnh của lực lượng CAND đã góp phần có hiệu quả vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, tinh thần đấu tranh với các loại tội phạm trong cán bộ chiến sĩ lực lượng CA và quần chúng nhân dân và thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Nỗi lo những “khoảng trống” hôm nay

Có thể khẳng định 35 năm qua nhiều tác phẩm của Điện ảnh CAND đã thực sự tỏa sáng. Hàng loạt bộ phim tài liệu: “Tiếng gọi con đường”; “Vụ án phố Ôn Như Hầu”; “Những chiến sĩ cận vệ Bác Hồ”; “Điệp viên nhảy dù”; “Người vượt giới tuyến”… đã đoạt giải thưởng của Hội Điện ảnh, Hội Nhà báo và các kỳ liên hoan phim…

Một sêri phim truyện: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”; “Mưa rơi trên thành phố”;” Tội và tình”; “Vệt sáng ngược”; “Đằng sau vụ án hồ Con Rùa”; “Người không mang họ”; “Người con gái Đất Đỏ”; “Điệp vụ thứ nhất”… đã từng vang bóng một thời, từng kéo được rất đông khán giả đến rạp và một số bộ phim đã có lãi lớn.

Tuy nhiên, cũng vào thời điểm 2005 này, đội ngũ những người làm công tác điện ảnh CAND không chỉ tự hào vì những gì đã làm được mà họ bắt đầu lo lắng về những “khoảng trống” về nhân lực.

Nhớ lại 10 năm trước, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập CAND, ngoài phim tài liệu, Điện ảnh CAND đã kịp trình chiếu bộ phim “Người con gái Đất Đỏ”. Bộ phim không chỉ làm khán giả cả nước nao lòng với những hình ảnh rất đỗi thân thương về người nữ anh hùng CAND trẻ tuổi Võ Thị Sáu. Từ ấy đến nay, khán giả cả nước vẫn nóng lòng mong đợi Điện ảnh CAND cho ra mắt những bộ phim truyện tái hiện những chiến công xuất sắc trên mặt trận Bảo vệ ANTQ. Vậy mà, ngoài một vài bộ phim truyện video đằng đẵng 10 năm qua vẫn chưa thấy một bộ phim truyện nhựa nào của Điện ảnh CAND xuất hiện.

Được biết, Điện ảnh CAND cũng đã có kế hoạch xây dựng một bộ phim truyện nhựa thật hoành tráng dựa trên tư liệu của chuyên án CM12 với tựa đề “Trò chơi sinh tử” do nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng viết. Nhưng cho đến đầu tháng 5 này, phần kịch bản vẫn đang ở giai đọan chờ duyệt. Vì thế, phim không thể hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng CAND. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng như phần đầu bài viết tôi đã đề cập, để có một phim truyện hay, phần tổ chức kịch bản phải được coi là tối quan trọng.

Để có kịch bản phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” ông Doãn Quế đã phải “trăn trở” gần 5 năm trời. Phim “Người con gái Đất Đỏ” cũng là nỗi day dứt, mong muốn được tri ân các bậc anh hùng của Nhà văn Công an Hữu Ước suốt nhiều năm tháng.

Nhìn lại một số phim truyện thành công của Điện ảnh CAND có thể dễ dàng nhận thấy tác giả kịch bản chủ yếu là những nhà văn hay những nhà biên kịch trong lực lượng CAND: nhà văn Lê Tri Kỷ với kịch bản “Tội và tình”; nhà văn Văn Phan với “Vệt sáng ngược”; Huỳnh Bá Thành với “Đằng sau vụ án hồ Con Rùa”; Mai Thanh với “Kế hoạch P76”; Doãn Quế - ngoài kịch bản “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” còn có “Bài học nhớ đời”; nhà văn Hữu Ước có cả một xêri 3 phim truyện nhựa: “Người con gái Đất Đỏ”, “Đêm giông” và “Đi tìm cô gái sida”…

Đến nay, các tác giả kể trên, có người đã về cõi vĩnh hằng, có người đã nghỉ hưu, một số người đang là lãnh đạo các đơn vị nên không có nhiều quỹ thời gian dành cho công việc sáng tác. Vì thế, kịch bản phim truyện về đề tài Công an hiện vẫn đang là một khoảng trống.

Được biết, ngoài nhà biên kịch Thái Kế Toại đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc, hiện tại Điện ảnh CAND chỉ có hai biên kịch đều là sinh viên mới ra trường chưa thể viết ngay được những tác phẩm xứng tầm. Không chỉ “trống” biên kịch mà điện ảnh CAND còn “trống” cả về đạo diễn, quay phim phim truyện. Hai đạo diễn: NSƯT Thanh Loan và NSƯT Lê Quang Phú, chỉ “thiện chiến” với các bộ phim tài liệu. NSƯT Hồng Linh từng quay hơn chục bộ phim truyện nhựa cũng đã nghỉ hưu. Thành thử để sản xuất các phim truyện, Điện ảnh CAND phải “mời” từ biên kịch, đạo diễn đến quay phim bên ngoài.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây Điện ảnh CAND đang có nhiều niềm hy vọng mới. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an về cả vật chất và về tinh thần. Chỉ chừng 2 năm nữa, với kinh phí đầu tư chừng hơn 60 tỉ dồng, Trung tâm Điện ảnh CAND sẽ có trường quay hiện đại với các thiết bị sản xuất phim mới, phòng lưu trữ bảo quản phim tốt nhất… Dẫu thế, yếu tố quyết định chủ yếu cho hướng đi của một nền điện ảnh vẫn là con người. Tâm nguyện của những người trăn trở với sự phát triển điện ảnh CAND là sớm có thêm những biên kịch, đạo diễn, quay phim phim truyện đủ năng lực gánh vác những phần việc của hiện tại và tương lai, tiếp tục làm lan tỏa vầng hào quang của Điện ảnh CAND trong quá khứ 

.
.