Chuyện trên Thượng giới, chuyện dưới trần gian

Thứ Bảy, 28/12/2019, 17:33
Trong tiểu thuyết "Thằng ngốc" (1868), đại văn hào Nga P. M. Đốtxtôiépxki (1821-1881) có câu cực hay: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Nhân loại biết ơn Đốt vì câu nói tôn vinh con người, tôn vinh cái đẹp, đồng thời cũng nói lên bản chất con người luôn hướng về cái đẹp, luôn mong ước được thụ hưởng và sáng tạo cái đẹp. Cái đẹp sẽ giúp con người sống sang trọng và tinh tế, cao thượng và trong sáng hơn.

Vì không hiểu được giá trị của chính mình, mải lo nghĩ và làm những việc đẩu đâu mà mãi đến năm 1951, con người mới tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới đầu tiên. Mà lại bắt đầu từ cuộc thi áo tắm ở Anh để quảng bá các mốt áo tắm mới nhất lúc đó.

Ở nước ta thì người đầu tiên đưa ra công thức của một Hoa hậu có lẽ là Nguyễn Du khi Cụ viết: "Sắc đành đòi một tài đành họa hai", sắc đẹp một phần thì tài năng phải gấp đôi. Phải chăng vì thế mà bất cứ cuộc thi Hoa hậu nào cũng đòi hỏi tài năng, mà cụ thể là trả lời câu hỏi ứng xử thông minh, tinh tế. Cho đến nay người ta vẫn ca ngợi câu trả lời của cô Sushmita Sen người Ấn Độ trong cuộc thi Hoa hậu thế giới 1994.

Khi được hỏi "Bản chất của một người phụ nữ là gì?", câu trả lời thật đích đáng là: "Chúng ta cần cảm kích bởi phụ nữ là một món quà của thượng đế. Nguồn gốc của một đứa trẻ là người mẹ, và người mẹ là phụ nữ. Chúng tôi cho thế giới biết thế nào là chia sẻ, thế nào là quan tâm và yêu thương. Đó chính là bản chất của người phụ nữ". Đúng vậy, quyền năng vô tận của cái Đẹp cũng đồng nghĩa với tâm hồn người phụ nữ đẹp là sự sẻ chia, quan tâm và yêu thương. Tuyệt vời! Không thể tuyệt vời hơn!

Tấm màn nhung của mỗi cuộc thi Hoa hậu khép lại trong sự thổn thức tiếc nuối hay hân hoan vui sướng của nhiều người, cả người thi và cả khán giả. Vương miện và quyền trượng đã được trao cho người xứng đáng nhưng dư âm thì vẫn còn. Ông I. Kant, nhà triết học cổ điển Đức hơn một lần nói cái đẹp không ở màu áo cô thiếu nữ mà ở con mắt kẻ si tình, nghĩa là cái đẹp còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, vào vốn sống, sự trải nghiệm, năng lực cảm nhận của mỗi người khi thẩm định. Nên dư luận đồng tình hay phản đối là dễ hiểu. Nhưng phải khẳng định sự thông minh trong ứng xử của một hoa hậu khi nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn là sự hy sinh và vẻ đẹp hình thức là sự dịu dàng, đằm thắm...

Cái đẹp là sứ giả của một nền văn hóa. Mỗi hoa hậu sẽ mang vẻ đẹp nước mình nhân lên cùng vẻ đẹp với các nền văn hóa khác để cả nhân loại này mãi mãi đẹp, mãi mãi được tôn vinh!

Nhưng trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa thì đã có cuộc thi "Người đẹp nhất".

Chuyện là thế này…

Giữa bao nhiêu mỹ nhân của thế giới Olanhpơ nổi lên ba trang tuyệt sắc: nàng Hêra - vợ thần Dớt hùng mạnh; nàng Atêna - nữ thần Trí tuệ và nàng Vệ nữ - nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu. Trong một bữa tiệc do Thiên đình tổ chức, vì bị quên mời nên giận dỗi, tức tối, nữ thần Bất hòa nghĩ cách gây sự. Thần bèn lăn ra bàn một quả táo vàng có khắc chữ "Tặng người đẹp nhất". Các nữ thần đều muốn mà chẳng ai dám cầm, chỉ có ba tiên nữ Hêra, nàng Atêna, nàng Vệ nữ nhất định muốn sở hữu để khẳng định mình là người đẹp nhất. Cả ba nhờ Dớt phân xử xem ai xứng là Hoa hậu được làm chủ quả táo. Dớt sợ thiên hạ chê mình thiên vị liền nhờ đến Parit, chàng trai đẹp nhất châu Á, người dưới trần gian. Không phải ngày nay mới có chuyện tham ô, hối lộ đến mức Bộ trưởng quyền hành nghiêng một góc trời cũng phải ra toà, mà tận xửa xưa, trên Thượng giới đã có chuyện ấy. Nữ thần Hêra bèn mua chuộc chàng Parit rằng nếu xử cho mình đẹp nhất nàng sẽ giúp chàng làm vua khắp vùng châu Á mênh mông và giàu có.

Thần Atêna nói sẽ ban trí tuệ tuyệt vời để chàng giành vinh quang trong mọi cuộc giao tranh nếu giúp nàng lên ngôi vương. Thần Vệ nữ thì chân thành nói sẽ giúp chàng lấy được Hêlen, hoa hậu của châu Âu…

Chàng Parit tuyệt vời không chọn Quyền lực và Vinh quang, chàng chọn cái Đẹp và Tình yêu, bởi đấy mới chính là cái để con người trần gian này cần. Thế mà phải mất hàng chục ngàn năm sau, con cháu của chàng Parit mới hiểu được ý nghĩa của việc tổ tiên mình đã từng ca ngợi và tôn vinh cái đẹp.

Không ngờ đấy lại là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh mười năm giết hại biết bao sinh linh giữa Tơroa và Hy Lạp. Cũng từ đấy loài người lấy hình tượng "quả táo bất hòa" để chỉ nguyên nhân gây ra những xung đột, bạo lực…

Không phải chỉ loài người dưới hạ giới mới có chuyện hung hăng gây sự đánh nhau mà trên thế giới của các vị thánh trong thần thoại Hy Lạp cũng rất nhiều lần chiến tranh căng thẳng. Nữ thần Bất hòa cũng chỉ là một "quả táo bất hòa". Còn rất nhiều những "quả táo" khác.

Một "quả táo bất hòa" điển hình là Điônirớt - thần Rượu nho, con trai của thần Dớt với một công chúa người trần. Hình như để diễn tả cái tính khí bất thường mà thần thoại để cho "tiểu sử" nhân vật này rất đặc biệt: mẹ chết khi chưa đủ tháng sinh nên được cha (Dớt) lấy ra từ bụng mẹ rồi tự khâu vào đùi mình.

Nữ thần Tình yêu và sắc đẹp Aphorodise.

Do sinh ra từ đùi của cha, lại được phân công cai quản thứ nước uống gây say nên tính cách chàng rất "dị", thích chơi bời, đàn đúm, ăn chơi, nhậu nhẹt… thế là Dớt phân công chàng phụ trách luôn cả mảng lễ hội, du lịch… Vì đạo đức không chuẩn mực, cho nên sau này thần được các họa sĩ thời Phục hưng hay vẽ trong bộ dạng như một trọc phú, một gã ăn chơi, một kẻ say xỉn…

Đệ tử của thần này ở Việt Nam đang rất đông, và dĩ nhiên cũng có tính cách hung hăng như "thầy". Chả thế mà những ngày Tết, Lễ nhiều người nhập viện vì "ẩu đả", trong đó phần nhiều là do say không làm chủ được bản thân.

Một "quả táo bất hòa" khác là thần Chiến tranh có tên Aret, có diện mạo khôi ngô nhưng tính khí lại cuồng loạn hiếu chiến, thích gây gổ. Thần này luôn cầm một ngọn giáo có dính máu, ngự trên cái ngai bọc da người. Điều trớ trêu là tính cách ưa bạo lực thế nhưng vì rất đẹp trai với kiểu dáng phong trần nên Aret được nhiều nữ thần say đắm yêu, trong số này có cả thần Bất hòa đã nói ở trên. Học trò của thần này ở nước Việt ta cũng kha khá đông, đa số là những thanh niên mới lớn, đại để chỉ từ một va chạm nhỏ, thậm chí "một cái nhìn đểu" là lao vào nhau chửi rủa, đánh đấm… và đi viện.

"Quả táo bất hòa" tiếp là Atêmit - nữ thần Săn bắn cũng có một tính cách nóng nảy đến cuồng nộ. Hậu quả là bao người vô tội bị chết oan. Thiên đình đã tìm được nguyên nhân: vì thần phải tiếp xúc với quá nhiều cảnh bắn giết những con vật ngoan ngoãn. Chưa tìm được cách chữa thì do rừng bị tàn phá nặng nề nên lượng thú rừng giảm nhiều (cũng giống như hạ giới vậy), nhờ săn bắn ít đi mà thần cũng đỡ cục cằn hơn. Nhưng đệ tử của thần (cũng thường là các thanh thiếu niên) dưới trần gian thì ít thay đổi, vì thường xuyên chơi game với các trò bạo lực chém giết nên dễ bị kích động. Lại vào cái tuổi thích thể hiện cái tôi ngông cuồng, muốn gây ấn tượng để "khẳng định" nên ra ngoài đường, trái ý là sẵn sàng ẩu đả, không chỉ bằng tay không mà bằng cả gươm dao, đao gậy…

Có bao nhiêu chuyện không hay làm phiền lòng các đấng bậc thần linh ngay thẳng. Thế là một cuộc họp mang tính toàn Ôlanhpơ được tổ chức để tìm ra những giải pháp khả thi nhằm chấn chỉnh, vãn hồi văn hóa đạo lí nơi thiên giới. Thần Tri thức là Thư ký hội thảo cố tình để lộ ra những ý quan trọng để người dưới trần tham khảo: Hoàn thiện pháp luật với chế tài đủ mạnh để răn đe (như chuyện phụ huynh tát giáo viên, như hôn bé gái dưới 13 tuổi… sẽ phải vào tù); siết chặt quản lý sản xuất, buôn bán sử dụng rượu bia (như tăng thuế, hạn chế sử dụng); Nhà trường phổ thông đặt việc giáo dục nhân cách lên hàng đầu, trong đó coi trọng việc dạy kĩ năng sống (chứ không nặng về kiến thức sách vở); Gia đình phải sớm phát hiện, phối hợp với nhà trường can thiệp đến hành vi lệch chuẩn của con em…

Hậu duệ của nữ thần Bất hoà dưới hạ giới không bao giờ hết. Vì đó là quy luật cuộc sống có tốt có xấu, có hay có dở, có giỏi có dốt,… Nhưng hình như là ở đâu cũng có những kẻ kém tài nên hay sinh chuyện, dựng chuyện gây mâu thuẫn nội bộ, rồi gièm pha, nói xấu, ghen ghét, đố kị người hơn mình. Người tốt lại ít hay phòng bị, thậm chí cứ nghĩ ai cũng như mình nên có khi gặp nguy hiểm.

Nhưng ta cứ tin rằng đời vẫn nở hoa…!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.