Chuyện tình cảm động của nghệ sĩ khuyết tật

Thứ Ba, 29/10/2013, 09:13

Họ chịu sự trớ trêu của số phận. Bên ngoài một cơ thể khiếm khuyết, Trời lại ban cho họ một trái tim đa cảm và sự tài hoa hơn người để họ làm nghệ sĩ. Và họ yêu. Những tình yêu đầy tủi hờn, đắng cay, mặc cảm. Những tình yêu lung linh, huyễn hoặc cổ tích. Những tình yêu đơn sơ, giản dị. Nhưng trên tất cả, người ta tìm thấy ở những tình yêu đó nghị lực vượt lên số phận, vượt qua định kiến cay nghiệt của thế nhân, sự hy sinh và lãng mạn dị thường...

1.Sau 6 năm yêu nhau, đám cưới của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương và cô giáo Anh văn Hải Yến đã diễn ra tưng bừng tại Hội quán Đời Rất Đẹp (quận 10, Tp HCM). Bạn bè, anh em nghệ sĩ khuyết tật khắp nơi về tề tựu, mừng cho anh nên duyên với người vợ xinh đẹp, toàn vẹn, đảm đang. Nhạc sĩ Hà Chương và Hải Yến quen nhau từ hồi còn học ở Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng. Hết niên học lớp 10, Hà Chương tạm biệt Đà Nẵng ra Hà Nội học nhạc. Thư qua, tin lại, nỗi nhớ cháy bỏng quãng đường xa cách: "Yến ra Huế học đại học. Mỗi lần tôi về thăm, Yến thường chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng. Yến lái, tôi đạp. Hai đứa đi chơi khắp xứ. Đi đến đâu Yến cũng mô tả cảnh vật xung quanh cho tôi… ngắm".

Ngày nọ, Yến nhận được bài thơ "Nụ cười Đà Nẵng" Hà Chương viết tặng mình. Lời tỏ tình ngọt ngào gói ghém cả vào thơ. Vào Sài Gòn gây dựng sự nghiệp, Yến trở thành nữ "xe ôm" xinh đẹp cho Hà Chương. Đi ăn, thay vì chàng trai gắp thức ăn cho cô gái, galăng dắt lên cầu thang hay kéo ghế mời ngồi… thì chuyện tình của họ ngược lại.

Hà Chương bảo, có lẽ tình yêu của mình ít gặp trắc trở hơn những nghệ sĩ khuyết tật khác bởi anh vốn không hề tự ti và biết cách minh chứng tình yêu của mình. Thế nhưng, không phải nghệ sĩ khuyết tật nào cũng tìm được sự tự tin mặc dù họ tài hơn người. Quái kiệt đánh đàn bằng răng, Đoàn Dự là một người như thế. Ông bị sốt năm lên 6, đôi chân teo tóp. Khi những rung động đầu đời ghé thăm cũng là lúc ông nhốt chặt trái tim trong muôn vàn khổ lụy vì đôi chân tật nguyền. Tuổi đôi mươi, Đoàn Dự ôm cây đàn gảy vụng về tình tang. Có nàng hàng xóm nhà bên thường hay sang ngồi nghe ông đàn. Nàng 17 tuổi, thơ ngây.

"Đó chính là người con gái khuyên tôi đi học đàn, thôi thúc tôi bước vào con đường nghệ thuật. Hằng ngày, cổ vẫn sang chơi, tôi đàn cổ hát. Mỗi lần ngắm cổ ca, tim tôi run lên nhảy nhót, điệu đàn đưa nhau bay bổng. Đôi lần tim tôi muốn vỡ ra, tôi muốn nói hết lòng mình với cổ nhưng nhìn xuống đôi chân… Lại thôi. Tôi biết cổ thương tôi, nhưng chờ hoài không thấy tôi ngỏ lời. Có lẽ vậy mà những buổi cổ sang nhà thưa dần. Tôi buồn, đàn cũng buồn, tiếng thê thiết. Ngày xác pháo hồng nhà cổ đậu lại dưới chân mình, nước mắt tôi ứa ra, lòng như dao cắt…".  

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương và cô giáo Hải Yến trong ngày cưới (29/9/2013).

Người của "mối tình đầu" của nghệ sĩ Văn Vượng cũng là cô hàng xóm như nghệ sĩ Đoàn Dự. Nhưng định kiến khắc nghiệt của gia đình chia lìa đôi uyên ương. Để rồi chiều buông, nhìn bóng người yêu khuất nẻo quê chồng, ông đau đớn viết nên tình khúc "Hoàng hôn trên sông". "Sau khi theo chồng không lâu, nàng đột ngột ra đi vì trọng bệnh. Sau này tôi được người bạn tặng một bức ảnh có hình của nàng. Dù không nhìn thấy nàng nhưng tôi vẫn trân trọng lồng vào khung rồi để lên bàn để gìn giữ một kỷ niệm. Thế mà nàng thiêng đến mức tìm về được nhà tôi, gọi tôi trong những giấc mơ mộng mị nhất..." - Văn Vượng viết trong hồi ký.

Đau đớn chưa kịp nguôi ngoai thì mối tình thứ hai, đằng đẵng 9 năm trời lại ngập trong những cơn đau day dứt làm trái tim nghệ sĩ của ông rỉ máu. Một lần nữa Văn Vượng không thể đến được với người mình yêu vì sự cấm đoán quyết liệt của gia đình nàng, để rồi ông cầm đàn trách đời trái ngang: "Em đã hứa yêu tôi đến trọn đời dù bao năm tháng có dài lâu, dù bao ngăn cách trắc trở em vẫn chờ anh, đã 8 năm trôi qua rồi mà sao vẫn xa cách ngàn trùng".

2.Hải Yến kể, ban đầu biết cô yêu chàng nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, ba mẹ ra sức khuyên răn con gái. Yêu anh, cô quyết tâm thuyết phục ba mẹ. Yến dùng chiêu "mưa dầm thấm lâu"… Mỗi lần Hà Chương ra album hay có sách báo gì viết về anh là cô đem về khoe với ba mẹ. Còn Hà Chương thì bắt tay làm "công tác tư tưởng" với anh chị em của Yến. Có hậu phương vững chắc, ngày ra mắt ba mẹ Yến, biết họ yêu văn nghệ, anh hát luôn mấy bản, đặc biệt là những bài hát anh viết tặng người yêu.

Vượt qua sự cấm cản quyết liệt của gia đình, vợ chồng nghệ sĩ khuyết tật Đoàn Dự có được hạnh phúc viên mãn.

Riêng nghệ sĩ Đoàn Dự, để có được mái ấm hạnh phúc với người vợ hiền và 3 đứa con ngoan, ông đã phải liều. Ngày ấy, một bóng hồng đã vượt qua mọi lời chê bai, khích bác của chàng Cảnh sát… điển trai trồng cây si trước cửa nhà mình để táo bạo ngỏ lời yêu với chàng Dự tàn tật. Trong căn nhà cấp 4 ngổn ngang đồ đạc cũ kỹ, ngồi xoa bóp chân cho chồng, bà Lê Thị Thanh kể: "ổng dạy đàn cho con của bà chủ chỗ tui làm thợ uốn tóc. Tui thấy ổng hiền lành, không nói tục chửi thề hay đánh đàn bà như mấy người khác. Rồi cũng mê tiếng đàn của ổng mà về làm dâu, dù mấy bà chị dọa: Mày mà lấy thằng Dự là tụi tao từ mặt".

Tình yêu mãnh liệt của bà Thanh đã kéo ông ra khỏi nỗi mặc cảm, một phen làm liều. Đám cưới do anh em văn nghệ sĩ góp tiền. Ngày cưới, chỉ có cô em út đại diện họ nhà gái. Cưới nhau xong, để vun vén cho tổ ấm nhỏ, ông chạy show liên tục. Ngày bà Thanh sinh hạ đứa con trai đầu lòng cũng là ngày vợ chồng ông ngập trong hạnh phúc khi gia đình nhà gái chấp nhận chàng rể hiền.

Nhạc sĩ Hà Chương bảo rằng, người khuyết tật thường bị nỗi mặc cảm phủ lấp, cô đơn đối diện với chính mình nên họ sống thiên về nội tâm. Đặc biệt, nếu đó là người nghệ sĩ. Nghệ sĩ Đoàn Dự rất hiểu vợ mình, những nỗi buồn rất nhỏ bà giấu trong lòng ông cũng tinh tế nhận ra. Dù cuộc sống gia đình nhiều chật vật nhưng mấy chục năm chung sống, mái ấm của họ luôn đầy ắp tiếng cười.

Khi ông bắt đầu nổi tiếng, những bức thư tình ào ạt gửi về. Ông đọc xong đưa hết cho vợ xem, không hồi đáp. Có người đàn bà nọ từ miền Tây lên Sài Gòn đòi gặp ông. Đến nhà, bà ta dúi cho vợ ông hai cây vàng, van lơn: "Chị nhường ảnh lại cho em, số vàng này coi như số vốn chị làm ăn". Đặt lại 2 cây vàng vào tay bà kia, bà Thanh nhẹ tênh: "Việc đó tùy vào chồng tui. Ổng muốn sao tui theo vậy". Nhớ lại kỷ niệm đó, nghệ sĩ Đoàn Dự tâm sự: "Tôi đã bị ông trời đối xử bạc bẽo, không dám yêu ai, luôn tự ti mặc cảm. Khó khăn lắm tôi mới có được hạnh phúc, có được người vợ yêu thương mình hết lòng như vậy, tôi còn đòi gì hơn nữa. Nghệ sĩ khuyết tật chúng tôi cùng vì lý do đó mà rất gìn giữ hạnh phúc của mình".

Cũng bởi hiểu điều đó nên khi trái tim vương tơ một lần nữa, nhạc sĩ Văn Vượng quyết bảo vệ tình yêu của mình dù rằng nó đến muộn màng. Âm nhạc dẫn lối cho nàng tìm đến ông, một nữ sinh viên năm thứ 6, Đại học Y Hà Nội, kém của Văn Vượng 20 tuổi. Nàng là nguồn cảm hứng giúp ông viết "Vì sao tôi yêu em", "Bầu trời trong tim anh", "Hãy quên đi đừng khóc"… Trước lời đe dọa của một số người, đám cưới Văn Vượng trở nên đặc biệt bởi việc bố trí người canh phòng an ninh cẩn thận: Hai chiến sĩ An ninh đầu ngõ, hai Cảnh sát mặc thường phục trong đám rước dâu, một người bạn giỏi võ túc trực ở nhà cô dâu…

Các nghệ sĩ khuyết tật cho biết, nhiều đồng nghiệp vì mặc cảm, vì định kiến xã hội mà rất khó tìm kiếm được hạnh phúc riêng tư. Phần vì thân tật nguyền, phần vì tiền cátsê bạc bẽo, cuộc sống bấp bênh. Họ vẫn phải chịu ánh mắt thương hại của người đời khi các nhà tổ chức chỉ mời vào các chương trình từ thiện… Khi tình yêu đến, bị ngăn cấm, nhiều người không có đủ can đảm để đứng lên đấu tranh cho tình yêu của mình.

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương bật mí: Lúc đầu anh định tổ chức đám cưới của mình một cách lặng lẽ, nhưng bạn bè khuyên nên cho nhiều người biết đến đám cưới. Vì biết đâu, sau đám cưới ấy, sẽ có những trái tim cô đơn ngồi gục trong góc tối bước ra tìm một nửa cho mình dù hình hài họ không như bao người. Và để cho những người còn lành lặn mở lòng…

Mai Quỳnh Nga
.
.