Chuyến thiên lý tri ân của hai nghệ sĩ nghèo

Thứ Năm, 23/08/2012, 08:00

Bề ngoài, họ dường như chẳng có điểm chung nào. Trương Đình Chiếu đậm người, từ ăn mặc đến nói năng giao tiếp đều chừng mực, hợp  với vị trí một doanh nhân bậc trung. Nguyễn Đức Đạt - tức nghệ sĩ Quang Đạt thì ngược lại: gầy quắt, tóc dài, phục trang bụi bặm… Bên trong, họ có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là nghệ sĩ đa tài. Trương Đình Chiếu không giàu và Quang Đạt thì khá nghèo. Cả hai đều tâm huyết với việc thiện, việc nghĩa.

Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hai nghệ sĩ sẽ song hành cùng nhau trong một chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Chuyến đi mang tên "Về với mẹ", do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Cơ quan UNESCO Việt Nam tổ chức. Mục đích của họ là rong ruổi suốt chiều dài đất nước, xuất phát từ Cà Mau ngày 27/7, về đến Hà Nội đúng ngày 2/9/2012. Trên đường, họ sẽ dừng lại ở 12 tỉnh thành. Ở mỗi nơi, họ sẽ cùng với Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, các đại biểu trẻ ngành Công an và các nghệ sĩ ở địa phương ghé thăm, chăm sóc, biểu diễn nghệ thuật giao lưu và tặng quà cho 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với hai nghệ sĩ, đây là một chuyến hành trình đền ơn đáp nghĩa, hy vọng góp phần kêu gọi sự quan tâm ngày càng nhiều hơn, sâu đậm hơn của xã hội đối với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ý tưởng về chuyến hành trình là của nghệ sĩ Quang Đạt. Xuất thân là một võ sĩ có đẳng cấp của hai môn phái Thiếu lâm Hòa Môn và Taekwondo, Quang Đạt từng bén duyên điện ảnh và gắn bó với nghệ thuật thứ 7 ở nhiều vai trò. Ban đầu là diễn viên nhưng không mấy nổi tiếng, Quang Đạt chuyển sang làm cố vấn võ thuật các phim "Cảnh sát hình sự", "Tây Sơn hiệp khách", rồi làm họa sĩ thiết kế các phim "Đi qua lời nguyền", "Đồng tiền nhân nghĩa", "Bức thư từ Sơn Mỹ", "Món nợ miền Đông". Vai trò mà anh gắn bó hơn cả vẫn là đạo diễn. Làm đạo diễn chính, Quang Đạt chỉ mới có cơ hội thử sức một lần với phim "Bến quê nhà" (Hãng phim Bến Nghé năm 2001) nhưng anh đã làm phó đạo diễn cho khá nhiều phim như "Người đàn bà hóa đá", "Ngày ấy quê tôi", "Làng cát", "Đồng đất đỏ", "Chị Sáu Kiên Giang"…

Giới điện ảnh biết đến Quang Đạt như một "dị nhân", thích trình làng những chuyện không giống ai. Năm 2011, thấy bộ sưu tập những kỷ vật điện ảnh đã khá phong phú, trong khi chỗ lưu giữ không có, Quang Đạt bèn gom hết tài sản, bán tống bán tháo xe cộ lấy tiền xây… bảo tàng điện ảnh tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Không có tiền xây ở Tp HCM, Quang Đạt bèn đưa bảo tàng ra đặt tại quê, xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Một nơi khá xa xôi, quá thưa vắng so với đời sống nghệ thuật, nhưng bảo tàng vẫn được khá đông văn nghệ sĩ thăm viếng và đóng góp. Quang Đạt bảo: "Cốt yếu là lưu giữ ký ức, kỷ niệm của điện ảnh nước nhà chứ không phải đón khách kinh doanh. Chỗ nào rộng rãi thì đặt, cần gì cứ phải chen vô nơi đông đúc".

Hai nghệ sĩ Quang Đạt và Đình Chiếu trước giờ khởi hành.

Chơi ngông là chính, Quang Đạt chẳng giàu có gì. Tài sản quí nhất của anh là ba chiếc xe máy "cũ chứ không cổ", gồm hai chiếc Vespa và một chiếc Lambretta. Trên thân mỗi chiếc xe là bộ sưu tập cả ngàn chữ ký của 3 lớp người: nghệ sĩ, nhà báo và Cảnh sát giao thông khắp nơi. Quang Đạt giải thích: "Đời tôi có ý nghĩa nhất là những chuyến rong ruổi khắp đất nước. Ba lớp người trên chính là những người bạn đồng hành, những người thường gặp gỡ và giúp đỡ  tôi nhiều nhất. Tôi muốn lưu lại chữ ký và bút tích của họ như một sự tri ân". Sự tri ân, ngưỡng mộ lớn lao nhất, sâu sắc nhất, anh lưu lại trên chính cơ thể. Tóc dài nhưng hói đến nửa đỉnh đầu. Khoảng trống trước trán, Quang Đạt kính cẩn xăm hình Hồ Chủ tịch, thần tượng của đời anh.

Thật ra, ba chiếc xe, giờ Đạt chỉ còn hai. Tháng 4/2010, chiếc Lambretta anh đã đem bán đấu giá để làm từ thiện. Tổng Giám đốc Công ty Đô thị Việt Nam Á đã trúng đấu giá chiếc xe này với mức 80.000 USD. Đưa trước cho tay nghệ sĩ nghèo 120 triệu và lấy xe đi, tay Tổng giám đốc kia lờ tịt luôn, quỵt phần tiền còn lại. Đau hơn, Quang Đạt không ngờ rằng "bảo vật" của anh lại bị kẻ quỵt nợ biến thành công cụ để lừa đảo tập hai. Chiếc xe được tay Tổng giám đốc mang đến "hiến tặng" cho Trung tâm nhân đạo Quê Hương của nhà hảo tâm Huỳnh Tiểu Hương ở Bình Dương, bảo là để bán đấu giá lấy tiền giúp Trung tâm này nuôi dạy trẻ em mồ côi, tàn tật. Nhưng vì đang "kẹt", tay Tổng giám đốc manh tâm đề nghị bà Huỳnh Tiểu Hương cho mượn tạm 1 tỷ đồng để lo tổ chức đấu giá. Nhẹ dạ, nhà hảo tâm nhận chiếc xe đặt trong lồng kính và gom  được 650 triệu đồng đưa cho tay Tổng giám đốc. Đút tiền vào túi, tay lừa đảo từ thiện bỏ chiếc xe lại và… đua, để lại sau lưng quả đắng ngậm ngùi cho nhà hảo tâm và người nghệ sĩ nghèo nhìn nhau chia sẻ. Vụ này, báo chí từng kêu ầm một thời.

Cú lừa hy hữu không làm đam mê tổ chức và thực hiện những chuyến thiên lý tri ân vì việc nghĩa của nghệ sĩ Quang Đạt lụi đi. Năm 2006, anh là sứ giả chuyến xuyên Việt "Vì nạn nhân chất độc da cam" do T.Ư Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Năm sau, 2007, anh lại là sứ giả cho chương trình "Vì tuổi thơ Việt Nam" quyên góp được 30.000 áo ấm tặng cho các em nhỏ nghèo vùng cao, vùng xa tỉnh Quảng Nam. Năm 2010, kỷ niệm 3 năm phát động chương trình đội mũ bảo hiểm, anh lại làm sứ giả cho Bộ Công an và Lực lượng CSGT, giong xe Vespa rong ruổi tuyên truyền đội mũ bảo hiểm trên toàn quốc. Năm 2011, anh đứng ra tổ chức chương trình về nguồn "Rước Bác vào Nam", thực hiện xuyên Việt bằng xe máy rước tượng Bác Hồ từ Nghệ An vào Đồng Tháp kết hợp làm từ thiện…

Chuyến hành trình  "Về với mẹ" năm nay, Quang Đạt gắn bó và chia sẻ với nghệ sĩ, kỷ lục gia Quang Chiếu, người được sách Guiness Việt Nam công nhận là người chơi được nhiều loại nhạc cụ nhất trên cả nước (trên dưới 100) và lập kỷ lục biểu diễn trên sân khấu cùng lúc 10 loại nhạc cụ gồm Guittare thùng, kèn Harmonic, đàn Bonjo, Tombaren, Maracat, Slasstoan, Trumpet, Kobell…v.v.

Đam mê và tham gia biểu diễn âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, nhưng lớn lên, Trương Đình Chiếu lại chọn nghề Công an. Anh học cùng lớp đào tạo Công an với Anh hùng Lý Đại Bàng. Khóa học có 400 người, tất cả đều được phân về làm Cảnh sát khu vực hoặc Cảnh sát Hình sự. Riêng Chiếu, nhờ viết chữ đẹp và nổi bật trong khả năng văn nghệ nên được phân về phụ trách phong trào của Phòng Cảnh sát trật tự - hành chính, Công an Tp HCM. Anh đã góp phần không nhỏ trong thành tích giành các giải thưởng cao trong phong trào văn nghệ quần chúng của đơn vị này.

Sau 16 năm khoác quân phục, Trương Đình Chiếu chuyển ngành, thành lập Công ty Hóa Mỹ phẩm Hoa Thị. Ngoài kinh doanh, anh dành hết thời giờ còn lại để nối dài đam mê âm nhạc. Ngoài sở trường và sự thuần thục, am hiểu các loại nhạc hơi, khí, mộc, anh đã tốn rất nhiều nhiệt huyết và thời gian để sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ và cách chơi nhạc độc đáo. Đam mê lớn nhất của Trương Đình Chiếu là mày mò nghiên cứu để biến càng nhiều càng tốt các vật dụng, nguyên liệu quen thuộc trong đời sống thành nhạc cụ, có thể sử dụng chúng để biểu diễn. Trình làng màn kèn lá được hoan hô nhiệt liệt, Trương Đình Chiếu chuyển sang biến chén, dĩa, tô, muỗng, xoong, chảo… thành những nhạc cụ độc đáo, biểu diễn thuần thục làm phong phú thêm cho sân khấu tạp kỹ. Năm 2010, màn biểu diễn cùng lúc 10 loại nhạc cụ đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Đình Chiếu lên hàng kỷ lục gia. Anh trở thành Thư ký của tổ chức UNESCO Việt Nam.

Ngoại trừ sân khấu Trống Đồng ở Quận 1 Tp HCM, nghệ sĩ Trương Đình Chiếu ít khi xuất hiện trên sân khấu khác. Phần lớn thời gian hoạt động nghệ thuật anh đều dành để biểu diễn từ thiện, giúp vui và chia sẻ với trẻ em nghèo, bệnh nhân Trung tâm ung bướu; biểu diễn gây quỹ cho Hội Khuyến học hoặc tại các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật. Trong chương trình xuyên Việt lần này, tại mỗi địa phương, nghệ sĩ Đình Chiếu sẽ đóng vai trò "cây đinh" chơi cùng lúc 10 loại nhạc cũ để thu hút, tập hợp sự quan tâm và giúp vui cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chương trình xuyên Việt tri ân của hai nghệ sĩ nghèo sẽ được tổ chức không cầu kỳ. Hơn một tháng rong ruổi, họ sẽ dừng lại cùng những tổ chức, cá nhân tình nguyện, các nhà hảo tâm ở từng địa phương đến tận nhà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dọn dẹp, sửa sang bàn thờ, sửa nhà, khám chữa bệnh, chăm sóc và tặng quà. Chương trình của họ đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và nhiều cơ quan, hội đoàn của các địa phương đồng tình ủng hộ. Ở các tỉnh sẽ dừng chân, họ đều có những nhóm tình nguyện viên với chương trình định sẵn chờ đón để nhập cuộc. Có hàng chục nhà báo, nhà quay phim, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ sẽ đồng hành cùng họ trong từng chặng đường đền ơn đáp nghĩa.

Theo dự kiến, sau khi rời tỉnh Trà Vinh vào ngày 2/8, điểm dừng tiếp theo của họ sẽ là Củ Chi, Tp HCM. Nhưng nhận thấy ý nghĩa của chương trình, hai địa phương trên đường là Bến Tre và Tiền Giang đã nằng nặc đề nghị họ ghi thêm tên vào danh sách điểm dừng. Hai tỉnh này cũng đã lên sẵn chương trình hoạt động để nhập cuộc. Vậy là, vào giờ chót, lịch trình và hoạt động đền ơn đáp nghĩa của hai nghệ sĩ lại phải thay đổi, nâng số địa chỉ dừng chân lên 14 tỉnh thành.

Xuất phát từ tấm lòng, hai nghệ sĩ nghèo hy vọng sẽ biến chuyến đi của mình thành một phong trào xã hội. Hành trình vừa bắt đầu, phải hơn một tháng nữa họ mới về đến đích dự kiến. Không ồn ào, rầm rộ nhưng xuất phát từ tâm, hy vọng hành trình xuyên Việt của họ sẽ thành công. Những chuyến thiên lý tri ân như thế, với sự chung tay góp sức của cộng đồng sẽ được nối dài thêm mãi, để đi được nhiều hơn, xa hơn. Và với hai nghệ sĩ, đó sẽ là một chuyến đi dài, một tác phẩm lớn trong đời nghệ thuật mà họ hằng ấp ủ

Nguyễn Đức
.
.