Chuyển thể "Truyện Kiều" sang ballet
Sau gần một vòng đời bôn ba khắp thế giới, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo -người có tên trong 2 cuốn từ điển danh nhân thế giới và là một trong 15 Việt kiều được nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt 2006" - đã làm một cuộc hành trình về cội với một tham vọng mới.
Đó là chuyển thể "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du sang balllet. Bên hồ Đống Đa một chiều cuối xuân lộng gió, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngay khi ông đang tất bật xúc tiến những dự định của mình.
- Thưa nhạc sĩ, sẽ là một sự sáng tạo mới mẻ hay chỉ đơn giản là sự chuyển thể?
+ Tác phẩm của thi hào Nguyễn Du là tuyệt đích của tuyệt đích, cái hay cái đẹp làm rung cảm đến tận cùng đối với người đọc là thơ, mà chuyển thể ra lại lấy nguyên tích của "Truyện Kiều", e sẽ không thành công.
Không có một tác phẩm nào đi từ "Truyện Kiều" ra mà có thể đứng vững so với "Truyện Kiều", nếu không tìm ra cách khác thường. Bởi vậy, hình thức mà tôi thấy có thể chuyển tải được ý tưởng và tôn vinh những áng thơ của thi hào Nguyễn Du phải là ballet và opera cùng với nhiều loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, hội hoạ, kiến trúc...
Dựa trên dàn hợp xướng, tôi sẽ đưa vào những hình thức âm nhạc dân tộc, mong muốn tạo nên những rung cảm mãnh liệt nơi người xem: không chỉ hát, sẽ có cả ngâm thơ, chèo và ca Huế v.v…
Dĩ nhiên, không phải là bê nguyên xi cái sẵn có, mà là sự sáng tạo trên nền những âm hưởng cô đọng, lắng sâu của chất liệu truyền thống và kết hợp hài hoà giữa âm nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại của phương Tây.
Với sự kết hợp các hình thức nghệ thuật trong vở diễn, vở ballet "Truyện Kiều" phải là không gian rộng mở và thoáng đãng của sân khấu ngoài trời chứ không phải trong phòng như thường thấy.
- Thưa nhạc sĩ, sự khác thường mang tính sáng tạo của vở ballet này là gì?
+ Không hoàn toàn là câu chuyện cuộc đời nàng Kiều với bao thăng trầm, oan nghiệt sau khi bán mình chuộc cha như nguyên tác, vở ballet này sẽ có 3 sân khấu, có thể không hoạt động cùng lúc.
Đại thi hào Nguyễn Du ngồi bên án thư trên cao ở sân khấu chính giữa mờ ảo sương giăng và nước chảy, dàn hợp xướng hát, ngâm thơ, tôn vinh những áng thơ tuyệt tác của "Truyện Kiều". Sân khấu bên trái là cuộc tình giữa Thúy Kiều và Nguyễn Du.
Còn sân khấu bên phải sẽ là cảnh quần chúng nhân dân chất vấn Nguyễn Du, ví như hỏi vì sao trong khi nhân dân đồng lòng ủng hộ nhà Tây Sơn, mà ông lại vẫn đi theo phò nhà Lê? Câu hỏi mang tính thời đại này thực ra đã được đặt ra từ nhiều thế kỷ trước, tôi chỉ là người đưa lên sân khấu mà thôi.
Kết thúc của vở ballet Truyện Kiều không phải là tái hồi Kim Trọng, mà là Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường với nỗi đau khôn xiết: "Mặt nào trông thấy nhau đây/Thà liều sống thác một ngày với nhau".
Tôi nghĩ, đây là một hình ảnh rất đẹp và đầy ấn tượng của tình yêu, mà vì thế, tôi đã lựa chọn làm nên cái kết trên sân khấu của mình.
- Thưa nhạc sĩ, trong tác phẩm của mình, ông để cho Nguyễn Du và Thúy Kiều yêu nhau. Hơn thế, nàng Kiều đã e ấp suốt nhiều thế kỷ nay giờ lại xuất hiện trong những hình ảnh nuy nghệ thuật của sân khấu hiện đại. Ông có nghĩ rằng, điều này sẽ gây "sốc" với khán giả Việt
+ Tôi tin vào thẩm mỹ của khán giả Việt, như đã từng với "Sóng nhạc Trương Chi" trước đây. Trong cái nhìn của tôi, cuộc đời Thúy Kiều cũng chính là cuộc đời của Nguyễn Du. Vì thế, Nguyễn Du yêu Thúy Kiều cũng là điều bình thường.
Nhưng nếu có ai đó phản đối, tôi cũng không nản lòng. Bởi tham vọng của tôi là qua vở ballet "Truyện Kiều", sẽ giới thiệu âm nhạc Việt
- Với các yêu cầu cao về ngoại hình, giọng hát, múa và đặc biệt là khả năng diễn xuất, diễn viên vào vai Thuý Kiều là không dễ. Ông dự định sẽ chọn ai vào vai này?
+ Đó còn là điều bí mật.
- Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!