Chuyện ông "bố nuôi" của chú mèo máy Đôrêmon

Thứ Tư, 19/01/2011, 14:40
11h đêm. Hành khách cuối cùng trên sân bay Nội Bài vắng ngắt là một ông già tóc bạc đẩy chiếc xe hành lý lạch cạch chất cao sách và bản thảo. Ông bước ra với nụ cười hồn nhiên mà không biết rằng, sự tận tâm của ông đã làm những nhân viên nhà xuất bản đi đón phải chảy nước mắt. Mọi người hay gọi ông là "bố nuôi của Đô Rê Mon", bởi ông là Nguyễn Thắng Vu, nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng, người đã ẵm chú mèo máy đến Việt Nam.

Mèo máy đến Việt Nam

Bộ truyện tranh Đô Rê Mon đã tạo ra bước đi mới hoàn toàn, hay nói thẳng ra là lối thoát cho NXB Kim Đồng, đồng thời tạo cách nhìn mới cho ngành xuất bản Việt Nam. Tuy vậy, tài phép của chú mèo máy là chưa đủ nếu thiếu cách ông Vu dẫn dắt đầy sáng tạo, mưu mẹo, quyết đoán và tận tâm.

Trong ký ức anh chị biên tập viên nhà Kim Đồng, thời kỳ làm Đô Rê Mon đã trở thành huyền thoại. Bấy giờ các NXB khó khăn chồng chất vì mới dò dẫm cơ chế thị trường. Năm 1992, nghe nói Đô Rê Mon đang gây sốt ở Thái Lan, ông Vu quyết định mua và cho dịch khẩn trương. Cuốn này quả thực quá lạ với các biên tập viên, tất nhiên cũng gây lo lắng ít nhiều. Nhưng ông Vu tin là trẻ con trên thế giới không khác nhau. Ông dẫn dắt từng bước. Thứ nhất là phải "Việt hóa" đôi chút về lời thoại, Thứ hai là sửa tên nhân vật, tên gốc Doraemon được đổi là Đô Rê Mon cho dễ đọc, thứ ba, thứ tư… cứ thế… cứ thế.

Ông Nguyễn Thắng Vu và bộ truyện tranh "Đô Rê Mon" xuất bản tại Việt Nam.

Chị Trần Hà hào hứng kể: Ông Vu luôn "xuất chiêu" lạ. Trong khi in Đô Rê Mon, ông cho in luôn nhiều tấm poster khổ lớn đủ bộ Đô Rê Mon và nhóm Nobita, Xê Kô, Chaen, Xu Ka. Ông bày binh bố trận, nhóm này nấu hồ, nhóm kia chia tuyến đi dán poster trước các cổng trường học. "Lúc đó, chúng tôi phải dán thật nhanh, vì sợ người ta bắt quả tang. Biên tập viên cũng phải xuống đường phát hành tất tần tật. Tiếp. Cho viết bài tiếp thị trên các báo. Bây giờ việc tiếp thị kiểu viết bài trên báo là đương nhiên chứ lúc ấy chỉ là việc của những người tinh quái".

Chị Hà nhớ lại, băng hình Đô Rê Mon mua ở Thái về làm quảng cáo Truyền hình không ổn vì Đô Rê Mon mà hát bằng tiếng Thái thì bán sách sao được. Ông Vu nhờ nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt lời Việt, rất ngộ nghĩnh, mười mấy năm rồi vẫn ngân vang trong trí nhớ các anh chị em Kim Đồng. Ông Vu là thế, luôn đi trước một bước. Nếu giờ tìm kiếm ai là người đi đầu trong ngành PR Việt Nam thì hẳn đếm đầu ngón tay không thể thiếu tên Nguyễn Thắng Vu.

Đô Rê Mon lập tức trở thành sự kiện nóng của ngành xuất bản Việt Nam. Chỉ trong vòng một tuần, 4 tập đầu tiên 40 nghìn bản bán hết veo. Trẻ em Việt Nam lần đầu tiên háo hức đón đọc truyện tranh theo tuần, lần đầu tiên được đọc truyện tranh vui nhộn, và mới lạ đến thế. Đô Rê Mon ở Việt Nam có lẽ còn thành công hơn cả ở quê gốc Nhật Bản.

Nhưng nếu chỉ là mèo máy thì cuốn truyện chẳng hơn gì những cuốn manga robot khác. Cái cuốn hút là ở tính nhân văn trong câu chuyện và nhân vật. Tâm điểm là tình bạn của cậu bé Nobita hậu đậu, Xuka xinh đẹp, Xê Kô mỏ nhọn ranh mãnh, Chaen thô lỗ nhưng nhân hậu. Những xung đột của các nhân vật này rất đời, không né tránh những cảnh choảng nhau, vừa hài hước, vừa có tính giáo dục khéo léo không ngờ. Nhóm bạn luôn đi vào thế giới phiêu lưu kỳ thú mọi không gian, thời gian, từ quá khứ đến tương lai. Chúng chia sẻ và chiến đấu để cứu những thứ mà người lớn nhiều khi quên mất, đó là sự lâm nguy của loài người. Nhưng cái đọng lại cuối cùng vẫn là tình bạn cảm động.

Frankfurt "vừa đánh vừa đàm

"Bản quyền là điều ông Nguyễn Thắng Vu cũng đi trước một bước: Lúc đó ở ta, mấy ai nghĩ đến bản quyền. Nhưng nhà Kim Đồng của ông Vu đã trả bản quyền Đô Rê Mon từ 1994. Một thập niên sau, Việt Nam mới ký công ước Berne bảo vệ  sở hữu trí tuệ.

Bắt đầu từ chuyến đi hội chợ sách Frankfurt (Đức, 1994) của ông Vu. Lúc đó và sau này, ông Vu hay lùng sục các nơi để tìm sách, dường như ông có tài "ngửi sách" siêu hạng, thấy cuốn nào "ngon, bổ" cho các em là tìm cách mua về.

Chị Lê Phương Liên, biên tập viên NXB Kim Đồng hào hứng: Khi ấy quân ta đâu biết rằng, người ta đi hội chợ sách quốc tế là để mua bán bản quyền, chứ đâu phải để mua bán vài ba cuốn sách. Kỳ lạ là NXB Shokangaku - giữ bản quyền Đô Rê Mon biết ông Giám đốc NXB Kim Đồng có mặt ở hội chợ. Người của Shokangaku gặp ông Vu, yêu cầu đàm phán bản quyền. Cũng bất ngờ, nhưng ông Vu đáp ngay: Kim Đồng sẵn sàng trả bản quyền, nhưng không phải ở một nước thứ ba, mà phải ở Tokyo hay Hà Nội. "Đấy. "Vừa đánh vừa đàm" như đàm phán Hiệp định Paris" - chị Liên nói vui.

Tiếp sau đó là liên tục những chuyến con thoi của ông Vu sang Nhật để đàm phán với Shokangaku và tác giả Fujio F. Fujiko. Không biết tiếng Nhật, ông cứ một mình một ngựa (cho nó tiết kiệm) lên đường đông du mà vẫn đàm phán được mới tài. Bí mật của ông là "ở đâu chả có người Việt mình giúp đỡ".

Cuối 1995, hai bên nhất trí tiền bản quyền cho số lượng sách Đô Rê Mon đã xuất bản từ 1992 -1995 là một tỷ đồng. Thú vị nữa, thay vì NXB phải trả số tiền đó cho "bố đẻ" chú mèo máy Fujio F. Fujiko, thì theo sáng kiến của nhà Kim Đồng, họa sĩ Fujiko đã ủng hộ toàn bộ số tiền đó cho NXB để thành lập quỹ học bổng Đô Rê Mon cho trẻ em Việt Nam. Đến nay, cùng với tiền NXB, Quỹ đã trao được 6.700 suất học bổng. Ông Vu cùng Đô Rê Mon đã mở ra thời kỳ vàng cho NXB Kim Đồng, với hàng loạt bộ truyện tranh, truyện dài kỳ khác như Pokemon, Tứ quái TTKG, Conan, 7 viên ngọc rồng lừng lẫy… Chị Lê Thị Dắt, nguyên Tổng Biên tập Kim Đồng, khẳng định: "Nếu không có lãi từ Đô Rê Mon và sau này là từ 7 viên ngọc rồng, nhà Kim Đồng sẽ không có 50 tủ sách thiếu nhi, những bộ như Tủ sách vàng, Thơ với tuổi thơ, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi để khuyến khích văn học trong nước…".

Không chỉ làm sách hay, ông Vu luôn tìm cách để giá sách rẻ hơn, rẻ nữa, rẻ mãi, phù hợp với hoàn cảnh của các em nghèo. Ông nghĩ ra từng loại sách, từng loại truyện với kích thước khác nhau, sách này bìa bóng thì dành cho thành phố, bìa thường thì dành cho vùng sâu, vùng xa…

Sẻ chia tất cả

Năm 2005, tôi mới được gặp ông lần đầu tiên khi làm một cuốn sách với nhà Kim Đồng - cuốn sách tiếp nối sự kiện nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những tấm ảnh của phóng viên chiến trường Nguyễn Văn Giá. Thời gian ngắn lắm, nhưng tôi đã ấn tượng về ông, người gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu.

Khó có thể quên được ánh mắt tinh anh của ông sau cặp kính, làn khói từ điếu thuốc ba số, tiếng cười sảng khoái, rồi ông nheo mắt và cứ tấm tắc "chà chà" khi khen ngợi. Tất cả những gì toát ra từ ông là sự tinh tế nghiệp vụ và ứng xử, trẻ trung và quý người.

Cuốn sách này ngoài dự kiến, nhưng ông vẫn đọc và góp ý kỹ lưỡng với sự tôn trọng tuyệt đối nhóm tác giả. Bằng cái nhìn của một người lão luyện, ông đề xuất thay đổi một vài kết cấu và sự kiện, cuốn sách được nâng tầm.

Với NXB Kim Đồng, ông quan tâm từ cán bộ chủ chốt cho đến văn thư, thường trực. Chia sẻ là các chế độ đời sống cụ thể nâng lên chứ không dừng ở lời thăm hỏi.

Nguyễn Thắng Vu từ chối dùng ôtô, ông chỉ thích quanh năm đi xe ôm. Cũng vì vậy mà ông thân thiết với cả anh xe ôm, chị bán báo. Hành trình mỗi sáng của ông là ngồi xe ôm từ nhà ra sạp báo, ghé quán phở quen, làm cốc cà phê, điếu ba số trước khi đến cơ quan. Quanh nhà ông có 7 anh xe ôm, thì 7 anh lần lượt mỗi anh một ngày đưa ông đi làm. Tết đến, ông khao cả 7 anh đến "bò lê bò càng".

Cạnh tranh thị trường ngày càng gần với chiến trường. Điều lạ là ông rộng rãi sẻ chia những khó khăn, kể cả với "đối thủ". Sau thành công của Đô Rê Mon, ông Vu cũng đã quyết định nhường bản thảo một bộ truyện dài kỳ khác cho NXB Trẻ - "đối thủ" lúc đó cũng đang rất chật vật.

Sắp hưu, có lần ông nói với chúng tôi: "Bác chỉ mong đến lúc được nghỉ hẳn, bác tha hồ được mặc quần bò chứ không phải toàn đóng hộp quần tây đi hội nghị thế này nữa". Hưu rồi, tôi vẫn chưa thấy ông diện quần bò bao giờ, nhưng có vẻ như ông đã biết bù đắp thời gian cho gia đình và cho bản thân một chút. Có thể ông đã linh cảm một căn bệnh nan y đang rình rập một lúc nào đó không xa sẽ bắt ông phải ngừng lại giữa những dự định.

Mà ngừng sao được chứ, khi công việc chính là hơi thở của ông. Nguyễn Thắng Vu vẫn tiếp tục cống hiến cho Quỹ Đô Rê Mon, vẫn cùng chuẩn bị cho việc ra mắt Đô Rê Mon phiên bản mới vào cuối tháng năm - 2010, trước khi ông mất chỉ vài tháng. Khi chuyển giao chức Chủ tịch Quỹ Đô Rê Mon, Nguyễn Thắng Vu và gia đình đã dành tặng cho Quỹ một tỷ đồng, số tiền mà ông đã khiêm tốn nói rằng của nhà Kim Đồng gửi ông khi ông giúp đọc và chỉnh lý bản thảo. 

Gần đây, tôi lại về thăm ngôi nhà cũ của ông ở làng Ngũ Xã. Trên bức tường sách trong phòng, một góc vẫn là những tập Đô Rê Mon ngay ngắn. Nhưng giờ thì cả ông "bố đẻ" Đô Rê Mon Fujio Fujiko lẫn ông "bố nuôi" Nguyễn Thắng Vu đều không còn nữa. Tài phép của chú mèo máy cũng không làm ngược lại được, nhưng Đô Rê Mon vẫn cho các em cần biết ước mơ. Tôi đã đọc nhiều bức thư gửi Đô Rê Mon của các em nhỏ và biết rằng rất nhiều bạn đọc đã tin mèo Đô Rê Mon là có thật. Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: "Trên đời này chỉ giấc mơ là có thật". Tôi tin không chỉ như thế. Bởi với tôi, trái tim nhân hậu của hai "ông bố" Đô Rê Mon là có thật.

                                            12/2010

Việt Tân - VNCA Xuân 2011
.
.