Chuyện ở làng hoa Đồng Dụ
1- Hoa hải đường và vườn đào khủng
Dừng chân tại hàng nước bên đường xã Đặng Cương, đầu ngã ba rẽ vào làng hoa Đồng Dụ, tôi tọc mạch hỏi cái câu ngạn ngữ hài hước kia. Bà chủ quán cười xởi lởi rồi nói, câu đó cổ lắm rồi, giờ cam Đồng Dụ đã trôi vào dĩ vãng, hiện chỉ có mấy nhà trồng giống cam đặc sản này thôi. Tôi tần ngần muốn bà giải thích thêm ý nghĩa cả mấy vế kèm theo thì bà bỗng nghiêm sắc mặt giảng giải. Phụ nữ Cổ Am có tài sinh đẻ, nuôi dưỡng con cháu ăn học thành tài, làm ông nọ bà kia. Đất Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) có nhiều tiến sĩ làm quan qua nhiều triều đại là nhờ ở các bà mẹ cả đó. Dân gian ca ngợi người phụ nữ Cổ Am bằng hình ảnh cách điệu lên gây ấn tượng dễ nhớ mà thôi. T
ôi đỏ mặt cười khì khì. Còn "Vú Đồ Sơn", bà nhấn mạnh con gái làng biển Đồ Sơn cùng chồng quăng chài đánh bắt cá, chèo thuyền vượt sóng ngày đêm, nên khỏe mạnh, có bộ ngực rắn chắc, thế thôi. Thì ra, sự gắn kết tưởng khập khiễng giữa những hình ảnh đó với trái "Cam Đồng Dụ", quả là sự ẩn dụ dị biệt.
Từ xa xưa, cam Đồng Dụ đã từng được tiến vua hàng năm, và được coi là đặc sản của làng quê này. Nó có hai loại là cam Chanh và cam Đường. Quả cam Chanh còn gọi là cam Đồng Tiền, vì ở dưới quả có một vòng tròn, tựa đồng tiền xu, tép nhỏ màu hồng nhạt. Cam Đồng Tiền mọng nước, pha vị hơi chua, nên ngọt sắc. Còn giống cam Đường có vị ngọt đậm thanh hơn, nên hàng năm dân làng đều chọn để đưa vào kinh tiến vua.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Thêm bên gốc đào cổ. |
Trong dân gian còn có những câu ca dao khác ghi dấu ấn về giống cam nức tiếng này. Sau đó bà đọc: "Bưởi Đại Trà, cam Đồng Dụ, gà Văn Cú", hoặc: "Đồng Dụ có cam tiến vua/ Đình thờ Đại Phạm với chùa Phúc Linh". Nhưng một lúc sau ngẫm ngợi, bà chép miệng thở dài nói, thế mà cả hai giống cam ấy nay đã mất hút, chẳng ai còn đoái hoài đến chúng nữa. Nhưng thực ra vài mươi năm nay, tuy lỡ các vụ cam, làng Đồng Dụ đã trở thành xứ sở hoa hải đường của thành phố Hải Phòng, và là trung tâm của những vườn hoa đào khủng nhất nước. Sau đó bà chủ quán nước chỉ đường cho tôi đến gặp ông Nguyễn Xuân Thêm, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Đồng Dụ, để trò chuyện về hoa.
Tôi cùng ông Thêm đi xuống những vườn hoa đào của bà con trong làng mới thấy dân ở đây thật chịu chơi. Dường như toàn bộ đều là những hàng cây đào cổ, thân bự, cành to. Ông nói, những người đầu tiên gây nghiệp đào ở đây đã phải đi lên tận Mộc Châu, Sơn La mua gốc đào lớn. Họ mang về ghép với mắt đào Nhật Tân.
Qua nhiều công đoạn kỹ thuật, họ đã tạo ra một giống hoa đào khác lạ, cánh dầy và tươi sắc bền lâu. Khởi nghiệp là gia đình anh Dân, người có tới mấy trăm gốc đào to đẫy, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu từ bán cây, bán cành. Ai nấy đều học theo, dồn hết vốn liếng vào canh bạc lớn, sống chết với cây đào. Không ít gia đình đã bỏ nghiệp hoa hải đường để chào đón một cuộc thử thách mới, với những vườn đào cây lớn. Không ngờ chất đất của Đồng Dụ xưa dồn chất ngọt cho cam, thì giờ đây lại tạo nên hồn cốt cho những sắc hoa hải đường và hoa đào. Hai giống hoa đã trở thành thương hiệu của Đồng Dao.
Ông Thêm còn kể, hiện nhà lão nông Nguyễn Sinh Súy còn bảo tồn gìn giữ một cây hải đường cổ hơn 100 năm, đã có người đến trả giá 30 triệu đồng nhưng không bán. Ông Súy cũng là chủ của một vườn hoa hải đường rộng tới mấy sào đất. Số đông các hộ còn lại đều chuyển hướng và tập trung trồng hoa đào. Đáng kể có nhà ông Diễm, trồng 300 cây đào cổ thụ, trong đó tập trung là đào phai ghép với gốc đào đá, đào núi. Có cây, ông Diễm cho khách thuê chơi vụ tết, thu được 7 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gia đình chị Phạm Thị Chiến trồng 200 gốc đào; hoặc anh Bùi Viết Đại cũng không chịu kém khi trồng 190 cây; hay hộ anh Lẫm cũng có 150 cây đào cổ. Gia đình anh Lẫm có năm, đã phải dùng xích cột những gốc đào cổ có dáng độc, để chống trộm. Nhưng có lẽ "kỳ" nhất là cây đào cổ vườn nhà Chính Mai. Đây là cây đào ta gốc chỉ chừng 20 năm tuổi, nhưng hoàn toàn "Zin", không hề bị cấy ghép lai tạo. Hơn nữa, "Cụ" đào này có dáng thế "Mẫu tử", cao hơn 3m. Riêng thân mẹ lại có những cành tán, ôm lấy thân con thể hiện được nét thần thái của người mẹ, hết mực yêu thương, che chở cho con.
Chị Mai chủ vườn kể, Tết trước cho thuê được mấy chục triệu đồng. Đã từng có người hỏi mua cây đào này và trả giá 200 triệu đồng, nhưng gia đình giữ lại chỉ để cho thuê, vào các vụ Tết, lễ hội. Ông Thêm nhẩm tính, hiện xã có tới 600 hộ làm hoa, với diện tích chừng 40ha, tập trung phần lớn hoa đào, số còn lại là hoa hải đường và quất. Chỉ một số vườn nhỏ trồng hoa thân thảo như lay ơn, lưu ly, cúc, đồng tiền. Tôi hết sức ngỡ ngàng với những cây đào cổ trên các vườn hoa. Cây nào cây ấy đều "khủng" như nhau. Đều tăm tắp thẳng hàng lối trên những luống hoa. Các gốc đào đều lạ mắt, đường kính từ 20cm đến 50cm, với chiều cao 1m đến 3m, dáng cành cổ quái. Một cánh đồng hoa kỳ lạ nhất, mà tôi biết từ xưa đến nay, chỉ có ở đất biển Hải Phòng.
2- Lễ dâng hoa đào
Sau khi dạo cánh đồng hoa, chúng tôi tình cờ dừng chân bên chùa Phúc Linh, một ngôi chùa cổ hơn 300 năm của dân Đồng Dụ. Ông Thêm vui vẻ kể, Tết năm 2017, dân làng đã tổ chức lễ dâng hoa đào tại đây. Mỗi cành hoa trên tay người dâng lên tạo thành một vườn đào tươi tràn ngập sắc hồng. Chào một năm mới với những hy vọng mới, niềm vui như còn đọng lại trên những nếp nhăn trên trán người trồng hoa. Hình ảnh những em bé ca hát và nhảy múa cùng với những cành đào. Rộn ràng trong tâm hồn mọi người.
Những cây đào cổ và hoa hải đường ở Đồng Dụ. |
Tôi còn biết, vừa qua tại ngôi chùa này, đoàn làm phim đã làm lễ ra mắt khởi công bộ phim truyền hình "Những cánh hoa yêu thương". Một câu chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ người làng Đồng Dụ. Họ có chung một lý tưởng, gìn giữ và phát triển thương hiệu hoa của quê hương mình. Đây có thể coi là sự kiện đáng tự hào của dân làng Đồng Dụ. Sắc hoa của làng được đưa lên phim cùng những gương mặt nông dân thân thương, bao năm dầm sương dãi nắng. Mọi người luôn háo hức chờ đón bộ phim mới ra đời.
Chợt nhớ, ông Thêm cho biết, chùa làng còn có hương án thờ tổ sân khấu của tỉnh Hải Phòng, nên hàng năm nhiều nghệ sĩ về thắp hương, năm nào cũng có đoàn nghệ thuật về biểu diễn. Vừa qua có Đoàn Cải lương Thái Bình về biểu diễn vở "Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế". Đó là hình tượng của vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Trần (1225-1258), một nhà vua thông tuệ chính sự và một lòng sùng Phật pháp. Đặc biệt ngài đã viết sáu cuốn sách về văn hóa Phật giáo.
3- Sống như những đóa hoa
Chùa Phúc Linh bắt đầu tổ chức lễ "Hằng thuận" cho các đôi bạn trẻ từ năm 2015. Lễ cưới đã mang ý nghĩa sâu sắc về hạnh phúc theo quan niệm Phật giáo. Lễ "Hằng thuận" đem lại sự bình yên và hòa thuận bền vững cho đôi bạn trẻ. Đó cũng chính là sự bắt nguồn từ chữ "Hòa" mà ra. "Hằng thuận" là hòa thuận mãi mãi, hạnh phúc bền lâu. Trước khi đôi bạn trẻ trao nhẫn cưới, các thầy thường giảng giải cho họ nhận thức chân tơ kẽ tóc về chữ "Nhẫn". Bởi từ sự nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau, cùng nhau tu dưỡng phẩm hạnh, mới có hạnh phúc. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận được hay không chủ yếu là sự nhẫn nhịn mà nên.
Đúng như lời ca trong bài "Sống như những đóa hoa" do chính ca sĩ Quang Thắng đã đến hát tại sân chùa Phúc Linh vào đêm rằm Trung thu. Ai nấy hồ hởi khi gặp nhau. Nụ cười và niềm vui dâng lên nơi ánh mắt người. Tôi bỗng nhớ đến lời ca: "Và tôi sống như đóa hoa này/ Tỏa ngát hương cho đời/ Sống với nỗi khát khao rằng/ Được hiến dâng cho cuộc đời…". Đó chính là chiều sâu trong "Thân hòa" mà các phật tử tự nguyện mỗi khi đến chùa, với niềm vui sống như những đóa hoa, trong cõi vô thường.