Chuyện lạ về mấy bạn văn chương

Thứ Ba, 20/02/2018, 08:12
Viết văn, làm thơ ai cũng có bạn văn chương của mình. Làm bạn với nhau là vì phục văn chương của nhau, phục "nghề" của nhau, phục tính cách của nhau. Hay nói cách khác, đã là bạn thì phải phục nhau điều gì đó. Nếu không phục nhau thì không thể là bạn tri kỷ lâu dài với nhau được.


Tôi có nhiều bạn văn. Sau 1975, tôi về Hà Nội chơi với Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha, rồi sau thêm Thanh Thảo. Có lần chúng tôi đã có ý tưởng in chung một tập thơ lấy tên là T.T.K.H. (Tạo, Thảo, Kha, Hoa,), trùng với tên viết tắt của tác giả bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" nổi tiếng, nhưng nói rồi bỏ đó.

10 năm ở Huế, tôi chơi với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh gần chợ Bến Ngự, và mỗi lần gọi nhau ra quán cóc gần chợ uống rượu đàm đạo chuyện văn chương, là lại tếu táo tính chuyện thành lập "Chi hội Nhà văn Bến Ngự". Và tôi cũng trở thành bạn của nhiều nhà văn, nhà thơ khác, già có, trẻ có. Mỗi người đều có tính cách riêng, phong cách văn chương riêng, và tình cảm cũng rất khác nhau, nhưng họ đều để lại trong tôi những ấn tượng khó quên…

Nếu viết về bạn mình thì phải là những bài viết dài, thậm chí có người có thể là cả một cuốn sách, nhưng ở đây tôi chỉ nói đến mấy mẩu chuyện lạ của bạn văn mà không phải ai cũng biết…

1.Nhà thơ Nguyễn Hoa say rượu

Tôi chơi với Nguyễn Hoa đã hơn 40 năm nên không lạ gì tính cách sống, bản lĩnh sống nghiêm cẩn của anh ngoài đời, và còn hiểu cả những lúng túng, vụng về đôi khi của anh khi sáng tác thơ. Nhưng thú thực là khi đọc thơ anh, nhiều lúc tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về những suy nghĩ lạ, những cặp từ lấp láy đầy ám ảnh, hay những run rẩy đau buốt tận tâm can trước cuộc sống mà anh và tôi cùng trải nghiệm. Đó chính là lòng chân thành của thi sĩ đã trổ lá trổ hoa lên cái cây ngôn ngữ. Anh cũng thú nhận khi nói rằng "Tôi có lòng chân thành không biết sợ", là nói về cái gốc của người thơ, cái gốc của thơ.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Hoa thời trẻ.

Hồi cùng học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, bạn bè thường gọi Nguyễn Hoa là "đồng chí Hoa", là vì cái tính "quan điểm lập trường" của anh luôn rõ ràng minh bạch. Đến nỗi tôi phải khái quát về anh thời kỳ đó: "Triết học và nước lã là cuộc sống của tôi". Anh đọc nhiều về triết học và thơ nước ngoài. Anh thích cả Marx lẫn Hegel và Einstein, thích cả Garcia Lorca cùng Nguyễn Trãi. Những tích luỹ đó dồn nén dần vào anh như lượng biến thành chất, và tôi hiểu cái năng lượng sáng tạo đã được ấp ủ trong tâm hồn anh từ một thời như thế.

Nhà thơ Nguyễn Hoa tên thật là Nguyễn Hoa Kỳ. Anh tham gia quân đội từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc ấy anh rất xứng đáng được kết nạp vào Đảng nhưng vì cái tên mà đâm ra rắc rối. Cuối cùng đồng chí Bí thư Chi bộ đã có sáng kiến đổi tên anh thành Nguyễn Hồng Kỳ, thế là cả Chi bộ tán thành và kết nạp anh vào Đảng.

Thẻ Đảng của anh được mang tên Nguyễn Hồng Kỳ từ đó. Còn tại sao anh thành nhà thơ Nguyễn Hoa, thì lý do cũng tương tự vậy thôi. Hồi đó anh gửi thơ để in Báo Nhân Dân với cái tên thật của mình Nguyễn Hoa Kỳ. Báo Nhân Dân in bài thơ đầu tiên của anh với dòng tên tác giả Nguyễn Hoa (bỏ chữ Kỳ). Từ đó, anh mới có bút danh là Nguyễn Hoa như hiện nay. Tuy hai lần đổi tên, nhưng con người anh vẫn không đổi khác.

Nguyễn Hoa sống nghiêm túc. Tôi sống gần anh mà không thấy anh nhắc đến một cô gái nào. Có lần tôi đùa anh: "Chả thấy Nguyễn Hoa có bồ bịch gì nhỉ?". Nguyễn Hoa cười rất chân thành: "Vợ con rồi". Nhưng anh cũng có những bài thơ tình, trong đó có bài thơ ngắn hay được nhắc đến là một bài thơ đặc sắc bất ngờ: "Em là muối/ ướp nỗi đau/ tươi mãi…".

Đã có lần tôi nói với Nguyễn Hoa: "Tôi nghi ngờ những nhà thơ không uống rượu". Nguyễn Hoa khự lại: "Nhưng tôi biết rót rượu cho Tạo và Kha". Rồi có một lần, ông anh tôi từ Quân khu Bốn ghé thăm chúng tôi trong căn phòng tập thể các nhà văn Quân đội ở Vân Hồ.

Trong bữa ăn chiều, ông anh mời Nguyễn Hoa uống rượu. Không biết nể tình thế nào, Nguyễn Hoa uống hết một ly rượu quê. Mặt đỏ tía tai, Hoa cáo mệt nằm nghỉ. Hôm đó tôi phải thu dọn "chiến trường" và tiễn ông anh. Khi quay lại, thấy Hoa dậy đi ra ngoài lúc trời nhập nhoạng tối.

Tôi đang làm việc trong phòng thì có đứa cháu đến bảo: "Chú ơi, ngoài cửa phòng chú có ông điên nằm ngủ trên đống gạch". Tôi đi ra, thấy Hoa nằm xoài trên đống gạch và… ngủ. Thì ra do say rượu, anh đã không thể đi vào phòng của mình được. Phải chăng từ đó, thơ Nguyễn Hoa cũng hay hơn?…

2.Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha không biết đi xe máy

Nguyễn Thụy Kha là một người quảng đại, lại có một trí nhớ rất tuyệt vời. Như một "từ điển sống" về âm nhạc Việt Nam. Kể cả những bài hát dở hơi như bài hát "Cải cách ruộng đất" hơn nửa thế kỷ trước, chả ai còn nhớ nữa, thế mà Kha vẫn nhớ.

Tôi và Kha một thời, gần như cuộc rượu nào cũng có nhau. Nếu đã ngồi uống rượu với Kha thì bạn phải có nhiều thời gian, và phải "chịu trận ngồi" không dưới bốn giờ liền. Mà uống với anh là phải chịu chơi: Rượu Tây thứ thiệt hoặc bia Heiniken chai nhỏ. Hạ cố anh mới uống bia chai Hà Nội hoặc rượu cuốc lủi loại ngon (mà phải để lâu vì anh rất sợ uống anđêhit).

Theo anh cho biết thì không phải anh thích "chơi trội" mà do một số "tấm gương" bạn bè chết sớm hoặc tàn tạ bởi các loại "rượu thuốc rầy" tạp pí lù. Có lẽ nhờ thế mà Nguyễn Thụy Kha cao lớn khỏe mạnh và trẻ hơn cái tuổi "lão" của anh. Tôi chơi với Nguyễn Thụy Kha đã lâu, hầu như ngày nào cũng "bị" anh lôi kéo vào các cuộc nhậu dài, vậy mà cứ thấy anh in hết sách này đến sách khác, cứ như là móc sẵn trong túi ra vậy. Không rõ anh viết vào lúc nào?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trong một chuyến công tác.

Vâng, lúc gần sáng. Sáng nào anh cũng thức dậy từ 5 giờ, không tập thể dục, không uống cafe mà ngồi ôm bàn viết. Viết báo, viết sách. Còn thơ thì làm giữa 2 cơn liêu xiêu bia rượu. Sáng nào anh cũng viết chừng 2 đến 3 giờ liền.

Xong, ăn cơm nguội rồi mang túi xuống đường, "phô tô cháy máy", đến tòa soạn nộp bài, đến bưu điện nhận nhuận bút xa. Tầm trưa quay về một quán xá nào đấy ngồi với bạn, với các em trẻ, đến tối thì quay về nhà ăn cơm với vợ con. Anh bảo, ban ngày ở nhà một mình buồn hư người, vì vợ đi làm, con đi học vắng cả. Đi ra khỏi nhà cũng có nghĩa sống thêm với đời, cũng là nạp điện vào cái bình ắc quy để rạng ngày hôm sau "phát điện".

Tháng 6-2017, Nguyễn Thụy Kha đã cho ra mắt bộ sách 13 cuốn đóng hộp, sau 27 năm mài chữ của mình, trong đó có 7 quyển thuộc chủ đề "Những tài danh âm nhạc Việt Nam" gồm các chân dung nhạc sĩ nổi tiếng như: Văn Cao, Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát... và các quyển: "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời hòa bình", "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời đạn bom", "Nguyễn Văn Huyên - bản giao hưởng văn hóa", "Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh", "Lời quê góp nhặt", "Thuở bình minh tân nhạc".

Đó là chưa kể hơn chục tập thơ và trường ca anh đã xuất bản trước đây. Anh có bài thơ nổi tiếng "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa".

Ít ai biết Nguyễn Thụy Kha lại là một kỹ sư thông tin. Tốt nghiệp đại học năm 1971, anh gia nhập quân đội và vào phục vụ ở chiến trường miền Nam. Chính anh là "tác giả" của một tuyến đường dây xuyên từ Bắc chùa Thiên Mụ qua Nam núi Ngự Bình (Huế) trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Vì vậy mà trong thơ anh có câu "Núi Ngự Bình tôi từng căng sợi dây". Năm 1990, anh ra quân với quân hàm Thiếu tá, rồi về làm việc tại Tạp chí Âm nhạc.

Hồi còn ở quân đội, Nguyễn Thụy Kha có một chiếc xe đạp cà tàng để đi làm từ 60 Hàng Bông tới Bộ Tư lệnh Thông tin, hoặc đạp đến các tòa soạn báo đưa bài, lấy nhuận bút, hoặc đến quán rượu. Chiếc xe đạp ấy không bao giờ đưa lên tầng 3 được vì ngõ vào quá hẹp, cứ phải khóa gối đầu lên xe đạp hàng xóm xếp một dãy dài trong ngõ. Người vào ngõ phải đi nghiêng. Lấy xe đạp ra đi làm phải dạng hai chân cặp vào xe như lên ngựa mới đẩy ra khỏi ngõ được.

Ấy vậy mà chiếc xe đạp này đã từng cùng anh chở vợ, đón con, "thồ" bạn lượn khắp Hà Thành. Rồi chiếc xe bị mất cắp (có lẽ kẻ cắp cũng loại nghèo nên mới chôm chiếc xe rách của anh). Số tiền ra quân sau 19 năm tại ngũ của anh cùng với ít tiền vợ chồng gom góp được, đủ mua một chiếc xe máy. Vợ anh tập đi xe máy rất nhanh, còn anh thì... sợ. Thế là một thời gian vợ phải đèo chồng, đèo con.

Rồi sau thấy như "phiền hà" quá, thế là anh đi bộ. Nhưng mấy năm lại đây anh đi bộ ít thôi, mà chủ yếu là đi xe ôm hoặc taxi. "Đi xe ôm thì rẻ. Taxi đắt một chút nhưng an toàn và trời mưa thì rất ổn" - Nguyễn Thụy Kha lập luận. Tôi cũng đã nhiều lần chở anh trên xe máy, và khuyên anh nên chịu khó tập đi xe máy cho tiện, nhưng anh chỉ cười và thú nhận: "Nếu mình biết đi xe máy thì tức là phải chấp nhận tụt hậu, nghĩa là phải chở vợ, đón con như chục năm trước". Một lý do thật lạ đời, đúng kiểu dại dại khôn khôn của kẻ sĩ: "không mua không phải không tiền không mua".

3. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết văn bằng miệng

Hoàng Phủ Ngọc Tường có tài nói chuyện nên các bạn văn, đặc biệt là các bạn nhậu thường rất thích sự có mặt của ông. Tích Tây, tích Tàu, tích ta… ông đều nhớ làu làu. Vì vậy, đọc văn của ông, ta không chỉ thích văn mà còn coi ông như một nhà văn hóa uyên bác. Có lần tôi đến nhà tìm ông, bà mẹ vợ ra cửa bảo: "Ông Tường đi nói rồi".

Sau cơn tai biến mạch máu não vào tháng 6-1998, tay chân ông bị liệt, nhưng niềm đam mê văn chương vẫn không nguôi. Vừa chiến đấu với cơn bệnh, ông vừa "viết văn bằng miệng", nghĩa là đọc cho vợ con chép. Ngoài mấy chục bài báo, bút ký văn học, ông còn "viết bằng miệng" được cuốn sách "Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của Hoàng tử bé" dày 150 trang. Gần đây tôi vào Sài Gòn thăm ông, thấy ông đang đọc "Hồi ký" cho cô đánh máy chép, cũng đã được gần vài trăm trang.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo uống rượu cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế.

Tôi nhớ hồi vợ con đưa Hoàng Ngọc Phủ Tường đi tàu hoả ra Hà Nội chữa bệnh, tá túc ở phòng khách Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du đúng 3 tháng 10 ngày.  Hầu như ngày nào bạn bè cũng mang hoa và "phong bì" đến thăm ông. Thầy lang Cất từ Bắc Giang cứ 10 ngày lại về Hà Nội xem bệnh và bốc thuốc một lần. Chị Mẫn "vật lý trị liệu" chiều nào cũng đến xoa bóp cho ông hàng giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng bạn bè lại bố trí ôtô, cõng ông từ tầng 2 xuống, đưa ông đi dạo vòng quanh Hà Nội để thư giãn, hoặc đặt ông lên xe lăn đẩy ra một quán nhậu gần, ngồi xem họ uống bia trò chuyện cho đỡ nhớ những ngày xưa phiêu lãng hầu khắp Bắc Trung Nam. Thời gian chữa trị ở Hà Nội đã làm cho tinh thần nhà văn thư thái hơn, và sức khoẻ của ông khá dần lên.

Một lần tôi đến thăm, thấy ông đang đọc cho vợ chép. Thì ra ông đang "viết bằng miệng". Lâm Thị Mỹ Dạ bảo ông dừng lại, nhưng ông vẫn đọc tiếp một câu nữa. Ông bảo: "Để cho hết cái ý ni đã". Quả là trong thời gian ở đây Hoàng Phủ Ngọc Tường đã "viết bằng miệng" được 8 bài báo Tết, để kiếm thêm tiền chữa bệnh.

Tôi có đọc một số bài viết của ông, và thấy ông vẫn minh mẫn lắm, những điều ông "viết" ra vẫn sâu sắc và giữ được phong độ văn chương tài hoa của riêng ông. Ông khuyên tôi nên cộng tác với Báo "Sức khoẻ và Đời sống", và nếu cộng tác thì nên mở mục "Chẩn bệnh người tài" thường xuyên, sẽ hấp dẫn và hợp với ngòi bút viết báo của tôi. Tôi dò hỏi ông thử chẩn bệnh cho một số người thì ông "chẩn" rất vui: Trịnh Công Sơn bệnh cô đơn, Hoàng Cầm bệnh yêu, Lâm Thị Mỹ Dạ bệnh chăm sóc người ốm, v.v…

Trong cuộc liên hoan để tiễn ông rời Hà Nội lên tàu về "nước Huế", có một cuộc tranh luận nhỏ về "Da em nâu tươi màu suy nghĩ" là của tác giả nào. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến bảo đấy là của Phó Đức Phương, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bảo là lời bài hát trong bài "Đường cày đảm đang" của Nguyễn Văn Tý. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường là nói chính xác hơn cả: Bài "Đường cày đảm đang" là của nhạc sĩ An Chung, còn "nay da em nâu tươi màu suy nghĩ" là ở bài "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" của Nguyễn Văn Tý. Rồi ông nói vui: "Những người nhớ vu vơ thường làm thơ rất hay!".

Nói xong Hoàng Phủ Ngọc Tường bỗng đứng lên làm mọi người sửng sốt. Từ khi bị bạo bệnh, ông chưa bao giờ đứng được như vậy. Chúng tôi chạy tới đỡ ông, và ông đề nghị để cho ông đứng không người đỡ một phút nữa. Tôi biết ông đã cố gắng để mọi người vui vẻ sau 3 tháng 10 ngày ông điều trị ở Hà Nội. Đấy là "Cú đứng" tỏ lòng biết ơn bạn bè.

Giờ thì ông đang chuẩn bị đón Tết ở Sài Gòn. Nhân dịp Giáng sinh, tôi gọi điện vào thăm hỏi. Ông nói, Mỹ Dạ bị bệnh Alzheimer mất trí nhớ. Còn ông thì chỉ đọc sách, xem tivi, và tuyên bố thôi "viết văn bằng miệng". Năm nay ông đã 82. Tôi nghe thương quá. Nhớ lại 2 câu thơ thời ở Huế tôi viết tặng ông: "Rượu ngon nhắm với nói cười/ Nghe thời gian tím một trời phù dung".

Hà Nội, Noel 2017

Nguyễn Trọng Tạo - Xuân 2018
.
.