Chuyện lạ về gà và phong tục cúng gà

Chủ Nhật, 22/01/2017, 08:03
Ở Việt Nam và một số nước châu Á, vào những dịp lễ tết, gà trống thường là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Theo các nhà nghiên cứu, việc chọn gà trống để tế lễ mang nhiều ý nghĩa.


* Giống gà nuôi (gia cầm) nằm trong họ gà (Phasiamidae), một họ có số gà đông đúc, gồm tới 57 giống với 180 loài phân bố rộng khắp thế giới, đặc biệt giàu có ở Đông Nam Á, vùng địa lý có khí hậu nóng ẩm. Riêng ở nước ta có 12 giống với 36 loài khác nhau.

* Việt Nam là một trong các trung tâm hình thành các giống gà nuôi trên thế giới, đặc biệt có giống gà chọi, một "công cụ" thể hiện tinh thần thượng võ và yêu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân các dân tộc từ miền núi đến miền xuôi.

* Sự thuần hoá gà diễn ra cách đây tới năm nghìn năm, trước tiên ở Ấn Độ, I ran rồi lan rộng khắp châu Á, châu Âu. Theo hướng khai thác thực phẩm (thịt và trứng) ở con gà, từ xưa người ta đã tạo ra nhiều giống gà quý như: Gà Lơ go, gà Rốt, gà Hy brô, gà Cửu Cân Hoàng (Trung Quốc), gà Sussex (Anh), gà Ply-mút (Mỹ)... Người Việt Nam ta cũng góp phần lai tạo được nhiều giống gà nuôi nổi tiếng như: gà Ri, gà Mèo, gà Thái, gà Bắc Cạn, gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo.

* Gà Đông Tảo (hoặc Đông Cảo) trước đây nuôi phổ biến và có tiếng ở vùng Khoái Châu, Hưng Yên, là kết quả sự tạo giống kỳ diệu của ông cha ta. Con giống có thể nặng tới 4-5kg, chân to bằng cây mía, lại chóng lớn, thịt ăn ngon. Nhưng có lẽ do chúng lớn và to xác nên cũng khá tồ: Ngờ nghệch, kiếm ăn kém, gà mái đẻ trứng ít (dưới 10 quả), ấp trứng và nuôi con vụng, dễ mắc bệnh tật. Đến nay, gà Đông Tảo thuần chủng hầu như không còn, chỉ còn lại các giống gà pha Đông Tảo thôi.

Gà Đông Tảo - một giống gà quý của nước ta.

* Trên thế giới, nhiều nơi nuôi gà không phải vì nhu cầu thực phẩm mà theo nhiều xu hướng, sở thích khác: nuôi làm cảnh, nuôi lấy lông, thậm chí nuôi lấy... tiếng gáy! Và khá nhiều nước có tập quán nuôi gà chọi, coi như một trò chơi thể thao truyền thống. Ở Nhật Bản, người ta tạo được giống gà cảnh có chiều dài lông đuôi tới 18 mét. Ở vùng Ócloppscơ (Nga) có nòi gà gáy to và dài như... còi báo động. Còn ở Ấn Độ, I ran, Hy Lạp... gà được xem như một vật thờ thiêng liêng.

* Gà chọi đẹp thường phải là giống gà mình cao, cổ dài, chân to, xương cứng, cựa dài. Do di truyền và cọ sát từ nhỏ, chúng thường trụi lông ở đầu và cổ. Gà chọi đẹp nổi tiếng thường thấy ở Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Cuba... 

Ở các nước này, thú ham chơi gà chọi đã trở thành một tập quán xã hội, một phong trào quần chúng, đôi khi kéo theo hoặc làm nảy sinh các tệ nạn cá cược, cờ bạc, nghiện rượu, phe cánh. Đặc biệt, ở Cuba, hội phụ nữ phải khẩn khoản xin nhà nước bổ sung vào luật lao động một điều khoản cấm các đấng ông chồng bỏ bê công việc để đắm đuối với thú chọi gà.

* Trong họ hàng Gà, ngoài các giống loài gà nuôi (gia cầm) có hình dáng, cụm mào, bộ lông khá đa dạng, phong phú... còn phải kể đến các giống loài xinh đẹp khác như Công, Trĩ, Gà Lôi, Gà Tiền, Gà Gô... Đó cũng là những loài chim vào loại đẹp nhất trong số 8.600 loài chim trên thế giới mà ta đã biết. 

Điều thú vị là loài chim Phượng hay Phượng Hoàng (phenix) được xếp vào hàng tứ linh (long-ly-quy-phượng), thần điểu, một giống chim huyền thoại, biểu tượng cho sự đẹp đẽ, hoàn thiện thì ở Hoa Nam (Trung Quốc) người ta lại nhận ra đó chính là một loài chim Trĩ (Chrysolophus) họ hàng với Gà Lôi.

* Thế giới hiếm gặp một khu vực nuôi gà độc đáo như ở miền núi nước ta, nơi mà gà nuôi và tổ tiên chúng là gà rừng sống hoà quyện với nhau. Có khi gà rừng vào tranh ổ đẻ với gà nhà. Có khi gà mái bị "quyến rũ" đi mất tích rồi không bao giờ trở về với đàn con lúc cúc. Gà rừng có nhiều đặc tính ưu việt như dễ thích nghi, kiếm ăn giỏi, chống chịu bệnh tật khá và thịt lại thơm ngon. Các nhà khoa học đã tính đến chuyện khai thác các ưu điểm đó để sử dụng vào công nghệ nuôi gà Ri, một loài gà thịt quý của nước ta.

Tục cúng gà trống ngày Tết

Ở Việt Nam và một số nước châu Á, vào những dịp lễ tết, gà trống thường là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Theo các nhà nghiên cứu, việc chọn gà trống để tế lễ mang nhiều ý nghĩa.

Sở dĩ gà trống được chọn là vật phẩm tế lễ là bởi con vật này nhiều nét quý. Thông thường gà trống được chọn để tế lễ ngày tết, ngoài việc phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu như khoẻ mạnh, không bị khuyết tật... còn phải có mào dài (mào cờ), bộ lông có màu sắc sặc sỡ, con nào có mã đẹp nhưng nếu đã bị thiến thì cũng bị loại bỏ, không dùng. 

Theo quan niệm của ông cha ta, con gà trống có đầy đủ 5 đức tính quý mà con người thường tôn trọng: "Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng". Đức "Nhân" thể hiện ở khả năng truyền giống, sẵn sàng nhường mồi ngon kiếm được cho gà mẹ và đàn con.

Còn nếu kẻ rình rập tấn công gà mẹ và đàn con thì sẵn sàng xả thân bảo vệ, đó là "Nghĩa". Loại gà tuy có vóc dáng nhỏ bé nhưng khi lâm trận lại rất mưu trí, có thể hạ gục những đối thủ lớn hơn mình, đó là "Trí".

Còn có mào dài, bộ lông cánh sặc sỡ như khoác bộ áo giáp, đôi chân có cựa sắc nhọn cứng như hai lưỡi gươm của tráng sĩ... lúc lâm trận thì oai phong lẫm liệt, tả xung hữu đột, đánh trực diện vào đối thủ, đó là "Dũng". Mỗi khi trời hửng sáng, dù ngày nắng cũng như mưa, cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu, đó là "Tín".

Một loài gia cầm sống gần gũi với con người mà có đầy đủ 5 đức tính quý như vậy, quả thực xứng đáng được chọn làm vật phẩm tế lễ tổ tiên, gia thần. Bên cạnh đó, những hoa thơm vật lạ, trước khói hương nghi ngút, con trà trống miệng ngậm hoa hồng càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của bàn thờ tổ tiên ngày tết, chứng giám lòng thành tín của gia chủ, cầu mong phù hộ độ trì cho mọi người khoẻ mạnh, may mắn.

Lê Hồng Thiện
.
.