Chuyện lạ sông nước Cái Bè

Thứ Tư, 12/09/2018, 07:24
Vừa về tới Mỹ Tho, có người nhắn tin cho tôi, hãy đi chợ nổi Cái Bè. Nhiều hoa quả. Nhiều món ăn. Lắm trò vui. Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ngay ngã ba đi Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, nối liền các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Những dòng kênh lớn các tỉnh cũng hội tụ về thị trấn Cái Bè. Từ đây tàu thuyền chở hàng ra sông Mê Kông, rồi đi khắp nơi...


Bản "Tình ca" trên sông

Người lái tàu đưa chúng tôi đi dọc sông đến chợ Cái Bè quả là vui tính. Anh đố chúng tôi trên sào người ta treo tàu lá dừa thì bán gì. Mấy người giơ tay nói thuyền ấy bán lá lợp nhà. Người lại nói bán dừa. Nhưng sai bét. Hóa ra chủ hàng đó bán ghe (thuyền) gỗ các kích cỡ khác nhau. Anh Hợp, người lái tàu nói, đó là sự khác biệt ở chợ nổi Cái Bè với các chợ nổi tiếng như Cái Răng (Cần Thơ), Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)…

Vừa đúng lúc đó, một tàu chở đầy xoài cát Hòa Lộc áp sát, hương thơm ngát. Ai nấy ồ lên, nhao nhao hỏi mua, vì xoài cát ở đây nức tiếng. Thậm chí mới nhìn đã ứa nước miếng. Xoài cát ngọt lịm và dịu hương. Anh Hợp nói, có người ăn năm quả liền no căng bụng, mà vẫn thòm thèm.

Khi len vào giữa hàng chục thuyền chở hàng, nhiều người bắt đầu hoang mang không biết nên dừng ở đâu, bởi hoa quả tràn ngập. Đẹp nhất là những con thuyền hoa. Anh Hợp tắt máy để con tàu tự trôi vào vườn hoa trên sông. Các cô gái trẻ la lên vì vui sướng. Hoa và hoa. Nào cúc, hồng xen lẫn sen, súng… rực rỡ cả một khoảng trời sông nước mênh mang.

Nhưng có lẽ bất ngờ hơn, khi có tiếng nhạc vang lên giai điệu "Tình ca" của cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Kèm theo tiếng vỗ tay rào rào trên một con tàu lớn đỗ gần bờ. Có đến dăm chục người họp mặt trên con tàu được trang hoàng như một sân khấu. Anh Hợp cho biết đó là một đám cưới được tổ chức trên sông. Chú rể, cô dâu đều là dân thương hồ sông nước, ở các địa phương khác tụ về.

Anh kể, cứ đôi năm lại có những đám cưới của dân thương lái trên chợ nổi Cái Bè. Giọng hát mỗi lúc một da diết bay bổng. Tất cả đều trầm trồ, vì sao dân thợ thuyền lại hát hay đến thế. Nhưng mọi người còn bất ngờ hơn khi anh Hợp nói, đây là quê ngoại của nhạc sĩ Hoàng Việt, và ông cũng hy sinh tại đây vào năm 1967. Lời bài hát càng trở nên tha thiết. Tâm hồn ai nấy như chìm ngập trong cảm xúc: "…Bến nước Cửu Long còn đó em ơi/ Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời/ Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xóa nhòa...". Đây là tác phẩm nhạc sĩ Hoàng Việt viết tặng người vợ thân yêu ở miền Nam, khi ông tập kết ra Bắc hồi 1954. Chúng tôi lặng đi trong nỗi nhớ thương.

Chợ nổi Cái Bè.

Sau khi tốt nghiệp đại học âm nhạc từ nước ngoài trở về (1964), nhạc sĩ Hoàng Việt đã bày tỏ nguyện vọng muốn trở lại miền Nam, hoạt động cách mạng và sáng tác những bản giao hưởng về đất nước. Ông được cử về mặt trận miền Đông Nam Bộ (1966), chính trên quê ngoại Tiền Giang, cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nhưng không ngờ chỉ một năm sau, người nhạc sĩ tài năng Hoàng Việt đã hy sinh anh dũng, ngay trên quê mẹ Cái Bè (31-12-1967). Anh Hợp còn kể, chính dòng sông này đã lưu dấu thân xác của nhạc sĩ khi bị trúng pháo kích của địch. Mọi người còn đang rưng rưng về thân phận đau xót của người nhạc sĩ thì tiếng hát trong đám cưới lại trào dâng cảm xúc.

Chúng tôi lặng người nghe: "Giữ lấy đức tin bền vững em ơi/ Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời/ Là một bản tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người…". Anh Hợp nói, không đám cưới nào trên sông này không có người hát "Tình ca". Bởi đó là bản nhạc gửi gắm cho muôn người về hạnh phúc về tương lai cuộc sống. Và, dưới con sông này có một người con quê hương đã nằm lại. Chúng tôi lặng im. Con tàu tự trôi trong lấp lánh thuyền hoa. Một thời khắc kỳ lạ trên sông.

Vào vườn quả và lò nấu kẹo dừa

Chúng tôi được dẫn lên bờ, rồi vào một vườn cây tự hái, ở nhà vườn Thanh Thúy, xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè. Tưởng như sản phẩm nơi đây chỉ là trà, mật ong và hoa quả, nhưng lại có thêm nhóm đờn ca tài tử. Họ đón chúng tôi ngay từ bờ kênh và hát một điệu lý rất rộn ràng.

Nghe như có hội làng. Điệu lý cứ mênh mang: "Bông xanh bông trắng rồi lại vàng bông, ơi bạn ơi. Bông lê cho bằng bông lựu ơi bạn ơi. Là a i a đố nàng, bông rồi lại mấy bông…". Họ cứ làm như chúng tôi đáp được ngay. Một cô cầm bông hoa cúc vàng đưa chúng tôi vào vườn chôm chôm và xoài. Họ nói tha hồ ăn. No thì thôi. Không được hái đem về. Tất cả đều cười. Bởi người hướng dẫn viên còn nói, nếu làm gẫy cành sẽ phải… hát đền mấy câu Lý về tình yêu.

Ô! Thật khó cho chúng tôi. Vì đoán chắc chẳng có ai thuộc lấy một câu hò trên sông. Vậy thì đừng làm gãy cành nha! Giọng cô gái ngọt lịm tựa xoài cát vậy. Thế là chúng tôi được phen phá đám. Các cô gái xông ngay vào mấy cây chôm chôm chín, đỏ thắm một góc vườn. Mấy người bứt một chùm quả rồi ngồi ngay dưới gốc cây bóc vỏ ăn. Còn lại một nhóm thì tìm cho được những quả xoài chín. Nhưng quả là khó. Xanh không được ăn. Thế là ai nấy quay lại ăn chôm chôm.

Bất ngờ có người "Wao!" lên một tiếng, vì phát hiện gần đó có xưởng làm kẹo dừa thơm phức. Lò nấu kẹo dừa của nhà vườn kế bên. Hai nhà thông nhau nên khách nhà nọ sang nhà kia đều được. Vui là chính. Cuối cùng đáp lễ khách bằng những tiết mục kịch hài thì tập trung lại cùng xem. Bởi chỉ có nhà vườn Thanh Thúy mới có đội kịch hát đó. Mấy người rủ nhau sang tham gia bóc vỏ dừa để lấy cùi (còn gọi là cơm dừa). Tôi cũng mò sang học việc.

Không ngờ công việc đầu tiên, bóc vỏ dừa đã chín khô bằng con dao dựng cao, chẳng hề dễ. Ngỡ như chỉ mất sức nhưng ngược lại đòi kỹ thuật phải rất thuần thục. Vã mồ hôi mà tôi cũng chỉ xé (chẻ) được nửa quả. Cho dù nhìn người thợ làm thì dễ ợt. Quả dừa thật cứng đầu. Bó tay. Vậy mà chưa ăn thua. Khâu khó nhất làm kẹo dừa lại là nấu mạch nha (bằng thóc nếp). Bởi nước cốt ép cơm dừa phải trộn với mạch nha, khi nấu mới thành kẹo.

Chúng tôi đứng trước sơ đồ vẽ quá trình làm kẹo lấy làm thích thú. Nhất là gói kẹo bằng bánh tráng. Người ta nói bánh tráng mỏng, hút được ẩm không dính kẹo. Có thể ăn cả vỏ kẹo là vì thế. Kẹo đúng tiêu chuẩn phải là dẻo nhưng không dính. Ngọt nhưng không sắc. Vị dừa thanh khiết. Thơm bùi. Mẻ kẹo chúng tôi tham gia gói vẫn còn nóng hổi. Mọi người vội mang về bên nhà vườn Thanh Thúy, uống trà, xem hài kịch. Đúng lúc đó có một nghệ sĩ đứng lên độc tấu, theo nhịp như hát Ráp: "Nếu kẹo có dính môi. Cho anh lau bờ mộng. Chén trà xanh ấm nóng. Thơm tho hơi thở em. Này em hãy lặng im. Kẻo hương bay đi mất. Nắng hồng như rót mật. Trên hàng cây tường vy…".

Anh ta đọc liền một mạch mấy chục câu ngỡ như muốn đứt hơi. Bất ngờ anh ta dừng lại tuyên bố, tiết mục hài bắt đầu, rồi ngã vật trên sàn. Thế là mọi người vỗ tay rầm rầm…

Bất ngờ cái tên Bảo Định Giang

Khi về bến, kết thúc chuyến đi, người hướng dẫn viên đưa chúng tôi vào nhà khách, để đợi xe đón về thành phố Mỹ Tho. Một bức ảnh được treo trên tường làm tôi chú ý, bởi đó là chân dung nhà thơ Bảo Định Giang cùng với câu thơ nổi tiếng: "Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ". Cô hướng dẫn viên kể, nhà thơ Bảo Định Giang (tên thật là Nguyễn Thanh Danh), sinh năm 1919 tại làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông đã lấy tên con sông Bảo Định chảy qua làng làm bút danh.

Năm 1964, nhà thơ đi Đồng Tháp Mười hoạt động cách mạng và đã viết nên bốn câu thơ, nguyên gốc như sau: "Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm". Bài thơ đã được in và phổ biến khắp vùng Đồng Tháp Mười. Mọi người học thuộc  và truyền miệng sâu rộng. Nhưng cũng từ đó, người ta chỉ giữ lại hai câu trên vì đã đầy đủ ý nghĩa, cô đọng dễ thuộc.

Một thời gian dài, bạn đọc ngỡ tưởng đó là câu ca dao dân gian, truyền miệng từ miền Nam. Đến nay dẫu nhà thơ đã đi xa (mất năm 2005), những câu thơ của ông đã hòa vào đời sống tâm linh và tinh thần dân tộc, mãi mãi trường tồn.

Vương Tâm
.
.