Chuyện kể ở “vương quốc” người Mạ

Thứ Hai, 26/08/2019, 08:10
Người dân Mạ quanh vùng đều nhớ đến sự vỗ về an ủi mà tình yêu đem lại: "Đôi ta như thể con tằm. Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong. Đôi ta như thể con ong. Con quấn con quít, con trong con ngoài"...

Xe chúng tôi chờ cả ngày vẫn chưa qua được đèo Bảo Lộc trong vụ sạt lở núi. Thức trắng qua đêm ai cũng bồn chồn lo lắng. Ngoài chuyện mưu sinh còn nghe dân bản xứ nói chuyện "gặp ma" nữa. Các bà các cô xúm lại ngồi chen chúc nhau cho đỡ sợ hơn là vì cái lạnh giá ở độ cao. Họ kể không ít mạng người đã nằm lại trên con đèo hiểm trở này. Cô hồn vẫn hiện về trong những đêm thanh vắng...

Vào bản người Mạ bên thác Đăm Bri

Sau hai ngày được giải cứu, đoàn xe chúng tôi đi như bị ma đuổi. Chả mấy chốc ngọn thác cao nhất tỉnh Lâm Đồng xuất hiện. Đây là đất bản của người Mạ ở lâu đời. Ngọn thác Đam Bri là một biểu tượng vừa bi thương vừa hùng vĩ của một cuộc tình trái ngang. Hai người yêu nhau, mỗi người lại thuộc về một bộ tộc mà hai bên luôn đối kháng và tranh chấp đất đai.

Chàng K'Dam yêu nàng B'Ri nhưng họ không được sống chung một mái nhà. Chàng trai bị cha bắt đi đầy vào rừng sâu biệt vô tăm tích. Người ta nhắn tin cho B'Ri rằng chàng K'Dam thất vọng bỏ đi vì không được sống trọn với hạnh phúc của mình.

Biểu diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc bên bờ hồ Xuân Hương.

Cô gái xinh đẹp người Mạ trốn nhà xuyên rừng tìm người yêu. Rừng sâu núi cao. Điệp trùng mây phủ. B'Ri đi mãi vẫn không thấy bóng hình người mình thương nhớ. Nàng kiệt sức ngồi lại khóc than ai oán. Tiếng gào của B'Ri tắt dần sau dãy núi. Nàng ôm hận không nguôi. Thân nàng hóa núi đá cao vọi, còn nước mắt nàng thành suối thác đổ không bao giờ vơi cạn. Đó là trăm ngàn suối nước mắt tụ về thành ngọn thác hùng vĩ. Người dân hai bộ tộc đều thương xót cho mối tình đau khổ ấy. Họ lấy tên cặp tình nhân Đam Bri đặt cho ngọn thác. Hai bộ tộc trở nên hòa thuận, không còn cầm giáo mác đánh nhau.

Cùng từ mối tình bi thương này, người Mạ đã đặt ra nhiều ước lệ kỳ lạ cho những hủ tục hôn nhân. Họ cho phép con gái con trai đến tuổi lớn tự do tìm hiểu và yêu thương nhau. Bọn trẻ có thể ngủ với nhau nhưng cấm để có thai.

Khi chúng tôi đến bản người Mạ bên thác Đăm Bri đã được nghe kể chuyện này. Nhưng sau khi làm lễ ăn hỏi thì lại cấm đôi tình nhân không được ngủ với nhau. Nếu làng bắt được đôi tình nhân ngủ với nhau sẽ bị phạt nặng, thậm chí khó tiếp tục làm lễ kết hôn. Vậy nên các cô gái chàng trai luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định của làng.

Nhưng chuyện thật trớ trêu, nếu có hai chàng trai cùng yêu một cô gái, họ sẽ phải giao đấu võ nghệ. Ai chiến thắng sẽ được cô gái nhận lời tỏ tình. Tuy nhiên sau đó họ có thành đôi lứa hay không lại là chuyện khác. Đặc biệt, nếu người vợ bắt quả tang chồng ngoại tình có thể giết chết mà không hề mắc tội.

Ngược lại, nếu người đàn bà ngoại tình bị bắt tại trận thì trong một tuần, cả làng sẽ ngừng các sinh hoạt tín ngưỡng và cắm cành lá cấm người lạ vào bản. Người dân tộc Mạ coi trọng lòng thủy chung và trọn nghĩa đạo vợ chồng. Họ đưa ra luật hôn nhân một vợ một chồng đầu tiên trong cộng đồng người dân tộc.

Đúng lúc này lời ca tiếng hát vang lên trong ngôi nhà văn hóa làng Mạ. Đó là tiếng mời chào mọi người tụ về để cùng nhảy múa quanh đội cồng chiêng. Lời hát bay bổng trong thung lũng: "Hỡi chàng trai Mạ sao khéo thế. Xuống suối mò cua bắt ốc. Lên rừng bẫy thú bắt chim. Ra biển căng cơ giăng lưới. Suối Đa R'Nga có cá rô. Vô làng người Mạ gà gáy ó…o.

Ngó xuống đồng ruộng bày trâu gặm cỏ. Bếp lửa đỏ hồng mừng mùa lúa mới". Nhưng có lẽ bất ngờ nhất là tiếng tù và của một nghệ nhân vọng lên từ góc rừng. Một âm sắc hoang dã như trôi trên dòng thác tình yêu Đăm Bri. Chúng tôi lặng người vì nỗi niềm của núi rừng đầy ám ảnh lòng người. Già làng đọc sử thi Châu Mạ hòa lẫn trong tiếng tù và âm u: "Hãy về nơi gió bão.

Hãy lên miền gió rít. Đến chốn nào gió đã cuốn cao…". Đó là hình ảnh của những dũng sĩ Châu Mạ một thuở luôn chống trọi với sự tàn phá của thiên nhiên và những cuộc tấn công của giặc giã. Họ đã từng làm nên một "Vương quốc" đầy bi tráng. Những di chỉ được khảo cổ ở "Thánh địa Cát Tiên" của người Mạ đã cho biết điều đó. Dấu vết kinh thành xưa còn đọng lại.

Một bộ tộc có lịch sử đầy khao khát đã bị chìm lấp theo thời gian. Hiện hơn 40.000 người Mạ luôn nhớ đến tổ tiên của mình đã sinh ra từ đá với triết lý "Vạn vật hữu linh". Họ mãi mãi tồn tại như núi đá muôn đời qua. Người Mạ luôn luôn hát: "Pàng K'Lơm giao hợp với tảng đá lớn. Do ý của Giàng mà sinh ra K'Lang…". Đó chính là nguồn gốc và sự hình thành của người Mạ ở quanh vùng thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Đẹp biết bao tà áo quê hương

Thật thú vị những cô gái Mạ, ngoài việc giỏi dệt vải thổ cẩm họ còn thạo trồng dâu nuôi tằm. Ai cũng biết Bảo Lộc được coi là thủ phủ của xứ sở trong dâu và dệt tơ lụa hàng chục năm qua. Sau những thăng trầm vì sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc lại rạng rỡ hơn bao giờ hết. Mấy năm qua Bảo Lộc đã thường xuyên tổ chức Festival tơ lụa.

Nhiều mẫu mã biểu diễn gây ấn tượng cho khách trong nước và quốc tế. Tơ lụa Bảo Lộc được coi là trung tâm chính của cả nước về sự phát triển và thu nhập kinh tế. Hiện riêng xã Đăm Bri có tới 300 ha trồng dâu nuôi tằm lấy tơ.

Đây là một trong những vùng nguyên liệu cùng cấp cho các xí nghiệp dệt lụa. Khi vào khu du lịch Tâm Châu, bên cạnh làng người Mạ, ai cũng ngạc nhiên vì những màu sắc khá đa dạng và bắt mắt. "Tơ lụa Bảo Lộc" là một thương hiệu có từ hơn nửa thế kỷ qua.

Người phụ trách kinh doanh ở đây cho biết, thành phố Bảo Lộc hiện có 24 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất và kinh doanh tơ lụa. Hàng năm có tới 900 tấn tơ và hơn ba triệu mét lụa được bán cho người tiêu dùng và nhiều cơ sở sản xuất nước ngoài. Đặc biệt, những khách hàng Nhật khó tính đã rất hài lòng về chất lượng của tơ lụa Bảo Lộc.

Dân xã Đăm Bri mỗi ngày một ấm no và giàu có vì nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng đồi dâu xen lẫn đồi chè đã làm nên hình ảnh xanh tươi của miền đất Bazan này. Những cô gái Mạ luôn xúng xính trong bộ áo dài đi biểu diễn trong các đêm Fesitval tơ lụa. Họ là những người mẫu bản địa thật sự độc đáo trong nhịp điệu tân thời với tà áo dài. Các cô gái người Mạ vừa biểu diễn vừa hát bài "Một thoáng quê hương" (Thơ Từ Huy; Nhạc Thanh Tùng). Họ đi đến đâu tơ lụa Bảo Lộc lại duyên dáng khoe sắc đến đó. Lời ca bay bổng theo tà áo: "Đẹp biết bao. Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở miền xa. Thoáng bóng áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó. Em ơi…!".

Người dân xã Đăm Bri luôn thấu hiểu cái nghề "Ăn cơm đứng"của mình. Nhưng tình yêu đã đem lại niềm vui cho họ. Một miền thơ của ngọn thác tuôn trào đã đem lại nguồn sống và phát triển cho những đồi dâu xanh tốt.

Người dân Mạ quanh vùng đều nhớ đến sự vỗ về an ủi mà tình yêu đem lại: "Đôi ta như thể con tằm. Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong. Đôi ta như thể con ong. Con quấn con quít, con trong con ngoài". Nhìn những cô gái Mạ quay tơ càng thấu hiểu vì sao mảnh đất này sinh ra ngọn thác "Đợi chờ" và những dòng suối "Tình yêu".

Già làng người Mạ.

Hương xưa B'lao

Bảo Lộc còn là thủ phủ của trà hương từ gần trăm năm qua. Nếu tính từ năm 1927, Sở trà Cầu Đất của người Pháp thành lập đến nay, trà Bảo Lộc đã nổi tiếng cả thế giới. Nhất là khi người Đài Loan đến đây vào thập niên 90 làm trà Ô Long, thành phố Bảo Lộc luôn luôn tấp nập thương lái đến thầu trà đưa đi khắp địa bàn miền nam. Ô Long trà B'Lao còn chiếm lĩnh thị trường phía Bắc tạo nên hương vị mới bên cạnh trà Tân Cương (Thái Nguyên).

Trà hương hoa sói của Bảo Lộc đã trở thành đặc sản của thành phố cao nguyên này. Khác hẳn hương cốm non của trà búp Tân Cương, trà hoa sói của Bảo Lộc lại ngát thơm và ngọt hậu để lại dư vị đậm đà cho thực khách. Tôi có dịp gặp ông chủ danh trà Quốc Thái trên đường Lê Hồng Phong mới hay những người làm trà ở đây đa số là dân bắc di cư từ năm 1954. Chính vì thế ông cũng rất thuộc những câu ngạn ngữ, ca dao và thơ về trà quê hương. Ngồi khề khà pha ấm trà đúng kiểu miền Bắc, ông bất ngờ đọc luôn mấy câu: "Quất mãi nước sôi. Trà đau nát bã. Không đổi giọng Tân Cương" (thơ Phùng Cung). Tôi cùng ông cười ha hả rồi nhẹ nhàng nâng ly trà lên môi.

Vương Tâm
.
.