Chuyện "cu Theo" gặp lại cha nhờ nhà thơ Tố Hữu
Chúng tôi tìm đến căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy vào một ngày giữa tháng 8. Bên chén trà nóng, ông Hòa hồi tưởng chuyện cũ. Theo lời kể của ông, năm 1963-1964, địch thực hiện kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược nên dân xã Nguyên Thủy (nay là xã Thủy Bằng, Hương Thủy) đều bị chúng dồn vào khu vực gần đồi núi thôn Nguyệt Biều để canh giữ. Gia đình ông cũng bị đưa đến khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Hòa với bức ảnh chụp lần ra Bắc gặp Bác Hồ thời thiếu niên. |
"Lúc ấy, mọi người thường gọi tui là cu Theo. Thấy tui và chị gái nhanh nhẹn nên cấp trên đã cho 2 chị em gia nhập đội du kích xã. Chừng 1 năm sau, tui được giao làm Đội trưởng Đội thiếu niên xã và được cấp khẩu súng cạc-bin (carbine). Sau này, nhờ nhanh trí và có vũ khí nên tui đã lập nhiều thành tích đánh giặc", bây giờ đã ở tuổi 62, nhưng ông Hòa vẫn nhớ như in những ngày tham gia du kích đánh giặc và lập nhiều công trạng trong những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt...
Đến cuối năm 1968, "cu Theo" cùng các dũng sĩ thiếu niên ở miền Nam vinh dự được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Ông Hòa bồi hồi nhớ lại, sau những lời ân cần hỏi thăm, Bác tặng ông 3 cuốn sách với 1 vốc kẹo, rồi ôn tồn hỏi: "Giờ cu Theo có nguyện vọng chi không? Có muốn ở lại Hà Nội học tập không?". Lúc ấy, nghe Bác hỏi, ông rất xúc động, nhưng vẫn lễ phép trả lời Bác là ông muốn gặp cha. Bác lại hỏi: "Cha cháu tên gì, công tác ở đâu?".
"Thưa Bác, cha của cháu tên Nguyễn Văn Cục, đi tập kết ra Bắc từ lúc cháu chỉ mới 1 tuổi nhưng nay vẫn chưa nhận tin tức gì ạ...". Sau buổi ăn cơm tối hôm đó, Bác gọi nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đến và giao nhiệm vụ "tìm cha cho cu Theo". Nhà thơ Tố Hữu dẫn ông về nhà mình và lấy cảm hứng viết nên bài thơ "Chuyện em Hòa..." theo thể lục bát, dài 112 câu: "Tên em là Nguyễn Văn Hòa/ Mẹ em thường gọi em là Cu Theo/ Cha đi tập kết, nhà nghèo/ Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con/ Chị thì hái củi trên non/ Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu/ Đêm nằm hỏi mẹ: Cha đâu?/ Mẹ rằng: Mau lớn, năm sau cha về". Riêng thành tích chiến đấu của cu Theo, nhà thơ Tố Hữu viết: "Sớm hôm củ sắn, củ khoai/ Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông/ Khi ra xung trận giữa đồng/ Khi lăn dưới lửa thoát vòng giặc vây"...
Và thật bất ngờ, sau 10 ngày bài thơ được đăng trên Báo Nhân dân, nhà thơ Tố Hữu nhận được bức điện báo tin: Cha của cu Theo đang công tác tại một cơ quan ở tỉnh Quảng Bình. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Cục ngay sau đó được ra Thủ đô Hà Nội gặp con trai. "Mười mấy năm xa cách, gặp lại nhau, hai cha con liền ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Sau đó tui liền đến cảm ơn Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu đã giúp đỡ cho hai cha con có ngày đoàn viên", ông Hòa xúc động kể lại. Sau này, ông còn vinh dự thêm 2 lần được gặp Bác Hồ. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông ở lại miền Bắc công tác và sau đó chuyển công tác vào làm cán bộ Tuyên giáo huyện Hương Phú, tỉnh Bình Trị - Thiên; rồi làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đến khi về hưu.
Giờ đây, dù đang tuổi xế chiều nhưng vợ chồng ông Hòa vẫn nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế gia đình bằng việc làm vườn trồng cây ăn quả. Ông còn dành nhiều thời gian để phối hợp với các cơ quan tổ chức của tỉnh Thừa Thiên - Huế tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2014 đến nay, ông đã phát hiện, tìm kiếm gần 50 hài cốt liệt sĩ và cùng các đoàn thể đưa về an táng tại nhiều nghĩa trang trên địa bàn TP Huế. Nói đến việc làm cao đẹp của mình, ông trầm ngâm bảo: "Gần đất xa trời rồi nên tui làm được cái gì thì làm chứ không ngại, nhất là những việc có ân nghĩa với đồng đội thì cần phải làm cho bằng được!".