Chuyện buồn phía sau một số hoạt động từ thiện

Thứ Năm, 09/12/2010, 11:38
Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm trước vụ scandal đấu giá từ thiện tại "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về đồng bào miền Trung". Cuộc đấu giá được trang trọng truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia, những vật phẩm linh thiêng, tên người và số tiền cũng được đọc công khai trước công luận. Nhưng tất cả đã biến thành trò đùa khi mà tất cả những người thắng trong cuộc đấu giá ấy đều đồng loạt... "chạy làng".

Công chúng buồn vì miền Trung hụt một khoản tiền lẽ ra có thể làm vơi bớt phần nào khó khăn, nhưng bất bình nhiều hơn là thái độ coi thường dư luận, biến một nghĩa cử thiêng liêng, ý nghĩa thành trò đùa và đánh bóng bản thân.

1. Khi khúc ruột miền Trung đang oằn mình trong cơn lũ dữ thì người dân cả nước đã cùng nhau góp sức giúp đỡ miền Trung với tinh thần "Lá lành đùm lá rách". Nhiều chương trình từ thiện được tổ chức, nhiều chuyến đi, nhiều tấm lòng đã đến với người dân miền Trung thương yêu. Điều đó phần nào làm vơi bớt đi những khó khăn mà đồng bào miền Trung gặp phải.

Cũng nằm trong một loạt chương trình ủng hộ đồng bào lũ lụt, tối 11/11, tại TP HCM, 90 thí sinh tham dự cuộc thi "Hoa hậu Trái đất - Miss Earth 2010" cùng với hơn 1.000 doanh nhân của 500 tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã cùng tham dự. Một trong những điểm đặc biệt của đêm hội là chương trình đấu giá từ thiện các hiện vật quý để giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Bốn vật phẩm quý gồm: Bộ tứ linh "Long - Ly - Quy - Phụng" làm bằng gỗ lũa, trống đồng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, viên ruby thô nặng 10kg lớn nhất Việt Nam và bức tranh đá quý "Khát vọng sống" có chữ ký của 90 hoa hậu đã được đấu giá trực tiếp. Trong đó, bộ tứ linh bằng gỗ lũa hóa thạch được mua với giá 49,7 tỉ đồng, bức tranh đá quý 12 tỉ đồng, viên ruby 11 tỉ đồng và chiếc trống đồng 12 tỷ đồng. Tổng số tiền từ thiện của đêm đó lên tới hơn 74 tỉ đồng.

Bộ tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng, một trong những vật phẩm đấu giá bị từ chối mua.

Sau buổi đấu giá ít ngày, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội đã họp báo cho biết cả 4 vật phẩm đấu giá đều không có người đến nhận. Hội chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh liên lạc với số điện thoại của người thắng đấu giá chiếc trống đồng nhưng không thấy... bắt máy. Xác minh với Công ty Bình Điền thì đơn vị này cho biết không hề đấu giá viên ruby, bức tranh đá quý cũng không ai nhận. Ông Phạm Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Bảo Long - người thắng cuộc bộ tứ linh tuyên bố không mua nữa với lý do chủ nhân của hiện vật này đã tự ý chuyển sản phẩm về Lâm Đồng mà không thông báo với Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh và Công ty Bảo Long. Còn chủ sở hữu, ông Võ Ngọc Hà cho rằng bên thắng đấu giá phải trả đủ số tiền 47,9 tỉ đồng thì mới giao hiện vật. Tuy nhiên, phía ông Đạt nhất mực từ chối vì "trong quá trình vận chuyển, vật phẩm đấu giá có thể bị thay đổi" nhưng hứa sẽ tặng Hội Chữ thập đỏ 1 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung (!?).

Không chỉ vậy, cho đến nay, Ban tổ chức chương trình từ thiện này còn nhận được rất ít tiền ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân. Mới có 100 triệu đồng của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất và 20.000USD và 100.000 tập vở của một doanh nghiệp do hoa hậu Mai Phương Thúy đại diện. Còn lại, hầu hết số tiền mới chỉ ở lời hứa.

Sự việc này khiến chúng ta nhớ lại chương trình từ thiện "Nối vòng tay lớn" được tổ chức năm 2004, chiếc sim điện thoại 0988.888.888 được ông Trần Ngọc Hoan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Tràng Tiền thắng đấu giá với mức tiền 1 tỉ 10 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo nhưng cuối cùng ông Hoan không chịu trả tiền. Gần đây, tại buổi đấu giá từ thiện "Ngày hội ca sĩ" tổ chức đầu năm 2010 tại Bình Định, số tiền công bố quyên góp được 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền thực thu được chỉ 6 tỉ đồng. Đặc biệt, bức tranh của ca sĩ Quang Dũng được một phòng trà tại TP Hồ Chí Minh mua, yêu cầu chuyển về đúng địa chỉ sẽ trả tiền nhưng sau đó, số tiền ấy vẫn... mất hút.

2. Trong khi scandal đấu giá từ thiện bị dư luận lên án và những cơ quan liên quan đang chuẩn bị mọi hồ sơ, thủ tục để có thể kiện những người biến hoạt động từ thiện thành trò đùa thì một số người từng là nạn nhân của những  Mạnh Thường Quân ảo lại tiếp tục lên báo chia sẻ. Như trường hợp đạo diễn Nguyễn Lâm. Năm 2008, đạo diễn Nguyễn Lâm tổ chức một đêm ca nhạc tạp kỹ tại huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mục đích bán vé lấy tiền giúp học sinh nghèo của huyện. Anh ký hợp đồng làm thuê cho một công ty tổ chức sự kiện với thù lao tượng trưng cho nhiệm vụ đạo diễn. Anh phải lo công việc mời các nghệ sĩ, diễn viên tham gia đêm ca nhạc này. Mặc dù đêm diễn khá thành công với sự có mặt của nhiều khán giả nhưng cuối cùng, Nguyễn Lâm cũng như các nghệ sĩ có mặt trong chương trình không hề nhận được một đồng thù lao của chương trình. Vì là người trực tiếp mời các nghệ sĩ nên Nguyễn Lâm đành phải bỏ tiền túi để gửi các nghệ sĩ tham gia chương trình số tiền đi lại như đã hứa.

Trường hợp của nghệ sĩ Quang Đạt còn dài dòng và ly kỳ hơn. Với mục đích xây nhà lưu niệm điện ảnh để ghi nhớ công lao của các nghệ sĩ trong lĩnh lực này, nghệ sĩ Quang Đạt đã bán đi chiếc xe gắn máy cổ có gần 500 chữ ký của những nghệ sĩ nổi tiếng với giá là 80.000USD. Người mua là doanh nhân Võ Minh Tùng. Thế nhưng cho đến nay, nghệ sĩ Quang Đạt mới chỉ nhận được số tiền là 30.000USD từ phía ông Tùng. Sự việc chưa dừng lại ở đó. Chiếc xe cổ không được đấu giá để làm từ thiện như đã hứa mà được doanh nhân Võ Minh Tùng đem xuống Bình Dương tặng cho Trung tâm nhân đạo Quê hương với mục đích trung tâm bán đấu giá lấy tiền giúp đỡ các trẻ mồ côi. Vậy mà, chỉ sau đó vài ngày, doanh nhân này lại kêu cần tiền gấp và mượn trung tâm 600 triệu, nói sẽ trả ngay, và cho đến nay thì vẫn bặt vô âm tín. Không những kế hoạch của nghệ sĩ Quang Đạt dang dở, Trung tâm nhân đạo Quê hương thì không được một chút tiền nào, thậm chí số tiền  600 triệu ấy đến nay vẫn chưa đòi được. Hiện, Trung tâm đành phải nhờ đến pháp luật để giải quyết vụ việc.

Giúp đỡ người trong lúc hoạn nạn khó khăn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt ta. Tuy nhiên, cùng với cơ chế thị trường, nhiều người đã coi những hoạt động thiện nguyện này là cơ hội để "đánh bóng" mình. Không chỉ có các doanh nhân, hiện nay từ thiện đã trở thành một phong trào trong giới nghệ sĩ. Bên cạnh nhiều nghệ sĩ coi từ thiện là hoạt động từ tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, họ âm thầm và lặng lẽ làm từ thiện nhiều năm qua như nữ ca sĩ Mỹ Tâm… thì cũng có một số nghệ sĩ coi từ thiện như một chiêu để lăngxê mình. Có ca sĩ hễ cứ đi làm từ thiện là kéo theo bầu đoàn thê tử báo chí đến để chụp ảnh. Sự vô tâm đã không thể che giấu khi mà trước một hoàn cảnh có thể rớt nước mắt thì nghệ sĩ đó lại cười rất tươi, cố để chụp ảnh cho đẹp.

Chính vì từ thiện không chỉ để giúp đỡ người hoạn nạn nên văn hóa từ thiện của các sao hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Có ca sĩ rất thích đi làm từ thiện đến những nơi nghèo, viện dưỡng lão hay trường nuôi dạy trẻ khuyết tật nhưng lúc nào cũng mặc áo hai dây hở ngực, trông rất phản cảm. Hay có lần, một nhóm hài đã trình diễn một tiết mục hài kém văn hóa, thiếu tính giáo dục cho cơ sở từ thiện là trường học và đồng nghiệp xem. Gần đây, hoa hậu Diễm Hương đã khiến nhiều người "bỏng mắt" khi cô diện chiếc áo gần như trong suốt đi từ thiện tại Phú Yên. Nếu chịu khó vào các trang báo mạng, các mạng xã hội sẽ thấy gần đây, một đội ngũ đông đảo hotboy, hotgirl cũng ào ào tham gia vào các chuyến đi từ thiện. Thế nhưng dường như họ đi chỉ để lấy tiếng với mục đích chụp hình đưa lên báo chí, blog khoe với thiên hạ cũng như được xuất hiện bên cạnh những ngôi sao lớn để mong nổi tiếng. "Cách cho hơn của đem cho", chính vì vậy, để hoạt động từ thiện có ý nghĩa thật sự thì những người tham gia hãy làm bằng chính trái tim mình

Khánh Thảo
.
.