Phim tài liệu và ảnh báo chí Việt Nam

Chưa vượt qua cái bóng chính mình

Thứ Năm, 26/03/2015, 08:00
"Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh"- Trích một câu nói của nhà làm phim tài liệu Chilenổi tiếng  Patricio Guzman.

Phim tài liệu và ảnh báo chí Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ và các cuộc chiến tranh giữ gìn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước đã từng chiếm một vị trí quan trọng và được thế giới quan tâm chú ý. Nhưng kể từ khi đất nước vào công cuộc đổi mới và nhất là khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21 với xu thế hội nhập toàn cầu, công nghệ cao, kinh tế thị trường... thì phim tài liệu và ảnh báo chí Việt Nam dường như vẫn loay hoay chưa vượt thoát được cái bóng huy hoàng của chính mình trong quá khứ để vươn ra thế giới sánh cùng với năm châu bè bạn.

Quá khứ huy hoàng, hiện tại tẻ nhạt

"Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh"- Trích một câu nói của nhà làm phim tài liệu Chilenổi tiếng  Patricio Guzman.

Phim tài liệu Việt Nam (gồm phim phóng sự, phim khoa học, phim tài liệu) trưởng thành từ trong chiến tranh, vì vậy, các tác phẩm phim tài liệu của Việt Nam phần lớn nặng lòng với những mất mát, đau thương, chia sẻ với những số phận con người...

Lịch sử điện ảnh nước nhà đã ghi nhận nhiều phim tài liệu có giá trị lớn, khẳng định tên tuổi nhiều nhà làm phim - từ Bùi Đình Hạc, Phan Trọng Quỳ, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Xã Hội... đến Lê Mạnh Thích, Lò Minh, Trần Văn Thuỷ, Đào Trọng Khánh, Sĩ Chung, Lại Văn Sinh, Văn Lê, Trần Thế Dân…Khi chiến tranh đi qua, ở thời kỳ hòa bình và  đổi mới có thêm nhiều bộ phim tài liệu Việt Nam gắn bó với cuộc sống đương đại, nhiều bộ phim tạo nên bước ngoặt trong tư duy sáng tác, lôi cuốn và có ảnh hưởng trong đời sống xã hội như "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế" của Trần Văn Thủy… Những vấn đề đặt ra trong các bộ phim này, không chỉ là nhìn vào sự thật, nói ra sự thật, mà còn định hướng tư duy và phong cách sáng tác mới cho những người làm phim tài liệu tâm huyết với nghề.

Ngoài ra thời điểm này có một số phim tài liệu cũa Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương được chú ý như: "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" - (Trần Văn Thủy); "Nơi chiến tranh đã đi qua" - (Vũ Lệ Mỹ);  "Trở lại Ngư Thủy"- (Lê Mạnh Thích - Đỗ Khánh Toàn); "Chị Năm khùng", "Những nẻo đường công lý" - (Lại Văn Sinh) và "Chốn quê" (Nguyễn Sĩ Chung)…  Đặc biệt, các phim này đều giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Châu A Á- Thái Bình Dương trong 4 năm liền, với 3 giải Phim ngắn xuất sắc nhất và 1 giải đặc biệt của Ban giám khảo.

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - bộ phim tài liệu được các nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao.

Nhưng phim tài liệu Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây có gì đặc biệt, có gì mới, có phim nào đặc sắc, điều gì đang được quan tâm và được mang lên phim… quả thật khó tìm được câu trả lời trọn vẹn. Gần nhất, và nổi trội nhất có lẽ là phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (Nguyễn Thị Thắm) nhận được sự tán dương bởi các nhà phê bình điện ảnh, khi đề cao nội dung, phong cách tài liệu mới mẻ và kỹ thuật quay. Phim được chọn giới thiệu tại Liên hoan phim Hiện thực Paris, Liên hoan phim Margret Mead tại New York- Mỹ và Liên hoan phim Chopshots tại Indonesia.

Xa hơn mấy năm trước, như một sự kiện đối với phim tài liệu Việt Nam là tháng 5/2011, hơn 400 triệu khán giả của kênh truyền hình Discovery trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương  được xem 4 bộ phim tài liệu nói về sự chuyển biến nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam: Những chiến binh chống tắc đường (Jam Busters), Rạp chiếu phim di động của ông Long (Mr Long's Travelling Cinema), Thành phố một nghìn năm (City of A Thousand Years) và Câu chuyện cải táng (Digging Up The Dead) là bốn phim tài liệu xuất sắc trong cuộc thi "Lần đầu làm phim với Discovery"- (First Time Filmmakers), do quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á - Thái Bình Dương, hãng Uproar châu Á và công ty RedBridge là quản lý dự án… Nhưng gia tài quý giá khiêm tốn cũng chỉ được có thế.

Có rất nhiều nguyên nhân để phim tài liệu Việt Nam mờ nhạt trong đời sống văn hóa đương đại. Nhưng trước hết, có lẽ các nhà làm phim tài liệu Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cách tiếp cận mang tính "nhỏ, lẻ", lời bình nhiều, trong khi đó hình ảnh thì ít, lời bình thiếu chất văn học, nặng minh hoạ theo hình ảnh, diễn giải sự việc, thiếu sức khái quát, gợi mở cho người xem,…

Bản thân đạo diễn phim tài liệu Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi chính mình, đổi mới tư duy sáng tạo nghệ thuật, tự giới hạn trong cách chọn đề tài, thể hiện, đặc biệt là những đề tài mang tính khái quát cao, những vấn đề được cộng đồng toàn cầu đang quan tâm như: Di dân, kết nối văn hóa xưa- nay, đô thị hóa, môi trường sinh sống của con người, gìn giữ những giá trị mang tính kế thừa và truyền thống…  đều rất mờ nhạt, thậm chí chưa chạm đến. Hình thức thể hiện theo thói quen cũ, thiếu tính tương tác, nên phim trở nên thiếu hấp dẫn, rời rạc, tính hiện thực khô cứng, càng ngày càng nhạt, chán, và nhất là không còn sức thuyết phục khán giả bởi thiếu tính chân thực, thiếu tính thời sự.

Ảnh báo chí  hiện nay chỉ là hình minh họa

Nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là ảnh báo chí như một thành tố tích cực góp phần vào đời sống văn hóa nghệ thuật quốc gia, đồng thời như là một nhân chứng bằng hình ảnh về lịch sử cách mạng và công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước trong suốt hơn 60 năm qua kể từ khi Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành.

Như một niềm tự hào của ngành, nhiếp ảnh Việt Nam mà cụ thể là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các  phóng viên ảnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ đã cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh báo chí mang dấu ấn lịch sử, có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế như những tiếng nói mạnh mẽ và thuyết phục để giới thiệu với bạn bè năm châu một Việt Nam đang anh dũng, bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm và khát khao hòa bình, thống nhất, xây dựng đất nước phồn vinh, trường tồn...

Nhưng quá khứ đầy tự hào của các thế hệ nghệ sĩ, phóng viên ngành nhiếp ảnh Việt Nam  hình như đang dần mai một, thế hệ kế tiếp hôm nay hầu như chưa làm tròn trách nhiệm của mình, bỏ lơi vị trí và tầm quan trọng "chiến lược" của ảnh báo chí đời sống xã hội trong nước và góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Cho dù những năm gần đây, ảnh báo chí ngày càng được chú ý hơn, đánh giá cao hơn, thể hiện ở "đất" tăng hơn trên mặt báo. Tính thông tin của ảnh báo chí cũng được quan tâm chăm sóc kỹ hơn. Và sự tham gia của nhiều tay máy là freelance (tự do) cũng làm đời sống ảnh báo chí Việt Nam khởi sắc hơn. Nhiều tờ đã dành "đất" cho phóng sự ảnh định kỳ, nhiều báo đưa ảnh trên trang nhất như cách nhấn mạnh "tin nóng"- headline để đi kèm bài cho số báo.. Song đó cũng chỉ là "hạt muối" so với 'biển" hình ảnh minh họa tràn ngập các trang báo, mà ở đó đại đa phần là những hình ảnh minh họa cho các bài báo mang tính câu view.

Như lời nhận xét của phóng viên ảnh hãng thông tấn AP- Mỹ nổi tiếng thế giới gốc Việt Nick Út, khi ông tham dự giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm về ảnh báo chí với phóng viên ảnh báo chí Việt Nam qua mấy wokkshop của quỹ IMMF (Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương): "Theo tôi được biết ở Việt Nam thường phóng viên viết là chụp ảnh luôn, ít có phóng viên ảnh thuần như chúng tôi. Vì thế có thể ảnh báo chí ở Việt Nam lượng thông tin ít vì đã có bài viết kèm theo rồi. Phần khác tôi cũng thấy ảnh báo chí Việt Nam thường dùng ảnh đơn lẻ, ít ảnh xây dựng kiểu một phóng sự ảnh- câu chuyện ảnh. Trong một sự kiện hầu như các phóng viên ảnh Việt Nam đều chụp giống nhau, không có sự sáng tạo cá nhân riêng biệt, mà thường bị gò bó vào một chủ đề có tính cách tuyên truyền, nên ảnh nhiều khi khô cứng, giống nhau và nhàm chán…".

Chính vì thế mà ảnh báo chí Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi minh họa để đứng độc lập như một bài báo bằng hình ảnh, có tiếng nói giá trị riêng biệt, và tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội đối với trong nước, chưa nói đến là tạo tiếng vang với nước ngoài.

Kể từ năm 1975 đến nay, qua gần 40 năm, ảnh báo chí Việt Nam gần như vắng bóng với truyền thông quốc tế, không có bức ảnh báo chí nào gây "sốc" như thời chiến tranh, mặc dù không phải Việt Nam thiếu vắng sự kiện trong thời bình. Khoảng 3 năm trở lại đây, một số giải vàng, bạc của thể loại ảnh báo chí cho nhà báo Trần Việt Văn ở các cuộc thi ảnh quốc tế uy tín PX3- Pháp, IPA- Mỹ,… và giải nhất World Press Photo 2013 ở hạng mục Vấn đề  đương đại (Contemporary Issue) cho Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) với bộ ảnh đồng tính, thì đó cũng chỉ là tính chất cá nhân, chưa đại diện cho ảnh báo chí của Việt Nam, chưa thể cho đó là sự có mặt thật sự ảnh báo chí Việt Nam với truyền thông quốc tế.

62 năm, không còn là "trẻ" với ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là với phim tài liệu và ảnh báo chí. Xây dựng những tác phẩm có giá trị cao, mang ấn tượng sâu sắc và chân thực hiện thực cuộc sống, gây ảnh hưởng sâu rộng đến cảm xúc cộng đồng trong nước và vươn xa tầm đến với thế giới, để chứng tỏ vị trí và vị thế của một Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa là vấn đề nóng được đặt ra trong hôm nay.

Hoài Hương
.
.