Chữ nghĩa tài tử, phong lưu ở cổng làng Ước Lễ

Chủ Nhật, 06/10/2019, 07:46
Cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai, Hà Nội là một trong những cổng làng cổ xưa còn giữ được nguyên vẹn đến nay. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, chữ Hán được ghi trên cổng mang làm tăng thêm tính văn hóa, thể hiện sự phong lưu, tài hoa của người xưa.


1.Làng cổ truyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa luôn được bao bọc bởi lũy tre ken dày, ấp ủ sau mỗi lũy tre yên bình đó là cộng đồng dân cư gắn bó bao đời, là  cây đa, bến nước, sân đình, là chùa chiền, miếu mạo vừa thâm nghiêm, vừa gần gũi.

Với tính chất tự trị, tự quản, mỗi làng có địa vực riêng,  dân làng có giọng nói riêng, có phong tục tập quán riêng, có hương ước như cuốn "luật làng", có hệ thống chức dịch do chính dân làng bầu ra, có đội ngũ tuần phiên canh gác, để chống trộm cướp, bảo vệ an ninh trật tự trong làng, ngoài đồng… nên có người cho rằng mỗi làng xã xưa như "một nước cộng hòa thu nhỏ".  Với đặc điểm đó, cổng làng có vị trí quan trọng đặc biệt.

Do biến thiên của lịch sử, từ giữa thế kỷ XX, cơ cấu tổ chức, quản trị làng xã đã thay đổi, làng xã không còn khép kín như xưa, cổng làng mất đi chức năng bảo vệ. Vì thế mà cổng làng lần lượt biến mất, đến khi những người làm văn hóa "sực tỉnh" thì cổng làng xưa chỉ còn lại một phần nhỏ, mà những cổng làng được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn, không bị làm biến dạng, không bị các công trình mới chen lấn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cổng làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một trong những công trình "đếm trên đầu ngón tay" đó.

Hoành phi 3 chữ: “Ước Lễ Môn”.

Cổng làng Ước Lễ cũng xây bằng gạch chỉ không trát, phía trên có vọng lâu. Cổng cao chừng 6 m, ngang rộng gấp đôi chiều cao. Dân làng nói rằng cổng được làm từ thời Mạc, nhưng có lẽ đây là công trình của thế kỷ XIX.

Cổng có vòm tròn, cao 2,2 m, chiều rộng 1,5m. Phía trên trán cổng là ba chữ Hán đại tự rất đẹp "Ước Lễ môn" nghĩa là Cổng (làng) Ước Lễ. Đây là chữ lấy từ lời của Khổng Tử trong Luận ngữ: "Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ phất bạn hỹ" nghĩa là: Người quân tử phải học hành để mở mang kiến thức, sau đó phải nương theo lễ giáo, tuân thủ pháp luật… mà kiềm chế, giữ gìn tư cách, như vậy mới không trái đạo lý.

Tên làng không biết có tự bao giờ nhưng rõ ràng là mang một ý nghĩa rất sâu sắc, như lời căn dặn, nhắc nhở của người dân Ước Lễ truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cổng gắn liền với chiếc cầu cong dài chừng 10 m, rộng hơn 2m bắc qua một hào nước, khiến cổng làng Ước Lễ càng mang dáng vẻ cổng thành hơn các cổng làng khác.

2. Điểm làm tăng thêm giá trị, tăng thêm hàm lượng văn hóa cho cổng làng Ước Lễ chính là đôi câu đối rất độc đáo, cả hai vế đều vừa Nôm vừa Hán:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị

Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều

Vế đầu các cụ viết "Thâm nghiêm kín cổng cao tường" là một câu lảy Kiều, rất  phù hợp và thật dễ hiểu đối với cổng làng, nhưng phần chữ Hán "Thương cổ nguyện tàng kỳ thị" lại mang một hàm ý sâu xa. Mấy chữ này lấy từ lời của Mạnh Tử. Mạnh Tử cho rằng: Nhà vua mà trọng dụng người hiền tài, đưa người tuấn kiệt lên vị trí xứng đáng thì trí thức trong nước sẽ vui mừng, ai cũng muốn ra làm quan để cống hiến.

Ở nơi đô thị, nhà vua chỉ thu thuế thương mại mà không thu tiền đất, tiền phố thì "thiên hạ chi thương giai duyệt, nhi nguyện tàng ư kỳ thị hỹ" - các nhà buôn sẽ vui mừng, ai cũng muốn tích chứa hàng hóa nơi phố thị của nhà  vua để buôn bán… Nói theo ngôn ngữ hôm nay thì "thương cổ nguyện tàng kỳ thị" là lời của dân làng Ước Lễ cầu chúc người ra đi buôn bán gặp môi trường kinh doanh, thuận lợi, dễ dàng; thâm nghiêm kín cổng cao tường còn có thể hiểu là môi trường ở đó an ninh, trật tự được bảo đảm.

Vế sau, "Xôn xao trước thầy sau tớ " cũng là câu lảy Kiều, vẽ nên bức tranh tấp nập người làng, ngựa xe qua lại, chào hỏi lao xao, nhưng như vế trước, "mã xa phục quá thử kiều" cũng mang một ẩn ý sâu sắc.

Mấy chữ này lấy từ điển Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh,  người Thành Đô đời nhà Hán. Tư Mã Tương Như rất đa tài, văn hay, đàn giỏi. Khi bỏ quê lên Trường An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như đề lên cầu mấy chữ: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" nghĩa là: Không ngồi xe tứ mã sẽ không trở lại cây cầu này nữa.

Đây là lời thề, lời hứa quyết tâm lập nên công danh, sự nghiệp, nếu không thành đạt sẽ không trở về quê. Quả nhiên về sau Tư Mã Tương Như gặp quan vận hanh thông, được làm quan cao, chức trọng. Ông còn nổi tiếng với mối tình đẹp với Trác Văn Quân có khúc hát Phượng cầu hoàng nổi tiếng.

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng nhắc đến khúc hát này: "Khúc đâu Tư Mã phượng cầu/ Nghe ra như oán, như sầu phải chăng". Hay Nguyễn Bính trong bài "Hoa với Rượu" cũng có câu: "Như chuyện Tương Như và Trác Thị/ Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng/ Vườn cam trắng xóa hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng!". Trong điển cố này, sau năm năm đi xa Tương Như đã dùng "cao xa tứ mã", đích thân về Thành Đô nghênh đón Trác Văn Quân nhập kinh đô Tràng An.

Cổng làng Ước Lễ - Thanh Oai - Hà Nội.

Trở lại đôi câu đối cổng làng Ước Lễ, ta thấy tác giả chắc hẳn là nhà nho phong lưu, tài tử và cao thủ về chữ nghĩa. Các cụ đã gửi gắm theo đó niềm mong ước, lời cầu chúc và niềm tin tưởng người làng ra đi kinh doanh sẽ may mắn, thuận lợi; người theo con đường công danh cũng thành đạt để rồi trở về cây cầu làng thân thương này.

Bao nhiêu năm qua cổng làng vẫn đứng đó, tiễn người ra đi và ngóng trông, hy vọng những người đi xa sẽ trở về. Đôi câu đối vừa thực tế vừa bay bổng, vừa giản dị vừa thể hiện khát vọng cao sang của một làng quê nhỏ bé, khiêm nhường.

3. Một ấn tượng không thể không ca ngợi, đó là chữ đại tự "Ước Lễ môn" và đôi câu đối, dù mới được tu sửa nhưng chữ rất đẹp, rất cổ kính, ngoạn mục, người bảo tồn đã giữ được cái "thần" của nét bút xưa, dù ngày nay thợ biết chữ Hán rất hiếm hoi… Đây là điều nhiều di tích khác, dù đồ sộ hơn, cũng không làm được.

Phía trên vọng lâu có biển "Mỹ tục khả phong"  nghĩa là Tục đẹp thói hay/ Phong tục tốt đẹp, do nhà vua ban cho làng  Ước Lễ vào năm Tự Đức thứ tư (1851).  Các cụ trong làng cho hay Ước Lễ vinh dự được ban khen biển ngạch này là do làng có Quỹ Nghĩa thương rất lớn. Theo quy định bấy giờ, Quỹ trên 1500 quan tiền mới được ban khen. Quỹ này được lập để cứu trợ những gia đình khó khăn, những người không may ốm đau bệnh tật, gặp địch họa thiên tai hay mùa màng thất bát. Quỹ tồn tại đến sau năm 1945, trong trận đói năm Ất Dậu, quỹ đã xuất ra nhiều thóc gạo để nấu cháo cứu đói người dân trong xã, trong vùng. Hà Đông xưa có nhiều xã được triều đình ban tặng biển ngạch "Mỹ tục khả phong",  trong đó có làng Đôn Thư, quê hương Thám hoa Vũ Phạm Hàm, gần làng Ước Lễ.

Mặt trong của cổng, người từ trong làng đi ra đều thấy ba chữ "Thiểu cao đại". Ba chữ này lấy từ chuyện Vu Công - ông họ Vu xưa làm quan chuyên về hình luật nhưng rất nhân đức. Ông không làm oan người vô tội, mà ngay cả người bị oan đã chết ông cũng minh oan cho họ. Sử sách còn kể câu chuyện một nàng dâu chăm mẹ chồng rất có hiếu, nhưng mẹ chồng bị ngộ độc qua đời, cô con dâu bị buộc tội giết mẹ chồng và xử tội chết. Nỗi oan của nàng dâu khiến trời đất cũng bất bình, dẫn đến hạn hán nhiều năm. Sau khi tra xét rõ ràng, Vu Công đã minh oan cho nàng và lập đàn tế giải oan. Lễ tế vừa xong thì trời đổ mưa tầm tã…

Một hôm về quê thấy con cháu đang xây cổng, Vu Công nói: "Thiểu cao đại, linh dung tứ mã xa cái. Ngã trị ngục đa âm đức, tử tôn tất hưng", nghĩa là: Làm cao to lên một chút nữa, để xe tứ mã và tàn lọng có thể qua được. Ta trị ngục có nhiều âm đức, con cháu nhất định sẽ hưng vượng. Quả nhiên về sau, con của Vu Công là Vu Định Quốc làm quan đến Thừa tướng, con của Vu Định Quốc là Vu Vĩnh được Hán Tuyên Đế  gả Công chúa Lưu Thi.

Như vậy, "Thiểu cao đại" mang hàm ý rằng các thế hệ trước (của làng) đã làm nhiều việc nhân đức, nên thế hệ sau nhất định sẽ hưng vượng; đó cũng là lời nhắc nhở dân làng dù đi đâu, làm gì cũng nên sống có đạo đức, biết làm việc thiện, để lại phúc đức cho con cháu. Vì ý nghĩa vừa nhân văn, vừa sâu sắc như thế nên nhiều cổng làng cổ có đề ba chữ này.

Hiện ở Hà Nội còn cổng làng Tiên Thượng ( Nghĩa Đô), cổng làng Giáp Nhất bên sông Tô Lịch có đề "Thiểu cao đại". Có điều ở cổng làng Ước Lễ ba chữ này được phục chế kém xa chữ ở mặt trước. Hy vọng một ngày đẹp trời, dân làng Ước Lễ xin chữ thật đẹp, đúng phong cách ba chữ "Ước Lễ môn" ở mặt trước để thay thế cho mấy chữ không tương xứng hiện nay.

Nguyễn Phan Khiêm
.
.