Chợ trâu vùng cao Bắc Hà

Thứ Hai, 13/02/2017, 07:52
Cạnh chợ Bắc Hà có một đồi đá. Mỏm đồi được san phẳng để là nơi bán gia súc. Những chú ngựa, chú trâu các miền về đây tụ họp.


Ngày trước, chợ còn đơn sơ mái tranh, mái cọ cao thấp gióng tre, ống giang cứ luồn vào nhau dằng dịt. Khi có công trình trùng tu tôn tạo để xứng với cái tầm là chợ văn hóa thì mọi thứ đổi khác. Phía sườn đông chợ là quả đồi. Quả đồi toàn đá nằm phủ phục thông qua thời gian. Phía trái đồi là lò rèn. Tiếng keng keng chí chát vọng về.

Âm thanh ấy gắn liền với sự hồi sinh của chợ, báo hiệu sự sống của  phiên chợ vùng cao cùng với sự tồn tại của mỏm đồi này. Nhìn từ trên cao xuống khu đồi đá thoai thoải như hình mai rùa.  Ngoảnh mặt phía sườn  đông là hồ Na Cồ, công  viên Na Cồ. Xa hơn giữa hồ ấy là một hòn đảo. Gọi là  đảo theo thói quen nhưng thực ra nó cũng nhỏ. Nhỏ nhưng nó đã tạo dáng cho sự hấp dẫn của hồ.

Chợ trâu vùng đồng bằng thì hoàn toàn khác với chợ trâu ở vùng cao. Thường là chợ họp ngay bãi rộng bên cánh đồng lúa, hay gò đất cao. Đồng bằng thì khí hậu cũng đỡ rét hơn cao nguyên.  Màu lông, màu da của trâu cũng khác, địa thế mua bán cũng khác. Còn ở đây lại khác. Trâu đến chợ con nào con nấy thân hình to hơn. Bàn chân bè bè gân guốc, quen leo trèo trên núi đá, bước đi bám chặt đất đá, bộ lông ngả sang màu tro hơn là nhánh đen.

Một góc chợ trâu vùng cao Bắc Hà.

Tháng chạp, trâu về đây tụ họp. Trâu từ Hà Giang, Tuyên Quang sang. Gần hơn  là Bảo Yên, xa nữa là Văn Bàn. Tất tật theo cái dây gò của chủ lái  mà về chợ, tạo thành mảng khối nâu đen, vàng... cứ thế mà đậu  trên cái mui con rùa đá này. Con rùa  đá là cái đồi này. Nó ôm ấp một khoảng không gian đến hai ngàn thước. Có nó, trâu bò, ngựa lớn, ngựa bé mới tề tựu về đây.

Có phiên chợ độc đáo mới có những ông tây, ông ta mang theo máy ảnh đến đây chớp lại tấm hình ghi lại khoảnh khắc phiên chợ mua bán trâu vùng cao. Con trâu, con ngựa được chủ ghì cương xoắn lại mối thừng, lọc cọc bước chân lên đường, từ bờ hồ Na Cồ, hay đằng tây lại leo lên con đường bê tông vừa mới đổ, qua những gian hàng thổ cẩm để mà hòa cùng bản đồng ca màu xanh xám trên bãi đá.

Trâu ở đâu ra mà nhiều đến thế. Những trâu lớn, trâu nhỏ, trâu ngà mới nhú đến trâu già. Tuốt tuột đều có. Tiền nào của ấy. Cánh thanh niên đứng túm tụm vào nhau chỉ trỏ. Đám đàn ông có tuổi đang vân vê điếu thuốc, thở khói để tìm thấy cái khoái lạc ở phiên chợ trâu. Bàn chân của những chàng trai, cụ ông đã vượt qua bao nhiêu cung ruộng, bao nhiêu thác nước để dồn đàn trâu về đây. Nhiều lắm, không kể hết. Họ say sưa kể về tính nết từng con, hay kể về giá cả và những phen đói nằm tại rừng. Người mua kẻ bán chả giấu giếm nhau điều gì.

Qua cái mệt, cái dốc, cái ngày ngái ngủ, về đến  đây họ mới được giãi bày với  bàn dân thiên hạ. Giá là của chung, mối là tứ phía. Ngã giá, được giá là bán. Nhưng cái chung nhất là phải được lãi hơn một triệu một con mới  bán. Như vậy mới bõ công chăn dắt, bõ công vượt qua rừng núi, thác đá, suối sâu, vực cao.

Có những cụ ông làm cái nghề này được ba bốn năm có lẻ. Có cả đám thanh niên mới học nghiệp  dắt trâu. Chén trà điếu thuốc truyền tay, được về đây duỗi thẳng đôi chân cho đỡ mỏi vặn vẹo cái lưng răng rắc, nét mặt hân hoan như người vừa mới khai hoang đi tìm mảnh đất  mới, nay về quê hương để kể lể sự tình, tìm thấy cái khoái cảm trên đồi cao.

Họ kể cho nhau nghe về những đêm ngồi bên bếp lửa nhà sàn được ăn cá nướng , được vùi thịt thú rừng, được ngân nga ê a câu hát dân ca. Được ngã giá mua bán. Trừ đầu trừ đuôi, cộng ra cộng vào hết tính trung bình đến những phép cộng, kể cả bó rơm bó cỏ,  nào là công chăn dắt, nào là tuổi của gia súc tất tật đều được lôi ra tính toán cân đong đo đếm tuốt.

Xem trâu, thương lái xòe bàn tay ra từng gang, mấy thanh niên đo từ khấu đuôi lên, cánh khác thì săm soi từng móng vuốt. Con này bè bè, chân con kia đứng thẳng. Nhưng vô tư nhất là những con trâu, cứ thế mà nhai cứ thế mà nuốt, bọt  trắng sùi ra bên mép, rớt xuống cả đất. Chắc các chú cũng phó mặc cho sự đời trôi nổi.

Kệ, chủ nào chả được. Kệ, bỏ ngoài tai những câu chuyện tầm phào.  Bên cạnh cây si cách hòn đá tảng có con trâu lạ: Lưng phẳng, đầu to, chân cao, cứ như là lai tạp với trâu ngoại quốc, nó phì phò thở, phì phò gõ móng xuống đá.  Nó gại gại đến ba bốn đường lại kềnh ra mà nhai. Chủ lái và khách, tay cầm điếu, tay chỉ trỏ, mắt đăm đắm  si mê.

Dường như, không đợi được lâu, anh thanh niên cầm cái roi tre vai khoác túi vải đứng dậy:

- Con này anh ra giá bao nhiêu? Nói một câu thôi, không lên nói đến câu thứ hai đâu?

- Vẫn giá ấy…

Người thanh niên từ nãy đến giờ vẫn bình  thản nhả khói, chân co chân thả trên hòn đá tảng.

- Vẫn bốn mươi lăm triệu à? Ôi dào, bớt cho nhau một câu.

- Tao nói cái câu vừa chứ không nói câu cao. Mày đi tìm cả chợ xem có con nào đẹp như con này.

- Thôi, tao trả bốn hai. Được tao dắt, bằng không tao về.

Lúc này, chủ lái đứng dậy, bàn tay xoa xoa lưng trâu:

- Mày lên một tý, tao xuống một tý  là vừa lòng nhau.

Những chú trâu theo thương lái về chợ trâu Bắc Hà.

Người mua nghiêng người phủi phủi cái bụi  trên đầu  khoáy trâu. Một tay bóp miệng một tay xoay xoay. Miệng trâu nghiêng nghiêng về một phía. Từ sáng đến giờ rồi còn gì. Anh ta ra lời cuối:

- Bốn hai rưỡi. Bằng lòng thì bán. Không bằng lòng thì chợ sau hẹn lại gặp nhau

Từ nãy tới giờ, thương lái vẫn ngoái nhìn người vợ. Chị ta đang cho con bú mớm bên gian hàng phở. Đang chan nắm cơm với canh phở. Cái đầu của chị gật gật. Thế là họ luồn vào bóng cây đếm tiền, cười nói oang oang.

Bỏ tiền trong túi rồi, thương  lái vẫn nhìn theo, cái đuôi trâu quất quất mất hút giữa đoàn người.

Chọn trâu, mua trâu thì cái tuổi vẫn cần tính đến. Nhưng móng trâu, móng ngựa  thì cần phải xem cho kỹ. Chiều dài của đuôi cũng vậy. Trâu có bám đồi chặt cũng là ở cái móng, còn dai sức là ở cái cổ, bờ vai... khỏe khoắn thì xem cái bụng cái hóp của hông, cứ thế mà xem mà trả giá.

Người kỹ tính thì còn xem khoáy, đo ngà. Ngà  ngót một gang rưỡi là vừa, gần hai gang là thừa. Độ vênh của ngà cũng vừa chênh chếch với cái đầu. Vểnh quá là trâu hư, kềnh càng quá cũng bất lợi.

Tôi ngước mắt nhìn, đồi đá hình mai rùa, có đoạn cũng cong cong hình lưng trâu. Giữa cái nóng bức, ngột ngạt mùi phân tro trâu ngựa, ngoảnh mặt về phía đông, mặt hồ Na Cồ lăn tăn bình yên gợn sóng. Con đường bên hồ lên chợ có hai con trâu đang húc nhau. Nó gằm ghè cặp sừng, gằm ghè chúi cái đầu xuống đường, gằm ghè choãi chân.

Tiếng gõ sừng lộc cộc khách lạ, nhìn vào thì đây sẽ diễn ra một trận huyết chiến thắng bại. Nhưng chỉ cần thương lái vút roi vào, thế là cơn bốc lửa của những chú trâu lại dịu đi. Đằng nào đi đằng ấy, ngoan ngoãn đi theo cái dây của chủ.

Từ trên đỉnh cao của chợ nhìn về phía chân đồi, cảnh tấp nập nhộn nhịp tưng bừng vẫn diễn ra. Phía trái, con đường bê tông nơi có bờ đá áp gờ bên ta luy phía đồi từng gian hàng thổ cẩm vẫn bày biện chào mời. Khách Tây nườm nượp về đây để leo lên tận đỉnh để mà thưởng ngoạn cái cảnh và cái tình nơi tận cùng chót vót của chợ.

Từ trên đỉnh cao của đồi này mà nhìn xuống, phía hông chợ Bắc Hà vẫn đẹp nguyên khối. Những hình thù mái nhọn, cửa to uốn cong, những mái nhọn chạy dài rồi đâm phập xuống đất cứ y như là mái nhà rông Tây Nguyên. Mặt sân lát đá xanh, gạch xanh phía sau cũng đủ để bày biện hàng nông sản và gia cầm. Những chú chó lông xù màu mật  vây quanh. Từng chai mật ong thập thò trong túi thổ cẩm vắt chéo bên hông. Từng  xâu  ớt khô được trải ra bao tải.

Tất cả làm lên màu sắc phiên chợ vùng cao. Mấy anh thanh niên mua đàn môi, trên tay cầm con dao vừa thửa, tay gõ  kênh kênh vang xa vang xa. Dưới con đường cũng là ta luy đá, thợ cắt tóc có đến tám chín tay lách cách tông  đơ, miệng  luôn chào mời. Những chiếc ô hình vuông màu xanh vươn cao để che ánh nắng cuối đông, che mát mái đầu vừa được sửa.

Xe máy vẫn rì rì chuyển động, rì rì về nơi gửi. Họ tháo bao tải ra, từng bao tải được ngửa cả ra sân, ra bãi. Lợn cắp nách phơi bày trước cánh xe từ Bảo Thắng lên, từ Xuân Quang đến. Mỗi con hơn một triệu. Tiếng eng éc lại được vắt qua thành xe, khung xe. Khoác lại áo tơi, lắc lại tay phanh, kẻ mua được giá thì hỉ hả  tươi cười, người bán được lợn cũng vội vàng gấp bao, vội vàng về hàng thắng cố. Cứ thế, cứ thế nườm nượp về chợ, nườm nượp đóng góp âm thanh vào chợ văn hóa Bắc Hà.                              

Đỗ Văn Dinh
.
.