"Chợ" mạng

Thứ Hai, 15/06/2009, 10:00
Chợ và siêu thị khác nhau và thường được phân biệt ở chữ "siêu". Ở chợ, người ta có quyền mang đến mọi thứ để bán, và tất nhiên cũng có người cần, kể cả những thứ thấp cấp nhất. Nhưng chợ đa phần chỉ để thỏa mãn các nhu cầu thông thường được quy định bởi mức độ của túi tiền mà thôi.

Thế nên hai từ "hàng chợ" thường dùng để chỉ những hàng thấp cấp, rẻ tiền, kể cả hàng làm giả và kém chất lượng. Trong khi siêu thị thì đáp ứng nhu cầu một cách có chọn lọc hơn. Siêu thị có đẳng cấp rõ ràng và vì thế họ phải có cách lựa chọn hàng ngặt nghèo hơn.

Liên hệ với các website bây giờ, ta thấy có những nét tương tự. Hãy chỉ ngó qua website chuyên về văn, thơ thôi. Chưa bao giờ người ta được thoải mái đưa sản phẩm tinh thần (sáng tác) của mình lên mạng như bây giờ. Mọi người ngày càng được quyền bày tỏ mình, được quyền công bố tác phẩm của mình, được dịp thỏa mãn tức thì "những cơn khát văn chương". Đó là một khía cạnh của sự tiến bộ và dân chủ.  

Tuy nhiên, được viết và viết hay rõ ràng là hai vấn đề khác nhau. Nếu vào các trang văn nghệ của một số tờ báo mạng, bạn sẽ thấy quả là cái gì cũng có, thật là phong phú, tha hồ chọn mà đọc, chỉ sợ không có thời gian. Nhưng bạn đọc khó tính sẽ nhanh chóng nhận ra đây là một cái "chợ" và họ bỏ đi.

Cái "chợ" như cái chợ này còn nói lên tiêu chí "nhận hàng" và "bán hàng" của nhà biên tập, hay quản trị mạng. Nhưng đó là con dao hai lưỡi: Nếu bạn muốn mở rất rộng cái chợ thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có hàng cao cấp trong cái chợ đó.

Chọn tiêu chí nào cho "chợ" mạng, rõ ràng tùy vào mục đích của việc muốn bán hàng gì. Nếu bạn muốn "bán" tin tức, rõ ràng văn chương cũng chỉ là một thứ trang điểm tầm tầm, làm cho hình hài thêm diêm dúa thôi. Với cách này, rõ ràng là "tác phẩm" phong trào và báo tường đang ngày càng có vẻ có thêm chỗ đứng. Nó chẳng ích lợi gì cho bạn đọc.

Bên cạnh cách đặt vấn đề là thời đại Internet đang làm cho ngày càng có thêm nhiều "chợ" hơn và vì thế muốn "bán" gì cũng được, thì cũng có một cách đặt vấn đề khác: Chính vì bạn đang xuất hiện trước nhiều người hơn nên hãy tỏ ra có trách nhiệm hơn về bản thân mình.

Điều này đúng với cả người "ký gửi" lẫn chủ cửa hàng. Người ta chỉ "bán" hàng sang qua một cái chợ cao cấp. Người quản trị mạng và người biên tập vì thế cũng cần đặt vấn đề: Mục đích của tôi là thiết lập chuẩn mực, xây dựng thị hiếu hay chỉ đơn giản để bán hàng chung chung?

Dưới chiêu thức "thể hiện ý kiến nhiều chiều", hiện nay một vài trang web văn học cho phép đăng tải các ý kiến tranh luận mang tính chất cá nhân thái quá tới mức người ta bắt đầu phải đặt câu hỏi: Tại sao nhà biên tập lại cho hai người cãi nhau tay đôi những chuyện chẳng liên quan tới bạn đọc trên sân chung của họ? Nếu "chủ cửa hàng" cứ mải cổ súy cho việc này thì những người có tác phẩm nghiêm túc chắc chắn sẽ đi tìm "siêu thị" uy tín hơn để "bán" thôi

Đặng Huy Giang
.
.