Phim "Argo" đoạt giải Oscar cho danh hiệu "Phim hay nhất":

Chính quyền Iran không "tâm phục khẩu phục"

Thứ Sáu, 22/03/2013, 08:00

Như chúng ta đã biết, tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85 diễn ra tại Nhà hát Dolby, Los Angeles, Mỹ ngày 24/2 vừa qua, bộ phim "Argo" của đạo diễn trẻ người Mỹ Ben Afleck đã giành được tượng vàng Oscar cho danh hiệu "Phim hay nhất".

Nội dung "Argo" dựa trên một câu chuyện có thật: Cục Tình báo trung ương Mỹ đã tìm cách giải cứu các nhà ngoại giao của nước mình bị mắc kẹt tại Iran bằng cách cải trang thành một đoàn làm phim Hollywood đi tìm cảnh quay cho một bộ phim khoa học viễn tưởng. Trong một lát cắt của bộ phim, khán giả bắt gặp cảnh huống: Vào một buổi chiều, tại khu chợ đông người ở Tehran (thủ đô Iran), trong khi 7 người da trắng và một hướng dẫn viên người địa phương với bộ dạng của một đoàn làm phim đang rẽ lối đi để khảo sát bối cảnh cho bộ phim sắp quay thì bất chợt một người đàn ông trong khu chợ nắm lấy tay người phụ nữ của "đoàn làm phim", gay gắt yêu cầu cô không được chụp hình cửa hiệu của ông ta. Đôi bên lời qua tiếng lại khiến dân chúng đổ tới ngày một đông. Bất ngờ, có ai đó la lên, cáo buộc những người trong "đoàn làm phim" là "người Mỹ". Lời cáo buộc này nhanh chóng được "hưởng ứng". Tình huống nguy hiểm đến mức "đoàn làm phim" phải tìm đường tháo chạy, vừa chạy họ vừa lớn tiếng phân bua rằng họ là "người Canada".

Các tình tiết trên được dựng dựa trên một sự kiện có thật, liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin xảy ra giữa Mỹ và Iran năm 1979. Tuy nhiên, theo lời các nhà sản xuất thì đây không phải là một bộ phim lịch sử, vì vậy, xen trong đó là nhiều tình tiết hư cấu. Ví như, cảnh binh sĩ Iran đuổi theo chiếc máy bay chở các nhà ngoại giao trên đường băng là không hề có trong thực tế.

Ngay sau khi giải thưởng Oscar lần thứ 85 dành cho "Phim hay nhất" được công bố, chính quyền Iran đã lên tiếng phản đối, cho rằng "Argo" là bộ phim "xuyên tạc lịch sử", và việc Viện hàn lâm Điện ảnh và Khoa học nghệ thuật Mỹ trao giải "Phim hay nhất" cho "Argo" là "mang động cơ chính trị", rằng Oscar lần thứ 85 là "mang tính chính trị nhất từ trước tới nay". Bộ trưởng Văn hóa Iran Mohammad Hosseini khẳng định, "Argo" là một bộ phim chống phá Iran, rằng nó chiến thắng là nhờ vào chiến dịch quảng cáo rầm rộ với lượng tiền đầu tư lớn chứ không phải vì "nghệ thuật đích thực". Việc Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama xuất hiện qua truyền hình trực tiếp tại Nhà Trắng để xướng tên giải "Phim hay nhất" (thay vì một nghệ sĩ nào đó như thông lệ từ nhiều năm trước) cũng đã được Hãng tin Fars News của Iran xem như minh chứng cho việc Giải thưởng Oscar đã bị chính trị chi phối: "Đây là sự việc vô cùng hãn hữu trong lịch sử Oscar khi một Đệ nhất phu nhân xướng giải Phim hay nhất dành cho bộ phim chống Iran - tác phẩm do một hãng phim theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái là Warner Bros sản xuất".

Hẳn nhiều người còn nhớ, hồi tháng 2 năm ngoái, bộ phim "A Separation" của đạo diễn Asghar Farhadi đã đoạt giải Oscar "Phim tiếng nước ngoài hay nhất" và trở thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Iran đoạt tượng vàng Oscar. Chính quyền Iran đã rất "chăm chút" cho việc này. Tuy nhiên, với "Argo", sự thể ngược lại. Ngay từ khi bộ phim ra mắt, chính quyền Iran đã ra lệnh cấm lưu hành tác phẩm tại Iran. Trước lễ trao giải Oscar một tháng, khi "Argo" thắng giải Golden Globe, chính quyền Iran đã tuyên bố họ sẽ làm một bộ phim khác về cuộc giải cứu con tin nói trên, đồng thời phê phán "Argo" là xuyên tạc lịch sử. 

Theo Reuters, mặc dù có lệnh cấm như vậy song tại Iran, đĩa phim Argo vẫn được rao bán ở thị trường chợ đen với giá bán chưa tới 1 USD.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận gì về các cáo buộc của chính quyền Iran liên quan đến bộ phim "Argo", ngoại trừ một ý kiến mang tính chất cá nhân của ông Patrick Ventrell - phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: "Tất cả mọi người đều phấn khởi khi Argo đoạt giải"

Trần Định
.
.