"Chim cánh cụt" ở xứ Đầm Ròn
"Nó không phải con ma"
Mưa đã về trên xứ Đầm Ròn. Nắng đã tắt và vạn vật đang đâm chồi. Những cơn mưa dầm dề nhiều ngày khiến cung đường từ trung tâm huyện Đam Rông vào thôn Liêng Trang nham nhở bùn đất, có đoạn ngập gần lút bánh. Chạy hết đường nhựa thì tới đường đất, hết đường đất lại tạt vào con đường sỏi đá, qua một con suối và hai cây cầu thì tới nhà cô bé Đa Cát K'Niêm. K'Niêm là học sinh đặc biệt của trường THCS Liêng Trang (xã Đầm Ròn, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) với biệt danh "chim cánh cụt".
K'Niêm là con gái thứ bảy trong một gia đình có bảy nàng công chúa. Những người chị của K'Niêm đều khỏe mạnh, bản thân ông bà Ha Đu quanh năm ăn rau rừng, uống nước suối, khỏe như vâm. Ngày mang thai K'Niêm, bà Đa Cát K'Jông bị một trận sốt "thập tử nhất sinh". Không đi bệnh viện, không uống thuốc gì mà ở nhà tự chữa trị bằng lá cây rừng. Tuy nhiên, con bệnh không khỏi, ngày càng ngấm vào người bà nặng hơn. Ông Ha Đu định bụng sẽ đi mời thầy mo về cúng để đuổi con ma trong người vợ đi, nhưng cán bộ y tế xã xuống vận động phải đưa đi bệnh viện. Trong đêm, ông Ha Đu hô hào trai tráng trong làng cáng vợ vượt rừng, vượt suối ra bệnh viện huyện. Đi gần sáng thì tới, bà K'Jông được chẩn đoán sốt xuất huyết. Lúc này, bà đang mang thai hơn một tháng mà không hề hay biết. Nhiều người khuyên nên bỏ cái thai đi, tránh biến chứng sau này. Nhưng ông Ha Đu không đồng ý, ông tức giận quát vào mặt: "Con tao là do trời cho, sao bỏ được của trời".
K'Niêm trên lưng mẹ đến trường. |
Được điều trị tích cực, bà K'Jông khỏe trở lại và xuất viện về nhà. Đứa trẻ trong bụng lớn dần lên trong cơ thể người mẹ bệnh tật và thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Ngày trở dạ, bà K'Jông vẫn đang đi rừng, thấy đau bụng biết là đau đẻ mới bảo chồng đưa về nhà. Ông Ha Đu chưa kịp đi gọi bà đỡ thì vợ đã sinh. Đứa con gái tròn trịa, đầy đủ mặt mũi nhưng ngón tay bị khòng khoèo và không có đôi chân.
Chuyện lạ truyền tới tai dân làng, họ ới nhau đi xem đông nghịt nhà Ha Đu. Thầy cúng nghe tin lập tức đến phán: "Nó đã bị con ma ám, phải đi vứt bỏ thôi". Sức nặng của hủ tục cúng bái từ lâu đời của người Cill và lời sấm truyền của thầy cúng như một mệnh lệnh: "Đưa con ma bé nhỏ đó ra rừng tế thần linh". Ha Đu mang con đi giấu, nhất quyết không chịu vứt bỏ. Cán bộ xã vào tận nơi động viên, giải thích cho bà con hiểu.
Đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, nó không có chân chỉ là khiếm khuyết, là di chứng từ trong bụng mẹ. Họ chứng minh bằng hàng loạt hình ảnh trẻ em nhiễm chất độc da cam, cùng hàng loạt đứa trẻ khuyết tật khác đang sống vui tươi khỏe mạnh trên đời. "Nó không phải con ma, nó là đứa con gái xinh đẹp và đáng thương". Ông Ha Đu đã gào vào mặt thầy mo không biết bao nhiêu lần như thế để bảo vệ đứa con của mình. Đứa trẻ được giải cứu, trở về ngậm bầu sữa mẹ và lớn lên. K'Niêm là minh chứng của sức sống mãnh liệt trên một cơ thể không lành lặn, đánh bại hủ tục nghiệt ngã vốn ăn sâu vào đời sống của đồng bào miền núi bao đời nay.
Lớn lên trong nắng gió đại ngàn, nước da K'Niêm đen nâu rắn rỏi, đôi mắt sáng long lanh đến kỳ lạ. Không có đôi chân, K'Niêm vùng vẫy trong ngôi nhà sàn thênh thang, nhìn chúng bạn chạy nhảy chơi đùa, cô bé lúc nào cũng thèm khát. Những hôm bố mẹ và các chị đi làm rẫy, K'Niêm ở nhà một mình tự với cơm xúc ăn, rồi tự lăn vào chậu nước tắm.
Hãy cho con đi học
Càng lớn, K'Niêm trông càng… tủn ngủn. Cô bé được chúng bạn trong thôn gọi là "chim cánh cụt". K'Niêm mê giấy bút, sách vở, khi vừa biết nói em đã khóc đòi bằng được cha mẹ phải cho đi học. Ông Ha Đu chiều con, xin cho K'Niêm học ở điểm trường tiểu học gần nhà. "Nó mê học, mê vẽ có hôm quên ăn quên ngủ. Từ ngày được đi học, nó cười suốt, vui tươi hẳn ra", ông Ha Đu chia sẻ.
Tạo hóa lấy đi của em đôi chân và chỉ ban cho em cái đầu lành lặn. Bàn tay thiếu ngón, mấy ngón tay cong queo làm K'Niêm không thể cầm nắm. Cơ thể khiếm khuyết, cùng những trở ngại do hoàn cảnh, có những lúc tưởng như K'Niêm phải dừng lại con đường đến trường của mình. Em tập cầm cây củi, nắm cho nhuần nhuyễn rồi tập viết trên nền nhà. Những nét viết nguệch ngoạc lâu dần tròn trĩnh, ngay ngắn hơn. Học hết bậc tiểu học, K'Niêm có nguy cơ phải dừng lại vì điểm trường THCS cách nhà hơn 3 cây số đường rừng núi. Vợ chồng ông Ha Đu suy nghĩ nát óc, càng nghĩ lại càng thương đứa con tội nghiệp. Biết chuyện không được đi học, K'Niêm khóc mấy ngày. Nó nằm lì trong nhà, đến bữa không dậy ăn cơm. Các thầy cô giáo cắm bản về tận nhà động viên, thuyết phục cha mẹ K'Niêm cho con đến trường. Ông Ha Đu bàn với vợ: "Hãy để cho con đi học, dù sao thì nó đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi".
K’Niêm (người ngồi trước) rất thích được đến trường vui chơi với các bạn. |
Cha của K'Niêm thương con không có chân, sau này lớn lên cũng không thể đi lên rẫy được. Chỉ còn cách cho con đi học lấy cái chữ. Sáng đưa con đến trường rồi chờ đón con về, mất trọn một buổi sáng lên nương của ông bà Ha Đu. Hội chữ thập đỏ huyện Đam Rông đã về tận trường tặng xe lăn cho K'Niêm, nhưng chiếc xe lăn chỉ có tác dụng một nửa đoạn đường. Còn một nửa là đường đá sỏi lởm chởm, suối và cầu, bố mẹ phải cõng đi bằng đôi chân trần.
Mỗi ngày đến trường, K'Niêm phải đi từ lúc 11 giờ. Buổi nào học sáng, em phải dậy từ lúc 4 giờ sáng chuẩn bị cặp vở để 5 giờ lên đường. Có hôm gặp trời mưa, nước lũ tràn về ngập cầu, mẹ con K'Niêm bị kẹt lại giữa đường, phải vào nhà người dân xin trú ẩn. Tối không thấy vợ con về, ông Ha Đu rọi đèn pin đi tìm. Đến suối gặp nước to không vượt được đành quay về. Vậy mà cả năm học K'Niêm chỉ nghỉ có vài ngày do mưa lớn ngập cầu.
K'Niêm có năng khiếu hội họa thiên bẩm, em thích vẽ nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng. Ngoài ra, trong bức tranh của em còn có hình ảnh của những cánh rừng, những cây cầu, dòng suối và cả con đường đất đá mỗi ngày cha mẹ cõng đến trường. Ông Ha Đu cho biết: "Trí tưởng tượng của con chỉ có bấy nhiêu thôi. Tuổi thơ sống trên lưng cha mẹ, ăn khoai sắn mà lớn lên. Sau này chỉ mong con được vào trung tâm khuyết tật học nghề chứ con không thể làm rẫy được".
7 năm đến trường trên lưng cha mẹ, K'Niêm càng cần mẫn học tập, thành tích của em đáng để tự hào. Ước mơ duy nhất của K'Niêm là được đến trường. Được học tập và được gặp bạn bè. Thầy cô giáo và các bạn trong trường THCS Liêng Trang luôn dành cho K'Niêm một tình cảm đặc biệt.
Có một thực trạng nhức nhối về giáo dục ở Đầm Ròn là tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt. Cha mẹ chúng bao năm bám vào rừng để sống, đổ mồ hôi xuống rừng mà tồn tại. Họ không có sự lựa chọn cách mưu sinh cho mình. Nhưng mấy năm nay, "nguồn sống" ở Đầm Ròn bị tận diệt, vào rừng chỉ thấy đất trọc lóc và những gốc cây cổ thụ khô mục, không có gì ăn, người ta lũ lượt bỏ xứ đi làm thuê. Con cái không có ai chăm nom, đốc thúc, rủ nhau bỏ học đi mót lúa, mót ngô, sắn. Còn cô bé K'Niêm vẫn ham học lắm, trong khi cuộc sống gia đình mỗi ngày nghèo đi. Các con không ngừng lớn, lúa ngô làm một vụ không đủ ăn, ông Ha Đu không dám hứa sẽ cho K'Niêm học đến khi nào?