Họa sĩ Đặng Trí Đức:

Chìa khóa thành công là sự khác biệt

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:00
Chúng tôi gặp họa sĩ Đặng Trí Đức ngay sau khi buổi diễn của Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (lần thứ III) vừa kết thúc. Dù chưa thật sự thoát ra được khỏi nhân vật, bởi với anh mỗi lần lên sân khấu đều như rút hết sức lực của mình, nhưng họa sĩ Đặng Trí Đức đã dành cho báo chí sự chia sẻ khá thoải mái.

Tiếng thét đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của người họa sĩ câm khi chứng kiến cái chết của người vợ yêu quý của mình trong vở kịch "Cát trắng như gạo" đã khiến những khán giả có mặt tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ bật dậy và vỗ tay rào rào.

Sau chi tiết kết thúc vở diễn ấy, nhiều khán giả đã nán lại để lên sân khấu tặng hoa, chụp ảnh và nhìn thật gần chân dung người nghệ sĩ đã hóa thân một cách xuất sắc vào vai người họa sĩ tài hoa, chung tình ấy. Và khán giả Thủ đô đã thật sự bất ngờ khi biết rằng, đó chính là họa sĩ vẽ tranh cát Đặng Trí Đức, người mới lần thứ 2 đứng trên sân khấu kịch với vai trò diễn viên...

1.Chúng tôi gặp họa sĩ Đặng Trí Đức ngay sau khi buổi diễn của Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (lần thứ III) vừa kết thúc. Dù chưa thật sự thoát ra được khỏi nhân vật, bởi với anh mỗi lần lên sân khấu đều như rút hết sức lực của mình, nhưng họa sĩ Đặng Trí Đức đã dành cho báo chí sự chia sẻ khá thoải mái.

Có lẽ, trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu lần này, vai diễn của Trí Đức trong "Cát trắng như gạo" là một vai diễn đặc biệt. Đặc biệt bởi nhân vật của anh là một họa sĩ câm,  chỉ bộc lộ thái độ, tình cảm thông qua hành động, cử chỉ, Nhưng diễn xuất tinh tế của Trí Đức khiến khán giả cảm nhận một cách sâu sắc và trọn vẹn những cảm xúc, trạng thái của nhân vật. Anh đã khiến người xem cảm động trước một họa sĩ câm vừa cá tính, khảng khái vừa cô đơn, chung tình. Một điều nữa khiến "Cát trắng như gạo" ấn tượng sâu đậm với khán giả Thủ đô chính vì sự kết hợp độc đáo giữa tranh cát và sân khấu. Và tác giả của những tác phẩm tranh cát ấy không ai khác chính là Trí Đức.

Là họa sĩ, nhưng Trí Đức còn được trời phú cho một ngoại hình điển trai và khuôn mặt biểu cảm khá "xi nê". Anh tâm sự, với vai Minh lần này là lần thứ 2 anh đứng trên sân khấu kịch nói với vai trò diễn viên. Trước đó, anh ''bị'' tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh và đạo diễn Xuân Hồng "bắt cóc" vào vở "Âm binh". Ban đầu Trí Đức được mời với tư cách họa sĩ phụ trách đạo cụ. Thế nhưng, cuối cùng Trí Đức lại lên sân khấu với vai gốc phi lao già trên cát.

Gần 2 tiếng đồng hồ ngồi trên sân khấu, không lời thoại không di chuyển, không hành động sân khấu nhưng gốc phi lao già trên cát thu hút hoàn toàn sự chú ý của khán giả. Chưa kể, bức maket sân khấu động bằng tranh cát của anh trở thành một sáng tạo quan trọng nhất của tác phẩm và cũng là điều khiến khán giả nhớ nhất. "Âm binh" thành công vang dội và vai gốc phi lao già của "kẻ ngoại đạo" ấy đã nhận được ngay Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012.

Trí Đức tâm sự: "Sự thành công của "Âm binh" vô tình đã tạo thành sức ép không chỉ với riêng anh Nguyễn Quang Vinh, người được đặt hàng sáng tác cho liên hoan lần này mà cho cả ê kíp. Tuy nhiên, mọi người đều đồng lòng, nếu không làm được hay hơn thì sẽ làm cho tác phẩm khác biệt. Chiếc chìa khóa lớn nhất mà ê kíp quyết tâm theo đuổi là chinh phục cảm xúc khán giả".

Họa sĩ Trí Đức vai Minh trong “Cát trắng như gạo”.

Khác với "Âm binh" (Trí Đức bị tóm lên sân khấu tình cờ) lần này "Cát trắng như gạo" được ví như tác phẩm "đo ni đóng giày" cho cặp đôi Trí Đức - Hoàng Yến. "3 tháng tập trên sân khấu với lịch tập kín các ngày trong tuần, hầu như mỗi ngày đều tập từ sáng đến 1- 2 giờ đêm. Có ngày tập tới 20 tiếng. Để có được bản diễn cuối cùng, cả ê kíp đã có những sự thay đổi về kịch bản tới cả trăm lần để tìm ra được cái tối ưu nhất. Thậm chí, trong đêm cuối cùng để sáng mai chính thức biểu diễn tại Liên hoan thì vở diễn tiếp tục được thay đổi.

Khi vở diễn ra mắt lần đầu tiên, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc kết cấu vở diễn không theo mô típ thông thường, tính logic vở diễn chưa cao… Tuy nhiên, một điều không ai có thể phủ nhận được là vở diễn đã tác động vào cảm xúc của người xem một cách sâu sắc" - họa sĩ Trí Đức chia sẻ thêm. Và thật may mắn, dù chỉ định tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhưng trước đó, vở diễn đã có cơ hội đo hiệu ứng khán giả tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra đầu tháng 7 tại Thanh Hóa.

Nói về những tháng ngày căng mình tập vở, Trí Đức hóm hỉnh: "Sự sáng tạo không ngừng trong quá trình tham gia vở diễn đã mang lại cho mình quá nhiều cảm xúc thú vị. Chắc chắn không có lần thứ 2. Với một người tay ngang như mình, được trải nghiệm ở một sân chơi mới luôn mang đến những sự hứng thú đặc biệt. Không chỉ có cơ hội được nhiều người biết tới mà thực sự là một lần vượt lên chính mình. Vì thế, bản thân mình chưa bao giờ đặt nặng chuyện huy chương hay giải thưởng. Lâu nay cũng vậy, chưa bao giờ mình làm nghệ thuật vì điều ấy. Với mình, nghệ thuật là một nghề và nó sẽ theo mình đến suốt đời".

Trí Đức luôn có cách nói hài hước về công việc của mình khiến người khác phải phì cười, ví như anh nói: "Sở dĩ các vai của anh "bị" đạo diễn không cho... nói bởi anh không phải diễn viên chuyên nghiệp, khả năng thuộc thoại cũng như đài từ hạn chế…". Nhưng với những gì Trí Đức thể hiện trên sân khấu, khán giả hiểu, chưa khi nào anh làm nghệ thuật một cách, khơi khơi hời hợt cả. Ví dụ, để diễn cho ra cái dáng cô độc, u buồn của một họa sĩ câm không hề đơn giản, dù anh cho rằng "nhờ mình có biết đôi chút về kịch câm nên nhập vai dễ hơn".

2.Là diễn viên "trẻ" trên sân khấu nhưng Trí Đức lại là tên tuổi nổi tiếng ở lĩnh vực tranh cát. Người ta gọi anh là "phù thủy tranh cát", là "người đi tiên phong trong nghệ thuật tranh cát của Việt Nam"… còn anh lại nhiều lần tự nhận mình là "thợ đụng" (tức là đụng đâu làm đó - TG). Họa sĩ Trí Đức kể lại, năm 2008, tình cờ xem một video clip trên Youtube quay phần trình diễn của một họa sĩ kiêm đạo diễn phim hoạt hình người Hunggary. Những biến hóa kỳ ảo của những hạt cát dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã ngay lập tức đánh gục Trí Đức.

Anh xem đi xem lại và quyết tâm mình cũng phải làm được. Không người hướng dẫn, anh tự mày mò nghiên cứu thử nghiệm từ dụng cụ, bàn vẽ cho tới chất liệu của cát để rồi sau nhiều ngày đã tìm ra được phương án tối ưu nhất. Giờ đây, nhìn bàn tay anh nhẹ nhàng lướt trên mặt kính để tạo ra biết bao khung cảnh kỳ thú, ít ai biết rằng, để có được kết quả đó là quãng thời gian dài tập luyện mỗi ngày cả chục giờ đồng hồ. Là những ngày thường xuyên chân tay mỏi nhừ, mắt mờ vì bụi cát.

Để có 5 phút tranh cát trên màn hình thì trước đó người nghệ sĩ đã phải vẽ thuần thục tới 30 lần. Có những tiết mục dài hơi, 15 - 20 phút thì thời gian tập luyện còn dài hơn nữa đã khiến móng tay của anh bị mòn, mỏng đi. Sự khổ luyện, tình yêu và niềm đam mê với cát của Trí Đức đã được trả công xứng đáng bằng những lời mời biểu diễn tại những sự kiện quan trọng trong và ngoài nước như chương trình "Duyên dáng Việt Nam", "Hoa hậu Việt Nam", tiết mục biểu diễn về Nữ hoàng Anh Elizabeth II…

Mỗi lần xuất hiện, Trí Đức luôn chứng minh cho người xem thấy đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo tuyệt vời. Qua đôi tay uyển chuyển, khéo léo của người nghệ sĩ, những hạt cát vô hồn như biến ảo thành câu chuyện mang đến người xem những cảm xúc ngạc nhiên, thích thú…

Tốt nghiệp ngành tranh lụa Trường Đại học Mỹ thuật, mơ ước trở thành đạo diễn, đang là họa sĩ vẽ tranh minh họa cho nhà xuất bản, là nghệ sĩ múa rối… Trí Đức bỏ tất cả để toàn tâm, toàn ý với cát. Bởi với anh, biểu diễn tranh cát động là một sân chơi mà người nghệ sĩ vừa là đạo diễn vừa là người dàn dựng, không nệ thuộc vào ai. Người vẽ tranh cát vừa phải xây dựng ý tưởng, sáng tạo kịch bản, lựa chọn và sắp xếp tổng thể âm nhạc, ánh sáng. Chính vì thế, cái tôi nghệ sĩ được tự do bay bổng và làm tất cả những gì mình muốn.

Không chỉ có vậy, đây còn là một loại hình nghệ thuật mới với khả năng ứng dụng rất cao. Có thể kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật để tạo ra hiệu ứng mới rất kỳ thú. Hơn nữa Trí Đức cũng thẳng thắn chia sẻ, tranh cát đang mang tới một thu nhập khá cao so với các loại hình nghệ thuật khác.

Trò chuyện với Trí Đức, thấy anh không tuyên ngôn hay nói những điều đao to búa lớn về nghề nghiệp. Anh chỉ thuộc nằm lòng câu nói của cha - một nghệ sĩ múa rối kỳ cựu - nhắn nhủ khi biết anh sẽ đi theo con đường nghệ thuật: "Nếu làm nghệ thuật, con phải thật sự xuất sắc". Gặng mãi Trí Đức về bí quyết thành công, anh chỉ khiêm tốn: "Làm nghệ thuật là công việc cực nhọc, thậm chí khổ luyện, nhưng cái mọi người cần là một kỹ năng giỏi để khi cơ hội đến sẽ nắm được ngay. Tôi là người vẽ tranh cát chuyên nghiệp chứ chưa phải là người giỏi nhất. Nếu những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này, tôi sẵn lòng chia sẻ".

Thảo Duyên
.
.