Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển:

Chìa khóa của thành công là sự đam mê học hỏi

Thứ Hai, 15/09/2014, 08:00
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển có 3 cái nổi trong giới nhiếp ảnh. Thứ nhất, ông có nhiều tác phẩm ấn tượng; thứ hai, là người thầy uy tín và có nhiều học trò thành danh; thứ ba, ông luôn là người đi tìm cách thể hiện mới trong nhiếp ảnh. Từ những buổi gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi nhận thấy ở ông một tâm hồn nghệ sĩ đầy cảm xúc cùng những trăn trở không nguôi về nghệ thuật.

- Thưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển, được biết, ông gắn bó với lực lượng Công an cho đến lúc nghỉ hưu. Hẳn môi trường công tác ít nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp nhiếp ảnh của ông?

- Tôi vào lực lượng Công an từ năm 1965, ở bộ phận cấp giấy chứng minh nhân dân của Công an Hà Nội, sau chuyển sang bộ phận tuyên truyền. Năm 1975, tôi được Bộ (lúc này gọi là Bộ Nội vụ) điều lên công tác tại Cục Công tác Chính trị, vừa chụp ảnh tuyên truyền vừa lo đào tạo nhiếp ảnh cho các đơn vị trong Bộ. Cùng thời gian ấy, do đã học hội họa nên tôi đảm nhiệm cả vẽ minh họa cho tờ tin nội bộ. Bất cứ công việc gì, chìa khóa của thành công là sự đam mê và chịu học, tôi cho là như vậy. Bởi nếu không có sự đam mê thì cho dù mọi điều kiện có thuận lợi, cuối cùng anh cũng chỉ là một người như bao người khác....

- Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh hôm nay từng trưởng thành từ "lò" đào tạo của ông. Đào tạo nghệ thuật để "đứng" được và học trò thành danh là rất khó. Ông có bí quyết gì?

+ Chẳng có bí quyết gì đâu. Mấy chục năm trước, do nhu cầu của đời sống, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội mở các lớp dạy về nhiếp ảnh và nhiều bộ môn nghệ thuật khác, tôi được mời giảng dạy, thế thôi. Sau này, với nhiều lý do, tôi mở lớp dạy nhiếp ảnh do tôi đứng ra chủ trì. Và nơi nào mời giảng dạy tôi cũng cố gắng mang vốn liếng kiến thức, thẩm mỹ mà mình tích lũy được giúp người đến với nhiếp ảnh hiểu hơn, say mê hơn…

- Ông là một trong số ít nghệ sĩ nhiếp ảnh phía Bắc sớm đến với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thời đại kỹ thuật số…

+ Cũng là do bản tính và phần nữa là do đặc tính của nhiếp ảnh, muốn có một bức ảnh thì bắt buộc anh phải có một chiếc máy ảnh để chụp. Để có một tấm ảnh tốt, chưa nói đến ảnh nghệ thuật thì một chiếc máy ảnh tốt là rất quan trọng và đi theo nó là nhiều phương tiện, phụ kiện cũng phải tiên tiến… Khi công nghệ số manh nha ở nước ta, tôi đã quan tâm và quyết tâm chinh phục, làm chủ được nó; đồng thời suy nghĩ làm sao phát huy tối đa các tính năng tiên tiến của kỹ thuật số trong hiệu quả nghệ thuật của nhiếp ảnh. Tôi tự mày mò, tự học hết.

- Vẫn biết nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển là người giỏi về kỹ xảo, photoshop để tạo nên nhiều tác phẩm ảnh đẹp, lạ, nghệ thuật… Nhưng giới nhiếp ảnh còn khâm phục ông ở chỗ, mặc dầu tuổi cao nhưng rất chịu khó tìm tòi, khám phá kỹ thuật tiên tiến phục vụ nhiếp ảnh. Ông có thấy thế không?

+ Còn nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, đặc biệt các bạn ở phía Nam tiếp cận sớm hơn và giỏi hơn tôi nhiều trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ bất kỳ ai say mê, khám phá những cái mới có tác dụng tốt cho xã hội, con người đều đáng trân trọng. Sự khám phá không giới hạn bởi khuôn khổ tuổi tác.

- Tác phẩm"Hồ Gươm" của Lại Hiển được giải Nhì Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội năm 2001, một nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh đã bình: "Bối cảnh trong ảnh Hồ Gươm được xử lý bằng kỹ thuật vi tính, chỉ còn lại trong ảnh là một không gian Hồ Gươm mờ nhẹ, phảng phất của màn sương. Đây cũng là ý đồ chính của tác giả nhằm tạo nên một không gian Hồ Gươm huyền ảo, giàu chất thơ, phù hợp với rung cảm của con người về Hồ Gươm... Tác giả với những cảm xúc tinh tế, lắng đọng đã giúp mỗi người khi chiêm ngưỡng ảnh tìm thấy được những suy nghĩ, cảm xúc của mình trong đó. Ở đây cái đẹp của ảnh đã quyện hòa với những suy tưởng, cảm xúc của con người để thăng hoa tâm hồn vốn đã ắp đầy chất lãng mạn...". Ông thấy lời bình ấy có đúng?

+ Phải nói rằng lời bình ấy như đọc được suy nghĩ của tôi. Nhân đây tôi cũng cho rằng nền nhiếp ảnh của Việt Nam rất cần xây dựng được một đội ngũ những nhà lý luận phê bình có tài và có tấm lòng. Chính họ sẽ góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của nhiếp ảnh.

- Nhiều năm nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển "đắm đuối" với sáng tạo nhiếp ảnh theo khuynh hướng ảnh ý tưởng. Liệu đó có phải là "theo thời thế" không?

+ Chưa bao giờ tôi có suy nghĩ ấy. Làm nghệ thuật, dù bất cứ nghệ thuật nào tôi nghĩ cũng cần biết ta đang ở đâu, đang như thế nào. Vả lại, nghệ thuật là sự luôn luôn vươn tới đỉnh cao, muốn vươn tới thì quá trình ấy phải có sự khám phá, thể nghiệm, và không bao giờ được tự hài lòng với chính mình. Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam đã có 145 tuổi đời. Nhiếp ảnh Việt Nam trong thế kỷ 20 được trải nghiệm qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đội ngũ nhiếp ảnh đã xung trận, ghi lại những thời khắc hào hùng của dân tộc. Những hình ảnh ghi được đã là nhân chứng lịch sử, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và để lại một kho tàng ảnh qúy giá. Nhiều bức ảnh vượt qua sự ghi chép cuộc sống, mang đậm tính nghệ thuật, trở thành tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trong nước và quốc tế.

Thành tựu của nhiếp ảnh trong những năm qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật hiện nay đang có chiều hướng "giậm chân tại chỗ" trong khai thác và sáng tạo. Qua nhiều cuộc triển lãm quốc gia và khu vực thấy rất rõ điều đó. Nhiều hình ảnh quen quen như trùng lặp của những năm trước đó, có chăng chỉ khác thời gian thể hiện mà thôi. Hiện trạng này nếu không có sự tư duy bứt phá thì khó có thể thay đổi.

- Vậy ông quan niệm về ảnh ý tưởng như thế nào?

+ Dòng ảnh ý tưởng là dòng ảnh mới xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2000. Thế giới đã có từ lâu rồi. Nó có khả năng phản ánh mọi góc cạnh của cuộc sống và có thể biến từ không thể thành có thể - điều mà nhiếp ảnh truyền thống thường bó tay. Ví như, người ta cắm hoa thật và hoa giả vào cùng trong một cái lọ, sau vài ngày, hoa thật thì héo, hoa giả vẫn rực rỡ - bức ảnh ấy đã phản ánh một hiện trạng xã hội. Một bức ảnh khác: Một người thợ nặn tò he, ông ta nặn ra các vua, quan trong triều đình và ông cắm các vua, quan lên trên giá khung tre trên đầu mình. Hình ảnh ý nói: người dân nặn bầu ra các quan, rồi các quan lại đứng trên đầu dân…- một triết lý thi vị

Đặc trưng của dòng ảnh này hầu hết mang tính ẩn dụ, giàu ngôn ngữ, đa nghĩa, đa cảm. Nó miêu tả được các suy nghĩ ngóc ngách của con người liên quan đến cuộc sống bản thân hay xã hội.

- Trong giới nhiếp ảnh, vấn đề này không đơn giản. Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít sự phản bác. Người ta cho rằng đã cầm máy chụp thì đương nhiên phải có ý tưởng rồi… Ông thấy thế nào?

+ Hiện nay, còn nhiều người quan niệm, tính hiện thực trong nhiếp ảnh chỉ có thể chụp trực tiếp những cái hiện hữu diễn ra trước mắt và coi đó là bản chất của nhiếp ảnh. Quan niệm này vô tình là sợi dây ràng buộc, làm hạn chế sự tư duy và sức sáng tạo của các nhà nhiếp ảnh. Tôi nghĩ, tính hiện thực trong nhiếp ảnh nó hàm chứa nghĩa rộng hơn, toàn diện, đầy đủ hơn. Phản ánh sự hiện hữu diễn ra hằng ngày thường dành cho ảnh thời sự, báo chí hay nghệ thuật đơn thuần. Chúng ta thừa nhận, loại ảnh ghi chép hằng ngày hiện nay có giá trị mang tính thời sự, nó nằm trong dòng ảnh truyền thống, thường ghi lại những khoảnh khắc diễn ra hằng ngày và mang tính viết sử bằng ảnh, phản ánh sống động cuộc sống theo thời gian, nó là dòng ảnh chủ lưu của nhiếp ảnh hiện nay và sau này. Phạm trù ảnh nghệ thuật với đặc trưng bản chất của nghệ thuật không phải chỉ có như vậy. Nó có thể phản ánh cả sự hiện hữu và phản ánh được cả bản chất cuộc sống, nơi góc khuất của thế giới nội tâm. Thế giới nội tâm, nói cụ thể hơn là cốt cách, tinh thần con người. Nó là mạch sống ngầm, một chủ thể then chốt của cuộc sống. Và nó chi phối, quyết định mọi hành vi hoạt động trong xã hội hiện hữu. Với tinh thần đó, chức năng của nhiếp ảnh phải được khai thác, tìm tòi, mở rộng, nâng tầm… nhằm nói được đầy đủ diện mạo cuộc sống muôn màu.

Nhiếp ảnh ngày nay, được sự hỗ trợ về công nghệ tin học, có nhiều phần mềm tiện ích giúp cho các nhiếp ảnh gia thỏa mãn tư duy sáng tạo nghệ thuật, khai thác triệt để mọi hoạt động của con người xã hội ở cả hai dòng ảnh truyền thống và ý tưởng, tôi nghĩ đấy là hướng đi của nhiếp ảnh.

- Có những khám phá mang lại hiệu quả và hiệu ứng xã hội lớn lao, và ngược lại…. Câu hỏi cuối, ông sẽ đi tới cùng với những quan niệm của mình trong nghệ thuật nhiếp ảnh?

+ Vâng. Chắc chắn thế. Ảnh ý tưởng, truyền tải đến người xem những thông điệp, những cảm xúc, những suy ngẫm, liên tưởng đến cuộc sống hiện tại, tương lai, đi xa hơn nữa là những ý tưởng về quá khứ, hiện tại, tương lai cùng đồng hiện trong một tác phẩm ảnh. Vì sáng tạo nghệ thuật là bản chất tinh thần cuộc sống nên nghệ thuật luôn luôn là những đỉnh cao mà sự sáng tạo của con người vươn tới. Chính thế, nghệ thuật phải được khám phá, khai thác và vươn đến tầm cao hơn, xa hơn, phiêu linh, lãng mạn hơn.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển

Cao Minh (thực hiện)
.
.