Chị em

Thứ Hai, 16/04/2018, 08:12
Chị tôi một cô gái người Tày làng Bản Đà chính hiệu. Chị lấy chồng dằng dặc miền Trung xứ Quảng nắng gió với những giọng hò mặn mòi tôm cá. Ngày chị cưới anh Tú, tôi còn ở mãi chiến trường B2, nên chẳng biết gì...

Vừa đặt chân vào đến nhà, chưa kịp tháo giày ra khỏi chân, bà xã liền giục tôi gọi điện ngay cho người chị nuôi. A lố! Chị Khoan à, bọn em đã tới Hà Nội rồi. Thế hả, chị chỉ lo sức khỏe cho mợ thôi. Mợ đang ốm, đã khỏi hẳn đâu, đêm qua còn dậy mấy lần để uống thuốc. Cậu thật quá đáng. Ở chơi với chị chưa được một ngày trọn vẹn, vội vội vàng vàng đòi về. Cứ làm như gạch đá xi măng rủ nhau trốn tiệt. Biết bao chuyện chị em tôi còn chưa kể hết. 

Bà xã tôi ngồi mềm nhừ ra như miếng thịt đông, mặt dài như quả mướp. Khiếp thế, đàn bà con gái hễ cứ xa nhau một tý là người chảy dài như sáp. Ngủ với chị có một đêm, mà tình cảm đã chảy tràn trề ra mặt. Không biết họ đã tâm sự với nhau được những gì. Gần như suốt đêm, họ rầm rì thì thào giọng vịt đực. Lâu lâu tôi lại nghe tiếng lào khào khúc khích vọng ra cửa buồng.

Chị tôi một cô gái người Tày làng Bản Đà chính hiệu. Chị lấy chồng dằng dặc miền Trung xứ Quảng nắng gió với những giọng hò mặn mòi tôm cá. Ngày chị cưới anh Tú, tôi còn ở mãi chiến trường B2, nên chẳng biết gì. Ngày chị sinh thằng Phước, tôi lại đang đi học. Mấy chục năm biệt tăm, hôm nọ chị em tôi tình cờ gặp lại trên quê hương Trùng Khánh. Thế rồi, chuyện chị chị em em nóng ran như lửa đốt đồi cỏ gianh, lênh láng như trăng nước sông Bằng. Chúng tôi hăng hái kể cho nhau nghe hiện tình của mỗi người. Con cái nhà cửa ra sao. Công việc lương lậu có đủ ăn không.

Chân thì đứng trên đất quê hương, mà sao sau lưng tôi thấy nhồn nhột buồn như kiến bò. Cứ nghĩ đến ngày mai kia, chị em mình lại phải lên xe, rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, trở về cái gọi là nhà mình. Nhà mình tự dưng dính vào một xứ sở xa xôi lạ lẫm chả có ai quen. Ngoảnh lại nhìn không thấy bóng dáng núi non, sông suối nơi quê hương. Không thấy bóng dáng người anh em ruột thịt. Ngày ngày không biết nói tiếng Tày cùng ai. Vậy nên, nước mắt chỉ lan chảy dưới làn da mặt. Nước mắt không sao thoát nổi ra ngoài. Nước mắt ngấm qua từng chân tóc, qua từng lỗ chân lông. Làm cho chúng khô giòn như nướng. 

Nhân chuyến đi công chuyện ở miền Nam, vợ chồng tôi quyết định ở lại Đà Nẵng thăm chị, nhân thể làm một tua du lịch phố cổ Hội An, Chùa Tàu cho biết. Tưởng nó thế nào, hóa ra chẳng khác phố chợ Co Xàu là mấy. Cũng nhà lợp ngói máng. Cũng cột gỗ tròn đen sì. Cũng cửa bằng phản gỗ dày hàng phân. Cũng phố xá vắng lặng đến mủn cả con người.

Chị ngồi ngay trước mặt, chăm chú nhìn vào tôi, như nuốt lấy từng lời. Tay phải chị cầm quạt, tay trái cầm khăn lau từng giọt mồ hôi trên mặt, trên trán cho tôi. Thấy ngượng quá, nhưng tôi vẫn cứ đành lòng ngồi yên cho chị quạt mát.

Ngần này tuổi rồi, đã trải qua không biết bao nhiêu cay đắng, sương gió, đạn bom. Nay đã lên chức ông nội bà ngoại, tôi vẫn bị chị gái coi như hồi nào còn nhảy tưng tưng trên lưng. Vợ tôi cứ lủm nhủm cười mà rằng này bá ơi, nhà em đã thay mấy lần móng cựa rồi đấy ạ. Làn da anh ấy cũ đến nỗi muỗi không thèm đốt. Sao chị còn… Mặc xác mợ! Với chị, cậu vẫn còn trẻ con. Ha ha ha đúng không nào. Cầm lấy khăn mà đi rửa cái bản mặt cho nó sạch. Gớm! Râu với ria trông đến phát khiếp.

Chị kể mãi, cái lần chị cõng tôi ngã xuống mương nước. À, chị nhớ ra rồi. Cái nhà mình hồi ấy ở dưới chân núi Bo Chu. Trông nó như một chú tiểu đồng. Chú đứng khoanh tay bên một ông già tóc râu bạc phơ. Có con mương chảy qua sau lưng nhà trườn đi như con trăn gió. Mương nước chảy êm đềm không một tiếng kêu, như giọt sương chảy trên lá mon.

Về đêm, con mương nước óng ánh trăng bạc. Trăng chảy mượt như nhung như lụa. Nhưng khi nhúng ngón tay xuống là làm trăng vỡ. Ta đưa ngón tay lên mút, thấy trăng mát và ngọt trên đầu lưỡi. Còn con mương nước lừ lừ trườn đi không nghỉ. Thỉnh thoảng thấy vài con chuồn chuồn đỏ tươi như ớt. Cả ngày chuồn chuồn chả biết làm gì, chỉ mỗi việc đạp nước chơi chơi. Vậy mà nó cũng tỏ ra bận rộn chăm chỉ, đầy tinh thần trách nhiệm.

Quê hương tươi rói hiện lên nét mặt người kể. Chiếu đến góc nào  cũng thấy người chị tôi rơn rớn xanh. Một màu xanh cỏ cây, sông suối, núi non hiền hòa. Một màu xanh non tơ tận tụy. Một màu xanh chịu đựng và gắng gỏi. Quê hương phập phồng lên hơi thở. Thở càng sâu, quê hương càng xa.

Chị nói mỗi khi nhớ nhà, lại cầm chiếc làn trúc lung lay ra chợ Cồn. Khi đến nơi, chị sực nhớ mình quên ví ở nhà, chẳng mang theo đồng tiền nào. Người ta mời mở hàng, chị nhay nhay chạy như có ma cà rồng đang đuổi.

Quê hương lại cười trên gương mặt người kể. Chiếu đến góc nào cũng thấy người chị tôi trắng sáng như gương. Trắng sáng này là tia nắng non chiếu lên người chị. Bọn trẻ bây giờ nói đấy là nắng tuổi teen. Nắng tuổi teen đang lơ là đậu xuống bờ vai mái tóc. Ánh sáng viền lên tóc lên bờ vai chị. Ánh sáng ấy làm chị tôi trẻ lại hàng chục tuổi. Trông chị tôi xinh đẹp như hồi còn để tóc đuôi gà. Tóc đuôi gà vắt vẻo trên cành hoa mận đỏ. Hoa mận đỏ mà người quê tôi gọi là mận có máu.

Thế đấy. Cái tình người ở miền núi sao nó thắm thiết, sâu sắc đến cỏ cây cũng hôi hổi ấm tình người. Ở miền núi nhiều năm mới hiểu, thiếu vắng người sẽ như thế nào. Ở miền núi nhiều đời mới hiểu hai chữ đang đeo. Đang đeo nghĩa là tôi đói người. Tôi khô khát vì người. Kiếm đâu ra thật nhiều người cho tôi vui với. Cho nhà tôi vui với. Cho làng tôi vui với. Cho mường tôi tự hào vì có đông người. Có đông người là từ nay không còn biết sợ. Không còn phải nhắm mắt bịt tai khi sấm rền chớp giật. Không còn phải run lên, đang đêm hổ báo tìm về lôi trâu vác lợn. Không sợ kẻ gian mò vào buồng bắt trộm con gái, rồi chúng hằm hè vác nhau lên núi. Có đông người sẽ không còn biết sợ là gì nữa. Nỗi sợ vì thiếu vắng người đã hằn lên một nét tính cách sâu đậm của người miền núi.

Tiễn vợ chồng tôi lên xe ra sân bay, chị tôi tươi cười. Tươi cười thật sự. Nhưng nhìn kỹ thì thấy ở đuôi con mắt của người đàn bà ngoài tuổi bảy mươi lấp ló hai giọt nước. Hai giọt nước trong vắt, từ từ lăn xuống cằm, trông như hai hạt ngọc. 
Y Phương
.
.