Nhà viết kịch Phạm Văn Quý:

Chỉ có thể là yêu

Thứ Hai, 05/10/2015, 08:00
Năm 2009, khi giải thưởng "Bùi Xuân Phái -  vì tình yêu Hà Nội" được trao cho nhà viết kịch Phạm Văn Quý với hơn 10 tác phẩm viết về Hà Nội, đã không ít người bất ngờ. Tên tuổi ông khi ấy vẫn còn khá lạ lẫm với giới truyền thông dù ông đã là tác giả của nhiều vở diễn nổi tiếng trên sân khấu cả nước…

Bẵng đi một thời gian, thấy ông ít xuất hiện trên báo chí, cứ ngỡ sau một loạt giải thưởng, ông cho mình quyền được nghỉ ngơi nhưng hóa ra không phải. Ngoài 70 tuổi, nhà viết kịch Phạm Văn Quý vẫn chưa từng dừng tay bút. Một loạt các vở diễn vẫn đều đặn ra mắt khán giả. Gần đây nhất, vở kịch "Những người con Hà Nội" của ông đã giành giải xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô, giải nhì kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và giải A cho vở diễn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam...

Giờ đây, cái tên Phạm Văn Quý đã trở nên thân quen trong giới sân khấu nhưng chưa bao giờ là cái tên "hot" trên báo chí. Đùa với ông rằng, xét về độ nổi tiếng thì những vở kịch của ông như "Phương thuốc thần kỳ"; "Người thi hành án tử"; "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long"… đã vượt xa so với tên tuổi của cha đẻ ra chúng. Điều ấy có khiến ông chạnh lòng không?

Ông chân thành: "Tôi luôn quan niệm, với người sáng tạo, tác phẩm mới quan trọng, nên nếu vở kịch của tôi được mọi người nhớ đến thì đó là hạnh phúc vô bờ. Ngay từ khi cầm bút tôi đã theo phương châm "hữu xạ tự nhiên hương", mình cứ lặng lẽ viết thôi. Tôi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái cũng "nhờ" phát hiện của báo chí đấy chứ".

Có lẽ vì thế, Phạm Văn Quý chưa bao giờ là người của đám đông. Ngoài những khi đến các đoàn dựng vở, phần lớn thời gian ông ở trong căn phòng nhỏ có cửa sổ nhìn ra hồ Trúc Bạch của mình. Nơi đó có chiếc bàn viết gắn bó như tri kỷ, có ấm trà ấm nóng và chiếc gạt tàn luôn đầy ắp tàn thuốc. Từ căn phòng ấy, ông nhìn thấy Hà Nội yêu thương đang thay đổi từng ngày, cảm nhận được nhịp sống Thủ đô với đầy những va chạm của đời sống. Và từ đó, hàng trăm tác phẩm dù là mang đề tài lịch sử hay hiện đại nhưng luôn nóng hổi tính thời sự, ăm ắp những nỗi niềm của đời sống ra đời.

Với nhà viết kịch Phạm Văn Quý "viết không chỉ để săn lùng giải thưởng" nhưng sự thật là ông khá "mát tay", nhiều kịch bản của ông nhận được những giải thưởng cao từ các cuộc thi sáng tác đến Liên hoan sân khấu. Gần đây nhất, kịch bản "Những người con Hà Nội" của ông do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng đã giành được nhiều giải thưởng.

Chuyện tác phẩm được giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cũng hết sức tình cờ. Hôm tôi mang kịch bản này đi phôtô để đưa cho Nhà xuất bản Sân khấu in thành sách thì vô tình gặp anh Lê Tiến Thọ. Anh Tiến Thọ bèn "xui" tôi gửi dự thi ngay vì nghe nói sắp hết hạn rồi. Tôi nghĩ tiện đây thì tham gia cho vui, không ngờ mấy tháng sau công bố kịch bản của tôi được giải nhì. Lúc đấy tôi cũng mới xem giá trị giải thưởng thì hóa ra giải thưởng khá lớn (60 triệu đồng - PV)'', nhà viết kịch Phạm Văn Quý chia sẻ.

Lý giải về việc ông được đánh giá là tác giả có nhiều kịch bản sân khấu về Hà Nội nhất hiện nay, Phạm Văn Quý chân thành: "Tôi yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống phần lớn cuộc đời mình ở đó là Hà Nội. Tôi có thể tự hào rằng mình hiểu Hà Nội đến từng chân tơ kẽ tóc để rồi chạm vào từng gốc cây ngõ phố của Hà Nội tôi cũng thấy lịch sử.

Với tôi, bắt tay viết về Hà Nội như chạm vào kho tư liệu đầy ắp trong mình. Như chỉ cần có cớ là nguồn tư liệu ấy chảy tràn ra. Thói quen tư duy nhanh cộng với vốn tư liệu nhiều khiến tôi viết rất nhanh. Vở đầu tiên tôi viết về Hà Nội là "Thái tổ Lý Công Uẩn" được Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) dàn dựng, đã được Huy chương vàng tại Hội diễn năm 2004. Đến năm 2010, tôi đã có hơn 10 vở về Hà Nội, trong đó 2/3 số vở kịch đó có đề tài là Hà Nội cổ, còn lại 1/3 là đề tài Hà Nội cận, hiện đại".

Phạm Văn Quý được đồng nghiệp quý mến gọi bằng nhiều biệt danh đáng yêu. Nào là "lính cứu hỏa" vì những nơi nào cần kịch bản gấp, cần ông "chữa cháy" là gọi cho ông; là "người săn giải thưởng" vì cứ dự thi là được giải và gần đây ông được nhà văn Chu Lai suy tôn là "ông vua đặt hàng". Nhiều năm nay, Phạm Văn Quý là một trong số hiếm hoi những nhà viết kịch phía Bắc luôn đắt sô ở sân khấu phía Nam. Đúng hẹn và sòng phẳng là điều các đối tác hài lòng khi làm việc cùng ông. Nhưng với ông, dù viết đặt hàng hay tự do, dù viết từ những thôi thúc của nội tâm hay để trang trải đời sống mưu sinh khi xưa, mỗi khi đối diện với trang giấy ông chưa bao giờ cho phép mình làm việc qua quýt, hời hợt. Mỗi nhân vật, mỗi cảnh huống phải luôn là những điều ông trăn trở, canh cánh bên lòng.

Ông kể, năm 2014, Đoàn cải lương Thanh Hóa đặt ông viết vở diễn nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên. Một tuần đi mua sách để đọc lấy tư liệu rồi ra được kịch bản đề cương. Đến khi bắt tay vào viết kịch bản chi tiết thì vì thao tác máy tính sai (ông tự nhận mình rất kém về công nghệ) khiến cho 30 trang đánh máy trước đó mất hết. Hạn nộp sắp đến, ông lại hì hục viết lại từ đầu. Đến giờ, ông vẫn giữ thói quen viết tay, sau đó thuê người đánh máy.

"Viết xong, ngồi đọc lại kịch bản "Bản hùng ca sáng chói" tôi chảy nước mắt vì xúc động. Cứ nghĩ chắc mình tuổi già, dễ xúc động chăng nhưng đến khi nhìn thấy bạn đánh máy cũng vừa đánh vừa khóc, tôi mừng quá vì hóa ra không phải vậy" - Phạm Văn Quý hóm hỉnh.

Một điều mà Phạm Văn Quý luôn tự hào là tác phẩm của ông không chỉ nhận giải thưởng rồi để đấy mà hầu hết đều được dàn dựng và đi vào đời sống. Thậm chí, năm 2009, có tới 5 kịch bản của ông tham gia các hội diễn sân khấu toàn quốc. Tại Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ nhất, Phạm Văn Quý tham gia 2 vở, trong đó "Người thi hành án tử" do Đoàn ca kịch Nghệ An dàn dựng đã nhận được một trong 2 Huy chương vàng của Liên hoan.

Một cảnh trong vở “Những người con Hà Nội” của tác giả Phạm Văn Quý do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng.

Và lần thứ 2 năm 2015 vừa qua, ông vẫn tiếp tục phong độ với 2 vở diễn "Cuộc chiến không khoan nhượng" (Nhà hát kịch Thanh Hóa) và "Nguồn sáng phía chân trời" (Đoàn cải lương Hoa Mai - Hà Nội). Chia sẻ về hình ảnh người Công an trên sân khấu, ông cho rằng "Trong giai đoạn hiện nay, cùng với người lính, hình ảnh người Công an đang là những hình mẫu rất cần được xây dựng, phản ánh đậm nét. Đặc biệt, tình thế đất nước, tình thế xã hội làm nổi bật lên hình ảnh người chiến sĩ Công an. Ngay từ kịch bản đầu tiên viết về lực lượng Công an, tôi đã luôn tâm niệm viết về họ với những nhiệm vụ đích thực và những lý tưởng chân chính nhất".

Ông nhớ lại cách đây vài năm khi nhận lời viết cho sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh, ông khá loay hoay trong vô vàn những nhiệm vụ mà người chiến sĩ Công an phải đảm nhiệm. Tình cờ một lần, chứng kiến những người chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ thực thi pháp luật với những kẻ gây tội ác, ông đã quyết định bắt tay vào viết "Người thi hành án tử". Đến nay kịch bản này đã được gần 10 sân khấu dựng lại với đủ loại hình nghệ thuật từ kịch nói, cải lương tới dân ca…

Vở diễn đã được NSND Đình Quang đánh giá "mang tính nhân văn rất cao". Viết về Công an, Phạm Văn Quý không hô hào, đao to búa lớn hay đi quá sâu vào nghiệp vụ của ngành, ông luôn nhìn ở góc độ con người, sự cảm hóa tội ác chính bằng lương tâm, chính nghĩa ở người chiến sĩ Công an. "Tôi luôn cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật phải khơi gợi được cái đẹp, cái lương thiện trong mỗi con người. Từ đó xua đi cái xấu, cái tiêu cực mà con người mắc phải. Dù viết đề tài gì nhưng cứ rời tính nhân văn là "hỏng".

Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, nhà viết kịch Phạm Văn Quý chân tình: "Đã từ lâu rồi tôi không viết vì giải thưởng, vì hãnh diện mà vì cái nghiệp, cái tâm và trách nhiệm xã hội của một người cầm bút. Viết vì những đau đáu hiện hữu trong lòng. Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là đạo đức, cốt cách của con người trong giai đoạn mới. Rõ ràng gần đây, đạo đức con người đang có những thay đổi, những suy thoái đáng báo động".

Từng là bộ đội, thầy giáo rồi doanh nhân, nhưng nhà viết kịch Phạm Văn Quý luôn thừa nhận sẽ chẳng là mình nếu không viết, không gắn mình với sân khấu. Chính sân khấu đã cứu gia đình ông khỏi cơn bĩ cực, mang lại cho ông danh tiếng nhưng hơn tất cả là nơi ông có thể gửi gắm, trút vào đó mọi nỗi niềm trăn trở và cả những mong ước hy vọng. Nên với ông viết lúc nào cũng rút ruột như kiếp con tằm nhả tơ cho đời.

Thảo Duyên
.
.