Chất liệu văn học dân tộc trong nghệ thuật múa
- 8 nhiếp ảnh gia Pháp -Việt chia sẻ góc nhìn về nghệ thuật múa
- GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: Một đời bền bỉ với nghệ thuật múa dân tộc
- Ấn tượng nghệ thuật múa Khmer
Sự thành công của chương trình ca múa nhạc "Mỵ" (lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài) của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 (đợt 1) tổ chức tại Cao Bằng hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua được nhiều công chúng yêu nghệ thuật quan tâm. Chất liệu văn học đang được đánh giá là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa.
"Khơi nguồn" sáng tạo từ những tác phẩm văn học
Chương trình ca múa nhạc "Mỵ" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tạo được dấu ấn mạnh mẽ tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Chương trình xuất sắc giành giải "Chương trình Ấn tượng" và nghệ sỹ Tuyết Minh, Tổng đạo diễn chương trình giành giải "Biên đạo xuất sắc" tại Liên hoan.
Xuyên suốt chương trình là câu chuyện được chuyển thể từ tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ". Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những nét văn hóa đặc sắc nhất trong văn hóa người Mông như trò chơi dân gian, điệu múa, tiếng khèn, chợ tình… được tái hiện đầy sinh động trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp.
Một cảnh trong chương trình "Mỵ" của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018. |
Tác phẩm gồm 12 tiết mục, đan xen cả hát, múa nhưng có chủ đề xuyên suốt. Nét hấp dẫn ở "Mỵ" thể hiện ở chỗ, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Những động tác múa dân gian dân tộc Mông được kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây trong không gian nghệ thuật sáng tạo. Âm nhạc trong chương trình do nhạc sĩ Minh Đạo và Lê Minh Sơn đảm nhận.
Trên chất liệu âm nhạc truyền thống, các nhạc sĩ đã sáng tác thêm một số ca khúc mới hoặc thể hiện ca khúc theo phong cách Acapella, dùng các dụng cụ trong đời sống hằng ngày như dao, thớt… để thể hiện nhịp sống sôi động ở vùng cao. Tất cả đã tạo nên một "bữa tiệc" âm nhạc hoàn chỉnh, hài hòa giữa chất liệu dân gian truyền thống và hiện đại, gây hứng thú cho người xem.
Được biết, "Mỵ" ra đời là tâm huyết của Biên đạo múa Tuyết Minh với vai trò Tổng đạo diễn cùng ekip trong suốt 5 tháng lao động nghệ thuật nghiêm túc. Chia sẻ với báo giới, nghệ sỹ Tuyết Minh nói rằng, "chúng tôi muốn khán giả cảm nhận được đây không chỉ là chương trình biểu diễn mà còn là một sản phẩm nghệ thuật đẹp. Từng chi tiết của vở đều được cân nhắc kỹ từ cách phối màu, chất liệu đúng với văn hóa của vùng Tây Bắc".
"Mỵ" thành công do có sự kết hợp hài hòa từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc tới nguồn cảm hứng từ tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. "Mỵ" trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp không còn là câu chuyện nguyên vẹn như trong tác phẩm văn học gốc nhưng tác phẩm nghệ thuật vẫn truyền tải được tinh thần, tính cách nhân vật trong chuyện. "Vợ chồng A Phủ" khơi nguồn cảm hứng cho "Mỵ" nhưng "Mỵ" cũng đã mang đến cho khán giả những cảm nhận, cung bậc cảm xúc mới về một tác phẩm văn học xuất sắc vốn đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt.
Nghệ sỹ Tuyết Minh được đánh giá là biên đạo trẻ tài năng, có nhiều ý tưởng mới, táo bạo trong sáng tạo nghệ thuật. Tuyết Minh cho biết, từ giờ đến cuối năm, cô và êkip của mình sẽ xây dựng tác phẩm "để đời", lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.
Khác với tác phẩm văn học, "Kiều" không tập trung khai thác nỗi đau và 15 truân chuyên của nàng Kiều mà "nhấn" vào bốn lần Kiều gảy đàn và bức tranh về Kiều sẽ hiện lên trong những lần gảy đàn ấy. "Kiều" sẽ có sự kết hợp của kỹ thuật công nghệ hiện đại, chất liệu múa dân tộc, hiện đại cùng nhiều đạo cụ, nghệ nhân âm nhạc truyền thống được đưa lên sân khấu. Nhiều người kỳ vọng "Kiều" sẽ là một tác phẩm nghệ thuật "đáng chờ đợi" trong năm nay.
Hồi tháng 3/2018, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du lần đầu tiên được dàn dựng trên sân khấu múa dưới góc nhìn của các tác giả người Hàn Quốc (biên đạo Yoo Oh Chun, kịch bản và đạo diễn Sun Goo Jung). "Múa Kiều" có sự tham gia của diễn viên Việt Nam và Hàn Quốc. Dù không phải là người Việt Nam nhưng biên đạo Yoo Oh Chun đã kể truyện Kiều theo cách cảm nhận riêng của mình. Vở múa không kể cốt truyện mà tập trung vào thân phận của nàng Kiều.
Nhiều khán giản nhận định rằng, "Truyện Kiều" dưới góc nhìn của biên đạo nước ngoài rất mới mẻ, đầy sức sống nhưng không mất đi các giá trị truyền thống. Du khách nước ngoài, trong đó có người chưa từng đọc "Truyện Kiều" nói rằng, dù không hiểu nội dung câu chuyện nhưng vẫn cảm nhận được sự hấp dẫn, thú vị của tác phẩm qua ngôn ngữ múa.
Một cảnh trong "Múa Kiều" - tác phẩm múa được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du. |
Một hướng đi nhiều kỳ vọng
Nói đến tác phẩm múa được khơi nguồn ý tưởng từ tác phẩm văn học không thể không nhắc đến kịch múa "Tấm Cám" - vở kịch múa đầu tiên của nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" do tập thể Đoàn Ca múa Trung ương dàn dựng và biểu diễn vào năm 1960, đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001. Kịch múa "Tấm Cám" được coi là một trong những tác phẩm "kinh điển", đánh dấu những bước phát triển đầu tiên của nền nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.
Từ kịch múa "Tấm Cám" đến những tác phẩm múa lấy cảm hứng từ chất liệu văn học như "Mỵ", "Múa Kiều"… là một chặng đường dài và cách thức khai thác, tiếp cận tác phẩm văn học cũng khác nhau. Nếu như trước kia, tác phẩm văn học được khai thác gần như nguyên bản các tình tiết thì giờ đây, các biên đạo thường chỉ khai thác tinh thần, tư tưởng chính của truyện, các tuyến nhân vật, đồng thời có ý tưởng sáng tạo mới cho phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của con người trong thời đại mới.
Cùng với đó, ngôn ngữ múa trong những tác phẩm múa hiện nay đa dạng hơn, có sự phối kết hợp của nhiều ngôn ngữ múa như dân gian dân tộc, múa cổ điển châu Âu, hiện đại phương Tây. Chính vì vậy, giúp tác phẩm múa trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, thể hiện rõ nét tư tưởng chủ đề của tác phẩm múa.
Nhiều người cho rằng, văn học có năng lực gợi mở rất rộng nên có thể tạo cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác. Một xu hướng rất dễ nhận thấy trong thời kỳ hiện nay là nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học ra đời, phần lớn nhận được sự ủng hộ của khán giả. Có mối quan hệ khăng khít giữa văn chương và các loại hình nghệ thuật khác. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và khi đọc tác phẩm, độc giả có thể thỏa sức tưởng tượng. Văn học khơi nguồn cho các sáng tạo nghệ thuật khác nhưng đồng thời, chính các tác phẩm nghệ thuật lại mang đến diện mạo mới cho tác phẩm văn học.
Sáng tác nghệ thuật nói chung, sáng tác tác phẩm múa nói riêng từ chất liệu văn học là điều nên làm bởi có được chủ đề hay, hấp dẫn quyết định rất lớn đến sự thành công của tác phẩm. Việt Nam có nhiều tác phẩm văn học hay, được nhiều thế hệ bạn đọc biết đến. Đây là yếu tố thuận lợi để khán giả tiếp cận tác phẩm múa, nhất là trong bối cảnh múa vẫn đang bị đánh giá là loại hình nghệ thuật "kén khán giả". Đồng thời, khai thác múa từ chất liệu văn học, nhất là những tác phẩm văn học kinh điển cũng là cách thức hay để xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quay trở lại câu chuyện của "Mỵ". Một tin vui là Biên đạo Thu Minh và êkip sản xuất có kế hoạch quảng bá, đưa vở diễn đến gần hơn với công chúng. Theo đó, "Mỵ" sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong tour tham quan nhà hát dành cho khách du lịch. Dự kiến trước mắt, "Mỵ" sẽ được biểu diễn 3 buổi trên/tuần, trong đó có 1 buổi công diễn toàn bộ chương trình 75 phút. Lịch trình biểu diễn sẽ chính thức bắt đầu trong tháng 8 này. Hy vọng cách làm, tư duy mới, hướng tiếp cận khán giả mới của "Mỵ" sẽ "châm ngòi" cho nhiều tác phẩm múa mới, góp phần đưa múa Việt Nam phát triển.