Cây bút trẻ Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp:

Chắp đôi cánh thơ, vượt lên số phận!

Thứ Hai, 03/03/2014, 08:00

"Chị viết thế nào thì viết, đừng để mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương hại" - Đó là câu đầu tiên Hợp dặn tôi khi thực hiện bài viết này. Còn tôi lần đầu tiên trong đời bất ngờ nặn được hai câu có vần thể hiện nghị lực phi thường của Nguyễn Văn Hợp: "Ý chí sống mạnh hơn cái chết/ Bệnh tật không thể khuất phục được tâm hồn". Tôi biết từ nay trên mọi nẻo đường đời, trong hành trang của tôi sẽ có thêm hình ảnh, cùng thơ của Hợp để mỗi khi đối diện với khó khăn, thử thách, tôi sẽ mạnh mẽ hơn...

Thời gian trôi trong bốn bức tường
Không ánh bình minh
Không dịu hoàng hôn
Ngày của Hợp trên chiếc giường đơn độc
Không áng mây trời chia sẻ nỗi cô đơn…
Bởi với Hợp một ngày dài lắm
Ai thiếu thời gian xin tới đây

(Ngày của Hợp).

Biết lời rủ rê của Nguyễn Văn Hợp (bút danh Huệ Nguyên) thông qua thơ, qua bạn bè, những người yêu thơ trên đại ngàn Tây Nguyên này từ khá lâu, đến hôm nay tôi mới có thể tạm gác mọi tất bật đời thường đi xe buýt đến ngã ba Đắk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk, nhờ xe thồ vòng vèo mãi mới tìm vào được đến nơi "ngày dài lắm" của Hợp.

Căn nhà cuối cùng nằm giữa cánh đồng trống mênh mang, mái ngói rêu phong, tường trét đất xiêu vẹo. Không như tôi tưởng tượng khi nghe qua điện thoại, giọng nói của Hợp trong veo, ấm áp và khỏe khoắn lạ kỳ chứ không rền rĩ, nhàu nát như của một người bệnh tật.

Bước vào nhà tối om, tìm mãi không thấy người, tôi phải gọi to thì Hợp ngồi trên giường nơi góc phòng lên tiếng. Mẹ và cô em dâu dưới bếp tất tả chạy lên. Hợp ngồi thẳng cứng với cái máy vi tính đặt trên đầu giường, nhìn như pho tượng đá, chỉ có đôi mắt và nụ cười làm căn phòng tỏa nắng. Nghe mùi nhang khói cùng tiếng tụng kinh văng vẳng, hỏi mới biết gia đình vừa hứng chịu một nỗi đau mất mát lớn: Cha Hợp mới về với tiên tổ được hai tháng vì bệnh ung thư dạ dày. Trên khuôn mặt của Hợp lại thêm một nét vương buồn. Tôi xin thắp cho cụ một nén nhang và ngồi nghe Hợp kể…

Qua câu chuyện tôi đã hiểu ra một phần. Hợp là đứa con thứ mười trong gia đình 11 anh chị em. Anh song sinh của Hợp đang làm giáo viên thể chất bên Lâm Đồng. Người anh khỏe mạnh bao nhiêu thì Hợp hoàn toàn trái ngược. Đã 27 tuổi, cao đến 1,8 mà Hợp chỉ nặng hơn 20 cân, đó là do di chứng căn bệnh loạn dưỡng cơ DUCHENNE không có thuốc đặc trị đã gặm nhấm xương thịt của Hợp 24 năm nay. Các anh chị của Hợp đều đã lập gia đình, mỗi người một hướng. Chỉ còn anh thứ bảy và cậu em út ở chung. Buổi tối quây vào bàn ăn thì còn có người. Ban ngày ai cũng phải lo công việc đồng áng nên Hợp thường xuyên độc diễn với căn nhà trống, chơi với thời gian vô tư là vậy.

"Chẳng bạn bè, chẳng người chia sẻ/ Chiếc giường đơn lạnh lẽo một mình thôi/ Làm chăn gối cũng lây sầu một nửa/ Những nỗi niềm dồn nén chửa nguội vơi" (Thơ và tôi). Sau nhiều năm dài cùng quẫn trong góc tối, hết trách số phận mình hẩm hiu, rồi trách đời, Hợp đã tìm được con đường riêng cho mình: "Trời sinh ta làm người/ Dù thân không lành lặn/ Như vạn kiếp người kia/ Ta ơi đừng tuyệt vọng" (Lá khô). Rồi "Tôi chẳng nhớ từ khi nào nữa/ Thơ trở thành máu thịt trong tôi/ Thơ chắp cánh nâng đời tôi dậy/… Và tôi sống hết mình không nuối tiếc/ Chẳng sợ ngày kia hóa tro tàn/… Thơ là tôi và tôi mãi là thơ" (Thơ và tôi).

Căn bệnh nghiệt ngã cứ như con đỉa ma quái bòn rút dần xương tủy, chỉ để chừa lại cho Hợp mỗi khuôn mặt…liêu trai và ngày tháng phía trước không còn dài.

Vượt lên tật bệnh, cây bút trẻ Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng.

Hợp xác định ba điều cần phải hoàn tất trước khi ra đi, đó là: Hiến giác mạc, hiến xác cho khoa học và in thơ để lại cho đời. Được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cùng những tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền trợ giúp, Hợp cho biết đã hoàn thành cả ba điều ước nên rất thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời gian còn lại sẽ sống cho thật tốt, làm được thật nhiều việc có ý nghĩa.

Từ trước năm 2009, Hợp viết bằng đôi tay run rẩy, sau này nhờ một Mạnh Thường Quân tặng bộ máy vi tính, Hợp tự mày mò học hỏi để biết cách sử dụng và lên mạng viết và gửi bài. Ngồi một chỗ Hợp nhìn cuộc đời tha thiết, tươi đẹp qua màn hình vi tính. Hợp lắng nghe hơi thở cuộc sống thực tại bằng những cảm nhận tinh tế. Đầu tiên Hợp viết về thân phận, nỗi buồn và nỗi đau bệnh tật. Rồi ý thức mỗi ngày một nhân lên, Hợp viết chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn và tình yêu thương dành cho gia đình, cha mẹ. Những vần thơ xuất phát từ đáy lòng con trẻ nghe da diết cháy bỏng. Rất nhiều bài thơ như rút ra từ tim gan, từ máu của Hợp ca ngợi các bậc sinh thành khiến bất cứ ai đọc cũng không khỏi rơi lệ.

Với tôi, thơ viết về người mẹ của Hợp có lẽ là thành công nhất. Người mẹ tảo tần, một sương hai nắng trong thơ Hợp sâu lắng hơn tất cả mọi nỗi lòng sâu lắng. Hình ảnh người mẹ như tất cả bà mẹ Việt Nam suốt đời tận tụy với những đứa con nhưng có nét riêng không lẫn với ai: "Mẹ vẫn cõng con như ngày xưa/ Hai bốn tuổi mà như còn bé nhỏ/ Chỉ vì con nên đời mẹ khổ/ Căn bệnh quái ác này có thương mẹ con đâu…/ Chỉ vì con, tủi nhục mẹ đã từng/ Chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền mua thuốc/ Bệnh của con chẳng thể nào lành được/ Nên ngậm ngùi giấu lệ vào tim (Mẹ). Hoặc: "Mẹ ơi vì đâu tóc mẹ pha sương/ Mỏi gối chân run thân già gầy guộc/ Đời mẹ khổ hoài chỉ vì con thôi/ Chỉ tại con thôi" (Đời Mẹ).

Hợp viết nhiều về tình yêu, ước mơ tuổi trẻ và khao khát sống, khát khao yêu đến tột độ. Tình yêu tuổi trẻ như sóng trùng khơi, tiếng yêu, tiếng lòng, tiếng con tim rộn rã, hối thúc. Giấc mơ về hạnh phúc lứa đôi trong thơ của Hợp như núi lửa phun trào, như sóng ngầm gào thét, sôi sục mà quằn quại đau đớn bởi nó rất thật - bởi tất cả là tình đơn phương: "Ta/ Trái tim hoang mạc khô cằn/ Mơ cơn mưa em tưới mát/ Mơ tình yêu dịu ngọt/ Khắc khoải mong chờ niềm hạnh phúc tên em/ Ta/ Kẻ khát thèm một dư vị thiêng liêng/ Dư vị của tình yêu - Dư vị của dỗi hờn nhung nhớ/ Dư vị của nồng nàn hơi thở/ tay trong tay em úp mặt vào ta/ Nghe nồng nàn trong huyết quản loang ra/ Niềm khao khát được yêu em mãi mãi…" (Khát vọng một tình yêu); "Anh ngồi đọc Ngày Xa Em/ Tập thơ anh viết bằng nước mắt/ Riêng tặng em/ Người tình xa xăm…" (Si tình).

Hợp đau như thế và Hợp yêu như thế. Tôi nghĩ chỉ có tình yêu là phép nhiệm màu để cho Hợp có đủ sức chịu đựng vượt qua nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần để làm  thơ và gặt hái những thành công nhất định trong cuộc chơi nghệ thuật đầy cam go này và làm được những việc hơn sức tưởng tượng của mọi người.

Hợp bắt đầu với thơ từ năm 2006. Gia tài thơ của Hợp đến nay dễ đến ngàn bài. Những chùm thơ viết tay lần đầu tiên Hợp gửi tham dự cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật do Hội VHNT Đắk Lắk phát động đã đoạt ngay giải C.  Ba tập thơ ra đời liên tục trong ba năm gần đây là:

"Thơ và tôi" - NXB Văn nghệ Tp HCM, 2010.

"Ngày xa em" - NXB Thanh niên, 2011.

"Mùa gọi" - NXB Hội Nhà văn, 2012 (đoạt giải B của Hội VHNT Đắk Lắk. Cũng tập thơ này, Hợp đã được trao giải tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).

Bên cạnh các tác phẩm in riêng, thơ của Hợp còn xuất hiện trên nhiều trang báo,  từ Trung ương đến địa phương; có mặt trên nhiều trang mạng xã hội.

Hiện trong tay tôi đã có bản thảo tập thơ thứ 4 của Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp mang tựa đề "Phía ngày loang nắng" sắp được ấn hành.  Tôi đã đọc, đã thấy: Có sự chuyển biến lớn lao trong thơ của Hợp.

Một điều không ngờ tới nữa mà không phải ai cũng biết và có thể làm được: Với gia cảnh và bản thân mang trọng bệnh, nhưng Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp đã cùng một số bạn bè khuyết tật lập ra Hội Quán Trẻ dành cho những bạn có chung hoàn cảnh - yêu văn thơ. Tất cả nhuận bút từ các bài viết của nhóm bạn khuyết tật này được trích ra một phần để làm học bổng giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học giỏi.

Từ tháng 9/2012 đến nay, nhóm của Hợp đã trao học bổng mỗi tháng 300.000 đồng cho hai em Nguyễn Thị Thương, đang học trường Đại học Văn hóa Tp HCM và Y Sắc Triêk, đang học lớp 7 trường Chu Văn An, xã Yang Tao, huyện Lăk. Hợp cho biết, nhóm còn dự định giúp nhiều em nữa học rất giỏi cũng đang rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Đơn cử trường hợp em Đặng Văn Thiệt, sinh năm 1998 đang học lớp 10 Trường PTTH huyện Lăk. Hợp cho biết, mặc dù cả nhóm rất cố gắng nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.

Người viết bài này xin kết thúc bài viết về tấm gương đặc biệt, về nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh số phận bằng nhận xét của người bạn trong nhóm khuyết tật của Hợp đăng trong tập "Mùa gọi" của Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp: "Huệ Nguyên như là một nhân tố mạnh trong nhóm thanh niên yếu ớt chúng tôi. Tôi thấy ở bạn có nhiều phẩm chất mà không phải người bình thường nào cũng có được… Bạn chưa bao giờ nghĩ đến bất cứ điều gì riêng cho bản thân mà chỉ tham lam với tiếng cười của bè bạn. Tấm lòng của bạn với cuộc đời cũng vậy. Bạn hiện thực hóa mọi thứ tình cảm, khả năng lắng nghe và sự hiểu biết của mình. Bạn có thể từ chối ân huệ của cuộc đời bằng cách san sẻ cho người khác bấy nhiêu may mắn.

Khi chúng tôi cùng nhau thực hiện những việc nhỏ mọn cho phần đời ngắn ngủi còn lại, những lúc đó tôi thấy sự khát vọng tràn đầy tâm thức bạn. Bạn thở dài trước nghịch cảnh của người khác, nhưng ngay sau đó bạn làm tất cả những gì mình có để những cơ cực, khổ đau vơi đi trong cuộc sống của họ" (Lê Hữu Nam)

Đào Thị Thanh Tâm
.
.