Tản văn:

Cầu đầu làng

Thứ Năm, 31/10/2013, 08:00
Cầu đầu làng, một cái tên mộc mạc, nhưng là một địa chỉ tinh thần gắn với những kỉ niệm tuổi thơ của tôi, khó có thể phai mờ trong kí ức của tôi. Cầu đầu làng nay không còn, nhưng vẫn ẩn hiện, neo đậu, thấp thoáng đi về trong tâm trí tôi…

Ở quê tôi ngày trước, cái cầu được nói tới ở đây không phải là cầu bắc qua sông, qua ngòi, qua mương, cũng không phải cầu ao… mà là một ngôi nhà nhỏ được xây ở đầu làng hoặc giữa cánh đồng để bà con đi làm đồng trú mưa nắng, các lão nông nghỉ ngơi giữa buổi cày, "bắn" một điếu thuốc lào khoan khoái; trâu bò nằm nghỉ lấy lại sức. Cầu đầu làng được nói tới ở đây gần như chỉ là của riêng xóm tôi. Đó là một ngôi nhà nhỏ ba gian lợp ngói; quá giang, xà ngang, rui mè đều bằng gỗ tốt; rộng chừng 25m2; chỉ xây tường gạch ở hai đầu hồi; trước hiên là mấy cây cột; gian giữa có bục cao lát gạch, có thể trải chiếu nằm kềnh cang hóng gió. Cầu nằm ở vị trí đầu làng, cạnh con đường đất rộng rãi, phía sau là con mương cạn, bên trái là cây đa làng, phía trước là mấy thửa ruộng gần mương. Ngôi cầu này là tụ điểm câu lạc bộ của người dân xóm tôi thời ấy. Lũ trẻ chúng tôi cứ ăn cơm xong, vừa buông bát, buông đũa là chạy vội ra cầu đầu làng, vì ở đó đã có bọn trẻ cùng trang lứa. Các trò nghịch ngợm vô bổ của lũ trẻ đều diễn ra ở đây. Từ đánh trận giả, đuổi bắt, vật nhau, trêu chọc nhau đến chờ đợi nhau đi úp cá ở Đồng Sâu, chia cá khi đi tát vét về, liên hoan khi vặt được mấy quả ổi, quả bưởi ở vườn ông Dư, ông Cẩm… Chỉ có vậy thôi mà chúng tôi chơi hoài không chán.

Tuyệt nhất là buổi chiều mùa hè ngồi trong cầu đầu làng để hóng gió. Những làn gió thơm mát thổi về từ cánh đồng. Thời đó, người dân chỉ dùng phân chuồng, phân xanh bón ruộng. Bắt sâu, bắt bướm thì ban đêm đốt đèn dầu đặt giữa chậu nước để nhử lũ côn trùng phá hoại mùa màng đến, rồi sa vào chậu nước. Người ta chưa lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học như thời nay. Vì vậy, những làn gió mang hương đồng cỏ nội thời ấy thật thanh khiết, trong lành.

Đối với lũ trẻ chúng tôi, nói đến cầu đầu làng, không thể không nhắc đến một ông già, một người bạn vong niên hiền từ, cởi mở của lũ trẻ. Đó là ông Quýnh. Vào những năm 1960-1961, lúc đó, ông Quýnh trạc 60 tuổi, còn chúng tôi trứng gà trứng vịt khoảng 9,10 tuổi. Không rõ hoàn cảnh gia đình vợ con ông Quýnh thế nào, chỉ biết rằng ngày nào ông cũng có mặt ở cầu đầu làng. Ông làm nghề sửa xe đạp. Đồ nghề của ông nằm gọn trong một cái thùng nhỏ bằng sắt, nào cờ lê, mỏ lết, kìm búa đủ cả. Nhưng hình như ông sửa xe thì ít, mà dành thời gian tếu táo chơi đùa với lũ trẻ chúng tôi thì nhiều. Trên gương mặt phúc hậu của ông lúc nào cũng thường trực một nụ cười. Ông cười hiền, phô hàm răng có cái răng vàng chóe. Tôi còn nhớ, ông đố lũ trẻ chúng tôi một từ nói lái trong hai câu thơ nôm na, mộc mạc mà lúc đó, tôi không hiểu được. Sau này, tôi mới hiểu từ ngữ ấy liên quan tới chuyện của người lớn. Hèn chi mà lũ trẻ chúng tôi không thể hiểu…

Cầu đầu làng, một cái tên mộc mạc, nhưng là một địa chỉ tinh thần gắn với những kỉ niệm tuổi thơ của tôi, khó có thể phai mờ trong kí ức của tôi. Cầu đầu làng nay không còn, nhưng vẫn ẩn hiện, neo đậu, thấp thoáng đi về trong tâm trí tôi…

Lê Hữu Tỉnh
.
.