Câu chuyện cuộc đời về người đàn ông có mười cái trứng ung

Thứ Hai, 08/08/2016, 17:11
Thường, khi còn trẻ, người ta đuổi theo những điều lớn lao. Khát vọng cống hiến lớn lao. Ngay cả tình yêu cũng phải là một tình yêu lớn lao. Đợi khi, bước chân đến gần cái tuổi trung niên, những điều bình dị của cuộc đời trở về trong ta, giản dị như cuộc đời vốn thế. Chúng tôi đi làm phim, chúng tôi đi qua nhiều cuộc đời bình dị và giờ, đã đến lúc kể về những cuộc đời bình dị ấy. Người hôm nay chúng tôi kể - một nông dân thôn Trại Mít thuộc xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Anh tên Luyến, người dân nơi đây gọi anh là Luyến vịt giời.


Người đàn ông hai lần bị cháy nhà

Ngồi quanh chiếc bàn cáu bẩn vì nước chè và thuốc lá, nghe Luyến và hàng xóm của anh kể về thời hai lần gia đình anh bị cháy nhà, tự dưng tôi lại nhớ đến cái thủa thơ bé ở làng Trảo Nha - Hà Tĩnh. Cái làng nhỏ nằm ven sông Nghèn, mùa gió Lào, con nước nóng như  luộc. Mùa ấy, thỉnh thoảng chiều, lúc đang nấu cơm hay ẵm em, lại nghe tiếng một người đàn bà nào đó trong làng kêu toáng lên "Ối làng nước ơi! Cháy nhà, cháy nhà tôi rồi làng nước ơi!".

Ấy là lúc người làng đã đi làm đồng về. Có những ngôi nhà bốc cháy khi người lớn còn ở ngoài đồng, chỉ trẻ con ở nhà, may thì con trẻ biết tránh ngọn lửa. Sẫm tối, người lớn về nhà, chỉ còn vài cái cọc nhà và đứa con mặt mũi đen nhẻm, nằm lóp ngóp bên bờ mương nơi đầu con ngõ vào nhà.

Ấy là kí ức tuổi thơ tôi. Ấy thế mà nó giống hệt với cả hai lần cháy nhà của anh Luyến.

Trong cả hai lần cháy nhà anh Luyến đều được người dân ở Trại Mít cho tre làm lại nhà.

- Lúc ấy tôi nghĩ, nếu cháy nhà lần nữa, tôi sẽ đốt cái miếu này.

Luyến chỉ ra cái miếu xa giờ chỉ còn lại gờ tường làm dấu tích. Tôi sững lại, nhìn sâu vào mắt anh.

- Không. Không cháy nhà nữa và tôi không đốt miếu. Không đốt được. Chỉ là trong cơn bĩ cực…

Dân làng yêu mến gọi anh là “Luyến vịt giời”.

Trong thâm tâm, tôi muốn truy tìm tận cùng câu bỏ ngỏ của Luyến. Rằng, nếu cháy nhà lần nữa, anh có đốt miếu không. Phần tôi không tin Luyến sẽ đốt, dù nhà cháy lần nữa, bởi tôi tin vào đôi mắt to, thông minh, nhân hậu của Luyến. Phần tôi nghi ngờ, bởi, cũng trong đôi mắt ấy, trong dáng người cao lớn lực lưỡng ấy của Luyến, có cái gì quyết liệt đến ngang tàng.

Để có một cơ ngơi hàng nghìn héc ta đất, với hai trang trại nuôi vịt giời, gà lôi, ngỗng Ấn Độ như ngày hôm nay, tôi tin là do cả bản tính thông minh, nhân hậu, cả sự quyết liệt, ngang tàng trong con người Luyến tạo dựng nên.

Rào dậu bằng yêu thương

Trang trại thứ nhất của Luyến ở ngay tại ngôi nhà hai tầng Luyến đang ở. Trang trại thứ hai, Luyến đặt giữa cánh đồng lúa mênh mông, xung quanh vắng bóng người.

- Có bị mất cắp không? - Tôi hỏi, thực phần ngạc nhiên.

- Mấy chục năm qua chưa từng mất lấy một con gà, con vịt.

Luyến cả cười, đôi mắt ánh lên niềm vui.

- Chẳng ai lại đi bắt gà vịt của tôi cả. Tôi rào dậu bằng tình yêu thương.

Cái rào dậu bằng tình yêu thương của Luyến có cả một quá trình dài. Sau cháy nhà thứ hai, Luyến cùng vợ con lao vào làm việc, lao động cật lực để năm năm sau trong nhà có tận 39 tấn thóc. Một lượng của cải mơ ước của bao nhiêu người đói ăn những năm 85-86 ở thôn quê. Luyến bán 39 tấn thóc ấy, lấy tiền thuê máy xúc máy ủi san phẳng một quả đồi để mở chợ.

Nhưng, có những thứ thuộc về thói quen, dù quãng đường đến chợ của Luyến gần hơn trăm lần đến chợ Huyện nhưng người dân cũng đã quen với con đường, quen với từng hạt sương hai dọc đường đến chợ cũ. Và thế là chợ vừa dựng lên đã tan. Tay trắng lần ba. Rồi lại gây dựng bằng nuôi thủy sản. Để ngăn đập nuôi thủy sản, Luyến đã bỏ ra 200 triệu đồng để xây một cái đập mà gần hai chục năm nay, đến giờ, cái đập vẫn là nơi giữ nước tưới tiêu cho hơn 200 ha lúa của bà con.

Nuôi trồng thủy sản ổn định, anh tính không thể để đất đai nhàn ra đấy được. Dưới hồ nuôi cá, trên hồ nuôi vịt, trên đất nuôi gà, nuôi lợn. Và thế là trang trại gà, vịt, lợn ra đời. Trại Mít là thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang. Cứ đến tháng 7, Trại Mít lại ngập chìm trong lũ lụt. Nhiều bận nước lên nhanh, người và gia súc, gia cầm chạy không kịp. Thế là mất trắng.

Năm 2000, Luyến lên ngân hàng vay vốn để xây nhà thuyền chống lụt. Nghe Luyến trình bày xây một ngôi nhà tránh lũ lụt cho gà, vịt, lợn, mọi người đều cười cho là ý tưởng "hoang dại". Khi nhà thuyền dựng lên, lũ lụt đến, người ta ùa đến xem nhà thuyền của Luyến chìm hay nổi. 300 con lợn, mỗi con gần một tạ, rồi cả đàn gà, vịt, Luyến chất hết lên nhà thuyền, nước lên đến đâu, nhà nổi lên đến đó. Lúc ấy, mọi người mới ngã ngửa ra. Có nhà thuyền, có chiếc xuồng, hàng năm Luyến lo chạy lụt nhanh cho nhà mình, rồi lao xuồng đi cứu giúp bà con trong thôn.

Ngắm nhìn đàn gà vịt của Luyến quang quác inh ỏi giữa trưa nắng, ngắm nhìn nhà thuyền kì dị của Luyến, bất chợt, tôi liên tưởng đến nhân vật Nô Ê trong phim câu chuyện của Kinh thánh.

- Tôi không được học như các kĩ sư cầu đường, đo tính được phần chìm nổi. Tôi chỉ tin theo thần thoại đánh thần Sấm, thần Sét, rồi làm dần, năm đầu chỉ dám lợp nhà bằng mái tôn, đến lụt, thấy nhà nổi rất tốt, tôi tính, sang năm sẽ lợp Prô xi măng, lợp Prô xi măng, nhà vẫn nổi.

Luyến cười, phô hai hàm răng dài, chắc khỏe và ám vàng vì khói thuốc.

Những búi tre xanh thôn Trại Mít và cái tên "Luyến vịt giời"

Đến trang trại của Luyến, thấy cả đàn vịt giời được chăn dắt như vịt nhà, thấy cả đàn gà lôi giang cánh lừ lừ bay rợp cánh đồng lúa, bay tít trên ngọn cây rồi đến tối, theo ánh sáng trong chuồng mà tự trở về, nhưng ấn tượng nhất, là những bụi tre xanh mướt bao dọc con suối. Ngày Luyến ra đấu thầu con suối này, con suối trơ trọi. Lũ về, từ làng thượng trôi nguyên cả một cây tre gẫy ngọn vắt ngang suối. Luyến vớt tre, phạt ngang ngọn và cắm đất. Thế mà tre thành bụi. Đến giờ, tóc Luyến bắt đầu bạc thì tre đã thành lũy, thành thành bao bọc mướt xanh con suối và ngọn đồi nhà Luyến.

- Ngoài hai lần cháy nhà, lần trắng tay do lụt, lần trắng tay do dịch lợn tai xanh, còn lần nào mất trắng nữa không?

- Có chứ! Gần đây nhất là 2012, năm đó hai tuần tôi mất trắng 1,2 tỉ đồng. Đầu tiên là một hai con vịt ốm. Tôi tách nó ra. Ba hôm sau tôi bán một xe vịt, họ chở đi nửa buổi thì quay lại giả, bảo có vài con bị chết. Xe đổi vịt ra trại, chưa đầy hai tuần 15 nghìn con vịt chết trắng đồng trắng bãi. Tôi đau lắm! Lúc ấy tôi chỉ biết ngồi trên mỏm đất giữa cánh đồng mênh mông này, hút thuốc trắng  đêm.

- Và vịt giời đã cứu anh. Và cái tên Luyến vịt giời ra đời từ đó?

- Đúng vậy - Và Luyến lại cười.

Số là, ngoài nuôi gà, vịt, nhà Luyến còn có cả lò ấp trứng. Thực ở đời, người tinh, làm gì cũng tinh hơn người khác. Ông Sáng nhờ Luyến ấp trứng vịt giời. Luyến tìm tòi, cẩn trọng để ấp. 10 quả trứng, Luyến đặt ra ba quãng của lò ấp. 3 quả dưới cùng, 3 quả giữa cùng, 4 quả trên cùng. Những quả trứng đặt trên cùng của lò, gần bóng sưởi nở con, 3 quả dưới không nở. Luyến phát hiện ra vịt giời cần nhiệt độ cao hơn vịt thường. Giữa lúc trứng vịt giời quí như vàng, ông Sáng quyết định chuyển hết những nơi ấp trứng phập phù khác sang lò của Luyến. Và để trả ơn người ấp trứng thông minh, ông Sáng tặng Luyến 5 con vịt giời con.

- Nói thật, lúc đầu tôi chẳng để ý đến. Nuôi vịt ta còn chẳng ăn nữa là vịt giời. Thế nhưng khi 15 nghìn con vịt đẻ và vịt thịt chết trắng, trơ lại đúng 5 con vịt giời. Tôi mới giật mình, hóa ra vịt giời sức đề kháng cao hơn vịt nhà. Và thế là tôi nuôi. Từ nuôi vịt giời mà trong vòng hai năm tôi trả hết được 1,2 tỉ nợ ngân hàng và giữ được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Khi viết lời bình cho bộ phim về Luyến, tôi đã phải lẩy ra bài ca dao "Mười quả trứng ung" của Bình Trị Thiên để minh họa. Cuộc đời của Luyến, cũng giống như cuộc đời của bao người nông dân Việt Nam, xưa và nay, vẫn vậy, một nắng, hai sương, chống chọi với cơn bĩ cực. Nhưng như những ngọn tre đi qua ngày lũ, chỉ cần chạm được một tấc đất, những cây tre ấy lại bật mầm, trỗi dậy, thành búi, thành thành, có khi thành rừng. Một rừng tre xạc xào trong gió. Những con gió thổi mát lòng chúng tôi khi cả đoàn làm phim trở về từ thôn Trại Mít tỉnh Bắc Giang.

Võ Thị Hạnh Thúy
.
.