Cậu bé mù chơi 14 loại nhạc cụ khác nhau

Thứ Bảy, 18/02/2017, 08:01
Bùi Ngọc Thịnh, sinh năm 2000, ở tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.Từ khi sinh ra, Thịnh đã chịu cảnh mù lòa giống như bố mẹ. Chính nghị lực và tình yêu âm nhạc đã trở thành động lực để cậu bé phát huy, khẳng định mình. Đến nay, em đã chơi được 14 loại nhạc cụ khác nhau.


Gia tài bất hạnh

Anh Bùi Văn Lộc, bố của Thịnh cho biết, mình quê ở xã Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), mẹ mất khi mới 2 tuổi. Anh sống với bố, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Năm anh đang học lớp 11 thì bỗng dưng những cơn đau đầu dữ dội ập đến, thị lực giảm dần, phải bỏ học. Bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh thiên đầu thống, mù lòa vì teo gai thị giác.Khoảng 5 năm sau thì anh không còn nhìn thấy gì nữa.

Một thời gian dài sống trong cảm giác hụt hẫng, đến cuối tháng 10-1993, anh Lộc nghe tin Hội Người mù Ninh Hòa được thành lập nên tìm đến, tìm được những người cùng cảnh ngộ, anh xin chuyển vào ở hẳn. Anh bắt đầu học chữ Brai, học nghề bó chổi, chẻ tăm tre, được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày 4.000 đồng. Nhờ những kiến thức xã hội tiếp thu khi chưa bị mù và cách giao tiếp lưu loát nên ít năm sau anh được bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Người mù Ninh Hòa và đảm nhiệm điều hành cơ sở sản xuất chổi, tăm tre với gần 30 người khiếm thị.

Bùi Ngọc Thịnh chơi đàn organ.

Chị Lê Thị Thủy (sinh năm 1974) cũng bị mù bẩm sinh.Rảnh rỗi, chị Thủy thường tìm đến người đàn ông hiền như đất để nhờ kể lại những hình ảnh đã nhìn thấy trong cuộc sống đời thường lúc chưa bị mù.Những câu chuyện kể giàu sức truyền cảm về chính cuộc đời khiến chị có cảm tình và mạnh dạn tỏ tình trước. Được 6 năm, dù gia đình hai bên đều lo lắng can ngăn, hai anh chị vẫn quyết đến với nhau.

Đôi vợ chồng mù sống trong một căn phòng nhỏ ở cơ sở sản xuất chổi, tăm tre của Hội Người mù Ninh Hòa. Đến tháng thứ bảy của thai kỳ, trên đường đi bán chổi, chị Thủy bị sụp xuống lề đường. Các bác sĩ đã phẫu thuật và cậu bé Bùi Ngọc Thịnh ra đời sớm hơn những đứa trẻ bình thường 2 tháng. “Lúc mới sinh, Thịnh nhỏ như con mèo, phải nuôi trong lồng kính. Đến 6 tháng tuổi, cháu vẫn chưa biết lật, đưa đồ chơi cháu không cầm, tôi cứ nghĩ con mình yếu lắm…”, chị Thủy kể.

Thịnh được 9 tháng tuổi, nhiều người phát hiện đôi mắt cậu bé đờ đẫn lạ thường và dường như không hề nhìn thấy mọi vật.  Hai vợ chồng đau đớn. Mình mù đã khổ quá rồi, giờ con mình cũng bị như vậy, tương lai mịt mờ…

Theo lời mách bảo của nhiều người, anh Lộc bồng con thơ đến Hộp thư nhân đạo, Đài Phát tranh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa, mong tìm được nhà hảo tâm giúp đỡ tiền bạc, để cứu lấy đôi mắt của con mình. Nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 64 triệu đồng. Anh Lộc cùng người thân tiếp tục hành trình đi tìm ánh sáng đôi mắt cho đứa con trai. Nhưng rồi nhiều bác sĩ giỏi trong các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và Viện Mắt Trung ương tại Hà Nội đều lắc đầu vì cậu bé đã bị mù bẩm sinh.

Trong những lần xuôi ngược lo cho con, vợ chồng anh Lộc chỉ sử dụng hơn 20 triệu đồng từ số tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ. Sau khi bàn đi tính lại, vợ chồng anh quyết định giữ lại 20 triệu đồng nữa để mở sổ tiết kiệm cho con, phần còn lại họ đề nghị Hộp thư nhân đạo, Đài Phát tranh - Truyền hình tỉnh Khánh Hòa chia sẻ cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim. Đáp lại nghĩa cử cao đẹp đó, năm 2003, Quỹ từ thiện xã hội tỉnh Khánh Hòa xây tặng cho họ ngôi nhà nhỏ ở đường Trịnh Phong, phường Ninh Hiệp.Hiện nay, gia đình gồm 3 con người khiếm thị này sống êm ấm trong ngôi nhà nhỏ ấy.

Nguồn sáng âm nhạc

Nén nỗi đau trong lòng, đôi vợ chồng mù ngày ngày cặm cụi làm chổi đót, tăm tre để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Còn cậu bé Thịnh, từ khi biết đi, biết nói, suốt ngày đêm cậu chỉ quanh quẩn bên bố mẹ, vì chẳng có đứa trẻ nào đến làm bạn.

Khi Thịnh hơn 3 tuổi, được bố mẹ đưa đi nghe chương trình văn nghệ do Hội Người mù Ninh Hòa biểu diễn, ngồi ở một góc phòng, cậu bé cảm nhận từng tiết mục ca nhạc và dùng tay gõ lên bàn gỗ theo nhịp trống xập xình. Vài hôm sau, bỗng dưng Thịnh xuất chiêu độc diễn âm nhạc khi dùng đũa gõ trên bát theo nhịp điệu tiếng hát của mẹ, rồi chuyển sang mày mò bộ trống lỗi thời của Hội Người mù Ninh Hòa để tìm lại những âm điệu đã nghe từ sân khấu ca nhạc và những chiếc CD.

Lên 4 tuổi, Thịnh thường được mẹ đưa về nhà ngoại chơi. Nghe ông ngoại chơi đàn, cậu bé thích quá đòi học. Ông ngoại cười, xoa đầu đứa cháu mù, nói rằng còn nhỏ không thể học được.Thịnh nhờ ông ngoại lấy cái mũ sắt, cái xoong, cái nắp vung và hai ba cái lon làm bộ trống; lấy đôi đũa làm dùi trống rồi bắt đầu đánh.Thịnh đánh đến đâu, ông ngoại bất ngờ đến đó. Người mẹ trẻ ngồi bên cũng sửng sốt... Thịnh xin bố mẹ cho đi học trống.

Giấy chứng nhận của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Bùi Ngọc Thịnh là cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất.

Em kể: “Lúc đầu thầy không nhận, nói cháu bị khiếm thị, lại còn rất nhỏ. Cháu năn nỉ xin thầy cho học nhưng thầy vẫn không chịu. Mấy ngày ngồi lì ở nhà thầy nên thầy dạy 3 điệu bolero, slow và rumba để cháu học thử xem có được hay không.Trong một buổi, cháu học được 3 điệu đó.Vậy là thầy nhận dạy trống cho cháu”.

Cùng thời điểm này, chuyên mục đờn ca tài tử của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã cuốn hút cậu bé mù nghĩ tới chuyện khám phá các loại nhạc cụ khác trong thế giới âm nhạc. Mỗi ngày, Thịnh bám xe ôm người hàng xóm đến nhà ông Lê Hồng Thiên (một nghệ sĩ đờn ca tài tử ở xã Ninh Phụng) để học guitar cổ.

Ông Lộc cho biết: “Mặc dù có tố chất thông minh, tiếp thu tốt các tiết tấu, thanh âm, nhưng do bị mù, Thịnh phải mò mẫm từng dây đàn nên những ngày đầu mới đi học, các ngón tay tứa máu. Nhưng cháu bảo rằng, phải vượt qua khó nhọc mới đến cái đích của đam mê”. Đúng vậy, một năm sau đó, cậu bé mù đã đàn hát được bằng cây guitar phím lõm.

Thịnh còn trở thành “ca sĩ” của Hội Người mù Ninh Hòa.Với chất giọng trầm ấm, năm 2005, Thịnh tham gia và đoạt giải thưởng giọng hát hay của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Năm 2006, cậu bé tiếp tục “rinh” huy chương vàng guitar cổ điển và huy chương bạc với ca khúc “Đứa bé” trong Liên hoan Tiếng hát từ trái tim lần thứ IV của Hội Người mù Việt Nam.

Chưa dừng lại, năm 9 tuổi, Thịnh nghe người ta chơi đàn organ hay quá nên xin bố mẹ đi học. Một năm sau, Thịnh tập chơi đàn sến, đàn nhị, sau đó tiếp tục làm bạn với đàn tranh, đàn kìm. Những nốt nhạc du dương trầm bổng khiến người nghe phải cảm nhận khát vọng sâu xa của cậu bé mù muốn vượt qua bóng tối bằng niềm đam mê, nghị lực và niềm tin. Từ đó, Thịnh bắt đầu biểu diễn phục vụ cho người dân ở Ninh Hòa. Rồi tiếng lành đồn xa, cậu bé bước lên những sân khấu lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… biểu diễn trước hàng ngàn khán giả sành âm nhạc.

Năm 2011, cậu bé Thịnh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam cậu bé mù chơi nhiều nhạc cụ nhất. Ngày 26-5-2012 tại khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh, Thịnh đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là trường hợp đầu tiên của châu Á nhỏ tuổi nhất, bị mù chơi được nhiều loại nhạc cụ.

Vượt lên số phận, lạc quan yêu đời và không ngừng học, đến nay cậu bé đã có thể tự mưu sinh. Nghị lực sống và tình yêu âm nhạc đã giúp cậu bé vượt qua bóng tối, tỏa sáng bằng niềm tin. Câu chuyện như cổ tích nhưng lại hiện hữu giữa đời thường khiến nhiều người phải cảm phục.

Đến thời điểm hiện tại, cậu bé Bùi Ngọc Thịnh chơi được 14 loại nhạc cụ gồm: Trống, đàn guitar phím lõm, đàn organ, đàn sến, đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn piano, đàn bầu, đàn gáo, đàn viôlông, đàn măngđôlin, đàn bass, tiêu.
Phan Nhuận Phin
.
.