Cặp vợ chồng “xứng” đôi của dân ca kịch bài chòi miền Trung

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:13
Nhiều năm qua, trên sân khấu của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, NSND Hoài Huệ và NSND Hồ Thu là hai gương mặt chói sáng. Đây là hai người bạn diễn, hai người bạn đời, hai ngôi sao của dân ca kịch bài chòi miền Trung đã luôn đồng hành trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Cháy bỏng, sáng tạo và sâu lắng là lời nhận xét chung của những người đam mê nghệ thuật dân ca kịch bài chòi khi nhắc đến đôi vợ chồng này.


1. Ấn tượng về vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu không chỉ ở vẻ ngoài là một người đàn ông mạnh mẽ, một người phụ nữ dịu dàng đến từ đất võ Bình Định, mà bởi ánh mắt họ lấp lánh khi nhắc đến bài chòi, nhắc đến những kỷ niệm và cả những thăng trầm của trên con đường nghệ thuật của mình.

NSND Hoài Huệ bảo, trọn cuộc đời anh đã sống trong môi trường nghệ thuật. Khu Văn công Mai Dịch, nơi anh lớn lên hồi nhỏ, khi ấy gần như có tới hai mươi mấy đoàn cùng về tụ hội. Bên cạnh các đoàn như vậy, lại còn những trường như trường xiếc, trường múa, trường sân khấu, cả trường nghệ thuật Quân đội cũng đóng ở đó. Bước vào Khu Văn công Mai Dịch là đờn, ca, sáo thổi... tưởng như bước vào một lãnh thổ riêng của những nghệ sĩ. Không khí ấy tạo cho đã tạo một môi trường nghệ thuật từ bé, từ những ngày còn chập chững. Và rồi những kịch bản, vai diễn, vở diễn nhiễm vào trong đầu anh khi nào chẳng biết.

Vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu trong vở "Khúc ca bi tráng".

Mấy đời gia đình anh đều đi theo nghiệp nghệ thuật truyền thống, từ chèo, tuồng đến ca múa nhạc, dân ca… Bố anh là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định); mẹ là bà Thanh Hảo, một diễn viên chèo tuồng có tiếng ở Thái Bình, con gái bầu hát đất Bắc; chị gái là NSND Thu Hiền của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam…

Bố anh trước khi tập kết ra Bắc vừa đi đờn bài chòi, hô bài chòi, diễn bài chòi; vừa hát, diễn tuồng, đánh đờn cho tuồng. Chính ông đã dạy cho anh hô bài chòi. Năm 1975, khi cả gia đình cùng trở về quê hương Bình Định, anh lại được tắm trong không khí nghệ thuật bài chòi. Và từ đấy, con đường nghệ thuật của anh xem như đã được lựa chọn. Năm 1978, anh theo học Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, năm 1981 ra trường, để rồi trung thành với nghiệp diễn viên bài chòi từ đó đến nay.

Người bạn đời của NSND Hoài Huệ cũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông nội của NSND Hồ Thu là nghệ sĩ Hồ Quý, ông bầu của một đoàn dân ca kịch nghiệp dư; bố là nghệ sĩ Hoàng Thu An, nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định; cô ruột là một cô đào sành sỏi cả bài chòi và hát bội…

Tài năng của Hồ Thu được nảy nở từ rất sớm. NSND Hồ Thu nhớ lại: "Hồi nhỏ, tôi thường được bố cõng đi theo trong các đêm lưu diễn. Đến năm 7 tuổi, tôi đã có thể hát được một số câu của các nhân vật Phượng, Hà trong vở "Ba cha con". Tôi nhớ như in năm 10 tuổi, quê tôi còn chưa được giải phóng, ban ngày giặc kiểm soát còn ban đêm cách mạng lại về. Tối hôm đó thật bất ngờ với lời đề nghị của các cô chú, tôi được bố ẵm lên bục để biểu diễn một tiết mục góp vui. Sắm vai Phượng trong vở "Ba cha con", khi tôi hát đến câu: "Ba ơi! Biết bao phen ba vào tù ra tội, là để cho tình thương mang đến mảnh đất này", tất cả khán giả vỗ tay rào rào khen ngợi. Lúc ấy tôi rất run bởi sự ngỡ ngàng và hạnh phúc".

Năm 15 tuổi, chị đã đến với lớp Dân ca kịch bài chòi của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Ở đây, những yếu tố năng khiếu bẩm sinh của cô bé Hồ Thu ngày nào đã được các thầy cô như NSƯT Nguyễn Kiểm, nghệ sĩ Kim Việt... uốn nắn, gọt giũa.

Trong quá trình học, Hồ Thu đã gặp chàng sinh viên Hoài Huệ, trở thành một cặp trai tài, gái sắc cùng đồng cam cộng khổ dìu nhau đi đến bến bờ thành công của nghệ thuật, cũng như hạnh phúc trong đời.  

2. Hơn trăm vai chính trong ngót 40 năm làm nghề, có thể nói vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu đã trải qua khá nhiều ngóc ngách của số phận, cuộc đời tâm trạng và tính cách. Xem họ diễn, nhiều người khen họ diễn "khôn", tức là biết tiết chế những dồn nén để tạo bùng vỡ về cảm xúc những cao trào trong tiếp nhận nghệ thuật của công chúng. Các nhân vật do vậy không phô diễn bề ngoài hời hợt mà sống động, sâu sắc, tạo nên giá trị mỹ cảm. Từ cổ điển lịch sử, dã sử đến hiện đại, đề tài dân tộc hay chuyển thể từ nước ngoài, vai diễn nào, cuộc hóa thân nào cũng được đôi vợ chồng nghệ sĩ đất Võ thể hiện sống động, có sức lan tỏa, ấn tượng trong công chúng.

Sở trường của NSND Hoài Huệ là những vai bi kịch, bi hùng. Và trong vùng đắc địa của mình, anh rất mạnh ở những vai diễn có tầm vóc, có địa vị quảng bá những nhân vật của đỉnh cao quyền lực và uy vũ. Có thể kể những vai diễn tiêu biểu: Vạn Lịch vở "Đồng tiền Vạn Lịch", Chế Mân vở "Huyền Trân công chúa", Nguyễn Huệ vở "Anh hùng với giai nhân", Rạng vở "Biển và tôi", Hồ Quý Ly vở "Nhìn lại một vương triều", Võ Tánh vở "Khúc ca bi tráng"...

NSND Hồ Thu có thế mạnh nổi trội trong việc thể hiện những vai đào bi như Ngọc Hân vở "Anh hùng với giai nhân", Huyền Trân vở "Huyền Trân công chúa", Ngọc Du vở "Khúc ca bi tráng", Dịu vở "Thời con gái đã xa"... Với niềm đam mê khám phá, sự khát khao sáng tạo, chị cũng thành công với những vai diễn khó, đầy mạnh mẽ và cá tính. Đây là điều rất khó, bởi lẽ dạng vai đào bi là những nhân vật có tính cách nhẹ nhàng gắn với những tiểu thư khuê các, còn vai cá tính là những nhân vật có tính cách mạnh mẽ thường là những con người ăn chơi, nghịch ngợm, thậm chí có chút sa đọa.

Khi xem chị thể hiện vai thằng nhỏ trong vở "Đứa con tôi" tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003, ngay cả nhà viết kịch Lê Duy Hạnh phải thốt lên rằng: "Hồ Thu là đào thương (bi) mà không ngờ vào vai này lại tốt, lại đột phá đến thế". Và năm đó, vai diễn này cũng mang về cho chị tấm Huy chương vàng.

NSND Hoài Huệ trong vai Vạn Lịch vở "Đồng tiền Vạn Lịch".

Trong hành trình nghệ thuật, vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu đã trải qua nhiều thăng trầm. Chỉ riêng trong việc đi diễn, tất nhiên nhà phải đóng cửa, con cái đành phải gửi ông bà, rồi cả khó khăn về vật chất… Thế nhưng, vì cùng nghề nên họ cũng đồng cảm, tôn trọng nhau hơn…

"Khoảng thời gian đầu khi mới sinh con thật sự rất vất vả, nhưng tình yêu nghề là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì và cố gắng. Bởi vậy, cứ bôn ba say mê với nghề nên giờ hai vợ chồng có mỗi một cậu con trai, nhiều khi chột dạ cũng buồn nhưng nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình cũng vui cười chấp nhận", NSND Hồ Thu tâm sự.

Nối tiếp tổ nghiệp, giờ đây đôi vợ chồng nghệ sĩ đất Võ này đã và đang nhận trách nhiệm truyền lại những gì mình có cho thế hệ nghệ sĩ kế tiếp. Hiện tại, họ đang tích cực cộng tác với Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định và trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tham gia giảng dạy các lớp trung cấp, đại học chuyên ngành dân ca kịch bài chòi tại Bình Định, Khánh Hòa…

Vợ chồng NSND Hoài Huệ (sinh năm 1962) - NSND Hồ Thu (sinh năm 1963) cùng sinh ra ở Bình Định. Ngay từ khi mới học năm thứ 2 của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, vì Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định thiếu diễn viên nên cặp đào kép Hoài Huệ - Hồ Thu được chọn về bổ sung lực lượng.

Cũng từ đó, họ là đôi bạn diễn ăn ý nhất của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. Nếu Hoài Huệ là chàng hoàng tử Kha Láp đa tình thì Hồ Thu sẽ là nàng công chúa Tô Lan xinh đẹp; nếu Hoài Huệ là Chế Mân thì Hồ Thu sẽ là Huyền Trân công chúa; nếu Hoài Huệ xuất sắc trong vai Quang Trung thì Hồ Thu sẽ là nàng Ngọc Hân chung thủy; nếu Hoài Huệ là Võ Tánh thì Hồ Thu sẽ là Ngọc Chu...

Với tài năng của mình, đôi vợ chồng nghệ sĩ này đã nhận hàng chục Huy chương vàng tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2012, Hoài Huệ được phong tặng danh hiệu NSND. 3 năm sau, người bạn đời của anh cũng được vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.

Phan Nhuận Phin
.
.